⠀
Nguồn gốc và sự khác biệt của dân tộc Hán hai miền Nam Bắc Trung Quốc
Tộc Hán là một dân tộc tương đối phức tạp về kết cấu. Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển trong suốt thời kỳ lịch sử luôn mang tính động, tức luôn thay đổi liên tục về kết cấu, do tiếp xúc và dung hợp trường kỳ giữa các tộc người.
Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, 2013
Tồn tại trên lãnh thổ Trung Quốc, giữa hai miền Nam Bắc (lấy dãy Tần Lĩnh và dòng Hoài Hà làm ranh giới) bối cảnh lịch sử, tộc người,… hoàn toàn khác nhau. Việc hình thành và phát triển tộc Hán trên hai miền chịu ảnh hưởng lớn bởi sự khác nhau này. Tìm hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của chúng sẽ thấy được điểm đặc thù của tộc Hán trên những miền đất trong lãnh thổ.
1. Nguồn gốc tộc Hán
Theo nghiên cứu của một số nhà dân tộc học Trung Quốc, tộc Hán có hai nguồn gốc chính và phụ. Nguồn gốc chính là Viêm Hoàng và Đông Di. Nguồn gốc phụ là Miêu Man, Bách Việt và Nhung Địch. Trong đó, Viêm Hoàng, Đông Di và Nhung Địch là các bộ tộc cư trú ở phía bắc sông Hoài; Miêu Man và Bách Việt phân bố ở phía nam sông Hoài.
a) Nguồn gốc chính
1) Viêm Hoàng
Tộc Hán xưa nay lưu truyền truyền thuyết về Viêm Đế và Hoàng Đế. Truyền thuyết về Viêm Đế và Hoàng Đế tuy được khoác lên chiếc áo thần thoại, nhưng hạt nhân của nó lộ ra chế độ thị tộc nguyên thủy xa xưa của tộc Hán.
Về sự ra đời của Viêm Đế, Sử ký chính nghĩa dẫn Đế Vương thế kỷ nói “Thần Nông, thuộc dòng họ Khương, mẹ tên là Nhậm Tự, con gái họ Hữu Kiều, được chọn làm vợ của Thiếu Điển, đi dạo vùng Hoa Dương, trông thấy đầu rồng hiện lên, cảm ứng trong mình mà sinh ra Viêm Đế, Viêm Đế mình người đầu trâu”. Viêm Đế do con trai của thị tộc Ngưu và con gái của thị tộc Xà sinh ra, Viêm Đế lấy Ngưu làm vật tổ. Về sự ra đời của Hoàng Đế, Quốc ngữ – Tấn Ngữ Tứ chép: “Xưa Thiếu Điển cưới con gái họ Hữu Kiều, sinh ra Hoàng Đế, Viêm Đế. Hoàng Đế lớn lên ở vùng Cơ Thủy, Viêm Đế lớn lên tại vùng Khương Thủy. Họ ứng với đức vận khác nhau, cho nên Hoàng Đế đổi ra họ Cơ, Viêm Đế đổi ra họ Khương” [Từ Kiệt Thuấn 1999: 20]. Lời dẫn trên cho thấy, cha của Hoàng Đế họ Thiếu Điển, mẹ của Hoàng Đế họ Hữu Kiều. Họ Thiếu Điển lấy gấu làm vật tổ. Hoàng Đế do con trai của thị tộc Hùng và con gái của thị tộc Xà sinh ra, Hoàng Đế cũng lấy gấu làm vật tổ. Như vậy, con gái của họ Hữu Kiều có thể thông hôn cùng con trai của họ Ngưu và họ Hùng, theo chế độ hôn phối xã hội nguyên thủy, hiện tượng vừa tính theo thế hệ cha lại vừa tính theo thế hệ mẹ cho thấy thời đại Viêm Hoàng là giai đoạn chuyển hóa từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền.
Sức sản xuất xã hội nguyên thủy phát triển, thị tộc Hoàng Đế tách khỏi thị tộc mẹ, một bộ phận dần dần rời khỏi lưu vực sông Vị Thủy ở Thiểm Tây, đi về phía đông đến vùng Trung Nguyên lưu vực Hoàng Hà, dần dần mạnh lên, mở ra bốn phía đông tây nam bắc, phát triển thành bộ lạc Hoàng Đế.
