Một số tiêu chuẩn để xác định chân lý

Tiêu chuẩn xác định chân lý là thước đo chuẩn mực được dùng để đánh giá sự chân xác của các ý tưởng và nhận định. Vì lẽ đó, nó cũng được xem là một công cụ kiểm chứng sự thật.

Một số tiêu chuẩn để xác định chân lý

Để có được một cái nhìn rõ ràng và đúng đắn về bất kỳ bộ môn triết học nào, chúng ta phải thấu triệt các tiêu chuẩn chân lý của nó. Đó là điều kiện quan trọng đặc biệt, bởi lẽ các hệ thống triết lý khác nhau thường đưa ra những ý tưởng bất đồng với nhau. Bản thân các quy tắc logic không thể vạch ra các sự kiện về giới nhân sinh hay giới tự nhiên. Để khám phá những sự kiện ấy, hay để đánh giá mức độ đáng tin cậy của một lập luận nào đó, mỗi cá nhân phải dựa vào các tiêu chuẩn xác định chân lý để tự mình phân định đúng sai.

Không phải tất cả những gì được gọi là “tiêu chuẩn chân lý” đều có giá trị và hiệu lực như nhau. Một số thì thoả đáng, số khác thì đáng được nghi vấn. Các tiêu chuẩn đề cập bên dưới đây, không phải được chọn theo cơ sở giá trị và hiệu lực, đúng hơn là theo quan niệm đại chúng. Tuy nhiên, theo cách đánh giá của giới học giả, chúng được xem là thông dụng và gần gũi nhất.

1. Tập quán (Custom)

Hữu ý hay vô thức, nhiều người có khuynh hướng xem tập quán như một tiêu chuẩn chân lý, cho rằng tuân thủ theo thói thường sẽ tránh cho họ khỏi những hành vi thái quá. Lời khuyên: “Nhập giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục” cổ xuý cho khuynh hướng ấy, đặc biệt trong những vấn đề có liên quan đến cung cách ứng xử thể hiện tính đúng đắn về mặt đạo đức. Thông thường, những người trung thành với chuẩn mực tập quán luôn hành động theo xu hướng của số đông, sử dụng ngôn từ đang thịnh hành và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức phổ biến đương thời – nói cách khác, hành động thuận theo thói thường.

Cân nhắc một cách nghiêm chỉnh, tập quán khó lòng được xem là một tiêu chuẩn chân lý thoả đáng. Rõ ràng, trong quá trình thu thập chứng cứ thực tế hoặc khảo cứu một nguyên lý nào đó, các khoa học gia không bao giờ nhìn nhận các tập quán, của đa số cũng như thiểu số, như là một phương tiện kiểm chứng sự thật. Nói cho cùng, một cuộc thăm dò dư luận công chúng không thể nào là phương cách thoả đáng nhất để nhận định các chân lý khoa học.

2. Truyền thống (Tradition)

Tương tự như tập quán, truyền thống cũng được xem là một tiêu chuẩn kiểm chứng chân lý. Những người chấp nhận tiêu chuẩn này quan niệm rằng: những gì đã tồn tại suốt nhiều thế hệ phải có giá trị và hiệu quả nhất định, xứng đáng được xem là một chuẩn mực đáng tin cậy.

Những lập luận phản bác tiêu chuẩn tập quán cũng có thể được sử dụng để chống lại tiêu chuẩn truyền thống. Hơn nữa, có rất nhiều tập tục truyền thống chỉ đơn thuần lặp lại những định kiến sai lầm hoặc cổ hủ (thí dụ như những hủ tục mê tín dị đoan của các bộ lạc sơ khai ). Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các truyền thống khác nhau thường tương phản nhau. Rõ ràng, giới khoa học không bao giờ chấp nhận yếu tố truyền thống như là một phương tiện kiểm chứng trong quá trình khám phá chân lý.

3. Thời gian (Time)

Hẳn là các bạn đã từng chứng kiến một số người viện dẫn thời gian như thế là yếu tố kiểm chứng chân lý trong quá trình lập luận. Thí dụ: “niềm tin của tôi đã đã đứng vững qua thử thách của thời gian”, hoặc là “giáo lý thiên chúa thực sự là một chân lý”, bởi vì nó đã được kiểm chứng qua thời gian.

Cơ sở của dạng lập luận như thế căn cứ theo tiền đề cho rằng: Nếu như một niềm tin thực sự sai lầm, chẳng sớm thì muộn, sai lầm ấy sẽ hiển lộ ra. Nếu như niềm tin ấy thực sự đúng đắn, dòng chảy của thời gian không thể nào xói mòn được chân giá trị của nó.

4. Cảm tính (hay Xúc Cảm)

Khi đối mặt với tình huống bắt buộc phải đưa ra một quyết định dứt khoát, nhiều người đã cho phép cảm xúc làm chủ bản thân, không cố gắng tìm kiếm và đánh giá các sự kiện có liên quan, thậm chí đi ngược lại con đường mà chứng cớ thực tế vạch ra cho họ. Rõ ràng, những người như thế chấp nhận cảm tính như là tiêu chuẩn chân lý. Rất nhiều người trong số họ dựa vào cảm giác chủ quan để ứng xử trong các tình huống khác nhau, từ những gút mắc nảy sinh trong cuộc sống đời thường đến các vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một cộng đồng.

Tuy nhiên, ngày nay hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng họ không thể đặt nặng tình cảm khi giải quyết các vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Các doanh nhân có kinh nghiệm thường gạt bỏ xúc cảm cá nhân, tìm kiếm các sự kiện và dữ liệu khách quan trước khi tiến hành một dự án đầu tư. Tương tự, các khoa học gia, y sĩ, sử gia và học giả thuộc mọi lĩnh vực cũng học cách “phớt lờ” các phản ứng xuất phát từ cảm tính chủ quan như thế.

5. Bản năng (Instinct)

Từ lâu, sự tồn tại của các dạng bản năng riêng biệt là đề tài của nhiều cuộc tranh luận. Cách ứng xử theo bản năng có thể được xem là có quan hệ với cảm tính, hoặc là một dạng cảm giác có tính phổ quát (a universal mode of feeling). Xét từ quan điểm ấy, chính cảm giác khát thôi thúc chúng ta uống, cảm giác đói thôi thúc chúng ta ăn, v.v…. Một số người có tiến xa hơn khi lập luận rằng ngay cả sự tồn tại của Thượng Đế cũng có thể xem xét như là một nhu cầu của bản năng, rằng mọi bản năng đều có đối tượng tương ứng trong thế giới thực tại. Theo ý nghĩ đó, đối tướng tương ứng của khát là một chất lỏng nào đó có thể uống được, của đói là thức ăn, của bản năng sinh lý là bạn tình, v.v….Hệ quả của các lập luận này là: đối với các tín đồ, tôn giáo cũng là một nhu cầu của bản năng và từ đó, Thượng Đế có lý do tồn tại.

Bản năng không thể được nhìn nhận như là một yếu tố kiểm chứng đáng tin cậy. Đa số các bản năng có tính mơ hồ, khó xác định, nhiều mức độ biến thể và chỉ giới hạn trong một số hình thái hoạt động cụ thể. Ngay cả khi chúng ta chập nhận hiệu quả kiểm chứng của bản nănh, tầm ứng dụng của chúng cũng quá hạn hẹp, không thể giúp chúng ta thu nhập được nhiều bằng chứng đáng tin cậy. Nói cho cùng, liệu rằng bản năng có thể giúp được điều gì cho một nhà khoa học đang tìm hiểu thành phần cấu tạo của các chất hoá học?

6. Linh cảm (Hunch)

Linh cảm là một cảm giác đột phát, có lẽ được dựa trên một ý niệm mơ hồ, bất định. Thật khó lòng xem xét nó như là một tiêu chuẩn chân lý thoả đáng, tuy rằng nhiều người thường cho phép linh cảm ảnh hưởng đến quyết định của mình. Các linh cảm có mối quan hệ khăng khít với cảm tính và trực giác, tiêu chuẩn được bàn đến bên dưới đây.

7. Trực giác (Intuition)

Tiêu chuẩn này bao hàm sự phán xét không cần đến quá trình suy luận các sự kiện thực tế; nó là một dạng chân lý được giả định là xuất phát từ một nguồn trí tuệ chưa rõ hay chưa được khai phá. Nhiều người đạt được năng lực trực giác, về sau được xác nhận là đúng với sự thật. Một vài khoa học gia, không vận dụng tiến trình suy lý theo nhận thức khách quan, bất chợt phát hiện ra một giả thuyết hay bằng chứng hữu dụng cho công việc nghiên cứu. Sự kiện này có thể diễn ra trong thời gian họ đang thư giãn mơ màng, hoặc khi dang thực hiện những công việc không có liên quan gì đến mục tiêu họ đang tìm kiếm.

