Năm bao nhiêu rồi mà phụ nữ vẫn bị bắt phải biến thành siêu nhân?

Khi phụ nữ bị biến thành ba đầu sáu tay để có thể làm việc gấp hai người thường giỏi việc nước đảm việc nhà, thì đàn ông cũng trở thành nạn nhân của chính sự phân biệt ấy.

Bài viết của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, giảng viên chuyên ngành Giao tiếp & Quản Trị đa văn hoá với các nghiên cứu và khoá đào tạo liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Chị đã có một thời gian dài làm báo trước khi về công tác tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.

“Bà chu toàn giữa công việc và vai trò cuả một người phụ nữ trong gia đình như thế nào?”.

Đây là một câu hỏi đầy định kiến giới mà rất nhiều phụ nữ bị căn vặn. Nó mặc định việc nhà là của đàn bà. Để xứng đáng gọi là phụ nữ thì họ phải đảm nhiệm gấp hai công việc của đàn ông: vừa thành công nơi làm việc, vừa là osin trong gia đình.

Câu hỏi này được áp dụng cho hầu hết các thành công của phụ nữ khi họ toả sáng trong vai trò chính khách, giám đốc, doanh nhân, nhà khoa học, người làm công tác xã hội.

Hãy tưởng tượng một nam chính khách, giám đốc, doanh nhân, nhà khoa học, người làm công tác xã hội được hỏi câu tương tự: “Ông làm thế nào để cân bằng vai trò người chồng người cha trong gia đình?”. Nếu thấy hỏi thế hơi vô duyên thì tức là chúng ta đã định vị được vấn đề.

Đàn ông là một nửa của gia đình, sao họ không bao giờ bị và được hỏi? Nếu chăm lo yêu thương gia đình là một nghĩa vụ, thì bao nhiêu người vì cái tư tưởng cổ hủ này mà tìm cách đổ trách nhiệm gia đình lên vai phụ nữ? Nếu chăm lo yêu thương cho gia đình là một quyền hạn, thì bao nhiêu người đã vì nó mà không hề có cơ hội tự hào nói về việc mình – với tư cách đàn ông – đã phụng sự gia đình hết lòng ra sao?

Tiếc là không phải ai cũng có thể thẳng thừng gạt câu hỏi kiểu đó sang một bên như bà Thủ tướng 37 tuổi của New Zealand từng làm. Khi bị hỏi một câu tương tự, bà chả nể nang: “Thật không thể chấp nhận được khi năm bao nhiêu rồi mà phụ nữ vẫn phải trả lời những câu hỏi như vậy”.

“ANH CÓ HỎI LÃNH ĐẠO NAM CÂU ĐÓ KHÔNG?”

Khi ra cuốn sách du ký đầu tiên, tôi đã bị hỏi kiểu: “Làm sao một cô gái bé nhỏ như chị lại có thể một mình đi khắp năm châu?”. Tôi cao 1,58m, tức là vẫn còn cao hơn chiều cao trung bình 1,54 của nữ giới Việt Nam.

Tuy thế, phụ nữ cứ phải bé nhỏ xinh xắn, cute, yếu đuối thì mới đúng điệu. Mà bé nhỏ thì liên quan gì đến đi khắp năm châu? Không lẽ cao lớn hơn mấy xăng ti mét thì xin visa dễ hơn? Bé…mà sao giỏi thế? Không-hề-liên-quan.

Thử đổi lại vai, mấy bạn đàn ông con trai Việt Nam với chiều cao 164cm thuộc loại lùn nhất thế giới, có ai tưởng tượng ra rằng có ngày mình sẽ bị hỏi: “Làm sao một chàng trai bé nhỏ như bạn lại có thể làm kỹ sư, làm thầy giáo, đi du học, học ngoại ngữ, trở thành lãnh đạo…?”

Việt Nam không phải là ngoại lệ. Khi vai trò giới dần bị xoá mờ, chúng ta chứng kiến phụ nữ cũng như nam giới đang đối mặt với sự cổ hủ trong chính mình bộc phát một cách vô thức. Rất nhiều nhà lãnh đạo và ngôi sao đã thẳng thắn vạch ra sự kỳ thị giới và việc gắn phụ nữ với hình ảnh một thực thể nhục tính (sex object), coi vẻ bề ngoài của họ ra là một giá trị nhận định.

Bà Hillary Clinton, khi được hỏi về nhà thiết kế thời trang ưa thích, đã đáp trả lại không ngần ngại: “Thế anh có hỏi lãnh đạo nam câu đó không?” Người phỏng vấn bà Clinton hẳn là xấu hổ khi nhận ra anh đã vô thức gắn phụ nữ với những vấn đề vừa không liên quan đến năng lực, vừa hạ thấp hình ảnh của họ ngang với một thứ phụ kiện trang sức hời hợt như quần áo phấn son.

Tương tự như bà Clinton, nhà du hành vũ trụ người Nga Soreva, bất chấp những thành tích chói sáng, vẫn bị phóng viên hỏi: “Khi ở trên tàu vũ trụ, chị chăm sóc tóc của mình như thế nào?”. Nhà du hành bực mình bèn trả lời: “Thế anh có thấy hứng thú với tóc tai của nam đồng nghiệp trên tàu tôi không?”.

Luật sư tài năng Amal Clooney khi được hỏi bà sẽ mặc gì tại phiên toà nhân quyền đã trả lời “Tôi mặc áo trùm đen luật sư” để nhắc phóng viên rằng, đàn bà không thể bị đánh đồng với quần áo.

Diễn viên Scarlett Johansson cũng không ngoại lệ khi chị và nam diễn viên đóng cặp trả lời phỏng vấn về phim Avengers. Trong phim này cả hai đều mặc quần áo diễn bó sát. Tuy nhiên, Johansson bị hỏi một câu rất nông cạn: “Làm sao mà chị chui được vào cái bộ quần áo đó, chị có ăn kiêng không?”. Trong khi đó, nam diễn viên đóng cặp thì được hỏi một câu rất nghiêm túc và sâu sắc về phương thức diễn xuất.

Tương tự, khi Emma Stone bị hỏi về mái tóc vàng và quần áo, bạn diễn Andrew Garfield của cô thắc mắc: “Chả ai hỏi tôi thế cả”. Stone không bỏ lỡ cơ hội, nói luôn: “Anh thì khác, anh sẽ được hỏi những câu hỏi hay ho, thấm thía. Đơn giản vì anh là con trai”. Stone có chủ ý dùng chữ BOY trong nguyên tác tiếng Anh. Đây là điểm quan trọng vì phụ nữ trưởng thành vẫn bị goị là GIRL, trong khi đàn ông được gọi là MAN.

NHỮNG “ĐẶC QUYỀN” TRỚ TRÊU

Tôi có may mắn được hành nghề phóng viên rất sớm khi còn ngồi ghế nhà trường nên khi 24 tuổi đã kịp đảm nhận trọng trách Thư ký toà soạn, chịu trách nhiệm về nội dung cho một tờ báo phục vụ các bạn trẻ. Chưa phải là sếp to, nhưng chắc chắn có tý quyền hành.

Tôi phải giải thích thế để chúng ta có bối cảnh và hiểu được bản chất của sự phân biệt giới tính khi vào một ngày đẹp trời, toà soạn tôi tổ chức tiếp khách quý. Và tôi được giao nhiệm vụ bằng một câu hỏi mà thật ra là ra lệnh: “Phương Mai lát nữa mở lon nước ngọt cho khách nhé”.

Là tôi, chứ không phải ai khác, dù thành phần tham dự có cả phóng viên lẫn cộng tác viên, cả bằng tuổi lẫn kém tuổi. Nhưng tôi bị chỉ đích danh, đơn giản vì lúc đó gần như chỉ mình tôi là phụ nữ.

Sự khó chịu từ ngày ấy trở thành cơn giận kinh niên khi hàng mấy thập kỷ trôi qua mà phụ nữ vẫn liên tục bị hỏi và áp đặt những trách nhiệm như thể họ kiêm thêm vị trí người trông trẻ + lao công + đồ trang điểm cho công sở.

Ấy là khi phụ nữ đương nhiên bị yêu cầu lo chi tiêu mua bán khi công ty có việc; lo quét dọn nấu nướng khi công ty có tiệc; lo cốc tách sạch sẽ hoa nở trên bàn khi ngày làm việc bắt đầu; lo cầm hoa tiến từ cánh gà ra trao cho sếp để sếp trao cho khách; lo mặc áo dài đứng chờ dưới cổng và cười cho đẹp mặt cơ quan; lo banh miệng ra khoe răng để khách dễ chịu.

Thậm chí, có công ty còn yêu cầu nhân viên nữ à ơi một chút với khách để khách vui, mặc áo hở ngực một tý để níu chân khách, trang điểm đi giày cao gót để khách thấy bắt mắt.

Sự kỳ thị ấy diễn ra tràn lan trong công sở, và bắt đầu từ những câu hỏi phỏng vấn xâm phạm đời tư và chỉ đàn bà mới hay bị hỏi như: “Chị đã có gia đình chưa?”; “Chị có dự định lập gia đình không?”; “Chị dự định có gia đình và có con khi nào?”; “Chồng chị làm nghề gì?”; “Anh ấy nghĩ thế nào về áp lực công việc và thăng tiến sự nghiệp của chị?”; “Chị làm thế nào có thể lãnh đạo một team toàn đàn ông?”; “Ai sẽ lo cho gia đình khi công việc đòi hỏi chị thường xuyên phải đi công tác?”, “Gia đình có ủng hộ chị không?”…

Một đồng nghiệp của tôi khi bị hỏi câu “Cô độc thân à?” trong một buổi phỏng vấn đã trả lời nửa đùa nửa thật: “Tại sao ông hỏi vậy? Ông định cầu hôn à?”. Tuy vậy, lời khuyên của chị cho phụ nữ khi bị hỏi những câu kỳ thị giới tính lại là một thái độ nghiêm túc, vạch cho người hỏi thấy vấn đề này không liên quan đến chất lượng công việc, hoặc hỏi ngược trở lại để người kia thấy sự kỳ thị của chính mình.

ĐÀN ÔNG CŨNG BỊ KỲ THỊ

Sự kỳ thị giới luôn là đồng xu hai mặt. Khi phụ nữ bị biến thành thực thể nhục tính, thành siêu nhân ba đầu sáu tay để có thể làm việc gấp hai người thường giỏi việc nước đảm việc nhà, thì đàn ông cũng trở thành nạn nhân của chính sự phân biệt ấy.

Hãy bắt đầu từ những chuyện nhỏ như cách chúng ta hồn nhiên đưa cây búa cây kìm cho một người đàn ông và mặc định anh ta PHẢI biết sử dụng, sửa chữa hỏng hóc từ nhà cửa đến xe cộ và máy móc.

Hãy tiếp đến chuyện chúng ta hồn nhiên cho rằng đàn ông đi ăn phải trả tiền và không làm như vậy thì không đáng mặt đàn ông.

Hãy thử quan tâm đến cách chúng ta coi đàn ông đương nhiên là phải mình đồng da sắt, đội mưa đội nắng chấp nhận mọi công việc nặng nhọc hiểm nguy.

Hãy nghĩ đến sự vô lý khi ta đòi công bằng giới nhưng lại dè bỉu những người chồng làm ra tiền ít hơn vợ.

Hãy để tâm xem tại sao ta lại coi thường đàn ông đến mức ví họ như một thực thể thú tính, đầu óc chậm phát triển đến mức hễ có sex là không còn khả năng suy nghĩ và hành động lương thiện.

Hãy tự hỏi tại sao ta tước đi của đàn ông quyền được khóc, được thể hiện cảm xúc, được tìm trợ giúp và sẻ chia?

Xã hội thiếu bình quyền cơ hội cũng là một xã hội mà đàn ông phải chịu đựng nhiều áp lực không thể dễ dàng bày tỏ: phải mạnh mẽ, phải kiếm tiền, phải làm chủ gia đình, phải nuôi được cho vợ con, phải sống kiểu nam vô tửu như cờ vô phong, phải vinh thân phì gia, đó là chưa kể phải có con nối dõi tông đường nếu không muốn phạm tội bất hiếu.

Trớ trêu thay, những áp lực đó chính là hệ quả của những áp lực với phụ nữ. Đàn ông văn minh ai cũng hiểu rằng, giải thoát cho phụ nữ cũng là giải thoát cho chính mình. Để chính mình không bị áp lực phải thành người tài, và nguời phụ nữ bên mình không bị đánh giá chỉ bằng thước đo của phù du.

Quay trở lại câu hỏi đầy tính kỳ thị giới “Làm thế nào một người phụ nữ chu giữa công việc và gia đình?”. Với những phụ nữ làm lãnh đạo và cuộc sống bận rộn, họ có thể trả lời khéo rằng mình thiệt thòi hơn, dành được ít thời gian cho gia đình hơn. Ví dụ một việc đơn giản như đi chợ, nấu bữa cơm, cũng không phải dễ dàng làm được. Và ta chép miệng, cảm thông cho người phụ nữ ấy.

Để thấy tiêu chuẩn kép và sự bất công ở đây, hãy thử tưởng tượng một nam chính khách, giám đốc, doanh nhân hay nhà khoa học… trả lời y hệt như vậy. Ta sẽ ngưỡng mộ chàng lên tận mây xanh, và hẳn chàng sẽ toả sáng còn hơn cả anh Ri – hình tượng nam thần khiến chị em nhất quyết đòi hạ cánh.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,