Những khác biệt giữa hai mô hình chủ nghĩa xã hội: Trung Quốc và Cuba

Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội đang là tâm điểm trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia. Đối với các nước phát triển theo mô hình CNXH, giải quyết tốt mối quan hệ này chính là mục tiêu quan trọng, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Trên con đường xây dựng xã hội XHCN, các nước đã thực hiện mục tiêu này theo những cách khác nhau. Trung Quốc và Cuba điển hình cho hai mô hình khác nhau khi giải quyết bài toán này.

Những khác biệt giữa hai mô hình chủ nghĩa xã hội: Trung Quốc và Cuba

Bài viết của PGS-TS Đỗ Thị Thạch, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5/2018

1. Mô hình ưu tiên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc

Trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc xácđịnh: thực hiện chính sách ưu tiên hiệu quả, quan tâm đến công bằng.

Ngay khi tiến hành cải cách ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bìnhđã khẳng định chủ nghĩa Mác gắn liền với tầm quan trọng cao độ của việc phát triển các lực lượng sản xuất. Để thực hiện được nguyên tắc làm theo năng lực,hưởng theo nhu cầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn đầu (CNXH) là phát triển các lực lượng sản xuất. Tính ưu việt của chế độ XHCNđược chứng tỏ chỉ khi lực lượng sản xuấtphát triển nhanh hơn và mạnh mẽhơn so với chế độ tư bản chủ nghĩa. Khi đó, đời sống văn hóa và vật chất của nhân dân sẽ được cải thiện. CNXH có nghĩa là xóa bỏ nghèo khó. Sự bần cùng không phải là CNXH, càng không phải là chủ nghĩa cộng sản. Từ đó, Đặng Tiểu Bìnhđã nêu chủ trương “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”, “bốn nguyên tắc cơ bản”, “cải cách mở cửa”… mở ra con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Bướcvào cải cách năm 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Phải kiên trì giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất xã hội là nhiệm vụ căn bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Cần kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm…”(1).

Đến những năm đầu thế kỷ XXI, Giang Trạch Dân đưa ralý thuyết “ba đại diện”, theo đó, lần đầu tiên đặt vấn đề thay quan điểm “Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho quan hệ sản xuất tiên tiến” trước đây bằng quan điểm “đại diện cho yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến”. Từ đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương mở rộng cơ sở xã hội của Đảng bằng cách kết nạp những cá nhân tiên tiến trong các “giai tầng xã hội mới” (trong đó có tầng lớp chủ doanh nghiệp tư nhân)vào Đảng.

Với quan điểm đó, Trung Quốc luôn ưu tiên phát triển kinh tế, thực hiệnchính sách cho phép một số vùng, một số người giàu trước; khuyến khích những người giàu trước giúp đỡ người giàu sau, cuối cùng thực hiện xã hội cùng giàu có. Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “…khuyến khích một bộ phận khu vực và một bộ phận nhân dân giàu lên trước, từng bước xóa nghèo khó, đạt được cùng giàu có, trên cơ sở phát triển sản xuất và tăng trưởng của cải của xã hội…”(2).

Năm 2007, sau gần 30 năm thực hiện công cuộc cải cách, GDP của Trung Quốc đã tăng 15 lần, sản xuất công nghiệp tăng hơn 20 lần; kim ngạch thương mại tăng hơn 100 lần; hoàn thành công nghiệp hóa, biến Trung Quốc từ một “công xưởng của thế giới” thành một “nhà máy của tri thức”(3).

Trong thời kỳ thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tuy giảm, song vẫn dẫn đầu thế giới. Năm 2009, GDP tăng 9,2%; năm 2010 – 10,3%; năm 2011 – 9,2%; năm 2012 – 7,6%; năm 2013 – 7,6% và năm 2014 – 7,4%, đạt 10.500 tỷ USD. Sức mua tương đương (PPP) của người Trung Quốc thậm chí còn nhỉnh hơn so với người Mỹ. Bước vào thế kỷ XXI, kinh tế Trung Quốc chỉ xếp ở vị trí thứ sáu thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp), nhưng đến năm 2010 đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Dự trữ vàng và ngoại hối của Trung Quốc năm 2014 đạt hơn 4000 tỷ USD; kim ngạch thương mại cũng đạt hơn 4000 tỷ USD. Công nghiệp sản xuất ô tô tăng với “tốc độ như vũ bão”: Năm 1978 (trước khi cải cách), sản lượng ô tô của Trung Quốc chỉ đạt 149 nghìn xe/năm, nhưng đến giai đoạn 2010 – 2011, mỗi năm nước này đã có thể xuất xưởng 18 triệu xe, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Năm 2012, sản lượng ô tô tăng lên 19 triệu 300 nghìn xe. Năm 2013 đạt 20 triệu xe và năm 2014 lên đến 22 triệu xe(4).

