⠀
Những đặc quyền Hàn Quốc dành cho hòn đảo Jeju
Cho đến trước khi những chính sách đặc biệt làm thay đổi bộ mặt Jeju, hòn đảo “mơ ngủ” này chỉ được biết đến với ba thứ nổi tiếng: đá núi lửa, gió và những ngôi làng toàn phụ nữ.
Jeju, hòn đảo có diện tích 1.850 km2, từ lâu đã được biết đến thông qua các bộ phim truyền hình hay video quảng bá du lịch Hàn Quốc. Nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên, Jeju là nơi lục địa châu Á tiếp giáp Thái Bình Dương, có khí hậu ôn hòa và cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, không khi nào vắng khách du lịch.
Với nhiều người nước ngoài, ấn tượng đầu tiên về Jeju là họ không cần phải xin visa để đến hòn đảo, trong khi nếu muốn đến bất kỳ nơi nào còn lại ở Hàn Quốc thì đều cần visa (dĩ nhiên, trừ công dân những nước được Seoul miễn visa hoàn toàn). Các chuyến bay nội địa từ đất liền Hàn Quốc ra đảo không kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách, bất kể người trong nước hay người nước ngoài, nhưng ở chiều ngược lại mọi hành khách đều phải trình giấy tờ.
“Đặc quyền” để cạnh tranh với Hong Kong, Singapore
Sở dĩ có thể như vậy là vì Jeju, với tư cách đơn vị hành chính, hiện là tỉnh duy nhất trong 9 tỉnh của Hàn Quốc được hưởng chế độ tự trị với tên gọi là chính thức là “tỉnh tự trị đặc biệt Jeju”. Có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, đạo luật về việc thành lập tỉnh tự trị đặc biệt Jeju đã được Hàn Quốc thông qua với mục tiêu biến Jeju trở thành “thành phố quốc tế tự do”, cạnh tranh với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Theo đạo luật đặc biệt này, chính quyền tỉnh Jeju được trao quyền tự quyết ở mức cao trong hầu hết mọi lĩnh vực, trừ ngoại giao, quốc phòng và tư pháp. Thậm chí, luật cho phép Jeju có lực lượng cảnh sát và hệ thống giáo dục riêng, độc lập với chính quyền trung ương, cũng như tự do hơn trong việc tổ chức hành chính. Một số chức năng vốn thuộc thẩm quyền của các bộ ở trung ương cũng được chuyển giao cho Jeju toàn quyền quyết định.
Hòn đảo dành nhiều đãi ngộ cho các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước, bao gồm việc miễn thuế, trong 24 ngành trọng điểm thuộc các lĩnh vực: giáo dục, y tế, du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Theo Korea Times, những người đầu tư ít nhất 5 triệu USD được miễn thuế tài sản trong 10 năm. Những nhà đầu tư nước ngoài cũng được miễn hoàn toàn thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 2 năm tiếp theo, đồng thời được miễn hoàn toàn thuế địa phương trong 15 năm.
Ngoài ra, tùy theo mức độ đầu tư, người nước ngoài sẽ được hưởng chế độ cư trú từ có thời hạn 3 tháng đến vĩnh trú. Họ cũng có thể vào làm việc trong các cơ quan chính quyền.
Các quy định cũ về giáo dục, y tế và du lịch cũng sẽ được nới lỏng hoặc xóa bỏ hoàn toàn. Chính quyền tỉnh có thể cho phép người nước ngoài xây trường học và bệnh viện, coi đây là trọng điểm thu hút nhà đầu tư và du khách ngoại quốc. Theo số liệu trên website Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc (investkorea.org), hiện Jeju có 188 trường học, bao gồm 110 trường tiểu học, 44 trường trung học cơ sở, 30 trường trung học phổ thông và 4 trường đại học.
Trong khi đó, dân số hòn đảo tính đến cuối tháng 6/2016 vào khoảng hơn 652.000 người, bao gồm gần 18.000 người nước ngoài. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học tích hợp giáo trình giảng dạy của nước ngoài với mục đích nâng cao khả năng giao tiếp ngoại ngữ của học sinh, sinh viên địa phương.
Từ “mơ ngủ” tới nam châm hút đầu tư
Cho đến trước khi du lịch làm thay đổi bộ mặt Jeju, cuộc sống trên hòn đảo này trôi qua một cách “buồn ngủ” với 2 ngành nghề chính là làm nông và đánh bắt cá. Vì vậy, nhiều người đàn ông trên đảo bỏ xứ để tìm việc làm tốt hơn, từ đó dẫn đến việc Jeju nổi tiếng là “hòn đảo của đàn bà”. Hai thứ nổi tiếng còn lại của Jeju là gió và đá núi lửa.
Ý tưởng phát triển Jeju ra đời từ năm 1964 và sau đó được triển khai lần lượt bằng 5 kế hoạch tổng thể tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản: một sân bay, các cảng biển, đường sá và các điểm du lịch. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm biến đảo Jeju thành điểm du lịch quốc tế đều không hoàn toàn thành công. Vì vậy, Hàn Quốc chuyển đổi mục tiêu: biến Jeju thành thỏi nam châm thu hút giới đầu tư ở Đông Bắc Á, dựa vào cảnh quan tự nhiên nguyên sơ và hệ thống hạ tầng bài bản.
Chính sách mới – Thành phố quốc tế tự do Jeju (JFIC) – được tổng thống Hàn Quốc đề ra năm 1988. Đến cuối năm 2001, Đạo luật đặc biệt về JFIC ra đời cùng với “đại kế hoạch” phát triển JFIC. Để giúp chính quyền Jeju đạt được các mục tiêu, Ủy ban Xúc tiến JFIC được thành lập dưới quyền điều hành trực tiếp của thủ tướng Hàn Quốc.
Ủy ban này có chức năng tư vấn cho cho chính quyền tỉnh trong các vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao năng lực tự quản, ban hành các quy định pháp luật… cũng như làm cầu nối giữa thống đốc tỉnh Jeju và lãnh đạo các cơ quan trung ương. Các thành viên thuộc ủy ban do thủ tướng trực tiếp chỉ định.
Trong lĩnh vực tư pháp, thống đốc tỉnh Jeju có thể tham vấn ủy ban hỗ trợ về những vấn đề cho là cần phải xem xét kỹ lưỡng, sau khi được sự đồng thuận của ít nhất 2/3 thành viên hội đồng tỉnh. Ủy ban sẽ thông báo cho lãnh đạo bộ ngành trung ương liên quan xem xét tính hợp lệ của ý kiến mà thống đốc Jeju đưa ra và thời hạn xem xét không quá 2 tháng kể từ ngày được thông báo. Ủy ban hỗ trợ sẽ thảo luận về kết quả của việc xem xét nói trên và thông báo cho thống đốc Jeju lẫn lãnh đạo cơ quan trung ương liên quan về nhận định của ủy ban.
Ngoài ra, Trung tâm Phát triển JFIC, được thành lập vào năm 2002, hoạt động như một doanh nghiệp đặc biệt dưới sự quản lý của Bộ Xây dựng và Giao thông Hàn Quốc. Vai trò của trung tâm này là quảng bá, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho các dự án thuộc JFIC, bao gồm việc PR, marketing, thu hút đầu tư trong ngoài nước cho các dự án trọng điểm.
Năm 2005, thông qua trưng cầu dân ý, Jeju sáp nhập huyện Bắc Jeju vào thành phố Jeju và huyện Nam Jeju vào thành phố Seogwipo, khiến Jeju từ 4 đơn vị hành chính trực thuộc chỉ còn 2. Đến tháng 2/2006, Đạo luật đặc biệt về Thành lập Tỉnh tự trị đặc biệt Jeju và Phát triển Thành phố quốc tế tự do ra đời nhằm đảm bảo chính quyền địa phương được trao quyền thực chất và việc triển khai kế hoạch JFIC hiệu quả hơn. Đạo luật có hiệu lực vào tháng 7/2006, đưa Jeju trở thành tỉnh tự trị đầu tiên và duy nhất đến nay của Hàn Quốc.
Kế hoạch tổng thể lần hai về phát triển JFIC (cho giai đoạn 2012-2021) ra đời vào năm 2011 và được điều chỉnh vào năm 2015. Theo kế hoạch mới, JIFC được định hướng trở thành một thành phố “thông minh, cùng chung sống bền vững” (Sustainable Coexistence, Smart Jeju). “Cùng chung sống bền vững” là khái niệm đề cao việc bảo vệ môi trường, trong khi “thông minh” là chương trình hành động trong đó những công nghệ mới, bao gồm công nghệ thông tin, được ứng dụng để cải thiện tự nhiên và dịch vụ công, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Tranh cãi về làn sóng Trung Quốc
Trong những năm qua, Jeju đã trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch cũng như nhà đầu tư Trung Quốc. Người Trung Quốc thích đến Jeju vì nhiều lý do, bao gồm việc Jeju khá gần (chỉ cách Bắc Kinh 2 giờ bay), chính sách visa thông thoáng cũng như việc chính quyền Jeju cấp “thẻ xanh” cho các chủ căn hộ. Với những chính sách hấp dẫn này, số người Trung Quốc ở Jeju gia tăng một cách đột biến.
Theo bài viết “Hòn đảo Hàn Quốc ngày càng lo lắng sau khi chào đón người Trung Quốc”đăng trên New York Times vào năm 2015, gần một nửa trong số 6,1 triệu du khách Trung Quốc tại Hàn Quốc năm 2014 đi đến Jeju, tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Ngoài ra, người Trung Quốc đến năm 2015 sở hữu 830 ha đất tại Jeju, tăng gấp nhiều lần so với con số 2 ha năm 2009. Hơn 70% trong tổng số 6,1 tỷ USD đầu tư nước ngoài ở Jeju giai đoạn 2010-2014 đến từ nhà đầu tư Trung Quốc.
Dù người Hàn Quốc lâu nay vẫn chắc chắn về việc sẽ không có khu Chinatown nào trong những thành phố ở nước họ, Jeju lại trở thành tỉnh đầu tiên đặt tên tiếng Trung cho một trong những con phố mua sắm nhộn nhịp nhất trên hòn đảo tự trị này. Đường Baojian được đặt theo tên một công ty cung cấp sản phẩm y tế của Trung Quốc, nơi đã tạo ra 11.000 việc làm tại Jeju vào năm 2011, theo New York Times.
Trong khi làn sóng người Trung Quốc đến Jeju có thể có lợi cho kinh tế của hòn đảo, hiện tượng này khiến nhiều cư dân dịa phương lo lắng. Những nỗi lo thường nhật bao gồm thực tế rằng dù người Trung Quốc chắc chắn đã chi nhiều tiền hơn tại Jeju, hầu hết số tiền đó lại vào túi các chủ nhà hàng, khách sạn người Trung Quốc, không phải cư dân địa phương.
Trong một cuộc khảo sát 1.000 cư dân năm 2014, 68% người tham gia nói làn sóng người Trung Quốc đến đây không giúp ích gì cho việc phát triển của hòn đảo. Nhiều cưdân cũng cảm thấy người Trung Quốc không tôn trọng người Hàn, tôn trọng văn hóa địa phương, từ đó dẫn đến những cuộc ẩu đả thường xuyên giữa hai bên tại các quán bar, cửa hàng, New York Times tường thuật.
Trước thực tế này, các quan chức Jeju phát đi lời cảnh báo về “chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi”, cho biết một số dự án người Trung Quốc giành được đã bị các nhà đầu tư địa phương tẩy chay hoặc tránh né.
“Hành động khôn ngoan không phải là cố gắng ngăn chặn người Trung Quốc đến đây hay thù ghét họ, mà là tìm cách dụ họ chi nhiều tiền hơn ở đây”, lãnh đạo một công ty đầu tư căn hộ ở Jeju nói với New York Times. “Nói về chuyện du khách mất trật tự, chẳng phải cách đây mấy chục năm, những “người Hàn xấu xí” cũng bị chỉ trích vì những hành vi tương tự ở nước ngoài hay sao?”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Trong thời kỳ bà Park Geun Hye làm tổng thống Hàn Quốc, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên gần gũi hơn khi bà Park nhiều lần tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Jeju là tiền tuyến của sự kết nối giữa Hàn Quốc và Trung Quốc”, ông Kim Nam Jin, một quan chức của chính quyền tỉnh Jeju, cho biết. “Những gì chúng tôi làm ở đây là một cuộc thử nghiệm cho cách Hàn Quốc định hình quan hệ và chính sách với Trung Quốc”.
Theo VŨ MẠNH / TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Chiến lược phát triển, Hàn Quốc, Đặc khu hành chính - kinh tế