Mùa xuân nghĩ về cái đức sống vì người khác

Trên đời này, không phải ai cũng chỉ sống vì một mình mình, vì chính một mình mình, vì mỗi bản thân mình. Con người sinh ra ở trên đời này sống vì mình (tất nhiên) nhưng cũng còn phải sống cho người khác, vì những người khác nữa.

Ngày xuân nghĩ về cái đức sống vì người khác

Vì sao con người lại phải sống vì người khác?

Trước hết, trái tim con người mách bảo con người phải sống vì người khác. Tình yêu bố, mẹ, vợ chồng, con cái, anh, em, bè bạn, tình yêu đất nước, quê hương đã nhủ con người ta không chỉ biết sống một mình, mà phải biết sống vì người khác nữa, phải biết cảm thông, sẻ chia những nỗi niềm với người khác, phải biết vui cùng niềm vui của người khác, phải biết đau nỗi đau của người khác.

Có nhà thơ đã viết “Trái tim người khác nằm đau ngực mình…”. Trái tim mình nhưng lại đập những nhịp đập của trái tim người khác. Thế mới là trái tim con người. Có lẽ những người nào không có trái tim như thế thì chưa chắc đã là một con người theo đúng nghĩa.

Trái tim con người có một sức mạnh phi thường.

Bình thường, con người ta rất hiền lành, có người hiền như đất, có người còn yếu đuối và nhút nhát nữa. Ấy thế mà khi thấy người thân của mình, thấy đồng bào mình gặp nạn, thấy đất nước lâm nguy, những con người ấy đã quên hết cả sợ hãi, quên cả bản thân mình. Họ sẵn sàng nhảy vào nơi mưa bom bão đạn, sẵn sàng nhảy vào lửa, sẵn sàng nhảy xuống dòng nước chảy xiết để cứu đồng bào, cứu đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hàng triệu các chàng trai, các cô gái đã tình nguyện lên đường tòng quân cứu nước, hát vang bài ca “Vì nhân dân quên mình”. Và chính cuộc đời họ chứng minh cho câu hát ấy. Họ tình nguyện xa mái ấm gia đình, xa những người thân thương nhất, “dứt áo ra đi” để ăn rừng, ngủ rú, ăn bờ, ngủ bụi, “khoét núi ngủ hầm/mưa dầm cơm vắt…” và “máu trộn bùn non“…

Có những người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình chèn pháo, lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội nhả đạn về phía quân thù… Những con người ấy đã nhường nhau sự sống, tranh nhau cái chết – chết cho Độc lập, Tự do. Đó là những con người có “Một trái tim biết yêu tha thiết đất nước quê hương/ Biết căm thù quân xâm lược/ Một trái tim rực lửa anh hùng“.

Trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày hòa bình cũng đã có hàng triệu, hàng chục triệu những tấm lòng nhân ái sẵn sàng cảm thông giúp đỡ, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ những con người yếu đau, hoạn nạn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ những gia đình gặp thảm họa trong cuộc sống. Nhiều tấm gương đã quên mình cứu hộ, cứu nạn và anh dũng hy sinh. Đã có biết bao nhiêu người đã tình nguyện hiến máu, hiến tạng cứu người. Những con người ấy là những con người đã sống vì người khác, vì mọi người, vì đất nước.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, các loại lâm tặc, thương tặc (và cả giao thông tặc nữa), đã có biết bao nhiêu chiến sĩ áo vàng, chiến sĩ biên phòng, chiến sĩ kiểm lâm “vì nước quên thân” để giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân, giữ bình yên đất nước.

Những con người ấy là những tấm gương sáng về đạo đức mới “mình vì mọi người” trong xã hội chúng ta

Thế nhưng, ở trên đời này, không phải ai cũng biết sống vì người khác, vì mọi người. Có những con người chỉ biết sống vì cái tôi nhỏ bé của họ. Có những con người cả đời chỉ muốn lúc nào cái gì của họ cũng phải to hơn, ngon hơn, thơm hơn, tốt đẹp hơn, béo bổ hơn (và cả vinh quang hơn) người khác. Họ sục sạo, họ lăn lộn, họ tìm mọi cách, kể cả cách chà đạp lên, giẫm đạp lên lợi ích và nhân phẩm người khác. Có kẻ còn gây tội ác hòng đạt được mục đích đê hèn. Vì thế, một xã hội có kỷ cương không thể để cho trái tim yêu ghét của mỗi người hoàn toàn định đoạt mọi hành vi của con người được. Phải có đạo đức và pháp luật. Đạo đức xã hội để giáo dục, pháp luật của Nhà nước để bắt buộc mọi hành vi của con người phải tuân theo một quỹ đạo đúng đắn.

Con người ta sinh ra không phải là sống riêng rẽ, biệt lập. Con người sống có tổ chức. Đó là một làng, một xã, một phố, một phường, một trường học, một cơ quan, xí nghiệp, một tổ chức, một đất nước. Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Ai cũng có quyền được mưu lợi cho mình, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: lợi mình nhưng không làm hại người khác. Sống vì người khác một cách tốt đẹp, nhất là sống theo nguyên tắc “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, là “sống theo hiến pháp và pháp luật”.

Theo PHẠM MINH GIANG / VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: ,