Nguyễn Xí: ‘Nghĩa vua tôi nghìn thuở, đỡ mặt trời mà đặt lên cao’

Đó là lời khen của vua Lê Thánh Tông ban cho Cương Quốc công Nguyễn Xí – võ tướng, danh thần kiệt xuất triều Hậu Lê. Từ thân phận của kẻ đi ở, với tài năng, dũng khí và tấm lòng trung kiên, ông đã trở thành công thần “hai lần khai quốc” vì có công đánh giặc ngoại xâm và dẹp trừ loạn tặc, giữ vững vương triều nhà Lê.

“Giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan…”

Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397), ông nội là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội quê ở làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đến đời Nguyễn Hợp dời đến làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, theo nghề làm muối. Nguyễn Hội sinh hai con trai: Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Năm 1405, khi mới 9 tuổi, Nguyễn Xí đã theo anh trai ra Lam Sơn và làm người nhà của Lê Lợi, được coi như con cháu trong nhà vì vũ dũng hơn người.

Năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí và Nguyễn Biện tham gia ngay từ đầu. Những năm đầu, nghĩa quân chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa, quân ít, lương thiếu nên thắng ít thua nhiều, bị quân Minh, quân Ai Lao và các tù trưởng miền núi vây đánh nhiều trận, 3 lần phải rút lên núi Chí Linh và 1 lần cố thủ ở Sách Khôi. Thời kỳ này, Nguyễn Xí thường theo hầu hạ Lê Lợi và góp công trong các trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi… thuộc vùng thượng lưu sông Chu.

Võ công nổi bật nhất của ông là trận đại phá Vương Thông ở Tốt Động và vượt ngục Đông Quan rồi đánh thắng trận Xương Giang.

Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thuận Hóa đến Thanh Hóa, nghĩa quân Lam Sơn chia làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía đông bắc, Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem quân đến rồi tương kế, tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục ở Tốt Động. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan. Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan, Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang quân vây phía nam thành.

Tháng 3, năm Đinh Mão (1427), Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động, hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về.

Sau đó, Nguyễn Xí lại cầm quân tham gia trận Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận thắng kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn, giải phóng đất nước.

Năm Mậu Thìn (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, tức Lê Thái Tổ; Nguyễn Xí là một trong số đệ nhất khai quốc công thần và được nhà vua thăng chức Long hổ thượng tướng quân, suy trung bảo chính công thần.

Năm Kỷ Dậu (1429), khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm huyện hầu và được ban quốc tính.

Năm Đinh Tỵ (1437), đời vua Lê Thái Tông, ông làm chức quan tham tri chính sự kiên trị từ tụng.
Năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông mất, Nguyễn Xí cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò vua Lê Nhân Tông.

Năm Ất Sửu (1445), Nguyễn Xí làm Nhập nội đô đốc, năm 1448, ông được phong chức Thiếu bảo, coi việc quân dân.

Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí là người giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước và củng cố vương triều.

Đặc biệt, Nguyễn Xí là người có công đầu trong công cuộc dẹp loạn Nghi Dân, đưa Thánh Tông lên ngôi báu mặc dù phải hy sinh cả mạng sống của con mình.

“Đỡ mặt trời mà đặt lên cao”

Tháng 10 năm Kỷ Mão ( 1459), Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, là anh trai của Nhân Tông, đồng mưu với Phan Ban, Phạm Đồn, Trần Lăng, ban đêm trèo tường vào cung điện giết vua và Hoàng Thái hậu, tự xung làm vua rồi cho sứ sang nhà Minh cầu phong. “Nghi Dân cướp ngôi vua được 8 tháng, nhưng vì tính hay nghe lời dua nịnh, chém giết kẻ cựu thần, cho nên lòng người không ai phục, đến tháng 6 năm Canh thìn (1460), các quan đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt, mưu chém Phạm Đồn và Phan Ban ở giữa nghị sự đường, rồi đóng cửa thành lại vào bắt Nghi Dân giết đi, rước con thứ tư vua Thái Tông là Bình Nguyên Vương Tư Thành lên làm vua, tức là vua Thánh Tông”. (Việt Nam sử lược).

Khi Nghi Dân cướp ngôi, Nguyễn Xí đang giữ chức Thái Bảo, đã giả mù, xin nghỉ việc triều chính về nhà. Bọn phản nghịch đã dùng mọi cách để thử xem ông có mù thực không, kể cả chọc ghẹo tỳ thiếp của ông. Không dừng lại ở đó, nhằm lúc ông sắp ra sân, chúng đặt người con thứ mười sáu là Duy Tân ở ngay bậc cửa. Biết vậy, nhưng ông đã cầm lòng đạp chết người con chưa đầy tuổi để chờ thời cơ tiêu diệt bọn phản tặc.

Năm Canh Thìn (1460), Nguyễn Xí được phong làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, Á hầu phụ chính. Tháng 10 năm đó ông được phong làm Sái quận công.

Năm Nhâm Ngọ (1462), Nguyễn Xí được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc. Năm Quý Mùi (1463) lại được phong chức Thái úy.

“Nhạc Giáng Thần”

Tháng 10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí qua đời. Suốt 37 năm liên tục (1428 – 1465), ông làm quan phụng sự hết sức, hết lòng 4 triều vua Lê. Hiếm có một bề tôi nào lại được nhà vua tôn trọng, quan tâm chu đáo như ông, đặc biệt là Thánh Tông. Không chỉ là ban tước hiệu, mà là đề cao, tri ân chí tình chí nghĩa với bề tôi trung thành. Xưa nay chưa có một nhà vua nào tôn vinh, tri ân bề tôi như Thánh Tông:

“ … Xét (Nguyễn Xí ) đây: khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao Hoàng(khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên khảo thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy thanh. Tiên đế mất trong lúc Nam tuần, Ngươi ân cần nhận lời di chiếu. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc. Ngươi hết lòng bày tỏ mưu mô. Tôn miếu xã tắc được vững vàng. Trung châu man di đều thuần phục. Mới rồi: vì trong nước yên tĩnh lâu ngày, nên việc võ dần sinh trễ nải. Giặc cướp phạm vào trong cung, biến cố sinh từ kẽ nách. Lúc nước có biến phi thường, chỉ Ngươi lo toan cứu nạn. Cha con một nhà, cùng một lòng diệt phường gian ác. Nghĩa vua tôi nghìn thuở, đỡ mặt trời mà đặt lên cao….

“Than ôi ! Bình nội nạn, chỉnh ngôi vua, trong đời công lao hơn cả. Thay cho việc trời giúp Hoàng đế,nên hết lòng với nước nhà.Ngươi thực bề tôi trung ái, không cần biết phiền toái nhiều lời” ( Đại Việt thông sử).

Khi Nguyễn Xí ốm, vua Thánh Tông lo lắng dụ rằng: “…Công của khanh trẫm chưa báo đền, bệnh khanh sao đã trầm trệ? Nếu khanh nghĩ đến nước, thì cơm cháo phải cố mà ăn. Khanh nên lo cho ta thì thuốc thang phải cố chữa”. (Đại Việt sử ký toàn thư). Nguyễn Xí qua đời, nhà vua ngừng thiết triều ba ngày, quàn tại điện Kính Thiên rồi đưa thi hài về quê an táng. Hai năm sau, 1467, nhà vua lại cho xây đền thờ, sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia, ban cho mộ chí, sắc phong là Đại vương, hoành phi “Nhạc Giáng Thần” (nghĩa là: Khí thiêng của trời đất, sông núi giáng xuống vị thần dưới này) và đôi câu đối: “Hà nhạc nhật tinh thiên thu hạo khí/ Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong” (Sông núi trời sao ngàn năm khí cả/ Cha con, anh em vạn thuở anh hào).

Không chỉ là Vua – Tôi, sự trung thành, chân thành tôn trọng lẫn nhau đã khiến họ, Lê Thánh tông và Nguyễn Xí trở thành tri kỷ.

Đúng là một trường hợp đặc biệt, hiếm thấy.

Khi giết Nghi Dân rồi thì Lê Lăng muốn đưa Cung Vương Khắc Xương “người đứng đầu trong các con thứ” lên ngôi nhưng Nguyễn Xí không đồng tình mà kiên quyết lựa chọn Bình Nguyên Vương Tư Thành, vốn là một phiên vương sống ở ngoại ô. Sự lựa chọn sáng suốt và kiên định của ông là hoàn toàn chính xác. Lê Thánh Tông là một vị minh quân vĩ đại có công đưa Đại Việt trở thành quốc gia thịnh trị và hùng cường bậc nhất trong lịch sử dân tộc.
.

Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , ,