Một góc nhìn về quan điểm của Marx đối với tôn giáo

Mặc dù hiểu biết và hành động được liên kết chặt chẽ trong Marx, chúng ta có thể truy ngược lại hiểu biết của Marx một cách riêng biệt qua hai nhà triết học Đức trước ông là Hegel và Feuerbach.

Một góc nhìn về quan điểm của Marx đối với tôn giáo

Tác giả: Tiến sĩ Peter Thompson, Trung tâm Ernst Bloch về tư tưởng Đức, Học viện Xã hội, Văn hóa và Ngôn ngữ thuộc Trường Nghiên cứu Cao cấp Đại học London.

Nguồn: Karl Marx, part 1: Religion, the wrong answer to the right question; Peter Thompson; The Guardian; 4/4/2011.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Marx nổi tiếng với phát ngôn “mọi sự chỉ trích đều bắt đầu bằng sự chỉ trích tôn giáo”. Câu này thường được lấy làm xuất phát điểm của một quan điểm kết thúc bằng khẩu hiệu “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Tuy vậy, như với hầu hết các nhà tư tưởng, sự rút gọn thành các khẩu hiệu kiểu này không diễn tả hết được những khái niệm đằng sau chúng. Sự chỉ trích tôn giáo như một hiện tượng xã hội không có nghĩa là bác bỏ các vấn đề đằng sau nó. Trong tác phẩm Phê phán triết học pháp quyền của Hegel (Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie), câu nói nổi tiếng trên của Marx đi sau luận điểm là, “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần”, và hiểu biết về tôn giáo phải đi cùng với hiểu biết về các điều kiện xã hội làm cho tôn giáo xuất hiện.

Sự mô tả tôn giáo như là trái tim của một thế giới không có trái tim vì vậy trở thành một sự chỉ trích, không phải chỉ trích bản thân tôn giáo mà là chỉ trích thế giới như nó đang tồn tại. Cái mà điều đó chỉ ra là, sự xem xét tôn giáo, chính trị, kinh tế và xã hội như một tổng thể của Marx không chỉ là một bài tập triết học mà là một nỗ lực tích cực để thay đổi thế giới, để giúp thế giới tìm ra một trái tim mới. “Các triết gia chỉ diễn giải thế giới theo nhiều cách khác nhau, vấn đề là thay đổi nó”, nguyên văn lời Marx viết trong bài luận văn thứ 11 về Feuerbach nổi tiếng của ông, câu nói được khắc trên bia mộ ông ở nghĩa trang Highgate (London, Anh).

Mặc dù hiểu biết và hành động được liên kết chặt chẽ trong Marx, chúng ta có thể truy ngược lại hiểu biết của Marx một cách riêng biệt qua hai nhà triết học Đức trước ông là Hegel và Feuerbach.

Ở Hegel, ông tìm thấy khái niệm về phép biện chứng duy tâm như là một phương tiện để hiểu biết thay đổi lịch sử nhưng ông dùng chủ nghĩa duy vật của Feuerbach như một công cụ để hiểu rõ những thay đổi đó một cách chính xác. Đó là lý do vì sao ông gọi hệ thống của mình là chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Phép biện chứng của Hegel hoàn toàn không phải là biện chứng duy vật. Nó dựa trên sự tồn tại và tầm quan trọng của các ý tưởng được nhận thức là hầu như độc lập với những người có chúng. Chúng ta chỉ là những con rối của chúng. Về cơ bản, đó là một nỗ lực giải thích sự thay đổi lịch sử trong thời kỳ biến động cách mạng xoay quanh cách mạng Pháp. Vì sao các cuộc cách mạng diễn ra, ông đặt câu hỏi, và điều gì xảy ra với chúng? Vì sao mọi thứ không giữ nguyên và vì sao một tinh thần thế giới nào đó (Weltgeist) liên tục thay đổi trí óc của nó về cách nó muốn thế giới trở thành và giới thiệu một “tinh thần thời đại” (Zetgeist) mới? Lấy gợi ý từ Kant, thêm vào một ít Spinoza và một chút chủ nghĩa tân Platon, Hegel khẳng định là, thay đổi xảy ra trên thế giới vì nó hiện diện ở khắp nơi trong sự phát triển ngày càng tăng hướng tới một cái gì đó chưa hoàn chỉnh nhưng cốt lõi của nó là sự hình thành ý niệm về sự tự do của con người. Vì vậy, lịch sử đơn giản trở thành phương tiện cho sự phát triển này, một tổng thể không ngừng thay đổi và tự hoàn thiện qua một loạt phủ định mang tính xây dựng.

Phép biện chứng là một lý thuyết về sự vận động khẳng định là, trong mọi tình huống cho trước đều tồn tại sự phủ định của chính nó. Sự căng thẳng và tác động qua lại giữa hoàn cảnh và sự phủ định của nó liên tục tạo ra những hình thức tôn tại xã hội mới nảy sinh và mới mẻ. Dĩ nhiên là có khó khăn trong việc quyết định chính xác đâu là sự phủ định của bất kỳ tình huống cụ thể nào, tôi sẽ bàn về điều đó sau.

Marx đã áp dụng cách tiếp cận biện chứng duy tâm kiểu Hegel này và thêm vào cơ sở duy vật của Feuerbach. Tôn giáo theo Feuerbach “đầu độc chứ không phải phá hủy cảm giác thánh thiện nhất ở con người, cảm giác về sự thật”. Hiểu biết sâu sắc của ông là, tất cả các hình thức biểu hiện tôn giáo chỉ là ước ao mơ hồ trừu tượng của loài người được biến đổi thành các vị thần và những kẻ bợ đỡ họ, hay nói cách khác là một ảo tưởng về thượng đế.

Tổng hợp thật sự của Marx về tranh luận giữa Hegel và Feuerbach là, ông đồng ý với cả hai nhưng đồng ý để lật ngược cả hai (hoặc giúp họ nổi tiếng trở lại khi ông muốn) và đặt các quan điểm của họ vào những tình huống lịch sử cụ thể. Chủ nghĩa duy tâm của Hegel và chủ nghĩa duy vật của Feuerbach có một điểm chung, đó là sự khái quát hóa những điều kiện thực tế cụ thể. Phép biện chứng của Hegel thật ra là một cách hiểu về thay đổi trên thế giới nhưng nó thất bại trong việc nhận ra là thay đổi trỗi dậy từ các điều kiện vật chất phổ biến hơn là từ hệ thống Weltgeist. Mặt khác, chủ nghĩa duy vật của Feuerbach chỉ giải quyết cách thức con người nhận thức tôn giáo ở dạng khái quát và không thiết lập được hình thức mà sự khái quát hóa diễn ra theo cách con người, vượt trên tất cả các giai cấp, tương tác với nhau từ xưa đến nay.

Vì vậy, đến năm 1848 Marx có thể mở đầu Tuyên ngôn Cộng sản bằng luận điểm “lịch sử của tất cả xã hội tồn tại cho đến nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp”. Với Marx, đây là động cơ thật sự của lịch sử; các cuộc đấu tranh hiện thực giữa các giai cấp hiện thực sản sinh ra những kết quả lịch sử hiện thực. Đến phiên nó, các kết quả này tiếp tục trở thành các cuộc đấu tranh mới như là một tiến trình phủ định của phủ định – “con chuột chũi già” như cách gọi của Marx – tiếp tục đào bới, không ngừng ném ra những cách thức tư duy mới mà chính chúng lại tiếp tục làm thay đổi thế giới.

REDSVN.NET

Tags: , ,