Nguy cơ gia tăng bệnh tật từ biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thất thường, khí hậu bị ô nhiễm… không chỉ tác động xấu tới môi trường sống, biến đổi khí hậu còn là tác nhân khiến người Việt Nam ngày càng dễ nhiễm các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm mới.

Nguy cơ gia tăng bệnh tật từ biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Theo số liệu mà Tổ chức Y tế thế giới vừa công bố, mỗi năm khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khoảng 77.000 ca tử vong do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó có Việt Nam.

Một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn đang phát triển mạnh tại Việt Nam như lao, sốt xuất huyết, sốt rét… Nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu và bệnh tật: Từ cách nhìn địa cầu đến bối cảnh Việt Nam” của GS Phạm Huy Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe – Môi trường và Phát triển cho thấy, thay đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp, lao, mà còn khiến các bệnh không nhiễm trùng gia tăng như hen, bệnh tâm thần, tim mạch…

Cụ thể, năm 1985 mới có khoảng 1% dân số nông thôn và 2% dân số thành thị bị hen phế quản, thì đến năm 2004, khoảng 2-6% dân số mắc hen. Các rối loạn tâm thần và hành vi tăng hơn 5 lần chỉ trong vòng 4 năm (năm 2001 có gần 30.000 ca, nhưng năm 2004 đã tăng trên 150.000 ca)… Thậm chí, đang có xu hướng “trẻ hóa” nhiều loại bệnh như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, lao, tâm thần…

Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Y tế), các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều do ô nhiễm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc nguồn nước bị ô nhiễm, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn phát triển, muỗi gia tăng khiến cho bệnh sốt xuất huyết, sốt rét cũng tăng cao. Việc ô nhiễm nguồn nước khiến cho dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát. Ô nhiễm khí hậu, khói bụi khiến cho các bệnh về phổi như lao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen… không ngừng gia tăng.

Nhiệt độ tăng tác động trực tiếp đến những người lao động ngoài trời, các loại bệnh được các nhà khoa học liệt kê như: Mất ngủ, ăn uống kém, da khô, nóng, khó thở, chóng mặt, nhức đầu… ngày một nhiều hơn.

Trong khi một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đã được kiểm soát như cúm A/H5N1, thậm chí không còn xuất hiện như SARS thì trong năm 2009 lại xuất hiện một tác nhân gây dịch mới khiến các chuyên gia y tế thế giới đau đầu: virut cúm A/H1N1/2009. Mặc dù không nghiêm trọng như nhận định ban đầu, song sự lan truyền với tốc độ chóng mặt và chiếm tỷ lệ áp đảo so với các bệnh cúm mùa thông thường, loại virut này vẫn luôn tiềm ẩn mối đe dọa với toàn cầu nếu nó được đi kèm với một loại virut cúm khác có độc lực mạnh hơn như virut cúm gia cầm H5N1 hoặc virut Corona từng gây dịch SARS tại Việt Nam và một số quốc gia trong một vài năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia để đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần giảm phát thải của các phương tiện giao thông và ngành công nghiệp, góp phần vào việc giảm những tác hại lên sức khỏe con người. Đồng thời, mỗi người cần tìm ra các biện pháp thích ứng và tự bảo vệ sức khỏe tại nhà, nơi làm việc, loại bỏ ô nhiễm không khí trong nhà bằng việc sử dụng bếp đun cải tiến nhằm giảm thiểu những tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, giảm lượng carbon thải ra…

Theo VĨNH HƯNG / BÁO VĂN HÓA (2013)

 

Tags: , ,