⠀
Những kiệt tác văn học về nỗi cô đơn
Nỗi cô đơn có thể là điều ám ảnh với nhiều người nhưng nó lại là một “đề tài vàng” trong văn học, giúp rất nhiều nhà văn xây dựng nên những kiệt tác triệu người say mê.
Jane Eyre – Charlotte Bronte: Ngay khi ra mắt vào năm 1847, quyển tiểu thuyết này ngay lập tức làm chấn động nền văn đàn nước Anh và nhanh chóng được yêu thích trên toàn thế giới. Tâm điểm khiến tác phẩm nhận được sự đồng cảm của nhiều độc giả chính là số phận cô đơn, nghiệt ngã của nữ nhân vật chính Jane Eyre. Từ khi sinh ra, lớn lên, đi học cho đến khi trưởng thành, vào đời, yêu đời, Jane Eyre rất hiếm khi nào có được hạnh phúc thật sự.
Cô luôn bị trói buộc bởi những bất công của xã hội và luôn phải chống chọi với nỗi cô đơn, tủi nhục ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, điều đáng mừng là Jane Eyre vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc. Sự cô đơn càng khủng khiếp, Jane Eyre lại càng mạnh mẽ, và điều đó mang tới cho cô cái kết hạnh phúc, dù hơi muộn màng, ở cuối quyển sách.
The Solitude of Prime Numbers – Paolo Giordano: The Solitude of Prime Numbers (Nỗi cô đơn của các số nguyên tố) là quyển sách đầu tay của nam nhà văn người Ý – Paolo Giordano, phát hành năm 2008. Việc khắc hoạ nỗi cô đơn của hai nhân vật chính Mattia và Alice một cách tinh tế, cô đọng, súc tích của Paolo Giordano mang đến sự đồng cảm ở nhiều khán giả.
Thế giới nội tâm của những người lạc loài về tính cách trong xã hội được phản ánh rất chân thực, độc đáo và cũng đầy khắc nghiệt trong tiểu thuyết. Ngay sau khi phát hành, The Solitude of Prime Numbers thắng giải thưởng lớn Strega Prize. Cuốn sách được đạo diễn Saverio Costanzo chuyển thể thành phim vào năm 2010.
A Single Man – Christopher Isherwood: Trong sự nghiệp hơn 50 năm cầm bút, nhà văn người Anh Christopher Isherwood đã viết ra hơn 30 quyển tiểu thuyết về nhiều đề tài khác nhau. Nhưng có thể nói, A Single Man (Người cô độc) là tác phẩm tiêu biểu và được biết đến nhiều nhất. A Single Man là câu chuyện khá ngắn gọn về George, một giáo sư người Anh. George đồng tính. Khi người bạn tri kỷ từng 16 năm chung sống với ông qua đời, George không còn tha thiết sống và có ý định tự sát.
Nội dung cuốn sách chỉ xoay quanh thời gian trong vòng 1 ngày, nhưng lại khắc họa thành công và vô cùng chân xác nỗi cô đơn của người đàn ông vừa mất đi bạn đời. Với văn phong giản dị, hàm súc, A Single Man khiến bất cứ trái tim sắt đá nào cũng phải rơi nước mắt.
Norwegian Wood – Haruki Murakami: Chủ đề về nỗi cô đơn của người trẻ luôn hiện diện trong văn chương của Haruki Murakami, và Norwegian Wood (Rừng Na Uy) là một ví dụ điển hình. Trong tiểu thuyết này, ngoài việc chống chọi với nỗi cô đơn, nhân vật chính Toru Watanabe còn phải đương đầu với nhiều vấn đề khác của tuổi trẻ. Tất cả đều gợi lên sự hoang mang, u buồn, và đôi khi bế tắc đến tuyệt vọng…
Cái hay của Haruki Murakami là đã đẩy nỗi cô đơn lên đến tận cùng khiến nhân vật của mình phải hành động để dập tắt nó, hoặc bị chìm xuống đáy của những đau khổ. Và cho dù lựa chọn của nhân vật có là gì, nó vẫn để lại những nỗi ám ảnh khôn xiết cho người xem.
One Hundred Years of Solitude – Gabriel Garcia Marquez: Nếu thiếu đi One Hundred Years of Solitude, tức Trăm năm cô đơn, danh sách những kiệt tác về chủ đề này chắc hẳn sẽ không thể nào trọn vẹn. Nhà văn Gabriel Garcia Marquez thành công vượt bậc khi không chỉ miêu tả nỗi cô đơn cá nhân qua các nhân vật phi thường, dị thường, quái dị mà còn khái quát được sự cô đơn của cả gia tộc, cả ngôi làng trong suốt một thời gian dài…
Hơn 60 nhân vật cả chính lẫn phụ trong Trăm năm cô đơn đều có cá tính và những nỗi trăn trở riêng, khiến bất cứ ai đọc được kiệt tác này đều có thể soi chiếu vào và thấy được hình ảnh của riêng mình. Sự cô đơn trong tiểu thuyết này giống như một thứ tài sản thừa kế được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Văn học, Sự cô đơn