2. Mô hình ưu tiên công bằng xã hội của Cuba

Trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, Cuba luôn giành ưu tiên cho mục tiêu công bằng xã hội; tăng năng suất cũng là nhằm tăng của cải vật chất cho sự phân phối công bằng. Cuba luôn bảo đảm quyền lao động, quyền được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cho mọi công dân, bảo đảm trình độ giáo dục tối thiểu và quyền có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cung cấp dịch vụ trợ cấp, chăm sóc cho những người không nơi nương tựa; tất cả những người tham gia lao động đều được hệ thống an sinh xã hội bảo trợ, bất kể về hình thức sở hữu hay quản lý. Trong những lúc kinh tế khó khăn nhất, Chính phủ Cuba vẫn khẳng định: “quyết không để cho một ai phải lang thang ngoài đường kiếm sống”(5).

Nhờ những chính sách trên, hơn 50 năm qua, ngành giáo dục và y tế Cuba đã có những bước tiến vượt bậc về số lượng và chất lượng, được nhiều nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau khi cách mạng thành công (1959), từ một quốc gia có tới 30% số dân không biết đọc, biết viết, ngày nay, Cuba đã trở thành điểm sáng về giáo dục ở khu vực và thế giới với tỷ lệ người mù chữ chỉ còn 0,2% trên tổng số 11,2 triệu dân. Giáo dục ở Cuba là hoàn toàn miễn phí và 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Ngay từ năm 2000, Cuba đã được UNESCO công nhận là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh hoàn thành chỉ tiêu chương trình “Giáo dục cho mọi người” và đứng thứ 23 thế giới về thành tích giáo dục. Chính phủ Cuba luôn ưu tiên phát triển giáo dục với ngân sách đầu tư chiếm tới 13,8% GDP, trong khi ở nhiều nước Mỹ Latinh, tỷ lệ này chỉ khoảng 5%. Hiện nay, Cuba đang tiến hành cách mạng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo ở các bậc học và thực hiện nhiều biện pháp cải tiến giảng dạy và học tập ở bậc trung học cơ sở. Nhờ đó, nhiều trường đại học của Cuba có uy tín cao trên thế giới; được nhiều sinh viên nước ngoài theo học như các trường Y, Dược. Với 10 nghìn tiến sĩ và 45 nghìn thạc sĩ, Cuba là một trong những nước đứng đầu khu vực Mỹ Latinh và Caribê về đào tạo sau đại học. Trung bình mỗi năm có khoảng 500 người nhận bằng tiến sĩ và thạc sĩ tại nước này(6).

Cùng với giáo dục, thành tựu y tế của Cuba cũng rất đáng tự hào. Nhờ có định hướng đúng đắn và chính sách ưu tiên phát triển y tế của Đảng và Nhà nước, từ năm 1959 đến nay, Cuba đã đào tạo được hơn 75 nghìn bác sĩ trong đó hơn 60 nghìn bác sĩ có bằng thạc sĩ. Hệ thống y tế và mạng lưới các trường Y, Dược không ngừng được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa. Cuba hiện có hơn 300 bệnh viện, 12 viện nghiên cứu y tế, nhiều trung tâm dưỡng lão và hơn 20 trường đại học với tỷ lệ bình quân một bác sĩ cho khoảng 150 người, một tỷ lệ cao trên thế giới. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng Chính phủ Cuba vẫn không ngừng cải thiện điều kiện an sinh xã hội, mọi dịch vụ y tế đều được miễn phí(7).

Chủ trương cải cách kinh tế gắn liền với ổn định xã hội còn thể hiện trong cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Cuba. Quá trình này khiến cho nhiều công nhân mất việc; và để bảo đảm cuộc sống cho họ, Chính phủ đã quy định: “những công nhân mất việc được hưởng 60% lương gốc trong 4 năm và khi họ kiếm được việc làm thì mức lương mới không được thấp hơn 80% lương gốc của họ trước đây”(8). Có thể coi đây là một kỳ tích, một điều rất đặc biệt trong quá trình cải cách kinh tế của Cộng hòa Cuba, mặc dù nó có những hạn chế nhất định.