Thị tộc Viêm Đế tách khỏi thị tộc mẹ, phát triển lên ở vùng Khương Thủy lưu vực sông Vị Thủy. Hai bên bờ Vị Thủy là vùng phì nhiêu nhất của Thiểm Tây. Thị tộc Viêm Đế phát triển trong điều kiện môi trường địa lý tự nhiên thuận lợi, dần dần trở thành bộ lạc lớn mạnh. Về sau, do nhiều nguyên nhân, một bộ phận của bộ lạc Viêm Đế rời khỏi lưu vực Vị Thủy, đi về đông đến vùng Trung Nguyên, sống ở bờ nam Hoàng Hà, và kết liên minh với bộ lạc Hoàng Đế đã đến vùng Trung Nguyên sớm hơn.
Sau khi hai bộ lạc Viêm, Hoàng kết thành liên minh, do phát sinh mâu thuẫn đã xảy ra chiến tranh. Viêm Đế thất bại. Hoàng Đế thắng lợi, củng cố địa vị thống trị trong liên minh. Chính vì hai bộ lạc đã từng kết thành liên minh và xưng hùng ở Trung Nguyên, nên tộc Hán về sau tự xưng mình là “con cháu Viêm Hoàng” hay “dòng dõi Viêm Hoàng”.
Tộc Hán cho rằng Viêm Hoàng là nguồn gốc chủ yếu của họ còn với những lý do:
Thứ nhất, nhà Hạ – triều đại đầu tiên của Trung Quốc – có mối quan hệ tộc nguồn trực tiếp với bộ lạc Hoàng Đế. Tư Mã Thiên trong Sử Ký – Hạ bổn kỷ viết: “Cha của Vũ là Cổn, cha của Cổn là Chuyên Tu, cha của Chuyên Tu là Xương Ý, cha của Xương Ý là Hoàng Đế”, cho thấy tộc Hạ và bộ lạc Hoàng Đế có mối quan hệ huyết thống trực tiếp.
Thứ hai, tộc Chu – lập vương triều thứ ba của Trung Quốc – có mối quan hệ tộc nguồn với hai tộc Viêm, Hoàng. Trong bối cảnh các thị tộc, bộ lạc nguyên thủy không ngừng phân hóa, bộ lạc Hoàng Đế và Viêm Đế sống ở lưu vực Vị Thủy cũng đã từng trải qua con đường lịch sử gập ghềnh mà trở thành tộc nguồn chủ yếu của họ Chu. Về nữ tổ của tộc Chu, Sử ký – Chu bản kỷ nói: “Hậu tắc tên Khí. Mẹ là con gái họ Hữu Thai, nguồn họ Khương”. Bộ lạc Viêm Đế họ Khương, cho thấy ngoại tổ của tộc Chu là bộ lạc Viêm Đế. Về nam tổ của tộc Chu, Sử ký – Chu bản kỷ nói: “Phong cho Khí ở đất Thai, hiệu Hậu Tắc, lại cho họ khác là Cơ”. Bộ lạc Hoàng Đế họ Cơ, cho thấy dòng tổ phụ của tộc Chu là bộ lạc Hoàng Đế.
2) Đông Di
Vào giai đoạn khởi nguồn tộc Hán, ở lưu vực Hoàng Hà, ngoài liên minh bộ lạc Viêm Hoàng còn có Đông Di. Cách gọi Đông Di có hai nghĩa rộng và hẹp. Nghĩa hẹp là chỉ các dân tộc khoảng từ trước đời Tần cư trú ở duyên hải từ Hoài Hà về phía bắc như các tỉnh Sơn Đông, An Huy, Giang Tô ngày nay. Nghĩa rộng là từ sau đời Tần gọi các tộc Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản, v.v. Chúng ta vì đang tìm hiểu khởi nguồn tộc Hán nên hiểu Đông Di theo nghĩa hẹp. Khác với liên minh bộ lạc Viêm Hoàng, Đông Di không phải là một thể cộng đồng đơn nhất, mà là cách gọi bao gồm rất nhiều thị tộc, bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc, được gọi chung là tập đoàn Đông Di. Tập đoàn Đông Di chủ yếu có năm bộ phận lớn: Si Vưu, Đế Tuấn, Từ Di, Lai Di và Hoài Di.
Đông Di cũng là nguồn gốc chủ yếu của tộc Hán. Mở ra trang sử của ba thời đại Hạ, Thương, Chu, hầu như lúc nào cũng thấy dấu vết của Đông Di. Bộ lạc Thương lấy chim làm vật tổ. Bộ lạc Thiếu Hạo (một bộ phận của Si Vưu) cũng lấy chim làm vật tổ. Bộ lạc Thương và Si Vưu có mối quan hệ huyết thống bên mẹ. Bộ lạc Thương và Đế Tuấn có mối quan hệ huyết thống bên cha [Từ Kiệt Thuấn 1999: 23]. Như vậy, bộ phận Si Vưu và Đế Tuấn trong tập đoàn Đông Di qua quá trình phân hóa và dung hợp, dần dần hình thành tộc Thương. Nhà Thương lập nên vương triều thứ hai của Trung Quốc.
Trong quá trình phát triển của lịch sử về sau, Từ Di, Hoài Di, Lai Di trong trào lưu lịch sử đại dung hợp dân tộc cũng đều trở thành một bộ phận cấu thành của tộc Hoa Hạ. Mối quan hệ sâu xa này quyết định vị trí lịch sử của tập đoàn Đông Di là một trong những nguồn gốc chủ yếu của tộc Hán.
b) Nguồn gốc phụ
3) Miêu Man
Trong khi Trung Nguyên lưu hành truyền thuyết Viêm Hoàng để lý giải nguồn gốc tộc Hán, thì truyền thuyết Bàn Cổ khai thiên tịch địa lưu truyền ở miền nam để trả lời vấn đề “ban đầu ai tạo ra chúng ta”. Người ta đặt ra câu hỏi tại sao miền nam Trung Quốc lại lưu truyền truyền thuyết hoàn toàn không giống với môtíp Hoàng Đế? Lý do chủ yếu là bởi vì tộc Hán ngoài nguồn gốc Viêm Hoàng và Đông Di ra, còn có nguồn gốc Miêu Man.
Miêu Man là cách gọi các thị tộc, bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc ở miền nam Trung Quốc vào thời cổ đại xa xưa. Khoảng vào thời Nghiêu, Thuấn, Vũ thì gọi là Miêu, Tam Miêu, Hữu Miêu. Đến sau thời Chu gọi là Man, Nam Man. Ghép hai âm lại, giới học thuật gọi là tập đoàn Miêu Man. Phạm vi hoạt động sớm nhất của họ đến lưu vực Đan Giang miền đông Tứ Xuyên, và các tỉnh dọc lưu vực Trường Giang như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy. Tập đoàn Miêu Man rất phức tạp, nhiều vấn đề khó khảo chính, một số điểm có thể biết được như:
Suy tôn Nữ Oa làm thủ lĩnh, Nữ Oa là nữ thần sáng tạo ra vạn vật, sáng tạo ra con người. Nữ Oa là đại biểu thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ miền nam. Bàn Cổ khai thiên tịch địa là truyền thuyết đầu tiên lưu truyền trong tập đoàn Miêu Man. Trong Vương triều và hoàng đế Trung Quốc, Trương Tự Văn cũng nói “có người cho rằng, thần thoại Bàn Cổ chính là dựa vào thần thoại Trúc Long mà có, được hình thành từ những yếu tố trong truyền thuyết Bàn Hồ (truyền thuyết quả bầu) của các dân tộc ở phương Nam [Trương Tự Văn 2001: 9]. Bàn Cổ là đại biểu thời kỳ công xã thị tộc phụ hệ miền nam.
Khác với Viêm Hoàng và Đông Di, tập đoàn Miêu Man trong quá trình phát triển dân tộc xuất hiện tình hình đa nguyên hóa. Một bộ phận của tập đoàn Miêu Man trở thành tổ tiên của các dân tộc Miêu, Dao sau này. Đến nay các dân tộc này còn lưu truyền truyền thuyết Bàn Hồ. Một bộ phận khác sau này phát triển thành dân Sở, trở thành một trong những tộc nguồn của Hoa Hạ, và sau này là tộc Hán [Từ Kiệt Thuấn 1999: 25].
4) Bách Việt
Người ta cho rằng sở dĩ tộc Hán còn tự xưng là “long đích truyền nhân” là bởi vì có liên quan đến việc sùng bái vật tổ rồng thời cổ đại.
Chương Nguyên Đạo Huấn trong Hoài Nam Tử nói: “Phía nam Cửu Nghi, việc trên bờ thì ít, việc dưới nước thì nhiều, thế nên ở đấy người dân xõa tóc, xăm mình cho giống con cá sấu”. Cao Dụ nói: “xăm mình tức là thích hình vẽ lên thịt rồi chấm (tô màu) cho giống con giao long để xuống nước không bị giao long làm hại”. Vẽ hoa văn lên người thành hình con giao long là một hình thức sùng bái vật tổ thời nguyên thủy. Từ Kiệt Thuấn khẳng định chính người Việt sùng bái vật tổ rồng. Ông viết theo Thuyết Uyển và Hán thư – địa lý chí hạ, người Việt vẽ hoa văn lên thân mình giống hình con rồng và kết luận sở dĩ tộc Hán tự xưng “long đích truyền nhân” là vì có mối quan hệ sâu xa với người Việt cổ đại sùng bái rồng [Từ Kiệt Thuấn 1999: 26].
Thời xa xưa, ngoài Miêu Man, dân bản địa ở miền nam Trung Quốc còn có Bách Việt, cũng sinh sống rất lâu ở duyên hải đông nam hạ du Trường Giang và vùng Lĩnh Nam, việc khai quật di chỉ Hà Mộ Độ đã chứng minh điều này.
Tập đoàn Bách Việt có rất nhiều thị tộc, bộ lạc, sử gọi là “Việt hữu bách chủng” 粵有百种. Cũng như tình hình phát triển của tập đoàn Miêu Man, tập đoàn Bách Việt trong quá trình hình thành dân tộc cũng xuất hiện tình hình đa nguyên hóa. Một bộ phận qua sự phát triển lịch sử lâu dài, đã từng nhiều lần phân hóa và dung hợp, dần dần hình thành các dân tộc thiểu số như Choang, Thái, Bố Y, Đồng, Thủy, Mao Nam. Một bộ phận khác qua các thời kỳ lịch sử khác nhau hoặc dung hợp với tộc Hoa Hạ hoặc đồng hóa vào tộc Hán.
5) Nhung Địch
Nhung Địch là cách gọi các thị tộc, bộ lạc ở phía tây và phía bắc của Trung Nguyên thời cổ đại. Cách gọi này xuất hiện từ thời Tây Chu. Lúc đó ở phía tây và bắc Trung Nguyên chủ yếu có ba bộ lạc lớn, đó là Hiểm Doãn, Quỷ Phương và Khương Phương.
Hoàng Đế và Viêm Đế đều có gốc cư trú ở vùng tây bắc, tức vùng của Nhung Địch. Bộ lạc Viêm Đế họ Khương, cho thấy có quan hệ tộc nguồn với bộ lạc Khương. Trong thời kỳ đại dung hợp dân tộc thời Xuân Thu Chiến Quốc, đại bộ phận Nhung Địch bị Tấn, Tần chinh phục, tiếp tục trở thành một bộ phận của tộc Hoa Hạ. Các thời kỳ sau Nhung Địch không ngừng gia nhập vào hệ tộc Hán. Do vậy, Nhung Địch cũng được xem là một trong những nguồn gốc của tộc Hán. Một bộ phận của Nhung Địch tránh đi xa, trong điều kiện địa lý và lịch sử mới, con cháu phân thành nhiều chủng loại hình thành nên một trong những tộc nguồn của các tộc Khương, tộc Tạng vùng tây nam, tây bắc Trung Quốc ngày nay [Từ Kiệt Thuấn 1999: 30].
Tóm lại, nguồn gốc của tộc Hán không phải là đơn nhất: Viêm Hoàng, Hạ, Chu chủ yếu xuất phát từ các thị tộc, bộ lạc du mục phía tây bắc; Thương thuộc nhánh phía đông; song song đó miền nam Trung Quốc có Miêu Man, Bách Việt.
2. Quá trình hình thành tộc Hán
Xuất phát từ đa nguồn gốc, việc hình thành tộc Hán trải qua khoảng thời gian lâu dài. Đầu tiên các thị tộc, bộ lạc củng cố nội bộ. Thị tộc, bộ lạc mạnh hơn chinh phục thị tộc, bộ lạc yếu hơn, kết thành liên minh bộ lạc. Liên minh dần dần lớn mạnh phát triển thành dân tộc, rồi thành lập triều đại. Ở lưu vực sông Hoàng Hà miền bắc có ba nhà Hạ, Thương, Chu lần lượt thay thế nối tiếp nhau. Ở miền nam, các thị tộc, bộ lạc thuộc hệ Miêu Man lưu vực Trường Giang, các thị tộc, bộ lạc thuộc hệ Bách Việt vùng Giang, Triết, Lưỡng Quảng, … thành lập nhà nước muộn hơn, tiêu biểu có Sở, Việt.
Giai đoạn thứ hai của quá trình hình thành tộc Hán là thời kỳ hình thành tộc Hoa Hạ. Về đại thể, thời Tây Chu đã định hình cục diện: ba tộc Hạ, Thương, Chu ở lưu vực Hoàng Hà, hai tộc Sở, Việt ở lưu vực nam Trường Giang, và bốn phía là Man, Di, Nhung, Địch. Thời Xuân Thu Chiến Quốc là thời kỳ lịch sử có những biến động lớn về dân tộc. Các bộ lạc chư hầu phát động chiến tranh thôn tính lẫn nhau. Giữa các bộ lạc xảy ra tình trạng ly hợp thường xuyên và kéo dài. Chiến tranh thôn tính lẫn nhau tạo điều kiện cho các tộc tiếp xúc với nhau, ảnh hưởng và hấp thu lẫn nhau, gọi là dung hợp dân tộc. Kết quả của quá trình dung hợp sau thời kỳ này là một tộc mới ra đời, đó là tộc Hoa Hạ. Tộc mới sinh ra lần này là một tộc “không phải Hạ, không phải Thương, không phải Chu, không phải Sở, không phải Việt, cũng không phải Man, Di, Nhung, Địch” [Từ Kiệt Thuấn 1999: 37]. Sau khi tộc Hoa Hạ hay nói chính xác là tập đoàn tộc Hoa Hạ ra đời, ranh giới giữa các tộc ở vùng Trung Nguyên và các tộc thiểu số chung quanh được thiết lập lại. Cách gọi Man, Di, Nhung, Địch lúc này là chỉ các dân tộc ngoài vùng Trung Nguyên. Quan niệm “nội chư Hạ nhi ngoại Di Địch” (trong là chư Hạ mà ngoài là Di Địch) ra đời trong thời kỳ này. Tập đoàn Hoa Hạ trong sách vở trước Tần được gọi là “Hạ”, “chư Hạ”, “Hoa”, “chư Hoa”.
Giai đoạn cuối là giai đoạn phát triển từ tộc Hoa Hạ đến tộc Hán. Tập đoàn Hoa Hạ tiếp tục củng cố, tiếp tục dung hợp, từ tình trạng phân tán đi đến thống nhất trong điều kiện đất nước thống nhất, quyền lực tập trung về trung ương, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng.
Tập đoàn Hoa Hạ mới sau lần dung hợp này, được gọi là “người Tần” dưới triều Tần. Nhà Hán thay thế nhà Tần, dần dần từ “tộc Hán” ra đời. Các tộc xung quanh gọi quân đội triều Hán là “Hán binh”, sứ giả của triều Hán là “Hán sứ”, người của triều Hán là “Hán nhân”. Tên gọi “tộc Hán” được ổn định qua các thời kỳ lịch sử. Đời Đường tuy có cách gọi “người Đường”, nhưng không được dùng rộng rãi, trong mối quan hệ giữa Đường và các tộc xung quanh vẫn gọi “người Hán”, ví dụ như gọi “Phiên Hán lưỡng gia”. Triều Nguyên gọi người Trung Quốc từ Hoàng Hà lên bắc là “người Hán”. Những năm đầu nhà Thanh, gọi người triều Minh là “người Hán”. Thời cách mạng Tân Hợi lại có cách nói “Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng ngũ tộc cộng hòa”. Ngày nay Trung Quốc thống kê nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có 56 dân tộc, tộc Hán chiếm 91,02% nhân khẩu cả nước. Như vậy qua bao lần thay đổi triều đại, tên gọi “tộc Hán”vẫn tồn tại.
