Mười năm loay hoay của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương

Chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thực chất gồm có 2 thành tố cấu thành là sự hiện diện quân sự của Mỹ và đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác kinh tế với khu vực này thông qua các hiệp định thương mại tự do…

Mười năm loay hoay của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương

Chuyển dịch trọng tâm

10 năm trước, ngày 17/11/2011, trong bài diễn thuyết trước Quốc hội Australia, Tổng thống Mỹ khi ấy là Barack Obama tuyên bố: “Các lợi ích lâu dài của Mỹ tại khu vực này đòi hỏi sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực. Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ ở lại đây”.

“Khu vực này” trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ là “châu Á – Thái Bình Dương” và đây là thông điệp đầu tiên của chính quyền Mỹ về quyết định chuyển dịch trọng tâm chiến lược toàn cầu từ khu vực châu Âu – Trung Đông sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thường được biết đến dưới tên gọi Chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương.

10 năm trôi qua, chiến lược này của Mỹ đã trải qua những thăng trầm với không ít sửa đổi, tiếp tục là một trong những định hướng chiến lược tác động mạnh mẽ, sâu sắc nhất đến cục diện địa chính trị của không chỉ khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Sau một thời gian Mỹ tuyên bố “tái cân bằng” ở châu Á – Thái Bình Dương, điều gì đã xảy ra?

Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do nước này chiếm hữu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành các đảo nhân tạo, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục cơi nới, mở rộng một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa.

Trước sự lo lắng của Mỹ, ngay tại Vườn hồng Nhà Trắng vào mùa thu năm 2016, lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Trái ngược với cam kết này, Trung Quốc đã cấp tập quân sự hóa các đảo nhân tạo, biến chúng thành pháo đài với các cơ sở chứa vũ khí, triển khai năng lực phòng thủ tên lửa thường xuyên, các trạm radar và những đường băng đủ để tăng cường năng lực trên không đe dọa toàn bộ khu vực Biển Đông.

“Bình cũ rượu mới”

Chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thực chất gồm có 2 thành tố cấu thành là sự hiện diện quân sự của Mỹ và đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác kinh tế với khu vực này thông qua các hiệp định thương mại tự do…

Chiến lược này bị giáng một đòn chí mạng vào tháng 1/2017 khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Chỉ 3 ngày sau khi vào Nhà Trắng, ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định mà các nhà thương thuyết của Mỹ đã phải hao tổn rất nhiều tâm sức để thương thuyết với các đối tác châu Á – Thái Bình Dương.

Rút khỏi một hiệp định thương mại đa phương nơi mà Trung Quốc lăm le nhảy vào thế chỗ, ông Trump lại hướng trọng tâm vào những đòn đánh thuế quan nhằm vào Trung Quốc, kết quả là làm bùng lên cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong năm đại dịch 2020.

Nhưng, với chiến lược địa chính trị của chính quyền tiền nhiệm, ông Trump không đảo ngược, cũng không xóa bỏ. Trong năm 2017, chính quyền của Tổng thống Trump công bố một chiến lược mới mang tên “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tự do và rộng mở, thực chất là một dạng “bình cũ rượu mới”, tiếp nối chiến lược của chính quyền ông Obama trên phạm vi rộng lớn hơn. Sang năm 2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ chính thức được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Về hình thức, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ mở rộng không gian chiến lược từ một đại dương sang hai đại dương, trong đó Ấn Độ giữ một vai trò quan trọng. Đó cũng chính là lý do hình thành trên thực tế “Bộ Tứ”, một cơ cấu đã được đề xuất từ lâu nhưng chỉ nằm trên giấy tờ và trong tuyên bố của các chính khách. Ấn Độ là một đỉnh của “tứ giác kim cương” này, 3 đỉnh kia là Mỹ, Australia và Nhật Bản.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sự hình thành “Bộ Tứ” là nhằm để đối trọng với Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Nhưng, việc rút Mỹ khỏi TPP đã khiến cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington bị thiếu đi thành tố kinh tế và như vậy, cơ cấu “Bộ Tứ” chủ yếu vẫn mang yếu tố chính trị (và cả quân sự) là chính.

Thêm nữa, những động thái liên tiếp của chính quyền ông Trump gây bất hòa với những đồng minh chủ chốt ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc (xung quanh chuyện chi phí cho quân đội Mỹ đóng quân), với Philippines (xung quanh các vấn đề như nhân quyền) đã khiến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump đánh mất đi sức mạnh của liên minh, chủ yếu mang tính chất một học thuyết địa chính trị hơn là một cơ chế hoạt động trên thực tế.

