Những điều ít người biết về vụ Liên Xô bắn hạ máy bay U-2 của Mỹ năm 1960

Ngày 5/5/1960, Liên Xô tuyên bố bắn hạ chiếc máy bay gián điệp U-2 hiện đại nhất của Mỹ đang hoạt động do thám trên không phận nước này.

Những điều ít người biết về vụ Liên Xô bắn hạ máy bay U-2 của Mỹ năm 1960

Sự kiện này chắc nhiều người đã biết, nhưng còn một số chi tiết khác khá thú vị liên quan đến sự kiện này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Liên Xô che giấu điều gì?

Không nhiều người biết rằng lịch sử một trong những vụ bê bối gián điệp đình đám nhất giữa Mỹ và Liên Xô lại bắt đầu từ một sáng kiến hòa bình. Tổng thống Mỹ D. Eisenhower, người hùng của chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nhân của chiếc Huân chương “Chiến thắng” cao qúy nhất dành cho các nhà cầm quân – chủ trương thực hiện một chính sách đối ngoại nhìn bề ngoài có vẻ rất mâu thuẫn – vừa kiên trì thực hiện chính sách củng cố liên minh quân sự chống Liên Xô, vừa tiến hành các bước đi nhằm tăng cường lòng tin giữa Mỹ và Liên Xô.

Một trong những sáng kiến mà D. Eisenhower đưa ra để thực hiện mục tiêu tăng cường lòng tin là đề nghị Liên Xô ký hiệp ước “Bầu trời mở” với điều khoản chủ yếu là các bên có quyền tiến hành các chuyến bay thanh sát trên không phận của nhau .

Lãnh tụ Liên Xô N.Khrushov đã bác bỏ sáng kiến này. Lý do không phải là tại Liên Xô đang có một quân đội cực mạnh sẵn sàng tấn công Tây Âu – thực tế hoàn toàn ngược lại, quân đội Liên Xô lúc này không mạnh như giới lãnh đạo Liên Xô thường tuyên bố.

Mặc dù đến thời điểm đó Liên Xô đã có bom nguyên tử và sau đó là bom nhiệt hạch nhưng để đạt được sự cân bằng quân sự với Mỹ và Tây Âu còn cần phải một thời gian rất dài nữa. Sở dĩ các cơ quan tình báo Mỹ và Phương Tây đến thời điểm đó không nắm được thực chất của vấn đề là do Cơ quan phản gián Xô Viết đã hoạt động rất hiệu quả trong việc ngăn chặn lưới gián điệp mặt đất của Mỹ tiếp cận các thông tin về thực lực quân sự của Liên Xô.

Nhưng nếu ký hiệp ước “ bầu trời mở” thì không khác gì “ cởi áo cho người xem lưng” từ trên không và đây là điều không thể chấp nhận được đối với N.Khrushov .

U-2 của Mỹ

Trước việc Liên Xô từ chối ký hiệp ước “bầu trời mở”, giám đốc CIA A.Dulles cho rằng trong trường hợp này Mỹ cần phải tự mình tìm hiểu thực lực quân sự của Liên Xô . Phương thức để thực hiện là tiến hành do thám từ trên không .

CIA lên một chương trình thực hiện các chuyến bay gián điệp trên không phận Liên Xô bằng các máy bay trinh sát hiện đại nhất lúc bấy giờ là U-2. Đây là chiếc máy bay do hãng “Lockheed “chế tạo có thể bay ở độ cao 20.000 m- tức là độ cao mà các phương tiện phòng không Xô Viết khi ấy không thể với tới.

Bắt đầu từ tháng 7 năm 1956, U-2 thường xuyên “bay dạo” trên lãnh thổ Liên Xô và cung cấp các thông tin quý giá thu thập được bằng các thiết bị trinh sát- do thám cũng hiện đại nhất như chính chiếc U-2.

Giới lãnh đạo Xô Viết liên tục gửi công hàm phản đối nhưng chính phủ Mỹ bác bỏ: chúng tôi không hề tiến hành các chuyến bay gián điệp trên lãnh thổ Liên Xô – những cáo buộc trên của Liên Xô là dối trá và bịa đặt” .

Tuy nhiên, để đề phòng “ một ngày xấu trời” nào đó, CIA đã có sẵn phương án để công bố với thế giới nếu có điều gì xảy ra với chiếc máy bay này trên bầu trời Xô Viết, cụ thể là : các chuyến bay trên do NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ ) thực hiện để phục vụ các mục đích khoa học.

Và trong trường hợp không may nó bị bắn rơi, – sẽ cho công bố: đó là một chiếc máy bay khí tượng không may bị “lạc đường” và đã bị bọn “ cộng sản tàn nhẫn “ bắn hạ cùng viên phi công xấu số .

U-2 đã hoạt động như vậy gần 4 năm- giới lãnh đạo Xô Viết quá tức giận nhưng chưa tìm ra cách gì để trừng trị .

Liên Xô dùng cảm tử quân

Ngày 01/5 năm 1960, lại một chiếc máy bay gián điệp U-2 cất cánh từ một căn cứ không quân tại bang Peshawa, Pakistan để tiến hành chuyến bay do thám theo tuyến: Biển Aral – Sverdlovsk- Kirov- Arkhanghensk- Murmansk và sau đó sẽ hạ cánh xuống văn cứ Buda tại Nauy ( xem bản đồ) .

Các radar của Lực lượng phòng không Liên Xô đã phát hiện được mục tiêu ngay sau khi nó xâm nhập vào không phận. Các máy bay tiêm kích Liên Xô thay nhau cất cánh nhưng vẫn như mọi khi – không thể với tới mục tiêu.

Dọc theo tuyến bay của U-2 chỉ có duy nhất một chiếc máy bay tiêm kích Xô Viết là có thể tiếp cận được mục tiêu ở độ cao 20.000 m – đó là một chiếc Su-9 mới xuất xưởng đang có mặt tại một sân bay quân sự gần Sverdlovsk. Tuy nhiên, do mới xuất xưởng nên nó chưa kịp trang bị vũ khí và phi công cũng không có bộ đồ bay chuyên dụng cho độ cao như vậy .

Nhưng có lẽ do quá tức giận vì bị qua mặt nhiều lần, Bộ tư lệnh phòng không Xô Viết vẫn quyết định cho phi công Su-9 xuất kích và phương án tiêu diệt là lao thẳng vào U-2 .

Nếu thực hiện phương án này, người lái máy bay gần như sẽ không có một cơ hội sống sót nào. Phi công I. Menchiukov, người được giao nhiệm vụ cảm tử quân thừa hiểu điều này và hoàn toàn có quyền từ chối vì lúc đó đang là thời bình.

Tuy nhiên, anh chỉ đề nghị các cấp chỉ huy quan tâm đến gia đình mình (lúc này vợ IMenchiukov đang mang thai) và cất cánh truy đuổi chiếc U-2 .

Cũng may cho I.Menchiunov, Su-9 đã không thể tiếp cận được mục tiêu vì hết nhiên liệu nên buộc phải quay trở lại căn cứ

Dàn “Dvina”

Nhưng dù sao thì lần này U-2 cũng không thoát khỏi sự trừng phạt . Đúng 8.50 – U-2 bay vào khu vực tác chiến của một đơn vị tên lửa phòng không dưới sự chỉ huy của thiếu tá M.Voronov.

Đơn vị này mới được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không mới nhất S-75 “Dvina” . Điểm yếu của “Dvina” là cự ly tiêu diệt mục tiêu không lớn – chỉ khoảng 30 km. Tuy nhiên, như vậy cũng đã quá đủ để hạ U-2. Vào lúc 8.53, chiếc máy bay vi phạm này đã bị bắn hạ.

Nhưng do kíp trắc thủ còn chưa có kinh nghiệm sử dụng “Dvina” nên lực lượng phòng không Liên Xô đã phải trả giá đắt. Kíp trắc thủ không kịp phát hiện ra ngay trên màn hình radar là mục tiêu đã bị tiêu diệt, đã lầm một máy bay tiêm kích Xô Viết đang bám theo mục tiêu là U-2.

Kết quả là một loạt tên lửa nữa của cũng của đơn vị này được phóng lên và chiếc máy bay tiêm kích của thượng úy phi công Xô Viết X.Safronov bị bắn rơi, – viên phi công này đã hy sinh.

Vào đúng thời điểm U-2 bị bắn rơi, dân chúng làng Kusulino đang chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày 1/5 và phát hiện một chiếc dù ngay trên đầu họ. Lúc đầu không ai nghĩ là viên phi công này là người người nước ngoài – vì khu Sverdlov nằm sâu trong lãnh thổ Liên Xô, lấy đâu ra gián điệp?

Nhưng khi viên phi công này tiếp đất và nói mấy câu bằng tiếng nước ngoài, dân chúng bắt đầu cảnh giác. Anh ta được được dẫn giải đến văn phòng nông trường, bị lục soát, tước súng ngắn và dao găm. Sau đó, các quân nhân Xô Viết nhanh chóng có mặt và đưa “ chiến lợi phẩm” về nơi cần thiết.

“Nhân viên CIA”

Viên phi công gián điệp trên chính là Fransis Gary Power, người bang Kentucky. Sinh ra trong một gia đình công nhân, sau khi tốt nghiệp phổ thông Power gia nhập quân đội và học tại Trường không quân .

Kết thúc khóa huấn luyện, G.Power đã được chuẩn bị để tham chiến tại Triều Tiên . Tuy nhiên, anh ta đã không có mặt tại chiến trường này do viêm ruột thừa. Sau khi khỏi bệnh, G.Power phục vụ tại nhiều căn cứ không quân khác nhau trên đất Mỹ.

Vốn là một phi công được coi là có kinh nghiệm, G.Power được các nhân viên CIA phụ trách chương trình các chuyến bay gián điệp tại Liên Xô chú ý.

Việc tuyển mộ viên phi công này diễn ra rất đơn giản. G.Power đã đồng ý làm việc cho CIA ngay sau khi biết là lương sẽ là $ 2.500/tháng thay cho mức $ 700/tháng như hiện tại.

F.G.Power được chuyển về phân đội không quân “ 10-10” và đã bay được nhiều chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô cho đến khi bị bắn rơi ngày 01/5/1960

Phải nói là F.Power đã rất gặp may ( khác hẳn với thượng úy phi công V.Safronov của Liên Xô). Tên lửa đã nổ ở phía sau, cách máy bay khoảng 20m . Kết quả là phần sau của máy bay bị phá hủy nhưng cabin vẫn còn nguyên vẹn .

Sau khi tiếp đất, viên phi công này đã không bắn vào dân chúng địa phương mặc dù có súng, cũng không tìm cách mua chuộc họ bằng tiền rúp Xô Viết ( đã được chuẩn bị sẵn cho mục đích này).

Khi bị khám xét, F.Power đã nộp mũi kim chứa chất cực độc gắn vào cổ áo bay. Đây là loại chất độc dùng để tự sát khi bị bắt để “giúp” viên phi công “ xấu số” khỏi rơi vào nanh vuốt của KGB. Tuy nhiên, G.Power đã không muốn chết và chắc chắn đây là một quyết định khôn ngoan.

Tổng thống Mỹ bị hạ nhục

Cùng thời gian đó, chính quyền Mỹ sau khi biết chắc là máy bay đã bị mất tích- đã cho công bố “huyền thoại” được chuẩn bị sẵn như đã nói ở trên – một chiếc máy bay của NASA đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học đã bị rơi ở độ cao lớn trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ do trục trặc kỹ thuật.

Lãnh tụ Liên Xô N.Khrushov vốn là người ưa các tuyên bố “ gây cảm giác mạnh”. Sau gần 4 năm bất lực trước các chuyến bay gián điệp của U-2 trên không phận Xô Viết, nay đã có cơ hội nên quyết định hạ nhục người Mỹ .

Và trong khi NASA liên tục đưa ra các thông báo về sự mất tích của một máy bay nghiên cứu khoa học thì ngày 5/5/1960, N.Khrushov tuyên bố là Bộ đội phòng không Xô Viết chỉ bằng một quả tên lửa đầu tiên đã bắn hạ chiếc máy bay gián điệp của Mỹ .

Tuyên bố trên của N.Khrushov được đưa ra trong cuối bài phát biểu của mình tại phiên họp của Xô Viết tối cao Liên Xô về một chủ đề hoàn toàn khác . Điều đáng chú ý là N.Khrushov lại không hề đả động gì tới việc viên phi công Mỹ vẫn còn sống và đang nằm trong tay Cơ quan an ninh Liên Xô. .

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ D.Eisenhower cũng có tuyên bố chính thức : “chiếc máy bay trên đang thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chứ không phải hoạt động gián điệp.

Phi công đã bị nhầm tuyến bay. Các ông – những người cộng sản – đã giết hại một người ( phi công) vô tội ” . Bằng tuyên bố này, vô hình trung D.Eisenhower đã tự mình đưa chân vào cái bẫy mà Khrushov đã cài sẵn.

Đến lúc này N. Khrushov mới ra đòn quyết định – cho tổ chức họp báo . Cả thế giới được tận mắt chứng kiến các mảnh vỡ của máy bay, các thiết bị do thám, trang bị của phi công và cuối cùng, một bằng chứng không thể thuyết phục hơn – chính viên phi công cũng xuất hiện, – khỏe mạnh và không hề hấn gì.

Không những thế, anh ta còn tuyên bố với toàn thế giới là : “vâng, tôi đã bay thực hiện các nhiệm vụ của CIA, đã hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Liên Xô, đã kiếm được nhiều tiền từ những chuyến bay như vậy” .

Đây quả là một vụ scandal chưa từng có tiền lệ . D.Eisenhower, người hùng trong chiến tranh thế giới thứ hai, không những bị tố cáo là đã tiến hành hoạt động gián điệp (chuyện này không quá nghiêm trọng – nước nào cũng muốn làm như vậy, vấn đề là có làm được hay không ), mà tệ hơn cả là bị buộc tội dối trá,- điều quá sức chịu đựng đối với D.Eisenhower – một con người đã quá nổi tiếng về tính trung thực .

D. Eisenhower nổi điên – từ chối xin lỗi Liên Xô (phía Liên Xô đòi Mỹ phải xin lỗi), và thẳng thừng tuyên bố thừa nhận : “ chúng tôi đã hoạt động gián điệp và sẽ tiếp tục hoạt động gián điệp vì điều đó liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ ”.

Vĩ thanh về G.Power

Tháng 8/1960, Tòa án quân sự tối cao Liên Xô đã kết án G.Power 10 năm tù về tội làm gián điệp .

Sau một năm rưỡi thụ án, G.Power được trả về Mỹ để đổi lấy nhà tình báo Xô Viết V.Fisher (chính là R.Abel).

Khi về nước, trái với những lo lắng của viên phi công gián điệp này, G.Power đã không bị đưa ra tòa – nhưng bị đối xử rất lạnh nhạt. Nhiều “người yêu nước” cho rằng lẽ ra G. Power phải tự sát chứ dứt khoát không được rơi vào tay kẻ thù như Power đã làm.

G.Power đã vượt qua được những khó khăn ban đầu trong mối quan hệ với cộng đồng, tìm nhiều công việc để làm và sau đó trở thành phi công lái máy bay lên thẳng của Hãng thông tấn KNBC tại Los Angeles.

Ngày 01/8/1977 chiếc máy bay do G.Power điều khiển đã gặp nạn trên đường quay trở về sau khi quay cảnh một đám cháy rừng và G.Power đã tử nạn. Các chuyên gia điều tra vụ tai nạn kết luận là G.Power đã có thể tự cứu mình nhưng đã chấp nhận cái chết khi quyết định cố gắng điều khiển chiếc máy bay tránh rơi xuống nơi các trẻ em đang chơi.

Đến đầu thế kỷ 21, Power lại được nhắc đến nhiều tại Mỹ khi những người thân của ông nhận rất nhiều huân huy chương truy tặng ông. Năm 2012, G.Power được truy tặng phần thưởng cao quý (đứng hàng thứ ba trong thứ bậc huân chương của Mỹ) – “Ngôi sao Bạc” – vì đã “ kiên cường đứng vững trước âm mưu khai thác các bí mật quan trọng sống còn về quốc phòng“ (của Mỹ) .

Chương trình thực hiện các chuyến bay gián điệp trên lãnh thổ Liên Xô chấm dứt, – một phần do U-2 của G.Power bị bắn rơi – phần khác ( có lẽ còn quan trọng hơn) – nhu cầu đối với các chuyến bay như vậy không còn quá cần thiết : bắt đầu một thời kỳ mới – thời kỳ của các vệ tinh do thám .

Nhưng những mảnh vỡ của U-2 do G.Power điều khiển vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng các Lực lưỡng vũ trang Nga ở Moskva để phục vụ khách khách tham quan .

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , ,