Người có liêm sỉ không thể ‘nhầm lẫn’ tiền hối lộ thành quà cảm ơn.

Trong một xã hội với trình độ dân trí cao, sự điều chỉnh hành vi bằng đạo đức mang tính tự nguyện và đôi khi có khả năng ngăn ngừa sai trái mạnh hơn cả tính cưỡng chế của pháp luật.

Người có liêm sỉ không thể nhầm lẫn tiền hối lộ thành quà cảm ơn.

Tác giả: Cẩm Hà, chuyên viên tư vấn truyền thông và chính sách công.

Tôi thuộc thế hệ 7x, sinh ra trong thời bao cấp, khi nhà nào cũng thiếu ăn thiếu mặc. Thịt và trứng là những thứ rất xa xỉ.

Bố mẹ tôi đều là công chức nhà nước, sáng sáng đeo một cặp lồng cơm ở ghi-đông xe đạp đến cơ quan. Một ngày hè, trong lúc mẹ còn sửa soạn, tôi tranh thủ trèo lên xe tập đi. Chiếc xe cao quá tầm với khiến tôi loạng choạng ngã. Cặp lồng cơm văng ra, vài ba miếng rau và quả cà rơi xuống đất. Nghe động, mẹ chạy vội ra, đỡ tôi lên rồi nhặt mấy quả cà, lau sạch bụi, xếp ngay ngắn trở lại cặp lồng cơm.

Những bữa cơm gia đình thường đạm bạc. Bố mẹ tôi đi học ở nước ngoài về, những thứ đáng giá nhất được bán dần để chi tiêu lúc gia đình có việc. Mẹ tôi được cơ quan giao trông coi một kho hàng, gồm đủ vật dụng hiếm, khó mua thời đó. Mẹ kể có những đơn vị tới mua hàng, kẹp vài đồng tiền vào chứng từ để cảm ơn. “Mẹ thấy tiền, run bắn người, trả lại ngay”.

Theo lời mẹ, hầu hết mọi người xung quanh sống như vậy: vô tư, không vụ lợi, không tơ hào của công. Có những cán bộ cấp cao thời đó sẵn sàng nhường các suất nhà rộng hơn cho những gia đình đông người. Nhiều người từ chối tiêu chuẩn ôtô, sẵn sàng đạp xe đi làm. Ai cũng nghèo nhưng mọi người biết nhìn nhau mà sống. Vả lại, các quy định pháp lý giai đoạn đó chưa chặt chẽ và nghiêm khắc như bây giờ nhưng nếu bị phát hiện nhận vài chục quả trứng gà là quà “cảm ơn” cũng có thể bị tổ chức đưa ra phê bình, thậm chí kỷ luật.

Tôi tin môi trường giáo dục và nền tảng gia đình đặc biệt có tác động lớn tới năng lực điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân.

Trong một xã hội với trình độ dân trí cao, sự điều chỉnh hành vi bằng đạo đức mang tính tự nguyện và đôi khi có khả năng ngăn ngừa sai trái mạnh hơn cả tính cưỡng chế của pháp luật. Ở trường học của con trai tôi, các phụ huynh vẫn kể cho nhau một câu chuyện minh họa chất lượng giáo dục của trường: học sinh thấy bịch rác trên đường sẽ tự nguyện mang bỏ vào thùng, bởi nếu nhắm mắt lướt qua, các em sẽ áy náy không yên. Rõ ràng, sự giáo dục chu đáo về tinh thần cộng đồng, về nhận thức đối với hành vi chuẩn mực có tính nhắc nhở cao hơn tấm biển “cấm vứt rác”.

Khi còn làm báo, tôi từng phỏng vấn Đại sứ Phần Lan Kari Alanko. Phần Lan luôn nằm trong tốp đầu các nước được xếp hạng “trong sạch” nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International). Năm 2022, Phần Lan xếp thứ hai, còn Việt Nam xếp thứ 77 về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), trong số 180 quốc gia được xếp hạng. Một công chức nhận vé máy bay đi nghỉ dưỡng của doanh nghiệp là hành vi không thể chấp nhận ở Phần Lan, cán bộ từ cấp vụ trưởng trở lên phải công khai toàn bộ tài sản và các mối quan hệ với đối tác. Bên cạnh sự trừng phạt của pháp luật, ông Alanko cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục đạo đức trong việc hình thành văn hóa sống và năng lực hành vi xã hội của con người. “Chữ tín quan trọng hơn cả sự kết án của pháp luật. Một cá nhân bị phát hiện liên quan tới tham nhũng, dù nặng hay nhẹ cũng hoàn toàn đánh mất lòng tin của dân chúng”, ông chia sẻ.

Rõ ràng, rường cột đạo đức và các chuẩn mực xã hội có giá trị điều chỉnh hành vi mạnh mẽ. Khế ước xã hội giúp ngăn ngừa các hành vi làm tổn hại tới cộng đồng hoặc dẫn đến các hậu quả pháp lý. Trong xã hội pháp quyền, mỗi người sẽ phải gạt bỏ một số quyền tự do và lợi ích cá nhân nhất định để đổi lấy việc duy trì trật tự xã hội và hưởng thụ một đời sống văn minh, nhân bản.

Pháp luật chắc chắn là công cụ thiết yếu để quản lý nhà nước và xã hội. Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng ban hành năm ngoái đặt mục tiêu đưa thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội vào năm 2030. Trong đó, đề cao việc xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, nghiêm minh cùng việc đảm bảo sự hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của hệ thống tòa án. Tuy nhiên, việc vun trồng một xã hội với những rường cột đạo đức vững chãi và các chuẩn mực xã hội tiến bộ, giúp ngăn ngừa từ trong trứng nước các mầm mống hành vi phạm tội, cũng quan trọng không kém. Xã hội đề cao phẩm giá sẽ hình thành nên những công chức không cố tình nhầm lẫn tiền hối lộ thành quà cảm ơn, những người dân và doanh nghiệp không dùng tiền để làm méo mó trật tự và luật định.

Những hành vi đúng chuẩn được kế thừa liên tục sẽ trở thành giá trị của cộng đồng, giúp cải thiện vị thế quốc gia trên các bảng xếp hạng thế giới.

Theo VNEXPRESS

Tags: