Một số vấn đề về phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững

Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tăng trưởng luôn ở mức cao, tuy nhiên, so với thực tiễn và tiềm năng vẫn còn một số hạn chế nhất định trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững, cần tiếp tục có nhiều giải pháp được thực hiện song hành trong thời gian tới.

Một số vấn đề về phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững

Tác giả: Phạm Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thu Phương, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên.

Nguồn: Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 3/2020.

Thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam những năm gần đây

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện, nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Tình hình lao động, việc làm của cả nước có sự chuyển biến tích cực. Đời sống dân cư ngày càng được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Tính đến cuối tháng 12/2019, cả nước có 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010-2020. Đây là kết quả chỉ đạo điều hành tích cực của Đảng, Nhà nước và cố gắng của người dân trong sản xuất như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng và xây mới các khu công nghiệp, nhà máy, công trình, phát triển làng nghề để tạo thêm công ăn việc làm…

Một số tồn tại trong phát triển kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập, hạn chế như:

– Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tạo ra sự liên doanh liên kết, tác động lan tỏa giúp doanh nghiệp ̣DN trong nước phát triển.

– Hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng. Việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài tuy gia tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt; Vẫn còn một số dự án đầu tư tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái…

– Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Năng suất lao động thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng mức năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước khác vẫn tiếp tục gia tăng.

– Sức cạnh tranh của nền kinh tế, các DN và các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các DN mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các DN khác cùng phát triển… Khả năng hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế.

– Vấn đề phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; việc áp dụng khoa học – kỹ thuật trong nhiều ngành nghề vẫn còn hạn chế. Từ trước đến nay, máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, hệ quả là nhập siêu từ Trung Quốc trong nhiều năm qua rất cao.

– Tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực là chưa cao, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, DN chưa tốt. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế thị trường.

– Việc phát triển thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng trong việc xác định hướng đi. Các thị trường bất động sản, tài chính, lao động, khoa học – công nghệ tuy đã hình thành và phát triển nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn

– Vai trò của kinh tế tư nhân tuy đã được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng cần có thêm những chính sách cụ thể để phát huy trong thời gian tới. Hiện nay, vẫn còn tình trạng bao cấp, xin cho. Kinh tế tư nhân chưa thực sự có những chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện cho lực lượng này phát huy hết năng lực.

– Công tác quản lý, điều hành của Nhà nước và quản trị của DN tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành về nguồn lực, chính sách thuế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ sở hạ tầng…

– Thị trường công nghệ chưa được hình thành bền vững, DNNN chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, chưa quan tâm đến các dự án theo chiều sâu. DN tư nhân còn khó khăn hơn do thiếu vốn, thiếu công nghệ…

– Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình… Tham nhũng vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt, có nhiều thế lực phản động, chống phá cách mạng luôn tìm cách tuyên truyền, vận động người dân chống lại chính quyền.

Một số giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững

Để phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực chất hơn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, nghiên cứu nội hàm, phương thức vận hành của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, làm rõ những cơ hội, thách thức và điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế, từ đó có các giải pháp thực hiện cụ thể vào một số lĩnh vực ở một số địa phương; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Thứ ba, chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, chính sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh nông thôn; Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tránh xa sự lợi dụng của các thế lực thù địch và chống phá cách mạng; Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Thứ tư, chú trọng đầu tư phát triển khoa học – kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế; Đầu tư cho cán bộ, người lao động được học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ; Có chính sách khuyến khích các công trình nghiên cứu, các sản phẩm có tính ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, cơ cấu ngành, nghề hợp lý, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan trung ương với các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với các DN…; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước; Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp; Nâng cao hiệu quả dạy nghề, khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo với cơ sở nghiên cứu và DN; Khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát triển hiệu quả thị trường khoa học, thị trường lao động.

Thứ bảy, cần tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc về các thiết kế tài chính, công khai minh bạch thông tin, thúc đẩy mối liên kết giữa khu kinh tế công và tư, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Cùng với đó, cần có chính sách tốt hơn cho khu vực DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, giúp họ tận dụng tốt hơn cơ hội và vượt qua những thách thức, trở ngại từ hội nhập quốc tế và trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

———————–

Tài liệu tham khảo: 

Trần Đình Mạnh, Trần Đình Hùng (2018), Phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, Tạp chí Tài chính;
Tổng cục Thống kê, Tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2019;
Kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam, baochinhphu.vn;
Các website: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/; https://www.gso.gov.vn/; http://baochinhphu.vn; http://tapchitaichinh.vn/.

Theo TẠP CHÍ TÀI CHÍNH

Tags: ,