Có hai ý kiến phản bác tiêu chuẩn trực giác:

1. Trực giác không phải là một phương diện sẵn có để sử dụng khi cần thiết. Khác với phương pháp suy lý, trực giác không thể được vận dụng một cách chủ động trong những trường hợp cụ thể.

2. Với giá trị hoàn hảo nhất, trực giác cũng chỉ là nguồn chân lý tiềm tàng, không phải là một yếu tố kiểm chứng. Khi trực giác lên tiếng, chúng ta nên lập tức tìm cách kiểm tra mức độ xác thực của nó.

8. Thiên khải (Revelation)

Trong khi nguồn gốc của trực giác vẫn chưa được xác định rõ, nguồn gốc của thiên khải được quy về Thượng đế – đó là điểm khác biệt chủ yếu. Thiên khải có thể được định nghĩa là một hình thức hiển lộ chân lý, xuất phát từ Thượng đế. Rất nhiều tôn giáo đặt trọn niềm tin vào giá trị của thiên khải như là một tiêu chuẩn chân lý tuyệt đối.

Các ý kiến phản bác tiêu chuẩn trực giác kể trên cũng có thể áp dụng cho tiêu chuẩn thiên khải. Khi ai đó tuyên bố rằng mình đã đón nhận kinh nghiệm thiên khải, chính người ấy chịu trách nhiệm tìm cách chứng minh kinh nghiệm đó và vì thế, cần đến một tiêu chuẩn kiểm chứng khác. Người ta có thể chấp nhận thiên khải như một nguồn chân lý, nhưng không thể sử dụng kinh nghiệm cá nhân ấy như một phương tiện truyền đạt giá trị của niềm tin nơi mình.

9. Luật đa số (Majority rule)

Lấy tiêu chuẩn số đông dựa trên nền tảng thống kê để quyết định những đề xuất cần được lựa chọn hay xác nhận. Trong các quốc gia và tổ chức dân chủ, luật đa số đầu phiếu được mọi thành viên nhìn nhận như một phương cách hiệu quả hướng đến những quyết định chung. Điều này đặc biệt đúng trong tiến trình ban hành hay thông qua những luật định có liên quan hệ đạo đức cá nhân hay cung cách ứng xử xã hội. Nói cho cùng, một cộng đồng dân chủ, được cấu thành từ nhiều bộ phận đối lập với nhau, thường buộc phải hài lòng với những quyết định theo nguyên tắc đa số.

Mặc dù đa số đầu phiếu là một biện pháp dân chủ và khá hiệu quả, nó không thể được xem là một phương pháp thoả đáng nhất để xác minh chân lý. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu một khoa học gia dựa vào luật phổ thông đầu phiếu để rút ra kết luận cho các công trình nghiên cứu của mình? Hoặc giả, một nhà thiên văn tuân thủ “nghị quyết” của công chúng về vấn đề nên ghi nhận hay loại bỏ một ngôi sao nào đó ra khỏi bản đồ thiên hà?

10. Tri thức nhân loại (Concensus Gentium)

Có một số người tin rằng những ý kiến thuộc về tri thức chung của nhân loại bao hàm một tiêu chuẩn chân lý thoả đáng. Tri thức nhân loại, những tư tưởng và nhận thức chung của loài người, được xem là có giá trị hơn hẳn nghị quyết đa số. Theo tiêu chuẩn này, sự kiện cả nhân loại có chung một niềm tin đủ chứng minh rằng niềm tin ấy tất đúng.

Mặc dù tri thức của nhân loại đã được xây dựng trên nền tảng khá vững chãi, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học; tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi nó chỉ là sự nhất trí chung đơn thuần, giá trị của nó cần được đặt thành nghi vấn. Nói cho cùng, sự nhất trí chung không chứng minh được chân lý. Thực tế, đã có một thời hầu như toàn bộ nhân loại đều tin rằng trái đất phẳng và mặt trời xoay quanh nó.

11. Chủ nghĩa duy thực thuần phác

Theo chủ nghĩa duy thực thuần phác (Naive Realism), sự vật chỉ thực hữu khi các cảm giác thể hiện và diễn tả chúng. Các giác quan của con người khẳng định sự chân xác hay sai lầm của các đối tượng sự vật và mọi kết luận, chỉ có những đối tượng được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan mới là chứng cứ có giá trị. “Trừ phi nhìn tận mắt, bắt tận tay”, “tôi không tin vào bất kỳ điều gì”. Lời khẳng định này là thí dụ minh hoạ cụ thể cho tiêu chuẩn duy thực như thế.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn duy thực thuần phác không phải là yếu tố kiểm chứng chân lý thoả đáng. Thực tế, các chân lý khoa học thường nằm ngoài phạm vi cảm nhận của các giác quan. Sóng ánh sáng, tia X, các phản ứng hóa học, v.v…, cũng như một số hiện tượng tự nhiên khác, vốn không cảm nhận được bằng giác quan, mặc dù chúng được kiểm chứng qua các cuộc thử nghiệm. Mặt khác, sóng âm thanh với tần số trên 20.000 chu kỳ/giây vượt ra khỏi khả năng nghe của con người, vẫn có thể được phát hiện một cách gián tiếp qua các thiết bị dò tìm.

Hơn nữa, kinh nghiệm cảm giác của con người cũng có thể bị đánh lừa và tạo nên ảo tưởng. Thí dụ: Tiêu chuẩn duy thực thuần phác sẽ dẫn chúng ta đến kết luận rằng chiếc đũa thẳng sẽ hoá cong khi đặt vào trong ly nước, bởi lẽ nó thực sự bị uốn cong dưới cái nhìn của chúng ta. Hay cho sáu đầu bút chì chạm đồng thời vào một khu vực nhỏ trên lưng người sẽ tạo ra ảo giác rằng chỉ có một đầu bút chì chạm vào mà thôi. Trong trường hợp ấy, quan niệm duy thực thuần phác sẽ dẫn chúng ta đến 1 kết luận sai lầm.

12. Sự tương hợp

Tiêu chuẩn này cho rằng một ý tưởng tương thích với đối tượng của nó thì tất đúng. Qua đó, “Nhà Trắng toạ lạc tại thủ đô Washington, D.C của Hoa Kỳ” là lời nhận định đúng nếu đối tượng được nói đến (Nhà Trắng) có vị trí thực tế phù hợp với ý kiến mà nhận định ấy nêu ra.

Có vẻ như sự tương hợp (correspondence) là tiêu chuẩn thoả đáng nhất so với các tiêu chuẩn liệt kê ở trên – nhiều triết gia nhìn nhận nó là yếu tố kiểm chứng chân lý hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phản bác. Đành rằng một ý tưởng tương thích với đối tượng của nó là chân xác, nhưng làm thế nào có thể xác định được một ý tưởng thực sự tương thích với đối tượng bởi thực tại, chúng ta vẫn cần phải đến một yếu tố kiểm chứng khác, yếu tố ấy phải có khả năng phát hiện ra mức độ chính xác của sự tương hợp ấy ở những tình huống cụ thể.

13. Thẩm quyền (Authority)

Thông thường, ý kiến của các chuyên gia, những người có học vị cao, hoặc đạt được một mức độ thành công nhất định trong một số lãnh vực chuyên môn, được nhìn nhận như dạng bằng chứng xác thực. Các chuyên gia ấy, hay giới có thẩm quyền (the authority), với khả năng nắm bắt và sự hiểu biết uyên thâm về một số vấn đề cụ thể, là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy. Họ được xem là những người có đủ năng lực lý giải chính xác những vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn của mình. Vì thế, ý kiến đề xuất của họ nhận được sự tôn trọng, những nhận định của họ được chấp nhận như yếu tố kiểm chứng chân lý. Tuy nhiên, thực ra không ai (kể cả họ) có thể đưa ra một lời phán quyết, chính xác và tối hậu, theo cung cách “chính tôi khẳng định như thế”. Xét cho cùng, mọi nhận định đều cần được đánh giá đúng mức.

Mặc dù yếu tố thẩm quyền thường được công nhận là tiêu chuẩn kiểm chứng có giá trị và hiệu lực sử dụng khá rộng (thí dụ chân lý tối hậu). Trong nhiều trường hợp, các nguồn thông tin có thẩm quyền và đáng tin cậy đưa ra nhiều chứng cứ cũng như nhận định mâu thuẫn với nhau.

14. Tiêu chuẩn thực dụng (The Pragmatic Criterion of Truth)

Đối với những người có chủ trương thực dụng, một ý tưởng hiệu dụng phải được nhìn nhận là ý tưởng đúng. Nói cách khác, hiệu quả thực hiện của một ý tưởng quyết định sự đúng đắn của nó. Ý tưởng phải gắn liền với thực t ế và cho ra kết quả thực tế, từ đó quá trình kiểm tra kết quả sẽ xác nhận hoặc phủ nhận chính ý tưởng ấy. Giá trị trọn vẹn của một ý tưởng có thể được phát hiện thông qua chuỗi hiệu quả phát sinh từ quá trình ứng dụng ý tưởng ấy trong thực tế.

Thí dụ: Đối với lời nhận định về tầm quan trọng và hiệu lực của chất kháng sinh penicillin trong dược liệu pháp, các kết quả ứng dụng chất kháng sinh ấy trong quá trình chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn chính là bằng chứng hiệu quả và có giá trị nhất.

Mặc dù chủ nghĩa thực dụng đưa ra được một tiêu chuẩn chân lý có giá trị nhất, tiêu chuẩn này cũng cần được xem xét và vận dụng với thái độ dè dặt đúng mức. Không phải mọi ý tưởng có vẻ hiệu dụng bề ngoài đều đúng cả.

Thí dụ: Một y sĩ chữa khỏi cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng (neurosis) bằng cách sử dụng một phương thuốc đặc trị. Về sau, ông ta khám phá ra rằng việc sử dụng một loại thuốc trấn yên cũng mang đến kết quả tương tự. Có lẽ vị y sĩ ấy buộc lòng phải thừa nhận rằng phương thuốc đặc trị lúc trước không phải là tác nhân chủ yếu chữa lành bệnh, rằng kết quả chẩn đoán và quyết định ban đầu của mình là thiếu chính xác. (Cũng có thể do lòng tin hay một dạng ảnh hưởng nào đó về mặt tâm lý đã giúp bệnh nhân của ông ta hồi phục).

Những trường hợp như thế cho thấy rằng đôi khi ý tưởng sai lầm cũng có thể xuất hiện như một tác nhân mang đến hiệu quả thực tế.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn thực dụng vẫn có hiệu lực và giá trị nhất định; chí ít là dạng hiệu lực đã được William Ernest Hocking giới thiệu với cái tên “Nguyên lý thực dụng tiêu cực” (Negative Pragmatism). Đại thể, nguyên lý ấy nhấn mạnh một ý tưởng vô hiệu chẳng thể nào là chân lý, bởi lẽ chân lý thì luôn hiệu dụng (mặc dù đôi khi những gì có vẻ hiệu dụng vô sản thể không phải chân lý)

15. Nhất quán cục bộ (Loose Consistency)

Chính xác, nhưng không nhất thiết phải có liên quan với nhau, những nhận định được gọi là nhất quán cục bộ nếu chúng không mâu thuẫn với nhau. (Tương tự, một người có tính nhất quán thì không tự mâu thuẫn với chính mình). Theo lý lẽ trên, những nhận định dưới đây được xem là nhất quán cục bộ, bởi vì chúng không đối kháng nhau:

– “Tuyết trắng.”
– “Chì là kim loại nặng.”
– “Hôm qua, nhiệt độ hạ xuống mức 200C.”
– “George Washington* là vị tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”

Sự bất xứng của tiêu chuẩn nhất quán cục bộ được thể hiện qua thí dụ trên. Những lời nhận định như thế không thể không liên quan gì với nhau, thiếu mạch lạc và không cấu thành một tổng thể. Xét cho cùng, giá trị của chứng cứ phải thể hiện ở các mối quan hệ có khả năng nối kết các dữ kiện riêng lẻ thành một khối thống nhất

16. Nhất quán tổng thể (hay Nhất quán nghiêm ngặt – Rigorous Consistency)

Tiêu chuẩn này phản ánh mối liên kết giữa các nhận định, trong đó những dữ kiện được đưa ra kết thành một chuỗi mắt xích gắn bó mật thiết với nhau. Phương pháp luận toán học và cơ sở logic học thể hiện rõ tiêu chuẩn này. Thí dụ:

• Nếu mọi thành viên trong ban giám hiệu nhà trường được xem là giáo viên, và nếu thầy Hưng là một thành viên trong ban giám hiệu nhà trường, chắc chắn thầy Hưng cũng phải được xem là một giáo viên.
• Nếu mọi cá thể A đều thuộc nhóm B và mọi nhóm B đều thuộc tập hợp C, dứt khoát mọi cá thể A phải thuộc tập hợp C.

Giá trị của tiêu chuẩn nhất quán tổng thể là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, khả năng áp dụng tiêu chuẩn này bị giới hạn ở một số lãnh vực nhất định. Thực tế, những tiền đề của nó vốn có sẵn. Điều đó có nghĩa là để phân định sự chính xác của chúng, ta cần sử dụng đến một hay nhiều tiêu chuẩn kiểm chứng chân lý khác. Hơn nữa, một ý kiến phản bác khác còn nhấn mạnh rằng một tập hợp kết luận mang tính triết học, mặc dù thoả mãn tính nhất quán tổng thể, vẫn có thể bộc lộ sự thiếu chặt chẽ. Đôi khi, một hệ thống triết học chỉ có thể duy trì tính nhất quán tổng thể trong khuôn khổ những sự kiện được đưa ra để cân nhắc. Trong khi đó, một tiêu chuẩn hoàn hoả phải thoả mãn mọi sự kiện đề ra, kể cả các sự kiện mới phát sinh có tác động bất lợi đối với tính nhất quán tổng thể vốn có của nó.

17. Kết cấu chặt chẽ

Xét trên phương diện của một tiêu chuẩn chân lý, kết cấu chặt chẽ nói đến sự lý giả nhất quán và có tính hệ thống đối với toàn bộ sự kiện thuộc về kinh nghiệm và tri thức. Để đảm bảo tiêu chuẩn này, người ta phải sắp xếp tất cả các sự kiện vào đúng vị trí, sao cho chúng thể hiện được mối tương quan với nhau một cách nhất quán và chặt chẽ như những bộ phận hữu cơ của một tổng thể thống nhất. Bất kỳ sự kiện nào được đề cập đến phải được lý giải thoả đáng, được đặt vừa khớp trong hệ thống tổng thể ấy. Chỉ những cách lý giải nào thoả mãn tối đa các yêu cầu của kết cấu tổng thể mới có thể được xem là thoả đáng.

Trong số các tiêu chuẩn được đề cập đến ở trên, kết cấu chặt chẽ là yếu tố thoả mãn các yêu cầu kiểm chứng chân lý một cách đầy đủ nhất. Nó bao hàm các đặc tính cần thiết: lý lẽ, hệ thống, tổng thể, tương quan và nhất quán. Rõ ràng, giới hạn của tiêu chuẩn này, không thuộc về khiếm khuyết của nó, chính là giới hạn của con người (hay nói cách khác, sự bất lực của con người) trong việc thu thập toàn bộ kinh nghiệm về thế giới thực tại. Chỉ có trí tuệ “thông suốt mọi sự” mới sở hữu được khối tri thức khổng lồ ấy.

Do vậy, con người phải tự bằng lòng với vốn tri thức sẵn có ở thời điểm hiện tại, với những gì được chứng minh là chân xác theo chuẩn mực “có khả năng gắn kết chặt chẽ nhất” đối với kinh nghiệm tri thức trong điều kiện hiện tại.

Những ai muốn phản bác tiêu chuẩn này sẽ tự đặt mình vào tình thế bất lợi về mặt lý luận. Rõ ràng, phản bác trực tiếp bằng cách biện minh cho cái gì đó phi kết cấu hay thiếu chặt chẽ thì thật bất hợp lý. Hơn nữa, để đề xuất một tiêu chuẩn thoả đáng hơn, người ta không thể tránh được việc vận dụng tiến trình suy lý một cách có hệ thống (biện minh cho sự phi lý là một điều vô nghĩa), chính điều này buộc người lý giải phải vận dụng yếu tố “gắn kết chặt chẽ các sự kiện” – nói cách khác, thừa nhận yếu tố ấy như một tiêu chuẩn chân lý.

Cuối cùng, vấn đề còn nằm trong vòng bàn cãi là liệu có khả năng nhiều hệ thống kết cấu, bao gồm toàn bộ kinh nghiệm tri thức của con người, tồn tại song song với nhau?

S.T

Tags: