Ngoại giao ‘cây tre’ kiểu Thái Lan: Muốn ‘đổi gió’ từ cả Mỹ lẫn Trung Quốc?

Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, chính sách đối ngoại của Thái Lan đã tiến gần hơn về phía Bắc Kinh, bất chấp mối quan hệ lâu dài với Washington. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy, Bangkok dường như muốn “đổi gió” từ cả Washington và Bắc Kinh.

Bài viết của tác giả Pongphisoot Busbarat, học giả khách mời tại viện ISEAS-Yusof Ishak và thành viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Sydney. Bài viết đăng trên trang “East Asia Forum”.

Từ trước tới nay, chính sách đối ngoại của Thái Lan nổi tiếng với chính sách “cây tre”, tức là “gió cuốn chiều nào theo chiều đấy”. Điều này phản ánh khả năng của Thái Lan lựa chọn những hướng có lợi cho lợi ích quốc gia của mình. Về mặt lịch sử, chính sách đối ngoại này đã giúp Thái Lan duy trì chủ quyền và độc lập trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực khu vực ở thời kỳ thuộc địa và Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực khu vực hiện nay sau khi Trung Quốc nổi lên, Thái Lan đã vấp phải nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi chiến lược chính sách đối ngoại “cây tre” của mình. Chính trị trong nước kể từ năm 2006 cũng đã làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách Thái Lan trước các vấn đề quốc tế. Bangkok đã không thể vừa thực hiện vai trò lãnh đạo khu vực, vừa duy trì một sự cân bằng tốt giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ.

Sau cuộc đảo chính năm 2014, việc giành được sự công nhận quốc tế và tính hợp pháp đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với chính quyền quân sự Thái Lan, nhưng nước này đã phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ và sự ủng hộ suy giảm từ các quốc gia phương Tây. Đặc biệt, thái độ lạnh lùng của ông Barack Obama khi ấy là Tổng thống Mỹ đối với chính quyền quân sự Thái Lan đã làm nới rộng khoảng cách giữa Washington và Bangkok. Tuy nhiên, khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ cuộc đảo chính này, chính quyền quân sự Thái Lai dường như đã tìm thấy một vùng đệm để cải thiện sức ép chính trị từ phương Tây.

Để duy trì sự ủng hộ của Trung Quốc, chính quyền quân sự Thái Lan đã chấp nhận một vài nhượng bộ cho Bắc Kinh. Trước yêu cầu của Bắc Kinh, năm 2015 Thái Lan đã cho hồi hương những người di cư tị nạn Duy Ngô Nhĩ và một số tù nhân chính trị. Thái Lan và Trung Quốc cũng đã tăng cường quan hệ an ninh thông qua việc mở rộng cuộc tập trận chung và hợp đồng buôn bán vũ khí giữa hai nước. Việc Thái Lan gần đây mua 49 xe tăng và ba tàu ngầm từ Trung Quốc đã báo động một số chuyên gia quân sự, vì đây có thể là dấu hiệu Bangkok sẽ chuyển hướng sang Bắc Kinh trong một thời gian dài.

Nhưng mối quan hệ này cũng gặp trở ngại, đó là sự chậm trễ trong dự án đường sắt cao tốc Trung-Thái kể từ năm 2010. Sự việc này đã gây khó chịu cho Bắc Kinh vì nó ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng liên kết khu vực như một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc “loại” Thủ tướng Thái Lan Prayuth ra khỏi Diễn đàn “Vanh đai và Con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 5 vừa qua. Trước đe dọa và áp lực ngoại giao từ Trung Quốc, Thủ tướng Prayuth đã phải viện dẫn Điều 44 của Hiến pháp Thái Lan – tăng quyền hạn cho Thủ tướng bỏ qua pháp luật hiện hành để ban hành pháp lệnh – để xóa vướng mắc pháp lý trong dự án này. Sau sự chậm trễ kéo dài ba năm dưới sự cai trị của chính quyền quân sự, dự án đường sắt cao tốc Trung-Thái dự kiến sẽ bắt đầu khởi công vào tháng 10/2017.

Sự chuyển hướng quan hệ của Thái Lan còn phụ thuộc trước hết vào định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Bên cạnh chính sách châu Á mơ hồ, chính quyền của của Tổng thống Trump có vẻ tập trung vào vấn đề Triều Tiên hơn. Dù sự tập trung này không ảnh hưởng gì đến lợi ích sống còn của Thái Lan, nhưng vì điều này, sự năng động trong quan hệ hợp tác Mỹ-Thái có thể sẽ bị giảm mạnh.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận cuối cùng, nhưng việc hoãn chuyến thăm Washington của Thủ tướng Prayuth do “lịch trình bận rộn” của ông Trump cho thấy Thái Lan có thể không phải là một yếu tố quan trọng trong tâm trí của Trump so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore. Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thời gian gần đây tiếp xúc thường xuyên hơn, trong đó có hai cuộc điện đàm và một cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Nếu chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Thái Lan bị kéo dài hoặc không bao giờ diễn ra, thì sự thất vọng này có thể làm nhạt nhòa mối quan hệ song phương một lần nữa.

Tuy nhiên, chuyến thăm Thái Lan của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào trung tuần tháng 8 có thể giúp trấn an Bangkok về mong muốn “sửa chữa” mối quan hệ song phương của Washington. Nhưng mục đích của chuyến thăm này có vẻ là để hối thúc các nước Đông Nam Á hỗ trợ giải quyết vấn đề Triều Tiên, chứ chưa hẳn là để hàn gắn mối quan hệ tan vỡ.

Chương trình nghị sự trong chuyến thăm Thái Lan của Ngoại trưởng Mỹ có thể tập trung vào việc khôi phục các cuộc đàm phán thương mại tự do song phương. Nhiều khả năng, Thái Lan sẽ có những nhượng bộ thương mại để đổi lấy việc mua thiết bị quân sự của Mỹ. Gần đây, Bộ Quốc phòng Thái Lan đã tiết lộ kế hoạch mua bốn máy bay trực thăng Black Hawk. Nếu điều này diễn ra, quan hệ hai nước có thể sẽ được khôi phục một phần.

Xung đột Mỹ-Thái cũng có thể xuất hiện trở lại do thái độ hướng nội của Mỹ trong các vấn đề thương mại. Mối quan hệ song phương này có thể phải đối mặt với một thách thức khác tương tự như đầu những năm 1990, bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp thương mại.

Thái Lan gần đây bị Mỹ đưa vào danh sách 16 quốc gia có thương mại không công bằng với nước này và nguy cơ Thái Lan bị Mỹ trả đũa thương mại là có thể xảy ra. Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ của Thái Lan, việc kéo dài tranh chấp thương mại sẽ làm tăng thêm những căng thẳng giữa hai nước và nhận thức tiêu cực hơn của Mỹ đối với Thái Lan.

Mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu Thái Lan có thể dễ dàng điều chỉnh quan điểm chiến lược của mình với hai cường quốc khu vực này hay không song việc này sẽ phụ thuộc chủ yếu cả vào những tín hiệu từ Washington và Bắc Kinh. Nếu Bắc Kinh tiếp tục các chiến thuật “tấn công đáng hổ thẹn” của mình và Washington cuối cùng thể hiện một cử chỉ tích cực, Bangkok nhiều khả năng sẽ hàn gắn mối quan hệ với Mỹ. Nhưng nếu Washington chọn cách ly Thái Lan trong bối cảnh chính quyền quân sự ở nước này kéo dài, Bangkok có thể không có sự lựa chọn tốt hơn ngoài việc tiếp tục sẽ là “người em ngoan ngoãn” của Bắc Kinh.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,