Nhận diện chủ nghĩa dân túy ở khu vực Mỹ Latinh

Từ nghiên cứu về những nét đặc thù của chủ nghĩa dân túy ở khu vực Mỹ Latinh, bài viết nêu lên quan niệm sâu hơn về vấn đề phức tạp này. Được nảy sinh từ điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội đặc thù và được thực thi bởi những nhà chính trị cũng rất đặc biệt với những chủ trương chính trị trong tranh cử và thực thi. Những quy kết chủ nghĩa dân túy đối với các chính trị gia cánh tả Mỹ Latinh còn xuất phát từ ý thức hệ. Đó là sự thù ghét với những mục tiêu, tính chất xã hội trong quá trình phát triển và tán dương “chủ nghĩa tự do mới”.

Nhận diện chủ nghĩa dân túy ở khu vực Mỹ Latinh

Tác giả: PGS, TS Nguyễn An Ninh, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018.

1. Chủ nghĩa dân túy nên được hiểu như thế nào? 

Chủ nghĩa dân túy (tiếng Anh là populism hay tiếng Nga là народничество) xuất phát từ nghĩa gốc của từ dân, quần chúng, nhân dân. Chỉ trong từ Hán Việt, dân túy chủ nghĩa (民粹主义- mín cuì zhǔ yì)  mới có chữ túy nghĩa là say sưa, say mê, và lột tả được mục đích, bản chất của từ này. Chủ nghĩa dân túy (CNDT) là làm cho cả một đám đông quần chúng nghe và tin theo chủ đích chính trị của mình.

Có nhiều quan niệm khác nhau về CNDT. CNDT là “những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường” hay là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo tranh thủ quần chúng”(1).

Theo Francis Fukuyama, CNDT được sử dụng rộng rãi vào khoảng giữa – cuối thế kỷ 19 ở châu Mỹ, khi phong trào dân túy của Mỹ thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống ở đô thị(2).  Nhưng ở khu vực Mỹ Latinh từ những năm 50 của thế kỷ 20, CNDT được dùng để chỉ những phong trào vì công bằng, bình đẳng xã hội. Đây là những vấn đề lớn và bức xúc của khu vực này.

Chữ “chủ nghĩa” ở đây được hiểu như một xu thế hành động chung của các chính trị gia, các chế độ do cánh tả cầm quyền ở Mỹ Latinh vài thập niên gần đây. Những yếu tố cấu thành CNDT ở khu vực Mỹ Latinh là: (1) những phong trào xã hội hướng tới giải quyết những nhu cầu bức xúc của nhân dân, như: việc làm, nghèo đói, thiếu nhà ở, mù chữ và các bất công, bất bình đẳng xã hội; (2) những chương trình tranh cử và có cả những dự án hành động của các chính phủ mới và các chính trị gia cánh tả. “Mặt tích cực của nó là ở chỗ nó buộc giới tinh hoa phải thảo luận về các vấn đề mà họ muốn bỏ qua”(3). Các chương trình ấy có những kết cục khác nhau. Thành công thì định hình một nhà nước phúc lợi; thực hiện chưa đầy đủ hoặc thất bại thì gọi là CNDT.

2. Bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa dân túy ở khu vực Mỹ Latinh

Các nước trong khu vực Mỹ Latinh hầu như giống nhau về hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh kinh tế – chính trị – xã hội. Họ đều là các quốc gia từng bị chủ nghĩa thực dân xâm chiếm, đô hộ và bóc lột; bị chế độ độc tài của các chính phủ cánh hữu thân Mỹ và phương Tây gây phân hóa giàu nghèo sâu sắc, bị kinh tế thị trường mà điển hình là “chủ nghĩa tự do mới” lũng đoạn nền kinh tế…

Mỹ Latinh trở thành miền đất của những tương phản và nghịch cảnh. Với những nguồn lợi thiên nhiên phong phú, vùng đất này có thể bảo đảm cho một tỷ người hưởng thụ mức sống cao nhưng hiện Mỹ Latinh với 560 triệu dân có đến 224 triệu nghèo đói, 90 triệu sống dưới mức nghèo khổ với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày; 50 triệu người mù chữ…(3).

Tình trạng nghèo đói đi liền với tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc khiến cho Mỹ Latinh bị coi là khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới. Những người giàu nhất chỉ chiếm 10% dân số nhưng lại sở hữu 48% tổng thu nhập quốc dân (GDP), trong khi 10% người nghèo nhất chỉ có thu nhập bằng 1,6% GDP.  Hiện trạng này là hậu quả của chủ nghĩa thực dân – được diễn đạt dưới từ ngữ là “gốc gác chủng tộc”. Mỹ Latinh có 32% dân số là người da trắng, 44% dân số là người lai, 11% dân số là người thổ dân… nhưng tài sản, của cải đa số thuộc về người da trắng, chủ yếu là người châu Âu và Bắc Mỹ di cư tới. Bần cùng nhất là người gốc thổ dân(4).

Nợ nần chồng chất và khủng hoảng kinh tế lan tràn trên toàn khu vực Mỹ Latinh gần hai chục năm qua. Nếu trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, tổng số nợ nước ngoài của Mỹ Latinh là 300 tỷ USD thì đến đầu thế kỷ 21 là 800 tỷ USD. 56% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này hàng năm phải dùng để thanh toán lãi và dịch vụ nước ngoài(5).

Các “vấn đề xã hội” trở nên nghiêm trọng cả về mức độ, quy mô và đặt ra vấn đề thể chế chính trị ở nhiều nước Mỹ Latinh. Bạo lực lan tràn và tình hình tội phạm nghiêm trọng song hành với hoạt động chống lại lực lượng vũ trang nhà nước, hoạt động của các tổ chức buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, in và lưu hành tiền giả… làm cho tình trạng bạo lực và các loại tội phạm khác ngày càng tăng. Mỗi năm các hành động bạo lực gây tổn thất cho các nước Mỹ Latinh 168 tỷ USD(6).

Chế độ độc tài cầm quyền ở nhiều nước gây bức xúc trong xã hội và  thúc đẩy nhu cầu xây dựng chế độ dân chủ. Phong trào đấu tranh vì dân sinh dân chủ phát triển. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, các chính thể độc tài dần được thay thế bởi các chế độ dân chủ với việc thừa nhận rộng rãi hơn nền dân chủ lập hiến.

Hoàn cảnh đó đã thúc đẩy sự hình thành các phong trào xã hội hướng tới cải cách của cánh tả. Cuối thập niên 90, các cuộc bầu cử lãnh đạo quốc gia đã diễn ra vào đúng thời điểm mà lịch sử Mỹ Latinh đang cần sự thay đổi. Nhân dân đã đi tìm một sự lựa chọn mới sau sự phế bỏ các chính quyền cánh hữu thân Hoa Kỳ, họ đặt lại niềm tin vào cánh tả và cương lĩnh tranh cử tích cực của các đảng này. Cương lĩnh của các nhà cải cách cánh tả bao giờ cũng nhấn mạnh tới dân sinh, dân chủ, đời sống, việc làm và rất nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Điển hình là các nước theo mô hình của “chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ 21”(7).

Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ, những thao tác chính trị chưa thành thục, những vụng về hoặc những chương trình tiến bộ xã hội dang dở cũng khiến cho dân chúng bất bình và các nhà nghiên cứu gọi đó là biểu hiện của CNDT. Venezuela từng đưa ra hơn 40 chương trình phúc lợi xã hội (được gọi là “các sứ mệnh của cách mạng Bolivar”. Thí dụ như: nhà ở cho người nghèo, ruộng đất, học hành, giá xăng rẻ hơn nước lã và cả thay thủy tinh thể cho mắt…) cần nguồn lực rất lớn. Khi khủng hoảng kinh tế và quản lý bất cập diễn ra thì những chương trình đó dang dở hoặc chưa hiện thực hóa được. Biểu hiện đó được cho là CNDT.

3. Những đặc điểm của chủ nghĩa dân túy ở khu vực Mỹ Latinh

Xét về lập trường chính trị, hầu hết những người cánh tả đều bị coi là “những người dân túy”. Chương trình tranh cử, những dự án thực tế của họ đều xác nhận rằng họ hướng tới các vấn đề công bằng, bình đẳng xã hội và phát triển bền vững. Nhân thân của họ khá đa dạng: “Các nhà dân túy có thể là các nhà quân phiệt, người yêu hòa bình, người hâm mộ Che Guevara hay Ayn Rand; họ có thể là những người hoạt động vì môi trường phản đối việc xây dựng các đường ống dẫn dầu hoặc những người phủ nhận biến đổi khí hậu và ủng hộ việc khoan thêm dầu”(8). Có nhiều thủ lĩnh của cánh tả Mỹ Latinh là các sỹ quan quân đội (Daniel Ortega, Hugo Chavetz…), trong quá trình làm Tổng thống, các ông thường giải quyết các vấn đề xã hội bằng những sắc lệnh – mệnh lệnh hơn là những quyết sách pháp lý. Dấu ấn chủ quan, cho dù thiện chí nhưng đôi khi vấp phải những trắc trở tự nhiên trong cuộc đời, đã khó khăn khi hiện thực hóa. Khi đó họ bị coi là những nhà “dân túy chủ nghĩa”.

Điểm chung nhất của họ là từ “phe đối lập” mà giành được quyền lực qua cơ chế bầu cử của nền dân chủ tư sản. Cũng như những người dân chủ xã hội ở Châu Âu, trong tranh cử, thông điệp mà họ gửi tới cử tri Mỹ Latinh là những chương trình xã hội hướng tới giải quyết các vấn đề bức xúc. Họ phê phán nạn tham nhũng, sự vô cảm với đời sống cùng khổ của quần chúng, họ muốn thay đổi chính phủ cánh hữu đương thời chứ không hẳn là chế độ tư sản… Đó là những điều mà người dân mong đợi và cũng là vấn đề nhạy cảm của cử tri. Muốn dành được lá phiếu khó có thể làm khác đi. Chính cơ chế dân chủ hiện đại đã làm nảy sinh những cách ứng xử được cho là dân túy.

Trên bề mặt của các sự kiện đã diễn ra ở Mỹ Latinh vài chục năm gần đây, CNDT tồn tại trong môi trường của những vấn đề kinh tế – xã hội mà các chính trị gia cánh tả hướng tới và có nhiều nỗ lực để giải quyết. Trước tiên là các chương trình hỗ trợ xã hội; họ đã nhận rõ rất nhiều nhu cầu ở tầng cơ bản của “tháp Maslow” vẫn là niềm mong đợi của đa số người dân Mỹ Latinh, bao gồm: tạo ra sinh kế – việc làm, chữa bệnh, khắc phục nạn mù chữ, thiếu nhà ở. Cao hơn một chút là những vấn đề thời đại, như: chủ quyền về tài nguyên quốc gia, công bằng, bình đẳng, dân chủ… Nhiều cải cách của các chính phủ cánh tả đã thu được kết quả tích cực: kinh tế phục hồi và có bước tăng trưởng khá, chính trị ổn định, đời sống nhân dân, nhất là nhóm lao động nghèo được cải thiện. Họ đã làm được nhiều và lòng tin của nhân dân với các chính trị gia là có thực.

Ở tầng sâu, phải thừa nhận rằng nhiều chương trình xã hội của cánh tả Mỹ Latinh đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, sâu sắc và vì dân. Đời sống chính trị, kinh tế, xã hội các nước này đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng xóa bỏ nghèo đói, bất công và xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ. Người bình dân đã được thụ hưởng thành quả của các cuộc cải cách  và những chính sách mới trong việc phân phối lại giá trị mà tài nguyên của quốc gia mang lại. Ý thức chính trị đã được nâng cao hơn, nông dân Venezuela đã nói về sự lựa chọn “Chủ nghĩa xã hội hay là chết!” và họ ủng hộ cuộc cách mạng  Bolivar của H.Chavetz. Ở Mỹ Latinh, đồng thời với sự thức tỉnh ý thức tự chủ, tự tôn dân tộc của các tầng lớp xã hội, đã dấy lên phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ và nhất là công bằng xã hội. Họ đến với cánh tả như một niềm hy vọng vào sự thay đổi theo hướng tích cực. Các lực lượng cánh tả ở các quốc gia này đã tìm kiếm được hình thức đấu tranh thích hợp trong tình hình mới – họ chuyển từ truyền thống hoạt động vũ trang sang vận động quần chúng nhân dân, liên kết với các phong trào dân chủ và tiến bộ khác trong nước và khu vực; đấu tranh trên nghị trường với các chính sách, mục tiêu được lòng dân, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, bình đẳng xã hội.

Thêm vào đó, vấn đề “ý thức hệ” XHCN như cách gọi của các nhà tư tưởng phương Tây cũng là một đặc điểm của cánh tả, hay là lời cáo buộc của họ đối với “chủ nghĩa dân túy” Mỹ Latinh. Nhiều chính phủ cánh tả ở đây có thiện cảm với lý tưởng XHCN hoặc tuyên bố sẽ xây dựng “chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ 21”. Nhiều chương trình, dự án kinh tế xã hội ở Veneduela, Bolivia, Nicaragua… mang sắc thái XHCN. Thí dụ như: Cải cách ruộng đất chia ruộng cho nông dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia; sung công hoặc buộc các nhà tư bản mại bản phải nhượng lại những cơ sở khai thác dầu lửa; các chương trình phúc lợi xã hội hướng tới dân nghèo và chống lại toàn cầu hóa bất công đang khiến cho “Một tỷ người đã bị toàn cầu hóa bỏ rơi. Tăng trưởng chậm và bất bình đẳng thu nhập lớn hơn đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa chính trị”(9). Sự phê phán CNDT, ở bề sâu, còn là sự thù ghét với CNXH, và tán dương “chủ nghĩa tự do mới”, bảo vệ lợi ích của các nước phương Tây ở khu vực Mỹ Latinh.

Những thay đổi tích cực mang lại lợi ích cho đa số sẽ va chạm với quyền lợi của một thiểu số nào đó, có cả nhóm mà Cas Camudde (2004) gọi là “lớp tinh hoa mục nát” từng cầm quyền ở khu vực này. Do đó, sẽ có những phản ứng dưới nhiều hình thức. Khi cải cách gặp phải những trắc trở của khủng hoảng kinh tế trong toàn cầu hóa, khi bàn tay can thiệp của các thế lực tư bản muốn giành lại thiên đường đã mất, thì những phương tiện truyền thông, các nghiên cứu “nhuốm màu cánh hữu” sẽ sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” để bôi nhọ. Và mục tiêu cuối cùng là chia rẽ các nước Mỹ Latinh thành 2 khối: khối bị “chủ nghĩa dân túy” nào đó chi phối và khối đi theo “chủ nghĩa tự do mới”. Thực ra là phản đối sự lệ thuộc vào các nước tư bản phương Tây hay là tiếp tục làm “sân sau” cho nó.

4. Hiệu ứng chính trị – xã hội từ chủ nghĩa dân túy ở khu vực Mỹ Latinh  

Cần đánh giá hiệu ứng của CNDT ở khu vực Mỹ Latinh từ hai mặt và song song với các cải cách của cánh tả.

Hiệu ứng tích cực  

Những chương trình cải cách xã hội của cánh tả đã mang lại lợi ích cho đa số. Người dân Mỹ Latinh đã bước đầu được thụ hưởng thành quả của “làn sóng màu hồng” – tên gọi của các cuộc cải cách chính trị ở nơi đây. Ruộng đất cho nông dân, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, giáo dục đã đến với người nghèo. Và cao hơn là những bước tiến của dân chủ, công bằng, bình đẳng xã hội. Nhân dân bước đầu đã trở thành người làm chủ đất nước chứ không phải là đám đông thầm lặng bị những thế lực “tinh hoa thối nát” chi phối như trước đây.

Cải cách đã tích cực hóa quá trình chính trị ở khu vực Mỹ Latinh. Các đảng cánh tả lên cầm quyền đã có rất nhiều thay đổi về chính sách, thậm chí một số quốc gia còn thay đổi cả Hiến pháp và “tháo dỡ từng phần nhà nước tư sản bằng các biện pháp hiến định”.

Đáng lưu ý là thành quả của cải cách đã đến sớm và khá rộng rãi với nhân dân. Khu vực Mỹ Latinh vốn rất giàu tài nguyên, nhất là dầu lửa, nhưng trước đây những tài nguyên đó bị các công ty tư bản nước ngoài và một thiểu số cánh hữu cầm quyền thao túng. Thông qua các chương trình bảo vệ chủ quyền và phân phối lại lợi ích của các quốc gia và phúc lợi xã hội, người dân đã được thụ hưởng.

Độc lập và chủ quyền quốc gia đối với nhân dân trở nên gần gũi và thiết thực vì nó mang lại những lợi ích cụ thể cho đa số. Một lần nữa ở Mỹ Latinh, CNXH xuất hiện với nhiều cách làm, cách nghĩ mới.

Hiệu ứng tiêu cực

CNDT Mỹ Latinh thiếu cơ sở xã hội hay chính xác hơn, không dựa vào hệ tư tưởng của một giai cấp nào rõ rệt cả. Giống như các đảng dân chủ xã hội châu Âu, cơ sở xã hội của những người dân túy Mỹ Latinh là cử tri. Cho dù nhiều nước có nền công nghiệp khá phát triển nhưng công nhân Mỹ Latinh cũng giống như cách nhìn của các nhà không tưởng về công nhân châu Âu đầu thế kỷ 19, vẫn còn ẩn hiện trong đám đông cử tri. Họ là một khối đông đảo các giai tầng và các nhóm lợi ích tương đối khác biệt trong một tập hợp quần chúng cần tranh thủ. Lá phiếu mà họ bầu cho cánh tả chỉ là một tập hợp những người ủng hộ, định danh hơn là định tính. Trong cuộc sống, thực ra họ rất khác biệt do phương thức tồn tại, lợi ích và cả tư tưởng. “Chủ nghĩa dân túy không theo đuổi một hệ thống giá trị nhất định nào để phân biệt với các hệ tư tưởng khác. Vì vậy, nó hiện hữu trong mọi khuynh hướng chính trị (tả, hữu, tiến bộ, bảo thủ…) dưới dạng các chính đảng phản kháng hay các phong trào xã hội chống lại nguyên trạng hiện nay”(10). Đó là điểm yếu của CNDT hiện đại.

CNDT Mỹ Latinh đang tồn tại trong không gian kinh tế, xã hội khá phức tạp. Chế độ chính trị thì thiên tả nhưng cơ sở kinh tế thì phe hữu còn nắm giữ, chi phối nhiều. Thiếu cơ sở vật chất tương xứng là vấn đề lớn của cánh tả, bao gồm cả năng lực phát triển sản xuất, năng lực tổ chức quản lý kinh tế… Xét đến cùng, những tác động về thay đổi sở hữu và phân phối có thể tạo ra hưng phấn xã hội nhất thời, nhưng muốn cho nhiệt tình của quần chúng bền vững thì cần bảo đảm lợi ích bền vững của họ bằng sự phát triển kinh tế – xã hội.

Những chương trình kinh tế, những phúc lợi xã hội dang dở hoặc thiếu nguồn lực thường bị quy kết là CNDT. Nói và hứa mà không làm được là vấn đề đạo đức chính trị rất lớn và nhạy cảm. “Mị dân” là từ mà phe đối lập thường khóac cho các dự án cánh tả, các chương trình xã hội lớn mà chính phủ các nước này đã cam kết với nhân dân”(11). Cũng cần nói thêm rằng, chỉ những tiến bộ về phúc lợi xã hội thôi thì chưa đủ để bảo đảm độ bền vững của cải cách ở Mỹ Latinh.

Tóm lại, CNDT ở khu vực Mỹ Latinh cũng có những giới hạn. Việc cử tri ủng hộ hay phản đối cũng nên xét trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đặt trong một bối cảnh rộng, đặc thù của khu vực này. Chính trị không nên bị ảnh hưởng bởi CNDT, nhưng những cải cách bao giờ cũng phải xác định rõ vấn đề: sẽ mang lại lợi ích cụ thể cho ai và giải quyết như thế nào mối quan hệ giữa lợi ích gần gũi, trước mắt với lợi ích lâu dài, cơ bản. Những vấn đề đó không thể chỉ giải quyết trên lĩnh vực kinh tế – xã hội mà cần tới chính trị, chế độ và một giai cấp “nắm tương lai trong tay” và có khả năng đại diện cho lợi ích chung của đông đảo xã hội, đó là giai cấp công nhân hiện đại.

———————–

Chú thích:

(1), (8) Mai Mai: Sức mạnh của chủ nghĩa dân túy ; http://baoquocte.vn
(2) Francis Fukuyama, Chủ nghĩa dân túy là gì? – “What Is Populism?”, American Interest.
(3) The Economist, “What is populism?” (Chủ nghĩa dân túy là gì?)
(4), (5), (6), (7) Xem thêm: PGS, TS Nguyễn An Ninh, Về chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI của khu vực Mỹ Latinh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
(9) Jojeph Nye: “Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau”, Nghiên cứu quốc tế, 11-2014.
(10) Đinh Hoàng Thắng, Phan Văn Thắng: “Chủ nghĩa dân túy trong văn hóa chính trị hiện nay”, Văn hóa Nghệ An, 4-2017.
(11) Jorge G.Castanxeda: “The Tides of Latin American Populism” (Sự thăng trầm của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ Latinh), Project Syndicate, 22-12-2015.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,