Những thách thức cho đồng thuận xã hội ở Việt Nam

Đa dạng là một trong những đặc điểm quan trọng của xã hội hiện đại, nhất là xã hội đô thị, bởi ở đó có sự tồn tại của những cộng đồng, nhóm người có những khác biệt về dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, học vấn, mức sống…

Những thách thức cho đồng thuận xã hội ở Việt Nam

Chính sự đa dạng này dẫn đến những khác biệt của các chủ thể (tổ chức, lực lượng xã hội, cộng đồng) về nhận thức, quan điểm, cách tiếp cận và cách hành xử đối với các hiện tượng, sự kiện và tiến trình xã hội. Những vấn đề hệ trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, đến các chính sách, đụng chạm đến nhiều người trong cộng đồng – vì thế – càng không dễ tìm được ngay tiếng nói thống nhất mà trái lại, dễ có mâu thuẫn, xung đột.

Chính trong những điều kiện đó, tìm kiếm sự đồng thuận của cả xã hội trước những vấn đề chung của cộng đồng trở nên cần thiết.

Để đạt được sự đồng thuận, người ta thường đề cập đến những nguyên tắc, như phải có chung một mục đích hướng đến và giá trị cùng chia sẻ; quyền lợi của các bên phải đảm bảo được tôn trọng; minh bạch, công khai, thiện chí và cởi mở trong đối thoại…

Giữa các chủ thể xã hội khác nhau luôn có sự khác nhau về phương cách, giải pháp, kỹ thuật tiến hành cho cùng một vấn đề. Tìm kiếm sự đồng thuận chính là tìm ra mục đích chung của vấn đề đó, dù vẫn có thể có những phương cách tiến hành khác nhau. Khi có mục đích chung cùng chia sẻ, cùng hướng đến, mọi người sẽ có thể ngồi lại được với nhau. Nếu theo dõi các cuộc tranh cử ở các nước, như ở Mỹ chẳng hạn, có thể nhận thấy rõ điều này. Khi còn đang tranh cử, các ứng viên đứng đối lập nhau, tranh luận nảy lửa, thậm chí xung đột nhau về quan điểm; nhưng khi kết quả cuối cùng được công bố, những người thất cử chấp nhận tuyên bố thua cuộc và đề nghị các công dân đã từng ủng hộ họ quay sang ủng hộ tổng thống mới. Vì cả cộng đồng đều có chung một mục đích là bất luận trong trường hợp nào, bất kể ai làm tổng thống cũng đều phải làm cho đất nước Mỹ ngày thêm giàu mạnh, an toàn nhất. Những bài phát biểu cuối cùng trước cử tri của các ứng viên thất cử ở Mỹ sau các đợt tranh cử, đều chứng tỏ tinh thần đồng thuận của họ trước các giá trị chung của đất nước, dân tộc họ.

Sẽ không thể có sự đồng thuận nếu các chủ thể xã hội chỉ chăm chăm tìm cách thâu tóm, vun vén quyền lợi cho riêng nhóm mình, cộng đồng nhỏ của mình. Vài năm gần đây, ở nước ta mọi người hay nhắc đến cụm từ “lợi ích nhóm” khi đề cập đến những chính sách, chủ trương hay quyết định nào đó ra đời chỉ tạo điều kiện hay xuất phát từ lợi ích của một nhóm người, một liên minh hay địa phương nào đó mà không quan tâm đến quyền và lợi ích của những nhóm người khác, liên minh, cộng đồng khác, nhất là không chú ý đến lợi ích chung của cả quốc gia.

Trong quá trình xây dựng và triển khai một chính sách dân sinh liên quan đến nhiều người thường nảy sinh những khúc mắc, khó khăn khách quan ngoài dự tính. Để tháo gỡ điều đó, một trong số nhiều phương cách là cần sự đối thoại chân thành, thiện chí. Mọi sự trí trá, lèo lái, trịch thượng đều không dẫn đến sự đồng thuận. Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hiện nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ khó và có thể không bao giờ tìm được sự đồng thuận nếu một bên cứ hành xử theo kiểu “lấy thịt đè người”, “cả vú lấp miệng em”.

Ngoài ra, muốn tìm được sự đồng thuận, càng không nên có sự mờ ám, giấu giếm hay thiếu tin tưởng nhau giữa các chủ thể xã hội, bởi như vậy thì không thể tìm được tiếng nói chung. Sự đồng thuận chỉ có thể có được và trở thành sức mạnh khi mọi người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội được biết tường tận ý nghĩa của sự hy sinh cũng như lợi ích (nếu có) mà họ có thể nhận được.

Ở Singapore, như ông Lý Quang Diệu tổng kết, một trong các nguyên nhân dẫn đến sự thành công về nhiều mặt của đảo quốc, này chính là nhờ có sự đồng thuận của mọi tầng lớp xã hội trước các vấn đề đại sự của quốc gia. Nước ta đang chuyển đổi từ thiết chế tập trung, kế hoạch hoá sang phân quyền, phân cấp và gia tăng sự tham gia của người dân cũng như các chủ thể đại diện cho các thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội vào các vấn đề chung của đất nước. Do vậy, đồng thuận xã hội càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa.

Khái niệm đồng thuận xã hội (consensus) xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn mười năm nay, nhưng do nhiều yếu tố khác nhau nên chưa trở thành một định chế trong quản lý hay một thói quen trong quan hệ, nhất là quan hệ giữa các tổ chức và nhóm xã hội. Đồng thuận không phải là sự đồng nhất, nhất trí cao trong xã hội tập trung hoá quyền lực – mọi thành viên xã hội chỉ việc chấp nhận những kế hoạch, chương trình theo kiểu từ trên giội xuống trên (top-down), cũng không phải là sự bằng lòng, thoả hiệp trong mối quan hệ “dĩ hoà vi quý” của xã hội nông nghiệp lạc hậu. Đồng thuận xã hội là sản phẩm của xã hội đa dạng, dân chủ và hiện đại. Nó là một trạng thái xã hội phản ánh sự đồng ý chung về một vấn đề gì đó, đồng thời phản ánh sự nhân nhượng có nguyên tắc và có điều kiện của xã hội phát triển giữa các chủ thể đại diện cho các lực lượng, giai cấp xã hội khác nhau trong xã hội.

Theo TS NGUYỄN MINH HÒA / SÀI GÒN TIẾP THỊ (2012)

Tags: ,