Những sự giằng xé trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc, theo đó Trung Quốc cần phải quan sát thế giới, giữ vị trí của mình, bình tĩnh đối phó với các vấn đề đối ngoại, che giấu khả năng của mình và tranh thủ thời gian, náu mình và không bao giờ đòi hỏi quyền lãnh đạo.

Những nguyên lý cơ bản này vẫn là cốt lõi của chính sách đối ngoại Trung Quốc, cũng như là phương châm cho hành động hoặc sự biện minh cho việc không hành động. Tuy nhiên, môi trường khu vực và trong nước của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể so với những ngày đầu của cuộc cải cách của Đặng, và sự bành trường kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã bỏ qua lời răn “giấu mình chờ thời” của Đặng.

Bắc Kinh hiểu rằng, chỉ thông qua một chính sách chủ động hơn, Trung Quốc mới có thể mở rộng từ một cường quốc lục địa đơn thuần thành một cường quốc biển và định hình lại khu vực một cách có lợi cho lợi ích an ninh của họ. Nếu không được làm như vậy, điều đó có thể cho phép các nước khác trong khu vực và các đồng minh của họ, cụ thể là Hoa Kỳ, kiềm chế hoặc thậm chí đe dọa các tham vọng của Trung Quốc.

Ít nhất có 4 yếu tố của các chính sách của Đặng đang bị tranh cãi hoặc thay đổi: sự chuyển đổi từ không can thiệp sang dính líu một cách sáng tạo; sự chuyển đổi từ ngoại giao song phương sang ngoại giao đa phương; sự chuyển đổi từ ngoại giao có tính phản ứng sang ngoại giao phòng ngừa; và chuyển từ nguyên tắc không liên kết cứng nhắc sang hướng các bán liên minh.

Sự dính líu sáng tạo được mô tả như là một cách để Trung Quốc chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích của họ ở nước ngoài bằng cách tham gia nhiều hơn vào chính trị đối nội của các nước khác – một sự thay đổi từ không can thiệp đến một cái gì đó linh hoạt hơn. Trung Quốc đã sử dụng tiền và các công cụ khác để định hình diễn biến trong nước ở các nước khác trong quá khứ, nhưng một sự thay đổi chính thức trong chính sách sẽ đòi hỏi phải có sự dính líu sâu hơn của Trung Quốc vào các vấn đề sở tại. Tuy nhiên, điều này sẽ làm suy yếu các nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng rằng, đó chỉ là chuyện một quốc gia đang phát triển giúp các nước đang phát triển khác đối phó với chủ nghĩa đế quốc và sự bá quyền phương Tây. Sự thay đổi trong nhận thức có thể làm xói mòn một số lợi thế của Trung Quốc trong việc đối phó với các nước đang phát triển vì lợi thế đó dựa trên cam kết không can thiệp chính trị để đối lại những chào mời cung cấp công nghệ tốt hơn hoặc các nguồn lực phát triển nhiều hơn đi kèm với những yêu cầu thay đổi chính trị từ phương Tây.

Trung Quốc từ lâu đã dựa vào quan hệ song phương như là phương pháp ưa thích của họ để dàn xếp lợi ích của họ về mặt quốc tế. Khi Trung Quốc đã hoạt động trong một diễn đàn đa phương, họ thường định hình các diễn biến bằng cách trở thành một kẻ phá rối chứ không phải là một người lãnh đạo. Ví dụ, Trung Quốc có thể ngăn chặn các biện pháp trừng phạt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng hiếm khi đưa ra được một con đường khác cho cộng đồng quốc tế đi theo. Đặc biệt là trong suốt những năm 1990, Bắc Kinh sợ rằng, vị trí tương đối yếu của họ khiến họ giành được ít lợi ích từ các diễn đàn đa phương mà còn đặt Trung Quốc dưới ảnh hưởng của các thành viên mạnh mẽ hơn. Nhưng sức mạnh kinh tế gia tăng của Trung Quốc đã làm thay đổi phương trình này.

Trung Quốc đang theo đuổi các mối quan hệ đa phương hơn như là một cách để bảo đảm quyền lợi của mình thông qua các nhóm nước lớn hơn. Mối quan hệ của Trung Quốc với ASEAN, sự tham gia của họ vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và theo đuổi các hội nghị thượng đỉnh ba bên tất cả đều là nhằm giúp Bắc Kinh tác động đến phương hướng chính sách của các khối này. Bằng cách chuyển sang cách tiếp cận đa phương, Trung Quốc có thể làm cho một số trong những quốc gia yếu hơn cảm thấy an toàn hơn và do đó ngăn cản họ chuyển sang cầu cứu sự ủng hộ của Mỹ.

Theo truyền thống, Trung Quốc có chính sách đối ngoại tương đối thụ động khi đối phó với các các cuộc khủng hoảng khi chúng xuất hiện, nhưng thường không thể nhận biết hoặc hành động để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trước khi chúng xảy ra. Ở những nơi mà Bắc Kinh tìm kiếm khả năng tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, họ thường bị bất ngờ trước những thay đổi tình hình sở tại và không có sẵn chiến lược phản ứng. (Việc chia cắt của Sudan và Nam Sudan là một ví dụ mới đây). Hiện nay, Trung Quốc đang cân nhắc thay đổi chính sách này để tìm cách hiểu rõ hơn các thế lực đằng sau và các vấn đề có thể nổi lên thành cuộc xung đột và hành động một mình hoặc với cộng đồng quốc tế để giải tỏa các tình huống biến động. Tại Biển Đông, điều đó sẽ có nghĩa là minh bạch các yêu sách biển của họ thay vì tiếp tục sử dụng “đường 9 đoạn” mơ hồ, cũng như theo đuổi tích cực hơn các ý tưởng về một cơ chế an ninh châu Á, trong đó Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lãnh đạo tích cực.

Lập trường của Trung Quốc về các liên minh vẫn giữ nguyên như đã được Đặng Tiểu Bình định ra trong những năm 1980: Đó là Trung Quốc không tham gia các cấu trúc liên minh nhằm chống lại các nước thứ ba. Điều đó vừa cho phép Trung Quốc giữ vững quan điểm đối ngoại độc lập vừa tránh được những vướng mắc quốc tế do liên minh của họ với các quốc gia khác. Ví dụ, các kế hoạch của Trung Quốc nhằm chiếm lại Đài Loan đã bị dẹp bỏ bởi sự tham gia của Trung Quốc vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, và từ đó khiến quan hệ với Mỹ bị đẩy lùi hàng thập kỷ. Sự sụp đổ của hệ thống chiến tranh lạnh và sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã khiến họ phải xem xét lại chính sách này. Bắc Kinh đã thận trọng theo dõi khi NATO mở rộng về phía đông và Mỹ tăng cường các liên minh quân sự của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách không liên minh của Bắc Kinh khiến Trung Quốc có khả năng phải đơn độc đối mặt với các nhóm nước này, điều mà Trung Quốc không có cả sức mạnh quân sự lẫn kinh tế để đối phó có hiệu quả.

Cơ cấu bán liên minh được đề xuất được thiết kế nhằm khắc phục nhược điểm này mà không khiến Trung Quốc phải chịu ơn các đối tác bán liên minh của mình. Việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ đối tác chiến lược (thậm chí cả với các quốc gia mà bề ngoài là đối thủ của Trung Quốc) và các cuộc diễn tập quân sự và cứu trợ thảm họa nhân đạo gia tăng với các quốc gia khác là một phần của chiến lược này. Chiến lược này không hẳn là xây dựng một cơ cấu liên minh chống lại Mỹ mà là phá vỡ các cấu trúc liên minh có thể được xây dựng nhằm chống lại Trung Quốc bằng cách xích lại gần hơn các đối tác truyền thống của Mỹ, làm cho họ do dự hơn trong việc có những hành động mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Trong chiến lược biển của mình, Bắc Kinh đang làm việc cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong các hoạt động chống cướp biển, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trao đổi hải quân và mời chào thực hiện các cuộc tập trận và diễn tập chung.

Thế giới của Trung Quốc đang thay đổi. Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách một đại cường kinh tế buộc Bắc Kinh phải tư duy lại chính sách đối ngoại truyền thống của mình. Ở gần Trung Quốc nhất, vấn đề Biển Đông là một mô hình thu nhỏ của cuộc tranh luận rộng lớn hơn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Sự mơ hồ trong yêu sách biển của Trung Quốc là hữu dụng khi khu vực yên tĩnh, nhưng nó không còn đáp ứng các mục đích của Trung Quốc, và cùng với việc bành trướng tự nhiên lợi ích biển hàng hải của Trung Quốc và hoạt động hải quân, nó làm căng thẳng thêm trầm trọng. Các công cụ chính sách cũ như cố gắng để giữ tất cả các cuộc đàm phán đều chỉ là song phương hay tuyên bố quan điểm không can thiệp không còn đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Chính sách hợp tác phát triển (khai thác) kế thừa từ Đặng đã không thể mang lại bất kỳ sự hợp tác đáng kể nào với các nước láng giềng ở Biển Đông, và việc khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” giữa các hồ sơ hiệp ước biển của Liên Hợp Quốc đồng thời làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa trong nước, cũng như các phản ứng của các nước láng giềng.

Mặc dù sự thiếu rõ ràng về chính sách biển, Trung Quốc đã thể hiện ý đồ của họ tiếp tục củng cố các yêu sách của họ dựa trên “đường 9 đoạn”. Bắc Kinh thấy rằng, những thay đổi về chính sách là cần thiết, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào cũng có những hậu quả đi cùng của nó. Con đường thay đổi chứa đầy nguy hiểm, từ các thành phần bất mãn trong nước cho đến những phản ứng mạnh mẽ từ các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay đổi đang xảy ra một cách có chủ định và đương nhiên, và việc cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại diễn ra như thế nào sẽ có hậu quả lâu dài như thế nào đối với chiến lược biển của Trung Quốc và vị thế quốc tế của họ nói chung.

Theo VIETNAMDEFENCE.COM / STRATFOR

Tags: ,