⠀
Những hạt ngọc thi ca Triều Tiên đầu thế kỷ 20
Vào những năm đầu thế kỷ 20, văn chương Triều Tiên bắt đầu tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài trong chốn ẩn thân của mình.
Trong khi văn học truyền thống được khuyến khích phát triển chủ yếu dưới những tác động của văn chương Trung Quốc thì ngược lại, văn học hiện đại bắt đầu hình thành với ảnh hưởng từ nền văn học phương Tây, điều này vẫn được cho là bước ngoặc lớn trong văn học nước Hàn. Triều Tiên bắt đầu giao lưu trực tiếp với phương Tây, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên ánh sáng, sau đó phát triển mạnh mẽ từ từ 1980 đến 1910.
Bị thúc giục bởi làn sóng cải cách chính trị và cải cách hệ thống xã hội của thời đại, văn chương Triều Tiên đã sẵn sàng dấn thân vào công cuộc hiện đại hóa dưới ngọn cờ của văn học phong cách mới, bắt đầu với sự đổi mới của Nam Son Ch’oe trong thơ và Kwangsu Yi trong văn xuôi, đó là lý do vì sao hai nhân vật quan trọng này được xem là cha đẻ của văn chương Triều Tiên hiện đại. Họ đóng vai trò như là chất xúc tác trong quá trình hiện đại hóa văn học nước Hàn. Tác phẩm của họ chú trọng nhiều hơn đến chức năng giáo huấn của văn học, họ hướng đến việc tận dụng nghệ thuật như là một phương tiện khai sáng con người và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Văn học Triều Tiên nói chung và thơ ca nói riêng vào trước những năm cuối cùng của thập kỷ 1910 vẫn chưa thực sự phá vỡ được cái vỏ giáo huấn của mình cho đến khi các trào lưu văn học phương Tây tràn vào Triều Tiên gần 1 thế kỷ sau đó.
Xét một cách chặt chẽ hơn có thể cho rằng thơ ca Triều Tiên hiện đại thực sự bắt đầu với Yohan Chu và Ok Kim. Không chịu sự chi phối của thói đạo đức giả trong thơ ca kiểu mới và những tình cảm bồng bột của chủ nghĩa lãng mạn nhạt nhẽo, Chu và Kim đã thành công trong việc tạo ra dấu ấn của riêng mình từ những bài thơ được sáng tác theo kiểu truyền thống của những bài balat dân gian, đây là hai nhà thơ hiện đại của Triều Tiên đã bắt đầu tạo được phong cách của riêng mình
Sau thành công của Yohan Chu và Ok Kim là thành công của hai nhà thơ Tonghwan Kim và Sowol Kim vào giữa thập kỷ 1920. Được đánh giá là nhà thơ xuất sắc nhất của giai đoàn này, Sowo Kim đã vượt xa khỏi cái bóng của người mà mình chịu ơn – Ok Kim – là người thầy và là người cố vấn văn học của ông. Sowo Kim đã khẳng định được tài năng thi ca của mình bằng cách miêu tả kết hợp giữa tình yêu xứ sở với cảm hứng bất tận về con người trong một chuỗi những bài thơ được đánh giá rất cao của ông như Hoa đỗ quyên, Những bông hoa trên núi và Lời cầu khấn. Ông là người đầu tiên của giai đoạn này chú ý đến việc miêu tả thiên nhiên và cũng là người có kiến thức sâu rộng về vấn đề này. Ông ngắm nhìn thiên nhiên không chỉ như là trung tâm của cái đẹp mà còn như là mạch nguồn gợi ra những cảm hứng về cuộc sống.
Bông hoa nở rộ
Trên đồi núi xa
Xuân rồi đến hạ
Và thu đi qua
Hoa kia vẫn nở
Trên đồi núi xa
(Những bông hoa trên núi – Sowo Kim)
Cùng thời với Sowol Kim có Tonghwan Kim, một nhà thơ luôn hồi tưởng về vẻ đẹp của vùng đất đã bị mất chủ quyền. Tonghwan Kim ra đời ở Kyongsong và học đại học Tokyo ở Nhật, suốt những năm chiến tranh ông bị đưa về phía bắc Triều Tiên. Khi con sông tuôn trào và Tuyết đang rơi là những bài thơ đáng chú ý của ông trong giai đoạn này.
Và khi sông đã tuôn trào
Thuyền kia sẽ tới cập vào bến thôi
Tình yêu dịu ngọt của tôi
Cũng theo thuyền ấy nàng thời đến đây
(Khi con sông tuôn trào – Tonghwan Kim)
Yongno Pyon và Tongmyong Kim cũng là những nhà thơ mang tâm trạng tiếc nuối quá khứ như Tonghwan Kim và cũng đã viết nên những bài thơ có giá trị. Tuy nhiên hấu hết những bài thơ ra đời trong thời kỳ này đều có hạn chế về đề tài và lĩnh vực thể hiện, đa số đều tập trung nói về tình cảm. Tongmyong Kim ra đời ở Kangnung và đến học viện Aoyama của Nhật để học thần học. Sự nghiệp của ông trải rộng ở nhiều lĩnh vực như nhà giáo, người biên tập báo chí và là thành viên của quốc hội. Dưới những luật lệ thống trị của Nhật Bản, ông đã bỏ về nông thôn và ở đây ông đã viết trong một nỗi nhớ da diết về vẻ đẹp của đất nước trước khi chúng bị kẻ tàn bạo dày xéo. Tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm Đàn lia của tôi (1930), Cây chuối (1938), Chứng nhân (1955) và Tâm trí tôi (1964)…
Tâm trí tôi là một chiếc lá rơi
Hãy cho chiếc lá tôi nằm lại trong vườn em một khắc
Rồi tôi sẽ từ giã em ra đi trong lặng thầm đơn độc
Khi thêm một lần gió lại thổi lên
(Tâm trí tôi – Tongmyong Kim)
Vào những năm về sau của thập kỷ 1920, Shangwa Yi và Yong’un Han đã mang lại sức vóc mới cho thi ca Triều Tiên bằng sự hợp nhất vào trong thơ chiều sâu siêu hình và cái nhìn thấu đáo vào ý thức con người. Ra đời ở Taegu, Shangwa Yi học tiếng Pháp tại trường đại học dành cho người nước ngoài ở Tokyo, Nhật Bản. Thơ của ông tiêu biểu cho xu hướng lãng mạn của thế kỷ 20. Nếu không kể đến việc dấn thân của Yi vào bên trong sự tăm tối hão huyền của nhục thể và nỗi sầu muộn chán chường thì rõ ràng chính Yi là một nhà thơ hiếm hoi đã biết cách thể hiện được rõ ràng những quan niệm của mình:
Trăng khuya còn mỏng mảnh
Trong như là sợi tơ
Gió bắt đầu lay động
Và dường như bất ngờ
Mùa xuân đang rơi xuống
Từ các vì sao đêm
(Mưa mùa xuân – Shangwa Yi)
Sinh ra ở Hongsong, thuộc tỉnh Chungchong, từ nhỏ đã dành trọn đời mình cho đức phật, Yong’un Han là một trong 33 thành viên ký vào bản tuyên ngôn lịch sử công nhận quyền độc lập tự chủ của Triều Tiên dưới sự kiểm soát thuộc địa của Nhật Bản vào năm 1919. Bản thân là một tu sĩ và cũng là một nhà yêu nước, tên tuổi của Yong’un Han đã trở nên bất tử với một chuỗi những bài thơ tiếng tăm của ông trong tập Sự im lặng của tình yêu (1925), nó là hiện thân của sự phức tạp siêu hình và những nghịch lý trong thân phận con người, theo ông các thể thức của đạo phật cũng chẳng khác gì sự thể hiện của thơ ca. Theo phật giáo bản thể và khách thể có thể được chuyển hóa cho nhau, chỉ cần giữa chúng có tồn tại nghiệp chướng, và cùng với sự lạc mất của mối lương duyên nghiệp chướng thì bản thể và khách thể sẽ cùng diệt vong tại một thời điểm:
Lời thề tình yêu đôi lứa
Tưởng rằng còn mãi muôn đời
Như đóa hoa vàng bất tử
Nay còn là đống tàn tro
Ngọn gió nào mang đi xa
………….
Khi loài người biết yêu nhau
Trong em đã nhiều lo sợ
Sợ rằng ta sẽ chia xa
Vào ngay khi ta gặp gỡ
Cách ngăn đến thật bất ngờ
Tim em thành trăm mảnh vỡ
(Sự im lặng của tình yêu – Yong’un Han)
Vào năm 1910, sau gần 1 thập kỷ đánh mất chính mình, Triều Tiên bắt đầu đứng lên chống lại những luật lệ thuộc địa hà khắc của Nhật, tuy nhiên phong trào độc lập lại mau chóng bị dập tắt bởi bàn tay tàn bạo của kẻ áp bức. Sự thức tỉnh về ý thức dân tộc vừa mới nhen nhóm lại gặp ngay cảm giác về sự mất mát và thất vọng quá mạnh mẽ, và điều này lại mau chóng dìm dân tộc vào lại trong thời kỳ đen tối. Trong màn sương ảm đạm ấy, ý nghĩ thịnh hành của thuyết chủ bại đã đem đến lối thoát cho tâm trạng vỡ mộng và chủ nghĩa bi quan. Đồng thời, giữa cơn lốc hỗn loạn và điêu tàn ấy đã nổi lên một nhóm các nhà thơ cộng sản phương đông, những người đã nhận ra rằng nghệ thuật chỉ là phương tiện đấu tranh chống lại kẻ áp bức. Tuy nhiên những tác phẩm của họ cũng đạt phần nào đạt được những tiêu chuẩn nghệ thuật thẩm mỹ. Giữa không khí xã hội đó, nhà thơ Shanghwa Yi đã rất thành công trong việc diễn đạt về nỗi buồn đau của một quốc gia đang bị đàn áp trong bài thơ Có phải mùa xuân về trên vùng đất đã bị mất đi in trong tập Sanghwa và Sowol (1951)
Có phải mùa xuân đã về trên mảnh đất này không?
Mảnh đất không còn là của chúng tôi
Mảnh đất mà người ta chiếm mất?
Đắm mình trong ánh mặt trời, tôi đi như thể trong một giấc mơ
Dọc theo con đường nhỏ xuyên qua bao đồng lúa như mái tóc xõa tung
Nơi mà bầu trời xanh và những cánh đồng xanh đang hòa quyện vào nhau.
Đến trước đầu những năm 1930, trái tim rộng mở quá mức và tính đa cảm ốm yếu đã dần dần lùi xa bởi sự xuất hiện của thuyết duy lí cùng với những tiếng nói mạnh mẽ của các nhà thơ cộng sản phê phán quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Yongnang Kim, Chiyong Chong và Sok-Chong Shin là những nhà thơ trong số các nhà thơ cuối cùng của giai đoạn này.
Yongchol Park thì lại có sở trường ở việc nêu ra lý luận sáng tác hơn là những tác phẩm văn chương thực thụ. Khi đề cập đến bài thơ Tàu đang cập bến Park có vẻ thích thú với danh hiệu của một nhà phê bình giỏi hơn là một nhà thơ hay. Ông chú ý một cách nghiêm túc đến những thể thức và tính nhạc của ngôn ngữ.
Sinh ở Kanglin, đến học tiếng Anh tại học viện Aoyama Nhật bản, Yongnag Kim thì lại rất thành công trong việc tạo tác giấc mộng – như một bầu khí quyển xuyên qua sự hòa âm giữa cảm giác và âm thanh. Ông quan niệm một cách nghiêm túc rằng thơ ca là một loại hình nghệ thuật biểu hiện cái đẹp của kinh nghiệm. Từ những bài thơ của ông, ngôn ngữ Triều Tiên dường như được khoác lên vẻ đẹp mới, tao nhã và tinh tế:
Này tôi ước mộng vời xa
Đã tan thành bụi theo hoa còn gì
Rồi khi hoa đã ra đi
Là khi tôi chẳng còn gì tháng năm
(Đến khi mẫu đơn khai hoa – Yongnag Kim)
Ở một phương diện khác, thơ Chiyong Chong đã khắc nên được bức tranh truyền thống nổi bật kết hợp với những nét vẽ hiện đại của phương Tây. Sinh ra ở Okchon, Chong học văn học Anh ở đại học Tojisha – Nhật Bản. Suốt trong thế chiến thứ 2 ông dạy học tại một trường trung học và sau chiến tranh ông là giáo sư tiếng Anh tại trường đại học nữ Ehwa. Ông bị buộc phải về miền Bắc Triều Tiên suốt chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Là một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, ông mang những hình ảnh hiện đại và mạnh mẽ hòa trộn với tình yêu bản xứ vào trong thơ Hàn. Tác phẩm chính của ông là Tuyển tập thơ (1935), Hồ Paeknok (1941) và Tinh tuyển thơ (1946)
Qua vùng sa mạc gió bay
Trong lò lửa tắt phủ đầy bụi than
Gối đầu lên cuộn rơm vàng
Cha tôi chợp mắt mơ màng giấc trưa
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
(Vọng cố hương – Chiyong Chong)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương ở Puan, Sokchong Shin theo cha mẹ chuyển đến một ngôi làng hẻo lánh ở vùng nông thôn, nơi đây ông đã trải qua thời thơ ấu không có dấu ấn cai trị của đế quốc Nhật. Gia đình ông trải qua một giai đoạn kiệt quệ, nhưng ông lại có được những nhận thức phong phú về thiên nhiên đang bao bọc xung quanh. Đó là lý do vì sao mà Sokchong Shin lại được nhắc đến như một nhà thơ đồng quê. Tập thơ đầu tiên Ánh sáng ngọn nến của ông đã đưa ông lên vị trí như là một nhà thơ của nơi thôn dã.
Chỉ cần em gọi
Là tôi về đây
Như dòng suối mát
Lượn theo gió bay
Về xa tít tắp
Chân trời xuân phai
(Chỉ cần em gọi – Sokchong Shin)
Nhìn chung, qua một vài bài thơ hiện đại Triều Tiên vào những năm đầu thế kỷ 20, có thể thấy rằng chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Triều Tiên không phải là sự sao chép chính xác từ nguyên mẫu phương Tây. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, mọi sự so sánh về văn học Triều Tiên cần phải được đặt trong bối cảnh văn hóa của đất nước. Sự thật là các nhà thơ Triều Tiên cũng hướng về cái tôi cá nhân và đề cao đời sống cảm xúc riêng tư như những nhà thơ của các nước phương Tây. Tuy nhiên quan niệm lãng mạn về sự hợp nhất giữa con người với tự nhiên lại được các nhà thơ Hàn thêm vào đó một chút dư vị cay đắng xót xa của nỗi ưu tư sầu muộn do tinh thần thời đại tạo nên.
10 BÀI THƠ TRIỀU TIÊN ĐẦU THẾ KỶ XX
1. CHỈ CẦN EM GỌI (SHIN SOKCHONG: 1907-1974)
Khi nào em gọi
Tôi sẽ về ngay
Như chiếc lá quạt
Mãi mê tháng ngày
Cuốn về theo gió
Thu vàng đắm say
Khi nào em gọi
Tôi sẽ về bên
Như vầng trăng nhỏ
Lặng vào trong đêm
Và trên mặt nước
Sương mù lênh đênh
Chỉ cần em gọi
Là tôi về đây
Như dòng suối mát
Lượn theo gió bay
Về xa tít tắp
Chân trời xuân phai
Em ơi hãy gọi
Là tôi sẽ về
Như ngàn tia nắng
Phủ đầy đồng xanh
Như con diệc trắng
Bên trời hát vang
2. ĐẾN KHI MẪU ĐƠN KHAI HOA (KIM YONGNANG: 1903-1950)
Ngồi đây mà đợi mùa xuân
Chờ cho rực rỡ muôn phần mẫu đơn
Rồi khi hoa đã qua đời
Và tôi than khóc bởi trời xuân qua
Mùa xuân lạc mất đâu mà
Tháng Năm rực lửa trong ngày hè sang
Mẫu đơn rụng cánh hoa vàng
Áp thân vào đất bẽ bàng sắc hoa
Này tôi ước mộng vời xa
Đã tan thành bụi theo hoa còn gì
Rồi khi hoa đã ra đi
Là khi tôi chẳng còn gì tháng năm
Chìm trong nỗi nhớ xa xăm
Khát khao chờ đợi mùa xuân rạng ngời
Và hoa lại nở bên đời…
3. NHỮNG BÔNG HOA TRÊN NÚI (KIM SOWOL: 1892-1934)
Bông hoa nở rộ
Trên đồi núi xa
Xuân rồi đến hạ
Và thu đi qua
Hoa kia vẫn nở
Trên đồi núi xa
Rồi trên đỉnh núi
Xa xôi mà gần
Những bông hoa nở
Mà không ngại ngần
Tan ra từng cánh
Rơi và quạnh hiu
Những con chim nhỏ
Rủ nhau bay về
Sống trên đỉnh núi
Vì lòng đam mê
Ríu ran ca hát
Với ngàn bông hoa
Rồi hoa khoe sắc
Cũng trên núi này
Mùa xuân,mùa hạ
Mùa thu tàn phai
Và trên đỉnh núi
Tàn bông hoa này
4. SỰ IM LẶNG CỦA TÌNH YÊU (HAN YONG-UN: 1897-1944)
Khi tình ta đã ra đi
Người thời xa em mãi mãi
Con đường dẫn bước chân quen
Qua ngọn đồi xanh lộng lẫy
Rừng cây vàng rực sắc thu
Lời thề tình yêu đôi lứa
Tưởng rằng còn mãi muôn đời
Như đóa hoa vàng bất tử
Nay còn là đống tàn tro
Ngọn gió nào mang đi xa
Em nhớ nụ hôn đầu tiên
Người trao em trong chua xót
Ký ức về nỗi đau này
Đổi thay đời em mãi mãi
Rồi cũng lui vào lãng quên
Chẳng còn được nghe tiếng anh
Rót vào tai em dịu ngọt
Chẳng còn được thấy dáng anh
Hiện lên trong em rạng rỡ
Khi loài người biết yêu nhau
Trong em đã nhiều lo sợ
Sợ rằng ta sẽ chia xa
Vào ngay khi ta gặp gỡ
Cách ngăn đến thật bất ngờ
Tim em thành trăm mảnh vỡ
Và em vẫn biết được rằng
Chia ly khiến tình tan vỡ
Rồi khi nước mắt em rơi
Nỗi buồn dâng lên tuyệt đỉnh
Thành niềm hy vọng anh ơi
Nếu sợ rằng phải chia ly
Vào ngay khi ta gặp gỡ
Thì xin anh hãy tin rằng
Một mai khi tình tan vỡ
Ta vẫn còn tìm thấy nhau
Dẫu rằng tình có xa em
Em chẳng thể quên tình được
Phủ đầy im lặng của tình
Là những bài ca bất tận
Hát cho cuộc tình chúng ta
5. VỌNG CỐ HƯƠNG (CHONG CHIYONG: 1901 – 19??)
Rủ nhau gió thổi về đông
Băng qua nỗi nhớ mênh mông đồng bằng
Rì rầm những chuyện xa xăm
Tự tình suối kể trong hành trình xa
Và khi chiều đổ bóng tà
Chú bò lười biếng “ậm à“ rống lên
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
Qua vùng sa mạc gió bay
Trong lò lửa tắt phủ đầy bụi than
Gối đầu lên cuộn rơm vàng
Cha tôi chợp mắt mơ màng giấc trưa
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
Rằng tôi khôn lớn từ đây
Đất nuôi tôi được hình hài hôm nay
Tim tôi rạng rỡ sáng ngời
Khát khao về phía bầu trời cao xanh
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
Em tôi xõa mái tóc huyền
Như làn sóng biển thần tiên vỗ về
Chân trần trên mảnh đất quê
Vợ tôi giản dị đi về tháng năm
Cùng nhau góp nhặt thóc vàng
Trời cao tỏa nắng trên lưng dịu dàng
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
Dưới trời thưa thớt vì sao
Tôi xây trên cát một lâu đài vàng
Mùa thu tiếng quạ vọng sang
Qua căn lều nhỏ còn đang tỏ đèn
Tôi cùng bè bạn thân quen
Vui câu chuyện cũ càng thêm rộn ràng
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
6. ÂM THANH MƯA (CHU YOHAN: 1900 -1979)
Ngoài kia mưa đang rơi
Đêm vỗ về đôi cánh
Lặng yên trong đất trời
Mưa trò chuyện xì xào
Như lũ gà con đó
Đang chiêm chiếp cùng nhau
Trăng khuya còn mỏng mảnh
Trong như là sợi tơ
Gió bắt đầu lay động
Và dường như bất ngờ
Mùa xuân đang rơi xuống
Từ các vì sao đêm
Mưa vẫn rơi thật êm
Dịu dàng như tiếng gọi
Bạn vừa đến bên thềm
Tôi mở toang cửa sổ
Đón chào bạn của tôi
Mưa vẫn rơi êm ả
Trong hình hài hư vô
Trong sân, bên cửa sổ
Và cả trên mái nhà
Mưa vẫn rơi rơi mãi
Mang theo dòng nước đầy
Trong lành và mát dịu
Cho niềm hân hoan này
7. TÂM TRÍ TÔI (KIM TONGMYONG: 1901-1966)
Tâm trí tôi là hồ nước trong
Mời em đến dạo thuyền chơi trong nó
Tôi sẽ ghì chặt em, ôi dáng hình trong trẻo
Châu báu ngọc ngà xin dâng tặng em tôi
Tâm trí tôi là ngọn nến trong đêm
Xin giúp tôi khép dùm khung cửa sổ
Ngọn lửa tôi chao nghiêng khi em qua trong lụa là rực rỡ
Nhỏ đến giọt cuối cùng ôi ngọn nến của tôi
Tâm trí tôi là một kẻ lang thang
Hãy thổi lên tiếng sáo của em vì tôi mà dịu dàng tha thiết
Tôi sẽ lưu lại suốt đêm này
Lắng nghe lời em hát dưới trăng thâu
Tâm trí tôi là một chiếc lá rơi
Hãy cho chiếc lá tôi nằm lại trong vườn em một khắc
Rồi tôi sẽ từ giã em ra đi trong lặng thầm đơn độc
Khi thêm một lần gió lại thổi lên
8. BÔNG ĐỔ QUYÊN (KIM SOWOL: 1892-1934)
Một mai khi em đi xa
Chẳng thể gần tôi thêm nữa
Trong lặng yên tôi cầu chúc
Mong em gặp nhiều duyên may
Và tôi sẽ nhặt đầy tay
Những bông đỗ quyên rực lửa
Hoa nở trên đồi Yaksan
Rãi theo chân em từng bước
Xin em bước đôi chân ngọc
Dịu dàng trên thảm hoa này
Nếu không gần nhau được nữa
Thì thôi đôi ta chia tay
Và tôi sẽ chẳng khóc đâu
Dầu em đi xa mãi mãi
Dầu tim tôi như lịm chết
Khi em không còn nơi đây
9. KHI CON SÔNG TUÔN TRÀO (KIM TONGHWAN: 1901-19??)
Và khi sông đã tuôn trào
Thuyền kia sẽ tới cập vào bến thôi
Tình yêu dịu ngọt của tôi
Cũng theo thuyền ấy nàng thời đến đây
Nếu nàng chẳng đến hôm nay
Lời nàng nhắn nhủ sẽ bay theo thuyền
Trái tim trống rỗng ưu phiền
Tôi quay về với nỗi niềm nhớ mong
Một ngày chờ đợi bên sông
Rồi quay về với mênh mông nỗi buồn
Nỗi đau này biến tan rồi
Khi người chợt đến bên đời tôi đây
Và khi dòng nước sông này
Đóng băng giữa tuyết lạnh đầy mùa đông
Một ngày trời đổ nắng hồng
Tuyết kia sẽ chảy thành sông dạt dào
Sao hôm nay chẳng tuôn trào?
Tôi đang mong ngóng đón chào sông ơi
10. MÙA XUÂN CÓ VỀ TRÊN NHỮNG CÁNH ĐỒNG ĐÃ MẤT? (YI SHANGWA 1900-1941)
Có phải mùa xuân đã về trên mảnh đất này?
Mảnh đất không còn là của chúng tôi
Mảnh đất mà người ta chiếm mất?
Đắm mình trong ánh mặt trời, tôi đi như thể trong mơ
Dọc theo con đường nhỏ xuyên qua bao đồng lúa như mái tóc xõa tung
Nơi mà bầu trời xanh và những cánh đồng xanh đang hòa quyện vào nhau.
Hãy cho tôi biết rằng bạn đang đi cùng tôi
Hay sức mạnh vô hình nào đang đưa tôi bay bổng
Gió thổi bên tai tôi rì rào
Vuốt ve theo từng nhịp bước
Những con chim chiền chiện hót vang
Trong niềm hân hoan thiếu nữ
Băng qua bờ giậu thưa
Và những cánh đồng ngô màu mỡ xanh rì
Tôi thấy em vừa gội mái tóc dài
Trong cơn mưa đêm qua đã dịu dàng rơi xuống
Tâm trí tôi bừng sáng
Những bước chân reo vui hớn hở rộn ràng
Và làn nước trong lành
Tuôn trào trong một điệu vansơ
Với những bài ca ru con dịu ngọt
Những chú chim nhạn bỗng nhiên dịu dàng
Những cánh bướm xinh cũng trở nên e thẹn
Tôi cất lời chào chú gà trống đang gáy vang rộn ràng thung lũng
Tôi ước sao mình được lại được ngắm nhìn
Trên những cánh đồng này có bàn tay nhổ cỏ
Và những mái tóc dài bóng mượt
Của những người thiếu nữ tôi quen
Hãy trao cho tôi chiếc cuốc bạn ơi
Để tôi bắt đầu gieo trồng trên đất
Trong ước ao cháy bỏng
Tôi sẽ được dạo chơi trên mảnh đất này
Mảnh đất mềm mại dịu dàng như bộ ngực tràn đầy
Đi cho đến khi nào đôi chân tôi tê cóng
Và với linh hồn tôi một nỗi niềm khát khao vô tận
Lại được nghe tiếng em thơ đùa vui bên sông
Có điều gì khiến em khao khát em ơi
Và trái tim em đang hướng về đâu em hỡi
Tôi đã đắm chìm trong vị đất thanh tân
Rong ruổi cả ngày dài giữa nỗi buồn và niềm vui mà mùa xuân mang đến
Nhưng em ơi giờ đây đất không còn là của chúng ta
Và mùa xuân cũng đã thuộc về ai mãi mãi
Theo VANVN
Tags: Văn học, Triều Tiên cổ, Văn hóa Triều Tiên