3. Những khiếm khuyết của hai mô hình và sự điều chỉnh trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội của Trung Quốc và Cuba

Với chính sách khuyến khích một bộ phận dân cư, một số khu vực giàu có trước, kinh tế Trung Quốc đã đạt tăng trưởng liên tục nhưng mặt trái của tăng trưởng nóng là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc. Báo cáo của Đại học Bắc Kinh đã đưa ra những con số đáng báo động như: 1% các gia đình giàu có nhất sở hữu tới hơn 1/3 giá trị tài sản của toàn bộ đất nước(9). Tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) cũng đăng tải một nghiên cứu cho rằng tổng giá trị tài sản của 25% các gia đình nghèo nhất chỉ chiếm 1% toàn xã hội. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do mức tiền lương ở các thành phố và khu vực nông thôn có sự khác biệt quá lớn dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo(10).

Cũng theo tờ Nhân Dân nhật báo , dựa trên số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc tăng nhanh nhất châu Á trong 2 thập kỷ qua. Còn theo Báo cáo của Đại học Bắc Kinh, hệ số phân phối lợi tức (Gini) đối với các hộ gia đình ở Trung Quốc năm 2012 đã vọt lên mức 0,73 (Mức cao nhất trên thang đo chỉ số Gini là 1 – phản ảnh sự bất bình đẳng hoàn toàn. Trong khi đó, con số trong số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc năm 2012 chỉ là 0,474, năm 2015 là 0,462 (11). Tuy hệ số Gini của nước này có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, cao hơn các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Đức, Hàn Quốc, thậm chí còn vượt qua mức cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng do Ngân hàng Thế giới đề ra là 0,4.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có gần 100 triệu nông dân sống trong cảnh nghèo đói. Tại các vùng khó khăn ở nước này, hằng ngày, nhiều trẻ em phải mất hai đến ba giờ để đi tới trường. Các chi phí y tế chiếm 60% mức thu nhập trung bình của người dân tại các vùng nông thôn, do vậy nhiều người đã không thể đi khám bệnh khi ốm đau(12). Cùng với đó, tình trạng công nhân bị sa thải hàng loạt, hiện tượng khan hiếm việc làm ở nông thôn ngày càng gia tăng: tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3% giữa những năm 1990 lên 5% năm 2005, hiện nay lên tới 12 – 13%; số vụ đình công tăng từ 1.909 vụ năm 1994 lên thành 22.600 vụ năm 2003(13).

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã làm cho một số người trở nên giàu có nhanh chóng nhưng bất minh; tình trạng chiếm đoạt đất đai, nhũng nhiễu cửa quyền của hệ thống hành chính quan liêu khiến bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng nhanh.

Nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng bất công xã hội, đồng thời phê phán quan điểm tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế của thập niên 90 thế kỷ XX, Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2002) đã đề ra mục tiêu xây dựng một xã hội “tiểu khang” (khá giả) vào năm 2020. Xã hội “tiểu khang” là một xã hội trong đó sự thịnh vượng kinh tế được chia sẻ tương đối đồng đều cho người dân,sao cho hầu hết mọi người đều trở nên khá giả (thuộc tầng lớp trung lưu) và xã hội ngày một công bằng hơn. Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (2006) tập trung “nghiên cứu xây dựng xã hội hài hòa XHCN”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, “lĩnh vực xã hội” được coi là vấn đề chủ yếu của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương: Một “xã hội hài hòa sẽ tạo ra dân chủ, pháp quyền, công bằng, khí lực và ổn định xã hội”(14). Trung Quốc đã điều chỉnh kết cấu ngành nghề, phát triển hài hòa các vùng theo phương châm: “Phát triển miền Tây, chấn hưng Đông Bắc, miền Trung trỗi dậy, miền Đông đi đầu”(15), nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng, miền vốn đang chênh lệch khá xa.

Những thành tựu bước đầu trong thực hiện công bằng xã hội ở Trung Quốc hiện nay như chính sách việc làm, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo… có được là nhờ quá trình cải cách chế độ phân phối thu nhập. Thực tế là nước này đang thực hiện theo nguyên tắc phân phối hiệu quả và công bằng nhưng nghiêng về công bằng (giai đoạn từ năm 2005 đến nay). Một số biện pháp cải cách chế độ phân phối thu nhập chủ yếu được Trung Quốc đưa ra nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề công bằng xã hội như sau:

Một là, đưa ra 4 trọng điểm cải cách chế độ phân phối thu nhập, trong đó hoàn thiện cơ chế phân phối lần đầu, kiện toàn cơ chế điều tiết tái phân phối, kiện toàn cơ chế tăng nhanh thu nhập cho nông dân hiệu quả,lâu dài, hình thành trật tự phân phối thu nhập công khai,minh bạch và hợp lý.

Hai là, tăng cường sức sống cho nhóm trọng điểm xã hội để thúc đẩy tăng thu nhập cho người dân. Những nhóm trọng điểm được đề cập tới bao gồm:nhóm người có tay nghề cao, nhóm nông dân chuyển đổi ngành nghề, nhóm nhân viên khoa học kỹ thuật, nhà khởi nghiệp nhỏ, nhân viên quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, đôi ngũ cán bộ cơ sở. Đây là những nhóm có tiềm lực tăng thu nhập nhanh và có khả năng lôi kéo,thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm cũng nhưkhông gian thị trường, tạo ra cơ chế và môi trường cạnh tranh công khai, công bằng, dần hình thành bố cục phân phối thu nhập hợp lý, có trật tự.

Ba là, tiếp tục đi sâu cải cách chế độ phân phối thu nhập, trong đó hoàn thiện chế độ phân phối lần đầu, tăng mức độ điều tiết tái phân phối, tạo môi trường và bầu không khí trong lành, nền tảng vững chắc cho cải cách chế độ phân phối thu nhập.

Ngoài ra, một số biện pháp đồng bộ khác cũng được thực hiện nhằm điều chỉnh hợp lý phân phối thu nhập, giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng ở Trung Quốc.

Ở Cuba, bên cạnh các thành tựu đáng ngưỡng mộ về y tế, giáo dục, Cuba phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008 đã tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế nước này, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống vốn là thế mạnh, đem lại nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho Cuba. Cuba vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu trong nước. Năm 2014,ngân sách phục vụ cho hoạt động nhập khẩu nói chung đạtxấp xỉ 14,5 tỷ USD, trong đó chi cho nhập khẩu lương thực khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào một mặt hàngngũ cốc như gạo, ngô, các loại đậu, cà phê, lúa và bột mì… Nhiều ngành sản xuất then chốt của Cuba đãkhông đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng và gặp nhiều khó khăn như mía đường, khai khoáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm, năm 2014 chỉ đạt 1,3%(16). Cuba cũng gặp nhiều vấn đề như: hiệu quả sản xuất thấp, suy giảm đầu tư cho các cơ sở sản xuất và hệ thống hạ tầng, dân số không tăng và già hóa nhanh. Những yếu kém bên trong càng làm cho nền kinh tế khó chốngchọiđược với những tác động từ bên ngoài đồng thời làm nổi cộm hơn những hạn chế của nền kinh tế khi phải đối phó với các vấn đề trước mắt như thâm hụt cán cân thanh toán.

Thực tiễn trên cho thấy việc tìm kiếm biện pháp nhằm giải quyết sự mất cân bằng vĩ mô và bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế đã trở thành vấn đề cấp bách để đất nước Cuba có thể tiếp tục phát triển. Khẳng định điều này, đồng chí Raul Caxtro chỉ rõ: “Trận chiến kinh tế hôm nay, hơn bao giờ hết, đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng cán bộ bởi sự phát triển bền vững và việc bảo vệ vững chắc hệ thống chính trị – xã hội của chúng ta phụ thuộc vào cuộc chiến này”(17). Vì vậy, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba (2011) đãtập trung vào việc xây dựng và thông qua đường lối chính sách kinh tế – xã hội của Đảng.

Đại hội VI nêu rõ tính bất cập của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp và nhu cầu cấp thiết phải thay đổi mô hình này bằng mô hình kinh tế mới có sự tham gia của các thành phần kinh tế phi Nhà nước, sự phân cấp quản lý ngày càng sâu rộng và tính tự chủ ngày càng cao của các doanh nghiệp. Đại hội cũng quyết định đẩy mạnh các biện pháp cải cách kinh tế – xã hội, mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cung cấp tín dụng cho các lao động tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dư thừa trong khu vực Nhà nước, cắt giảm bao cấp (đã bỏ bao cấp đối với một số mặt hàng không thiết yếu), thực hiện chính sách thuế mới và từng bước xóa bỏ chế độ hai đồng tiền…

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba chính là cột mốc định hướng con đường phát triển của Cuba trong giai đoạn mới. Ngay sau Đại hội VI, Cuba đã triển khai và thực hiện Nghị quyết về Đường lối chính sách kinh tế và xã hội – Lộ trình cập nhật hóa mô hình kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế nước này. Cuba tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, nhất là nông nghiệp và công nghiệp nhẹ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, giảm nhập khẩu. Nhà nước cấp phép và tạo điều kiện bước đầu cho các hợp tác xã phi nông nghiệp tự quản và các thành phần kinh tế tự doanh phát triển, đồng thời thay thế một số doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như: ăn uống, vận tải công cộng; tinh giản biên chế nhà nước; ban hành Luật đầu tư nước ngoài; xây dựng Đặc khu phát triển Mariel, nơi có cảng nước sâu duy nhất của Cuba, nhằm biến nơi đây thành điểm thu hút đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Sự điều chỉnh chính sách trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội của Trung Quốc và Cuba đã giúp hai nước này đạt được những thành tựu nhất định. Trung Quốc đã giảm mức chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa cư dân thành thị và nông thôn xuống còn 2,8:1 năm 2016 (năm 2009, tỷ lệ này là 3,3:1). Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm mạnh khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Nhà nước đầu tư ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực dân sinh, mạng lưới an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Nền giáo dục Trung Quốc phát triển công bằng hơn, hướng tới nhất thể hóa thành thị và nông thôn. Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân đến nay đạt trên 95%. Công tác xóa đói giảm nghèo cũng tiến triển tốt, năm 2016, Trung Quốc đầu tư cho các hạng mục xóa đói giảm nghèo trên 100 tỷ NDT(18)…

Trong khi đó, những cải cách về kinh tế cộng với việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận đã thúc đẩy kinh tế Cuba tăng trưởng. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Kinh tế Cuba cho thấy, nền kinh tế “quốc đảo Caribê” tăng trưởng khoảng 4% năm 2015, tăng mạnh so mức dự báo 2,3% đưa ra trước đó. Xuất khẩu chất xám (y tế, giáo dục, thể thao) tiếp tục là ngành mũi nhọn, mang lại cho Cuba khoảng 10-11 tỷ USD/năm. Ngành du lịch đạt kỷ lục trong năm 2017 với khoảng 4,7 triệu khách thăm quan, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; kiều hối cũng đạt mức kỷ lục khoảng 3,4 tỷ USD(19). Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã nâng triển vọng kinh tế của “hòn đảo tự do” từ mức ổn định lên tích cực và cho rằng, nếu xu thế này tiếp tục, bức tranh kinh tế Cuba sẽ còn khởi sắc hơn trong thời gian tới(20).Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu và còn hết sức khiêm tốn. Trong thời gian tới, cả Trung Quốc và Cuba còn cần rất nhiều nỗ lực để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

“CNXH thắng CNTB chính là ở năng suất lao động” (Lenin). Nhưng cái để phân biệt CNXH với CNTB chính là công bằng xã hội. CNXH chỉ chứng tỏ được sự ưu việt của mình khi giải quyết được mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng. Bằng những lời giải khác nhau, cả Trung Quốc và Cuba đều đang nỗ lực trên con đường cùng đi đến mục tiêu chung là xây dựng thắng lợi xã hội XHCN.

————————————

Chú thích:

(1), (2) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.31, 111.
(3), (4)Alexey Vasilyevich Kiva:“Trung Quốc – phiên bản đặc biệt của chủ nghĩa xã hội”, http://nghiencuubiendong.vn.
(5), (8) Thông tấn xã Việt Nam: “Về quá trình cải cách và mở cửa của Cuba”, 12-1-2003.
(6), (7) Những thành tựu giáo dục và y tế nổi bật của Cuba, http://baobaclieu.vn.
(9), (10) http://anninhthudo.vn.
(11) Nguyễn Mai Phương: “Chênh lệch phân phối thu nhập ở Trung Quốc và tác động xã hội”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 10 (194), 2017, tr.19.
(12), (13) Thanh Hằng: “Trung Quốc đang đối mặt với chênh lệch giàu nghèo”, http://vietq.vn.
(14), (15) Phạm Bích Ngọc: “Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 (196), 2017, tr.12.
(16) Bích Diệp: Kinh tế Cuba đang phát triển ra sao,http://fica.vn.
(17) Admi Valhuerdi Cepero: Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba và công cuộc cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba,Tạp chí Lý luận chính trị, số 1/2013.
(18) Nguyễn Thanh Giang: “Tình hình phát triển xã hội Trung Quốc năm 2016 và triển vọng 2017”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc,số 3 (187), tr.16-18.
(19) Hội thảo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Tình hình Cuba và phong trào cánh tả, tiến bộ Mỹ Latinh”, Hà Nội, 2018.
(20) Liên Hà: “Những kỳ vọng cho nền kinh tế Cuba”, http://nhandan.com.vn.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , , ,