Những cuộc đổ bộ tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh

Lịch sử còn lưu giữ ký ức về nhiều chiến công của lực lượng tấn công hải quân và không quân của các quốc gia khác nhau. Nhưng không phải lúc nào các hoạt động đổ bộ của hải quân và đường không đều kết thúc thành công.

Thất bại cũng không phải là hiếm, nhưng không phải do lỗi của binh lính và sĩ quan, mà thường là do sự kết hợp của các yếu tố khách quan và những sai lầm trong kế hoạch đổ bộ.

Chiến dịch “Market Garden

Vào ngày 17/9/1944, Chiến dịch “Market Garden”, còn được gọi là Chiến dịch Hà Lan, bắt đầu.

Nó trở thành chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất trong lịch sử, được thực hiện bằng đội quân nhảy dù.

Bộ chỉ huy của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Anh hy vọng nhờ vào chiến dịch này để có thể vượt qua tuyến phòng thủ Siegfried Line (một hệ thống công sự quân sự được quân Đức xây dựng vào cuối những năm 1930) và sau đó tiến đến các khu vực công nghiệp của Đức.

Các đơn vị của quân đội Anh và Mỹ đã tham gia vào chiến dịch. Tổng cộng có 1.344 máy bay vận tải, 1.851 máy bay thả quân nhảy dù, 1.240 máy bay chiến đấu, 1.113 máy bay ném bom.

Các đơn vị đổ bộ đường không với tổng số 34.876 binh sĩ và sĩ quan đã đổ bộ được vào hậu phương quân Đức.

Một cuộc đổ bộ đường không rầm rộ của đối phương đã gây bất ngờ hoàn toàn cho quân Đức.

Tuy nhiên, kể từ khi những lính dù Anh hạ cánh xuống khu vực có cây cầu bắc qua sông Rhine tại Arnhem, cách mục tiêu chính của chiến dịch 10 km, họ đã mất lợi thế quan trọng nhất trước kẻ thù, đó là yếu tố bất ngờ.

Các đài phát thanh bị tê liệt dẫn đến tình trạng mất liên lạc giữa các đơn vị với nhau. Ngày hôm sau, tình hình cũng không được khắc phục đối với các đơn vị đổ bộ thứ hai: đến lúc này, quân Đức đã kịp gửi quân tiếp viện hùng hậu đến Arnhem.

Kết quả là, hầu hết Sư đoàn Dù số 1 của Anh, gồm khoảng 7.000 người, đã bị địch bắt làm tù binh. Tổng thiệt hại của quân đồng minh lên tới 13.398 người trong lực lượng Anh, 4.118 người trong quân đội Mỹ và 378 người trong các đơn vị Ba Lan.

Quân Đức có khoảng 2.000 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương.

Mục tiêu chính của chiến dịch là tạo ra một hành lang cho các lực lượng Đồng minh tấn công quân Đức từ phía tây bắc đã không đạt được, và những tổn thất to lớn đã chứng minh cho sự sai lầm khi tiến hành đổ bộ bằng đường không với quy mô lớn như vậy.

Chiến dịch đổ bộ đường không Dnieper

“Cuộc đổ bộ Bukrinsky” là một trong những hoạt động độ bộ đường không lớn nhất nhưng mang lại kết quả đáng buồn của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Chiến dịch được thực hiện từ ngày 24/9 đến ngày 28/11/1943 nhằm hỗ trợ cho quân đội của Phương diện quân Voronezh vượt qua sông Dnieper.

Nhiệm vụ được giao cho các lữ đoàn lính dù số 1, số 3 và số 5, phối hợp trong quân đoàn đổ bộ đường không dưới sự chỉ huy của Phó Tư lệnh Lực lượng đổ bộ của Hồng quân, Thiếu tướng Ivan Ivanovich Zatevakhin.

Sự thiếu tính toán và sai sót trong việc lập kế hoạch chiến dịch và tổ chức cuộc đổ bộ khiến lính dù Liên Xô đã phải trả giá đắt. Một số máy bay không thể tiến hành việc đổ bộ và quay trở lại sân bay, những chiếc còn lại bị pháo phòng không Đức tấn công.

Do đó, chỉ có 4.575 lính nhảy dù được “đổ xuống”, bao gồm 3.050 lính dù của Lữ đoàn 3 và 1.525 lính của Lữ đoàn Dù số 5.

Còn 2.017 binh sĩ khác cũng như tất cả các khẩu pháo và súng cối đều không thể “đổ xuống” được.

Các nhóm lính nhảy dù hoạt động tách biệt trong khu vực rừng Kanevsky và không có mối liên hệ nào với bộ chỉ huy mặt trận. Tuy nhiên, chỉ huy của lữ đoàn Dù số 5, Trung tá P.M Sidorchuk, đã hợp nhất khoảng 1.200 binh sĩ và sĩ quan thành một lữ đoàn kết hợp và liên lạc được với du kích địa phương, và sau đó liên lạc với tập đoàn quân số 52.

Stalin đã nhận xét kết quả của chiến dịch này như sau:

“Tôi lưu ý rằng cuộc đổ bộ đường không đầu tiên được Phương diện quân Voronezh thực hiện vào ngày 24/9 đã thất bại, gây ra thương vong lớn không cần thiết.

Điều này xảy ra không chỉ do lỗi của đồng chí Xkripko, mà còn là lỗi của đồng chí Yuriev (bí danh của G.K. Zhukov) và đồng chí Vatutin, những người có trách nhiệm kiểm soát việc chuẩn bị và tổ chức cuộc đổ bộ”.

Người ta có thể hiểu nỗi niềm của vị chỉ huy tối cao: trong số 4.500 binh sĩ và sĩ quan đổ bộ, quân số thương vong lên tới 3.500, và mục tiêu của chiến dịch không đạt được.

Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm của lính nhảy dù Xô viết, sau khi đổ bộ xuống hậu phương của kẻ thù, họ đã thu hút một lực lượng đáng kể của quân Đức về phía mình và gây ra thiệt hại lớn cho chúng.

Chiến dịch “Jubilee

Các chiến dịch đổ bộ của hải quân trong Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng không phải lúc nào cũng thành công. Tồi tệ nhất là cuộc đổ bộ bất thành của quân đội Canada trong Chiến dịch “Jubilee” vào ngày 19/8/1942.

Bộ chỉ huy của lực lượng Đồng minh đặt ra nhiệm vụ đổ bộ vào bờ biển Bắc nước Pháp và đánh chiếm thành phố Dieppe. Các tàu đổ bộ của Anh được hộ tống bởi các tàu khu trục và pháo hạm từ bờ biển phía Nam nước Anh tiến đến.

Lực lượng chính của cuộc đổ bộ là bộ binh Canada với sự hỗ trợ của thủy quân lục chiến Anh.

Ngày 19/8, lúc 4h50 sáng, quân Canada đổ bộ vào bờ biển đã tấn công 2 khẩu đội pháo của Đức. Quân đổ bộ Canada dự tính vào yếu tố bất ngờ, nhưng tại Bernevall và Pua, quân đội Đức đã được báo động trước đó một giờ do vụ xả súng ở khu vực ven biển.

Nhiệm vụ duy nhất được hoàn thành cuối cùng là chiếm được khẩu đội pháo bờ biển của Warengville. Tuy nhiên, vào lúc 05h20, khi bộ binh Canada phát động cuộc tấn công vào Dieppe (một thành phố ở Normandy), quân Đức đã đẩy lùi được làn sóng tấn công đầu tiên vào thành phố.

Hầu hết các xe tăng đổ bộ đã bị phá hủy bởi hỏa lực pháo binh và các cuộc không kích ven biển, còn 6 xe tăng, sau khi tìm cách vượt qua phòng thủ của đối phương, đã bị phá hủy ngay trong thành phố.

Thiếu tướng John Roberts, chỉ huy Sư đoàn 2 Bộ binh Canada, người chỉ huy cuộc đổ bộ, đã buộc phải ra lệnh rút lui.

Tổn thất của quân đội Canada rất ấn tượng: 3.367 binh sĩ và sĩ quan bị giết và bị bắt làm tù binh, quân Anh cũng bị mất 550 người.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE 

Tags: , ,