⠀
Một góc nhìn về sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội
Nhìn lại đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng, tuy nhiên cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế.
Tác giả: Trần Huy Ánh, nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Cầu Long Biên hoàn thành năm 1902, đồng thời một thị trấn nhỏ bên kia sông ra đời kèm theo một nhà máy hỏa xa, dân cư nội thành Hà Nội tăng đều gấp đôi sau mỗi năm, kinh tế cả xứ Bắc Kỳ thay đổi từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu: Đông ra cảng Hải Phòng đi quốc tế, Bắc lên tới Côn Minh sang Nam Trung Hoa.
Tuy vậy vùng quê bờ Bắc sông Hồng vẫn êm đềm, mặc cho bên kia sông, Hà Nội đổi thay từng ngày. Trong các bản Quy hoạch Hà Nội được thực hiện các năm 1924, 1941, 1951: Hà Nội vẫn chỉ ở bờ Nam sông Hồng.
Từ năm 1986, Hà Nội có thêm 2 cầu Thăng Long, Chương Dương, nhưng bờ Bắc sông Hồng vẫn mờ nhạt trong quy hoạch Thủ đô. Thập kỷ 90, Hà Nội chập chững mở cửa, văn phòng, khách sạn liên doanh đầu tư nước ngoài mới xây vẫn quanh phố cũ và Hồ Tây. Hà Nội vẫn nhỏ bé trước sông Hồng trong các trận lũ lớn hàng năm.
Năm 1997, một đối tác Hàn Quốc bỏ ra khoảng 3 triệu USD để lập dự án thành phố mới (Hanoi New Town) tại Bắc sông Hồng, họ thuê các Công ty tư vấn hàng đầu thế giới như Bechtel, SOM, Rem Koolhaas (OMA) thực hiện với quy mô 8.000ha, tổng đầu tư tới 40 tỷ USD. Dự án này vẽ mặt nước sông Hồng đi sâu vào các làng xóm huyện Đông Anh nhằm mở rộng và nâng cao giá trị của không gian đô thị hiện đại.
Khủng hoảng tài chính châu Á 1998 làm các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài suy sụp, dự án Hanoi New Town bị gác lại, nhưng về sau tôi thấy một số điểm nêu trong dự án được đưa vào Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, phê duyệt năm 1998 (gọi tắt là QHC108). Trong bản Quy hoạch này, lần đầu tiên Hà Nội mở rộng sang bờ Bắc sông Hồng, ngoài 3 cầu cũ Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, dự kiến thêm 5 cầu mới. Sơ đồ quy hoạch mô tả diện tích mặt nước, cây xanh bao quanh các làng xóm cũ.
Theo thời gian, mặc dù chưa có cây cầu nào mới bắc qua, nhưng Hà Nội đã bớt e sợ sức mạnh tự nhiên của sông Hồng và những kế hoạch khai thác đất ven sông tăng lên từng đó.
Giai đoạn 2007-2009, một đối tác từ Hàn Quốc đến Hà Nội, đề xuất dự án “thành phố sông Hồng”, đoạn đi qua nội thành dài 40km, hàng ngàn ha đất bờ bãi nằm trong 2 con đê sông Hồng được vẽ thành đô thị, vườn cây. Dự án dự kiến di dời 42.000 hộ dân (170.000 người) để xây thành phố bên sông trị giá hơn 7 tỷ USD.
Tuy nhiên dự án chưa kịp thực hiện thì Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8/2008 và bắt tay lập quy hoạch mới… Một phần dự án được đưa vào quy hoạch chung thành phố.
Sau 15 năm mở rộng Hà Nội (2008-2023), hàng trăm nghìn ha đất ruộng trũng, bán ngập bị san lấp để làm đô thị, và nhiều khu đô thị mới ra đời ở phía Tây, phía bờ Nam sông Hồng, trong đó rất nhiều dự án chiếm đất bỏ hoang, nhà xây lên để cho… cỏ dại mọc um tùm.
Khi đất ruộng phía Tây, bờ Nam sông Hồng dần hết chỗ khai thác, các đề xuất quy hoạch lại “hướng bút” về phía Đông, bờ Bắc sông Hồng để đổi màu xanh vùng đất ngoài đê thành màu vàng cam dân cư, đô thị, bất động sản…
Bên cạnh những thay đổi màu sắc trong quy hoạch, thì con người cũng chứng kiến những thay đổi của thời tiết, khí hậu, thiên tai cực đoan hơn: Gió bão ngày càng mạnh hơn, mưa lớn ngày càng dữ dội hơn, ngập úng đô thị ngày càng sâu và lâu hơn. Ngoài ra, khô hạn cũng ngày càng gay gắt hơn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nhiều nơi hơn. Ô nhiễm nước thải và nước ngầm lan tràn diện rộng hơn, thâm nhập độ sâu hơn với nhiều hóa chất nguy hiểm hơn. Nạn xâm nhập mặn lan dần tới phía Nam Hà Nội.
Sau COVID-19, Hà Nội tái khởi động Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với định hướng “theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, không chất tải công trình hai bên sông”.
Quy hoạch phải thuận thiên là hoàn toàn đúng. Theo các nhà chuyên môn, vấn đề lớn nhất là đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đê điều… Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đề cập khu vực bãi giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng.
Không phải chỉ lo vấn đề an toàn trước bão to, lũ lớn mà Hà Nội còn phải lo đủ nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất thì mới có thể trở thành thành phố sáng tạo, thông minh. Tháng 6/2023, nước sông Hồng, sông Đà xuống thấp tới mức nhà máy nước sông Đà phải dùng trạm bơm dã chiến để khai thác.
Tháng 11/2023, gần 2 vạn dân ở khu đô thị Thanh Hà không có nước sạch, thành phố phải dùng xe chở nước tới giải cứu. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp quanh Hà Nội nhiều năm nay khai thác nước ngầm để trồng hoa, tưới rau vì các trạm bơm nước từ sông Hồng xuống thấp.
Không nhận diện những thách thức, khó khăn thì quy hoạch sẽ không có giải pháp phù hợp thực tế, không đáp ứng được những thách thức do biến đổi khí hậu trước mắt cũng như lâu dài.
Tháng 6/2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có yêu cầu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố…
Điều 17 Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy”.
Diễn giải quy định trên theo quy luật vật lý thông thường, nghĩa là tác động của vật thể với dòng chảy của nước, thì các không gian, công trình phục vụ mục đích công cộng phải giữ nguyên cao trình hiện trạng, không tôn cao, san lấp mà chỉ tạo ra những bề mặt bằng phẳng, hay những chi tiết kiến trúc nhỏ, có độ mảnh, không tạo nên những khối tích bất kỳ kích thước nào để đảm bảo lưu thông dòng chảy của sông.
Nhìn lại đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng, tuy nhiên cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.
Sông Hồng là tên mới, tên cổ là sông Cái – có nghĩa là sông Mẹ, cái tên tỏ lòng kính trọng, ngưỡng vọng bởi sự vĩ đại, thậm chí sợ hãi bởi sức mạnh siêu nhiên của dòng sông hung dữ. Chúng ta đừng quên điều này.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Hà Nội, Đô thị, Sông