Ngơ ngác như đàn bò trong phố thị

Quê tôi, đàn bò không từ ngoài vào, đàn bò đang ở trong thị xã. Nhưng mai đây, đàn bò rồi sẽ bị đuổi đi. Đàn bò chắc sẽ buồn, rất buồn. Dưới những ống khói công nghiệp uy nghi, xin đừng làm dòng sông cạn khô, đồng ruộng xác xơ để lòng người bớt đi sự hoang hoải, hoài niệm về quá khứ nghèo nàn mà êm đẹp, mới đây thôi.

Ngơ ngác như đàn bò trong phố thị

Từ vùng quê Mỹ

Gần nơi tôi sinh sống ở Mỹ có trị trấn cũ trông như đô thị chết. Những dãy nhà gạch vẫn đỏ mà khô lạnh. Những nhà xưởng rơi cửa thảng hoặc lanh canh tiếng nhôm sắt đụng nhau. Vài toa tàu chở hàng im lìm chôn chân trên đường ray, như chưa muốn tháo chưa muốn xả thứ vàng son chỉ còn là tưởng niệm xuống bến cảng đương thời. Đường tàu cũ lún sâu giữa cỏ xác, đôi chỗ gồ lên vài đoạn, như thể chúng định vượt thoát hiện tại, quay về quá khứ.

Quá khứ huy hoàng, thị trấn đã là nơi khai thác mỏ trù phú, nơi có nhà máy gạch lớn nhất vùng, có nhà máy sản xuất ô tô, có các chuyến tàu ngày đêm tấp nập. Rồi nền công nghiệp thành đại công nghiệp, không ai còn muốn chạy ô tô nhỏ, quặng trong mỏ dần cạn, nhà máy chuyển ra thành phố lớn.

Thế giới không phẳng, thế giới là con dốc dựng đứng. Cái thị trấn từng phồn vinh đó không đủ sức leo lên, từ từ khựng lại, rồi rơi xuống, thương tích quặt quẹo trước khi chết hẳn. Dễ dàng trông thấy kiểu thị trấn như vậy ở các nước phát triển.

Những nơi ấy còn người ở không, hay thực sự là vùng đất ma? Thị trấn gần chỗ tôi vẫn nhiều cư dân sinh sống, trường học khang trang, rừng đầy nai và ruộng mướt xanh ngô đậu. Bởi trong quá khứ, người ta không đốt hết rừng, không biến cả vùng đất thành gạch ngói hay bê tông cốt thép. Ra khỏi nhà máy là rừng là ruộng. Ai công nhân cứ làm trong nhà máy, ai nông dân cứ cày ải trên đồng. Khi công xưởng đóng cửa, người vẫn sống, thị trấn vẫn sáng đèn. Công xưởng cũ đứng đó, như hiện thân quá khứ, chứng nhân cho nền công nghiệp già.

Nhu cầu vật chất kéo loài người đi. Chỉ khi đủ đầy, con người mới có thể tìm về tự nhiên. Tỷ phú mới dựng được trang trại trên đồi, nghệ sĩ thành công lắm mới không cần phẫu thuật thẩm mỹ. Dân làng Kent bang Connecticut giàu có mới dám vì môi trường vì cộng đồng mà phản đối lắp đặt cột phát sóng điện thoại di động trên đất của mình. Một thái độ khác với người nghèo bang West Virginia hoan hỉ bán đất cho công ty công nghệ dựng trạm tiếp sóng. Chúng ta không thể nói cái nào tốt, cái nào xấu bởi ai cũng có lý của mình. Nhưng chúng ta có thể tạo ra sự dung hòa.

Đến nơi chôn rau cắt rốn

Việt Nam đang phát triển, nền công nghiệp như cây non bắt đầu trổ nhánh. Việt Nam đất chật người đông. Nhà máy này đóng cửa, lập tức nhà máy khác thay thế. Điều đó vừa đáng lo vừa đáng mừng. Lo phát triển không bền vững. Những khối bê tông ngạo nghễ mọc lên đồng nghĩa với rừng cây làng mạc ruộng đồng trâu bò biến mất.

Nói đâu xa xôi, làng bây giờ vắng bóng trúc tre bờ dậu. Thay vào đó, tường đá cọc nhọn hiện đại lạnh lùng hắt nóng mặt người quê. Con sông quê thơm mát nước trôi lững lờ ngày nào giờ chia ô chia mảnh, nuôi ngao nạo cát. Những chú chó thuần Việt hiền lành, dễ thương được thay bằng giống chó lai cao lớn, hung tợn.

Nói đâu xa xôi, quê tôi, vùng chiêm trũng xứ Thanh từ mùa hè này đã thành thị xã, khiến những đứa trẻ cười vui phấn khởi trong khi cha mẹ ông bà chân vàng phèn đứng ngơ ngác trước chuồng bò không biết lùa chúng đi đâu.

Như quy luật, rồi những đứa trẻ sẽ già, lúc nào đó lại ngơ ngác đứng cạnh nhà máy hoang mà nhớ tuổi thơ ruộng đồng. Chỉ mong khi ấy vẫn còn ruộng đồng, xa xa cạnh dòng sông, nếu vẫn còn dòng sông… Sự đặc biệt của Việt Nam mà người phương Tây tò mò, muốn khám phá là hồn cốt Việt lặng lẽ tỏa sáng bên cạnh những hạ tầng hiện đại, hoành tráng.

Sau Tết, mẹ tôi thông báo qua điện thoại rằng huyện Tĩnh Gia nhà mình sắp lên “thành phố” Nghi Sơn. Như bao người nông dân khác, bà không phân biệt được thành phố với thị xã. Đất hoa màu vốn trồng lạc trồng khoai giờ rục rịch quy hoạch, người làng vốn đã thờ ơ với ruộng càng thờ ơ hơn.

Tôi mừng cho quê hương. Đã qua rồi cái thời “Khoai lang bóc vỏ hai đầu/ Nửa thương phủ Tĩnh nửa sầu Quảng Xương”. Nhưng tôi cũng buồn, rồi mai đây, khi tôi về, đón tôi đầu làng không phải ruộng khoai xanh mướt ruộng lạc già củ đội đất chồi lên. Sẽ bê tông – nhà máy – ống khói – công xưởng – máy móc bụi mù, sẽ hàng quán bia hơi nhạc xập xình nhảy nhót thâu đêm? Ruộng lúa nơi tôi tập cấy xuống những nhánh mạ non sẽ chết? Chú bê non tôi mua hôm nào liệu có còn cỏ mà ăn tới lúc trưởng thành?

Tôi không biết, mẹ tôi không biết, chẳng ai có câu trả lời chắc chắn cho tôi. Nhưng tôi biết tương lai quê tôi thật khó mà giống thị trấn cạnh nơi tôi đang ở, nơi mà công xưởng hoang tàn nhưng rừng ruộng vẫn xanh tươi, làng vẫn đẹp như tranh.

Đàn bò có chỗ trong thành phố?

Như hôm nào về lại trường Luật, không còn đường Láng Trung với nhiều cây nhiều quán dốc thoai thoải ướt nhớp ngày mưa. Phố Nguyễn Chí Thanh to lớn sạch đẹp tới mức nào cũng không khỏa lấp được hình ảnh cũ nghèo xưa đầy kỷ niệm. Cảm tính khiến tôi lấy quá khứ chồng lên hiện tại, tẩy xóa hiện tại, dù hiện tại có thể tốt hơn, trong con mắt đương thời.

Một thứ gì đó tự nhiên, từ tự nhiên kéo con người về hoài niệm. Người ta bỏ phố lên rừng làm nhà gỗ nhà tranh, nuôi gia cầm, trồng rau, nghe dân ca. Người ta chán sơn hào hải vị, thèm tép rang canh cải rau rừng. Người ta khao khát tự nhiên, thiên nhiên.

Lần đầu trông thấy nhà máy lọc dầu, tôi choáng ngợp. Dưới hoàng hôn, những cột khói trắng dâng cao hoành tráng, uy nghi, lộng lẫy giống quang cảnh phim khoa học viễn tưởng. Đi cùng với nhà máy, là hàng vạn công ăn việc làm mới, là cây gậy thần biến cái huyện nghèo ven biển thành thị xã.

Nếu biển ô nhiễm cá tôm chết cũng không phải chuyện lớn, chúng ta sẽ ăn hải sản từ vùng biển khác. Nếu bê tông xô bật gốc cây xanh, con người cũng đâu chết đói, muốn trong lành cứ chạy lên núi. Chỉ sợ rằng, lúc nào đó, mọi vùng biển đều chết, mọi đồi xanh đều trọc. Không còn chỗ nào để chạy trốn. Lúc đó, con người chỉ còn là cỗ máy như trong phim giả tưởng.

Khi ấy, chắc gì tôi còn sống. Người quy hoạch, người phá rừng phá biển cũng đâu còn sống. Ừ, kệ đi, kệ đi, tôi thầm nhủ. Nhưng mà tôi vẫn mong rằng con cháu chúng ta không phải dùng thành ngữ “ăn xổi ở thì” đặt tên cho thế hệ cha ông.

Trịnh Công Sơn năm nào đã viết: “Đàn bò vào thành phố/ Không còn ai hỏi thăm/ Đàn bò tìm dòng sông/ Nhưng dòng nước cạn khô/ Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn…”

Quê tôi, đàn bò không từ ngoài vào, đàn bò đang ở trong thị xã. Nhưng mai đây, đàn bò rồi sẽ bị đuổi đi. Đàn bò chắc sẽ buồn, rất buồn. Dưới những ống khói công nghiệp uy nghi, xin đừng làm dòng sông cạn khô, đồng ruộng xác xơ để lòng người bớt đi sự hoang hoải, hoài niệm về quá khứ nghèo nàn mà êm đẹp, mới đây thôi.

Theo ĐỖ HOÀNG DIỆU / VIETNAMNET

Tags: ,