Chính sách thực dụng

Từ tháng 1/2021, sau lễ nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden, cụm từ “châu Á – Thái Bình Dương” lại liên tục được nhắc tới. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden sẽ quay trở lại chiến lược “châu Á – Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Obama (mà ông Biden từng là Phó Tổng thống), hay tiếp nối chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của chính quyền ông Trump, đó vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ, ít ra là về tên gọi.

Trên thực tế, chính quyền của ông Biden đã có những động thái nhằm tiếp tục xúc tiến chiến lược đã bắt đầu từ 10 năm trước. Cơ cấu “Bộ Tứ” được củng cố với những cuộc tập trận quân sự của quân đội các nước thành viên và những cuộc họp cấp bộ trưởng được thay thế bằng các cuộc họp thượng đỉnh (được đề xuất sẽ tổ chức hằng năm).

Nhưng, bước “sửa chữa” (chính sách của người tiền nhiệm) mang tính đột phá của chính quyền ông Biden chính là việc hình thành AUKUS, thỏa thuận đối tác an ninh 3 bên Anh-Mỹ-Australia về việc cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho hải quân Australia mới thật sự gây ra ảnh hưởng địa chính trị cực lớn cho toàn vùng cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Sau 63 năm kể từ khi ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Anh vào năm 1958, Mỹ mới lại chấp nhận chia sẻ loại công nghệ cực kỳ nhạy cảm này cho một nước khác.

Nó cho thấy một điều là để đạt mục tiêu ngăn chặn thế phát triển chiến lược của Trung Quốc (và phần nào của Nga), Mỹ sẵn sàng thay đổi căn bản chính sách hạn chế hoàn toàn phổ biến vũ khí và công nghệ tiên tiến bằng một chính sách thực dụng hơn, đó là phổ biến có điều kiện những vũ khí và công nghệ này cho những đồng minh và đối tác then chốt của Mỹ, để các đồng minh hay đối tác này có khả năng tham gia trong một liên minh chiến lược cùng với Mỹ để đạt mục tiêu an ninh và răn đe rộng hơn.

“Tay chơi” mới: nước Anh

Từ AUKUS, có thể thấy xuất hiện một “tay chơi” mới trong không gian chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: nước Anh.

Sự chuyển hướng của Anh sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã bộc lộ rõ rệt khi nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth lên đường tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hiện thực hóa tuyên bố từ lâu rằng tàu sân bay của Anh sẽ có mặt trong khu vực. Việc tham gia AUKUS là bước tiến của Anh từ khâu ý tưởng chuyển sang thực tiến triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho dù nước này chưa chính thức công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình.

Thậm chí, Anh còn đi xa hơn Mỹ khi chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hậu thân của TPP, cũng chính là cột trụ kinh tế mà Mỹ đã vứt bỏ dưới thời Tổng thống Trump. Không những thế, Anh đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand đang đàm phán với Ấn Độ cùng một số nước khác.

Nước Anh “hậu Brexit” muốn vươn lên thành một cường quốc toàn cầu không thể không chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tham gia AUKUS là một động thái quan trọng nhằm thực hiện trọng tâm chiến lược nghiêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Anh mà còn là cơ chế nền tảng giúp Anh duy trì sự hiện diện trong khu vực. Mỹ có thêm một đồng minh trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, còn Anh sẽ mở rộng sự hiện diện của mình ở một trong những vùng địa lý chiến lược quan trọng bậc nhất thế kỷ XXI.

*

10 năm đã trôi qua với 3 đời tổng thống kể từ ngày Mỹ chính thức công bố chiến lược tái cân bằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương rồi chuyển sang không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trọng tâm chiến lược của Mỹ đã dịch chuyển sang khu vực này là điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Thế nhưng, đó là 10 năm Mỹ vẫn loay hoay với một chiến lược tùy thuộc rất nhiều vào việc ai là ông chủ trong Nhà Trắng.

Điều căn bản là Mỹ làm thế nào để thực hiện được chiến lược này một cách hiệu quả. Khả năng Mỹ quay lại CPTPP hiện vẫn còn bỏ ngỏ, việc hình thành một liên minh rộng lớn mang tính bao trùm là điều bất khả thi.

Do vậy, cơ chế những “vòng tròn nhỏ” khác nhau, đáp ứng những mục tiêu riêng biệt, như “Bộ Tứ”, như AUKUS, có lẽ sẽ là mô hình thích hợp để Mỹ từng bước thực hiện chiến lược đối với toàn vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo AN NINH THẾ GIỚI 

Tags: ,