3. Quá trình phát triển tộc Hán
a) Miền bắc
Quá trình phát triển tộc Hán gắn với quá trình dung hợp dân tộc qua các triều đại sau Tần. Tình hình dung hợp diễn ra hai chiều hướng: các dân tộc thiểu số dung hợp vào tộc Hán và ngược lại. Tuy nhiên, xu hướng chính vẫn thiên về phía dung hợp vào tộc Hán.
Các thời đại Tần, Hán, Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, năm tộc du mục phía bắc và phía tây là Hung Nô, Tiên Ty, Kiệt, Thị, Khương (sử gọi là “ngũ hồ”) tiến vào Trung Nguyên. Đây là những đợt di dân lớn. Trước tiên một số lượng lớn dân “ngũ hồ” tự phát di dân vào Trung Nguyên sinh sống với tộc Hán nơi này. Khi các tộc ngũ hồ này mạnh lên thành lập chính quyền ở phía bắc Trung Quốc, tiếp tục có các đợt di dân do chính sách của các chính quyền này. Tiêu biểu có tộc Tiên Ty lập nước Đại Quốc, sau đổi thành Ngụy, chính quyền Bắc Ngụy dời đô đến Bình Thành (nay là Đại Đồng tỉnh Sơn Tây), tiếp tục dời đô đến Lạc Dương, theo đó tộc Tiên Ty vào sâu trong lưu vực Hoàng Hà, cùng sinh sống với người Hán, sự tương tác lẫn nhau tạo điều kiện cho sự dung hợp dân tộc.
Các thời Tùy, Đường, Lưỡng Tống, trước sau có bốn cuộc dung hợp dân tộc lớn. Đáng kể nhất là người Đột Quyết, người Hồi Hột, người Khiết Đan và người Nữ Chân. Người Đột Quyết sống ở vùng thảo nguyên phía bắc. Thời Tùy Đường, tộc trưởng Kha-han của Đột Quyết nhiều lần đưa quân tiến vào lưu vực Hoàng Hà, đều bị nhà Tùy và Đường đánh bại. Đường Thái Tông đã từng lập phủ đô đốc để ràng buộc Đột Quyết. Khi lực lượng Đột Quyết bị diệt vong, một bộ phận người Đột Quyết quy phục nhà Đường. Người Hồi Hột có nguồn gốc từ Trung Á đi vào, lực lượng ngày càng lớn mạnh. Thời loạn An Sử, Hồi Hột nhiều lần đưa quân trợ giúp nhà Đường lập công, một số dân Hồi Hột vì những lý do khác tự di cư đến vùng Giang, Hoài. Sau khi chính quyền Hồi Hột tan rã, dân Hồi Hột sống với dân Hán quy thuận triều đình. Khiết Đan là một dân tộc du mục cổ xưa ở phía bắc, tổ tiên người Khiết Đan là một chi của Đông Hồ. Khoảng thế kỷ X lập nước Khiết Đan, và bắt đầu tiến về nam xâm nhập Trung Nguyên. Cùng với sự xâm nhập của Khiết Đan có nhà Liêu. Nhà Liêu đã từng chiếm Khai Phong sau đó rút về phía bắc Hoàng Hà. Người Nữ Chân thành lập nước Kim. Kim tiêu diệt Liêu, tiến vào lưu vực Hoàng Hà đẩy Tống về Nam. Dân Nữ Chân theo bước tiến đó vào lưu vực Hoàng Hà.
Thời Nguyên, những đợt sóng di dân xuất hiện theo vó ngựa Mông Cổ. Mông Cổ chiếm cứ toàn bộ Trung Quốc, dựng nên triều Nguyên. Dân Mông Cổ trở thành công dân loại một có mặt khắp nơi trên lãnh thổ. Đến khi Chu Nguyên Chương xây dựng triều Minh, người Mông Cổ mới quay về thảo nguyên, trong số họ, một bộ phận bị Hán hóa ở lại làm dân dưới triều Minh. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, một số chi của bộ tộc Nữ Chân sống ở vùng đông bắc Trung Quốc thống nhất lại bộ tộc, thành lập nước Hậu Kim. Hoàng Thái Cực đổi tên bộ tộc thành Mãn Châu và đặt tên nước là Đại Thanh. Tộc Mãn Châu tiến về Trung Nguyên và chiếm toàn Trung Quốc. Người Mãn Châu phân bố khắp nơi.
Mỗi đợt di dân của các tộc thiểu số về lưu vực Hoàng Hà tạo điều kiện cho cuộc tiếp xúc và dung hợp dân tộc giữa tộc Hán và các tộc thiểu số diễn ra mạnh mẽ. Nhìn chung, qua các thời đại, miền bắc Trung Quốc xuất hiện những hiện tượng tạp cư giữa tộc Hán và các tộc du mục như Hung Nô, Ngũ Hồ, Đột Quyết, Hồi Hột, Khiết Đan, Liêu, Nữ Chân, Mông Cổ, v.v.. Các tộc này trong thời gian dài sống tạp cư cùng người Hán, qua tiếp xúc, thông hôn, hấp thu phong tục tập quán lẫn nhau.
Xu hướng chính của cuộc dung hợp là các tộc thiểu số bị Hán hóa. Tuy nhiên, quá trình Hán hóa các dân tộc khác cũng là quá trình thay đổi kết cấu tộc Hán. Do dó, diện mạo của tộc Hán hình thành trên cơ sở tộc Hoa Hạ có biến đổi lớn qua các thời kỳ lịch sử.
b) Miền nam
Ở vùng rộng lớn miền nam Trung Quốc ngày nay (tính từ Hoài Hà về nam) thời cổ đại là khu vực phân bố của các tộc thuộc hệ Miêu Man, Bách Việt như đã nói trên.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, một số tộc miền nam đã từng đến Trung Nguyên tranh bá chủ. Sở là một nước ở lưu vực Giang, Hán, thời Tây Chu hoạt động ở vùng Đan Dương (nay thuộc Hồ Bắc). Đến năm 689 tr. CN, bắt đầu dựng đô ở Sính (nay tuộc Hồ Bắc), dần dần lớn mạnh thôn tín nhiều nước nhỏ lân cận. Theo thống kê nước Sở thời Xuân Thu thôn tính gần 45 nước, dần dần dung hợp vào chư Hạ và trở thành một chi chủ yếu của tộc Hoa Hạ miền nam [Từ Kiệt Thuấn 1999: 37]. Ngô, Việt đều là nước ở hạ du Trường Giang. Ngô thuộc Kinh Mân, đóng đô ở Cô Tô (nay là huyện Ngô tỉnh Giang Tô). Việt thuộc tộc Việt, đô thành ở Hội Kê (nay là Thiệu Hưng, Triết Giang). Sau khi Câu Tiễn diệt Ngô, nước Việt trở thành nước mạnh nhất ở vùng hạ du Giang, Hoài. Câu Tiễn dẫn quân tiến lên bắc, tiếp tục liên minh các chư hầu ở Từ Châu, trở thành bá chủ mới [Chu Hán Quốc 2004: 23].
Từ đời Hán về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau như chính sách của triều đình, dân tránh nạn chiến tranh, áp bức, thuế khóa hà khắc, … ở miền bắc, có những đợt di dân quy mô lớn từ bắc vượt Hoài Hà – Tần Lĩnh xuống nam.
Lịch sử di dân Trung Quốc còn ghi chép lại ba lần “Hán nhân nam thiên” lớn. Đợt di dân lớn thứ nhất kéo dài hơn 150 năm từ thời Tây Tấn đến Nam Bắc Triều, đặc biệt là thời loạn Vĩnh Gia. Theo lịch sử ghi lại, trong khoảng thời gian 170 năm từ những năm cuối thời Tây Tấn đến đầu Nam Triều, nhân khẩu miền bắc di dân xuống miền nam trên chín mươi vạn, ước chiếm 1/6 nhân khẩu toàn quốc lúc bấy giờ. Rất nhiều đại quý tộc mang theo mấy mươi gia đình, thậm chí hàng trăm gia đình thiên di xuống nam. Phần lớn trong số họ định cư ở vùng trung hạ du Trường Giang, phần nhỏ tiếp tục di chuyển đến vùng Lĩnh Nam [Chu Hán Quốc 2004: 81]. Đợt di dân lớn thứ hai bắt đầu từ sau loạn An Sử đời Đường đến Ngũ Đại. Đợt di dân lớn thứ ba từ thời Bắc Tống đến thời Nguyên, đặc biệt là thời loạn Tĩnh Khang.
Qua những đợt di cư từ bắc xuống nam, tộc Hán miền bắc và các tộc miền nam (chủ yếu là hệ Bách Việt) cộng cư lâu dài và dung hợp lẫn nhau. Sự dung hợp này theo hai xu hướng. Một là, một bộ phận các tộc miền nam dung hợp với tộc Hán, trở thành tộc Hán miền nam. Hai là, một bộ phận người Hán dần bị Việt hóa trở thành thành viên của tộc Việt. Tuy nhiên xu hướng thứ nhất chiếm ưu thế. Quá trình Hán hóa hay quá trình Việt hóa đều ảnh hưởng sâu sắc đến kết cấu thành phần tộc Hán và tộc Việt. Các tộc thuộc hệ Bách Việt cũng không phải hoàn toàn giống nhau về ngôn ngữ, văn hóa,… lại thêm môi trường địa lý miền nam có nhiều đồi núi cách trở giao thông, do đó quá trình Hán hóa các tộc miền nam khác nhau cũng hình thành các nhóm người Hán khác nhau ở miền nam.
Kết luận
Quá trình hình thành và phát triển tộc Hán gắn chặt với quá trình di dân, tiếp xúc, dung hợp và đồng hóa dân tộc. Tộc Hoa Hạ – tiền thân của tộc Hán – là một tập đoàn gồm nhiều nguồn gốc. Kết luận “tập đoàn Hoa Hạ là một tộc không phải Hạ, không phải Thương, không phải Chu, không phải Sở, không phải Việt, cũng không phải Man, Di, Nhung, Địch” của Từ Kiệt Thuấn, cũng có nghĩa là tất cả các yếu tố đó (Hạ, Thương, Chu, Sở, Việt, Man, Di, Nhung, Địch) đều có mặt, cùng góp phần tạo thành tộc Hoa Hạ. Đây là một kết luận đặc biệt, khác với các lập luận phổ biến trước đây, cho rằng tộc Hoa Hạ là một tộc vốn có mặt ở vùng Hoàng Hà lập triều đại và Hoa Hạ hóa các tộc xung quanh.
Trên cơ sở đại thống nhất bắt đầu từ triều Tần và bước qua triều Hán, tên gọi tộc Hán hình thành. Tên gọi “tộc Hán” ổn định, nhưng kết cấu tộc Hán thay đổi và phát triển qua các triều đại. Ở miền bắc, tộc Hán dung hợp với các tộc phía tây bắc, đông bắc hình thành tộc Hán miền bắc. Ở miền nam, tộc Hán dung hợp các tộc thiểu số miền nam hình thành tộc Hán miền nam. Từ Kiệt Thuấn cho rằng “Tộc Hán là một dân tộc do dòng máu của nhiều tộc trộn lẫn mà hình thành và phát triển, giống như quả cầu tuyết lăn tròn, càng lăn càng lớn, càng phát triển, cuối cùng hình thành một dân tộc lớn trên thế giới” [Từ Kiệt Thuấn 1999: 44]. Viên Nghĩa Đạt còn cho rằng “Dưới góc độ di truyền sinh vật học, bước đầu chứng minh tộc Hán của Trung Quốc chỉ là một quần thể hoàn chỉnh về văn hóa chứ không phải về huyết thống” [Viên Nghĩa Đạt 2003: 71].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
|
Theo VANHOAHOC.VN
Tags: Trung Quốc, Trung Hoa cổ