Nhân tài Việt Nam, anh ở đâu?

Mọi xã hội đều phát triển nhờ những cá nhân xuất chúng. Việt Nam chúng ta đã đào tạo được nhân tài theo đúng nghĩa?  Tức là tạo ra được những cá nhân có thể thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội? 

Nhân tài Việt Nam, anh ở đâu?

Nhân tài ơi, anh ở đâu?

Với bất kỳ một nền giáo dục nào, hai nhiệm vụ chính cần phải làm, đó là:

1. Cung cấp một nền giáo dục cơ bản cho số đông. Nâng đỡ họ hoàn thiện bản thân để sau này thành  công dân có ích, làm việc nuôi sống bản thân, gia đình.

2. Đào tạo nhân tài qua các chương trình học chuyên sâu để họ cống hiến tài năng đặc biệt của mình cho việc quản lý xã hội và phát triển quốc gia. Tạo nên tầng lớp tinh hoa tài năng để họ trở thành những người cải tạo xã hội.

Số ít được lựa chọn chính là những người thay đổi xã hội.

Những năm qua nền giáo dục của ta đã quên mất nhiệm vụ số 1 mà tôi nêu trên. Còn nhiệm vụ số 2 thì nền giáo dục của ta làm rất tập trung và nỗ lực thực hiện để lấy đó làm thành tích khoe ra ngoài.

Ở Việt Nam hệ thống đào tạo nhân tài được thông qua 2 kênh chính sau:

1. Hệ thống trường chuyên lớp chọn.
2. Hệ thống đại học chuyên ngành và đặc biệt là hệ đào tạo cử nhân tài năng.

Như chúng ta đã biết hệ thống đào tạo cử nhân tài năng của chúng ta là thứ sớm nở tối tàn. Nó không sai về mục tiêu nhưng đã sai về phương pháp luận và cách thức thực hiện. Với hệ thống trường chuyên việc tuyển chọn và đào tạo nhân tài đã được thực hiện và diễn ra một cách không hiệu quả? Lý do là ở đâu? Tôi xin được đưa ra các kiến giải của riêng cá nhân tôi trong các phân tích về thực trạng dưới đây:

Việc tuyển chọn:

Chúng ta có một cách duy nhất là thông qua bài thi tính theo điểm số. Tuy nhiên, đây là cách làm không chính xác. Thực tế chứng minh các cá nhân có tài năng đặc biệt lại thường không xuất sắc trong giai đoạn học tập ở phổ thông và không phải ai cũng giỏi trong các kỹ thuật của thi cử. Nhất là kết quả thi cử của ta được quyết định bởi một quá trình luyện thi lâu dài với công nghệ làm bài tới mức thành thợ giải bài như hiện nay.

Bằng chứng thuyết phục hơn cho việc này là sau khi học chuyên trong thời gian ở phổ thông thì rất ít các em tiếp tục theo đuổi các môn chuyên của mình ở bậc đại học. Các em có khá về môn đó và giỏi về giải bài của môn đó nhưng dứt khoát các em không phải là tài năng.

Công tác đào tạo: 

Rất nhiều em là tài năng đã không qua được các kì thi mà kết quả chỉ dựa vào điểm số như hiện nay. Tài năng là một thứ đặc biệt và nó có thuộc tính riêng. Một trong các thuộc tính của nó là với mỗi con người, tài năng được phát lộ vào các giai đoạn khác nhau và tỏa sáng vào các thời điểm khác nhau.

Với một chương trình học nặng về lý thuyết khoa cử và điểm số tài năng của các em chỉ dừng ở mức giải bài chứ không đạt tới việc đạt được chiều sâu của kiến thức thông qua việc nghiên cứu và thực hành như một nhà khoa học trẻ. Ở các môn khoa học thực hành như Vật Lý, Hóa Học và Sinh Học, các em không hề biết tới khái niệm thực hành, làm thí nghiệm, trao đổi  nghiên cứu và tranh luận phản biện khoa học, viết báo cáo… Những công việc và kĩ năng giúp các em trở thành nhân tài thông qua quá trình lao động mang tính nghiên cứu.

Sự kết nối: 

Chúng ta phải ghi nhớ một điều: tài năng ở bậc học phổ thông (gifted) sẽ không bao giờ trở thành một nhân tài (talented) nếu như quá trình học tập ở phổ thông của các em không được kết nối chặt chẽ và liên tục với việc học ở bậc cao (đại học và sau đại học…)

Các em học sinh giỏi của chúng ta học trong các trường chuyên chỉ coi đây là môi trường học chuyển tiếp thuận lợi cho các em vào đại học hoặc đi du học. Sứ mạng của trường chuyên là đào tạo nhân tài không được các em ý thức và mang trên vai để đi và theo đuổi đến cùng.hư một đam mê, một sự dấn thân hay một trách nhiệm và sứ mạng. Nhiều em vào đại học không phải là ngành mà các em học môn chuyên ở phổ thông, và càng không phải thế với những em đi du học.

Ví dụ như Hà Nội – Amsterdam là trường chuyên của thủ đô 9 triệu người này. Ams có phải là nơi đào tạo ra nhân tài hay không khi các em vào đây với mục đích là để đi du học?

Hoàn toàn không!

Có sự bất công lớn ở đây khi các em học sinh Ams được tận hưởng nhiều lợi thế từ sự đầu tư lớn và tập trung của xã hội. Để cuối cùng các em không phải theo đuổi môn chuyên của mình ở bậc đại học mà theo đuổi việc tìm học bổng du học. Nếu mà chỉ như vậy thôi thì đã đến lúc trường Ams và các em học sinh Ams nên thôi tự hào về việc mình là các học sinh ưu tú của thủ đô được rồi. Và cũng cần chấm dứt nhận được sự đầu tư toàn diện như hiện nay .

Dựa trên thực tế đào tạo của các nước tiên tiến, tôi xin đưa ra một số hướng cải tiến và khắc phục:

1.    Xây dựng cách thức và biện pháp hướng tới nguyên tắc: KHÔNG tài năng nào bị bỏ sót.

–  Xây dựng cách thức tuyển chọn nhân tài không hoàn toàn dựa vào kết quả qua điểm số.

–   Các cách thức tuyển chọn vào các trường chuyên phải làm sao hạn chế ít nhất việc luyện tủ để đạt mục tiêu thi đỗ. Các dạng kiểm tra về thực tế tiếp xúc, về phỏng vấn… cần được phát triển bởi các ủy ban đủ trình độ, uy tín.

–   Cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu ngay cả ở các trường bình thường để phát hiện và bồi dưỡng các cá nhân phát lộ tài năng ở các giai đoạn khác nhau.

2. Xây dựng chương trình học thực sự là đào tạo nhân tài ở bậc phổ thông.

– Chương trình Toán chuyên phổ thông cần được viết lại.
– Các môn khoa học thực hành cần gắn với thực hành thí nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu.
– Các CLB tài năng cần được tổ chức ở mọi cấp học.

Môn học chuyên sâu của các em được tổ chức theo hình thức tự chọn. Ở hai năm cuối bậc THPT các em không cần học hết mà chỉ cần học 4-5 môn được chọn theo sở thích và khả năng. Các em học chuyên là học sâu theo các môn tự chọn đó.

3. Kết nối việc học chuyên của các em HS tài năng với việc học đại học của các em theo hướng:

Tiếp tục theo đuổi ngành học mà các em đã học chuyên ở đại học chuyên ngành. Việc xét tuyển vào các đại học chuyên ngành sẽ đi theo hướng gắn với các môn chuyên (môn tự chọn) của các em.

Đưa các em xuất sắc nhất nhất trong số các em học chuyên ra nước ngoài học tại các trường đại học hàng đầu thế giới theo đúng chuyên ngành gắn với môn chuyên của các em. Nhà nước cần phải là người chi tiền cho các em học tập chứ các em không phải tự mình lo xin học bổng và sau đó trọng dụng và thực dụng các em theo một lộ trình cụ thể và minh bạch.

Tại Singapore chính phủ áp dụng chính sách hớt váng nhân tài. Họ chọn ra các em xuất sắc nhất ở bậc học Junior College (hay còn gọi là tiền đại học hay A Level) để gửi các em sang học các ngành khác nhau đặc biệt là các ngành khoa học kỹ thuật tại các đại học hàng đầu thế giới tại Anh và Mỹ. Các em được chính phủ đầu tư và xác định đây là các cá nhân số ít sẽ nắm  giữ vai trò lãnh đạo và dẫn dắt đất nước sau này.

Đó không chỉ là họ đào tạo nhân tài mà còn có cả một chiến lược sử dụng nhân lực mà chúng ta nên học hỏi.

Theo NGUYỄN TUẤN HẢI / VIETNAMNET

Tags: ,