Một góc nhìn về bản chất của nhà nước Israel

Vậy đây là loại quốc gia thế nào? Khi mà những hành vi, chính trị nội bộ và cả những người ủng hộ quốc tế của nó đều mâu thuẫn trắng trợn với việc nó tự nhận là một đại diện của nền dân chủ khai sáng?

Một góc nhìn về bản chất của nhà nước Israel

Tác giả: Daniel Taylor.

Nguồn: Democracy, apartheid, settler-colonialism: what is Israel? / Redflag.org.au / 31/05/2021.

Biên dịch: Hương Giang / Vnmarxist.com.

Israel là một trong những quốc gia kỳ lạ nhất thế giới. Những người ủng hộ nói rằng đó là nền dân chủ duy nhất tại Trung Đông, ngọn hải đăng của những giá trị khai phóng tự do giữa vùng đất của sự đàn áp và mê tín. Đó là nơi mà ngay cả quân đội cũng ủng hộ đa dạng tính dục và việc ăn chay, một quốc gia được lập nên từ sự kế thừa truyền thống xã hội chủ nghĩa từ châu Âu. Nhưng chính những người ủng hộ quốc tế đó bao gồm rất nhiều trong số những kẻ độc tài cánh hữu nổi tiếng nhất thế giới, từ Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và trùm phát xít Anh – Tommy Robinson. (Tôi sẽ chẳng thể quên lúc tham gia một cuộc biểu tình nhỏ ở Melbourne để phản đối việc Trump dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, ở bên kia đường là một đám đông phát xít vẫy một biển cờ Trump và Israel xanh trắng). Bản thân người Israel nói chung là cực hữu trên thế giới: 70% ủng hộ Trump tái đắc cử, theo một khảo sát do Viện Dân chủ Israel thực hiện. Dẫu vậy, sự ủng hộ Israel ở hầu hết các nước phương Tây dường như là một sự đồng thuận trong chính trị chính thống, được thể hiện không chỉ bởi Donald Trump mà cả Joe Biden.

Vậy đây là loại quốc gia thế nào? Khi mà những hành vi, chính trị nội bộ và cả những người ủng hộ quốc tế của nó đều mâu thuẫn trắng trợn với việc nó tự nhận là một đại diện của nền dân chủ khai sáng? Việc dán nhãn cho Israel đầy khó khăn và gây tranh cãi: đây là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân định cư, hay một cái gì đó hoàn toàn khác? Và những cái nhãn đó có ý nghĩa gì đối với cuộc đấu tranh giải phóng người Palestine?

Ngày càng khó để gọi Israel là “nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông”, ngay cả với những người tin vào huyền thoại “dân chủ tư bản chủ nghĩa”. Rốt cuộc, hàng triệu người ở đó không có bất cứ quyền thực sự nào, họ thậm chí không thể được gọi là công dân hạng hai, bởi vì rất nhiều người Palestine sống dưới ách cai trị của quân đội Israel không hề có quyền công dân. Khung pháp lý này khiến nhà nước Israel có thể giết hại, giam cầm và tra tấn người Palestine, cùng với việc cướp đất và thanh lọc sắc tộc mà vẫn có thể giả vờ đang tuân thủ các giá trị tự do và dân chủ chính trị. Như tác giả người Palestine Hadar Eid, người đã sống nhiều năm ở Nam Phi nói: “Nhà nước phân biệt chủng tộc ở Nam Phi tự coi mình là một nền dân chủ. Các thể chế của nó đúng là có phần nào dân chủ, nhưng chỉ dành cho công dân da trắng của đất nước.” Nói một cách đơn giản, Israel thậm chí không phải nền dân chủ tư sản bình thường, người Ả Rập Palestine dưới sự cai trị của nó bị áp bức sâu sắc và tước bỏ mọi quyền.

Vậy là, qua thời gian, sự tương đồng giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Israel và Nam Phi càng trở nên rõ ràng. Kết luận này gây tổn hại đến lợi ích của Israel tới nỗi những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism) đã đấu tranh quyết liệt để gắn nhãn nó là một hình thức bài Do Thái. Nhóm vận động hành lang theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đặt tại Hoa Kỳ và Liên Đoàn Chống Bôi nhọ (Anti-Defamation League) đã xuất bản các báo cáo hàng năm về nỗ lực ngăn chặn các sự kiện “Tuần lễ phân biệt chủng tộc Israel”, và 4 thành viên trong đảng Dân chủ Do Thái của Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố rằng sự so sánh về phân biệt chủng tộc này “thực chất là bài Do Thái”. Nhưng ngay cả các nhóm nhân quyền tương đối dòng chính như Human Right Watch và B’Tselem có trụ sở tại Israel cũng đã công khai tuyên bố rằng Israel là một “nhà nước phân biệt chủng tộc”, được hậu thuẫn bởi các phân tích sâu sắc về sự phân biệt đối xử và áp bức có hệ thống mà người Palestine phải đối mặt trước Israel, bao gồm cả những người đã có quyền công dân.

Ý nghĩa của phép loại suy này là gì? So sánh Israel với Nam Phi thu hút sự chú ý đến bản chất phân biệt chủng tộc của cái gọi là nền dân chủ của nó và cách mà sự áp bức người Palestine tràn vào cấu trúc của toàn xã hội. Nhưng không chỉ vậy, nó còn gợi ý sự tương đồng với cuộc đấu tranh làm sụp đổ chế độ đầy thù ghét ở Nam Phi. Cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi liên quan đến một phong trào toàn cầu đoàn kết với những người đang đấu tranh trong chính Nam Phi. Các tổ chức công đoàn, các nhà hoạt động cánh tả và chống phân biệt chủng tộc tham gia vào hoạt động đoàn kết: tẩy chay các sản phẩm và sự kiện văn hóa của Nam Phi, tổ chức các cuộc đình công nhằm phá hoại thương mại quốc tế của Nam Phi, v.v. Giống như các chiến binh tự do Nam Phi, các nhà hoạt động Palestine bị vu khống là những kẻ man rợ khát máu, những kẻ được thúc đẩy bởi sự phẫn uất mang tính bộ tộc và thế giới quan độc ác. Kẻ áp bức họ cũng có sự ủng hộ của quốc tế (chế độ phân biệt chủng tộc của Nam Phi được hầu hết các cường quốc phương Tây, cũng như chính Israel hậu thuẫn), và sự giải phóng của họ sẽ đòi hỏi sự đoàn kết quốc tế.

Tuy vậy, có một sự khác biệt quan trọng giữa Nam Phi và Palestine. Người Palestine còn cần nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ hơn trên toàn cầu. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi cuối cùng không bị hạ gục bởi các cuộc tẩy chay toàn cầu, mặc dù họ là một phần quan trọng của cuộc chiến. Giai cấp công nhân Nam Phi là tác nhân giải phóng chính họ: họ đã xây dựng một phong trào mạnh mẽ ở Nam Phi, chủ yếu dựa vào các tổ chức công đoàn, sử dụng sức mạnh kinh tế và xã hội của công nhân da đen để gây bất ổn và cuối cùng là phá hủy các cấu trúc chính trị phân biệt chủng tộc đã thống trị. trong nhiều thập kỷ.

Palestine thì khác. Israel không tìm cách bóc lột người Palestine trong các lĩnh vực công nghiệp quan trọng như mỏ ở Nam Phi. Hoàn toàn ngược lại: trong nhiều thập kỷ, Israel đã cố gắng loại trừ người Palestine ra khỏi nền kinh tế một cách có hệ thống, để thanh tẩy sắc tộc và “Do Thái hóa” khu vực. Điều đó có nghĩa là người Palestine, những người đã đấu tranh với lòng dũng cảm và quyết tâm trong một thời gian dài, đang thiếu nhiều sức mạnh công nghiệp đã cho phép người dân Nam Phi thách thức hệ thống phân biệt chủng tộc. Đây là một phần ý nghĩa của việc hiểu Israel là một “xã hội thuộc địa-định cư”.

Phân tích này được phổ biến bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ả Rập. Nhưng theo thời gian, những người cách mạng xã hội chủ nghĩa đã tiếp thu nó, quay trở lại với truyền thống thù địch chủ nghĩa Phục quốc Do Thái dưới góc nhìn mác-xít thời kỳ tiền Stalin. Đây là một bước ngoặt: sự thành lập của Israel được sự ủng hộ của Liên Xô thời Stalin, và trong nhiều thập kỷ, nhiều người cánh tả phương Tây đã được đào tạo để coi sự thành lập Israel là đỉnh cao thành công của cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết dân tộc của người Do Thái. Xã hội Israel thời kỳ đầu kỳ lạ thay, bị chi phối một bởi các thể chế của cánh tả rộng rãi, như liên đoàn công đoàn Histadrut và các đảng xã hội chủ nghĩa và lao động mà nó được liên kết. Nhiều người coi các hợp tác xã của Israel, phong trào kibbutz, là một hình thức chủ nghĩa xã hội theo truyền thống của những người không tưởng và vô chính phủ ở thế kỷ XIX, những người đã xây dựng có chủ đích các cộng đồng dựa trên nền sản xuất bình đẳng và cuộc sống tương trợ chung.

Dẫu vậy, nhà sử học người Israel Zeev Sternhell đã chỉ ra trong “Thần thoại lập quốc của Israel”, “chủ nghĩa xã hội” của Israel thực sự là một dạng chủ nghĩa dân tộc trá hình. Được tổ chức bởi phong trào “lao động” của Israel, các khu định cư thời kỳ đầu của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là “thiên đường cho các nhà tư bản”, vì những người sáng lập của họ ủng hộ các chính sách thị trường tự do để thu hút đầu tư. Histadrut không chỉ là một công đoàn: trong một thời kỳ, nó còn là công ty chủ quản lớn nhất của đất nước, sở hữu ngân hàng lớn nhất của Israel, hãng vận chuyển đường thủy chính và các tập đoàn công nghiệp lớn. Histadrut là một tổ chức xây dựng nhà nước theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, kiểm soát phong trào công đoàn của đất nước, thực thi sự hợp tác các giai cấp và phân biệt chủng tộc. “Chủ nghĩa xã hội” của Israel không dựa trên đấu tranh giai cấp, mà dựa trên tầm nhìn thống nhất dân tộc được quân sự hóa dựa trên sự đoàn kết dân tộc và chủng tộc, và một liên minh dân túy gồm “những người sản xuất” – công nhân và ông chủ – chống lại “ký sinh trùng”. Trong đó, nó chia sẻ nhiều với phiên bản méo mó của “chủ nghĩa xã hội” mà chủ nghĩa Stalin đã quảng bá trên khắp thế giới.

Theo cách nói của Sternhell, tầm nhìn của nó là “sự đoàn kết hữu cơ của quốc gia và sự huy động mọi tầng lớp trong xã hội để đạt được các mục tiêu quốc gia”. “Chủ nghĩa xã hội” của Israel có nghĩa là di dời những người Palestine bản địa bằng bạo lực và khủng bố, và thay thế bằng một xã hội siêu dân tộc (hyper – nationalist), trong đó việc đấu tranh giai cấp được cho là không cần thiết. Nhưng như tướng Israel Moshe Dayan đã tuyên bố trong đám tang của một thành viên kibbutz vào năm 1956, “Nếu không có mũ thép và đại bác, chúng tôi không thể trồng cây hay xây nhà”.

Vào những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi Israel trở thành đồng minh vững chắc của chủ nghĩa đế quốc phương Tây và giành được nhiều lãnh thổ hơn thông qua chinh phục và định cư quân sự, một cách hiểu mới đã bắt rễ trong cánh tả. Nhà sử học Mác xít nổi tiếng Maxime Rodinson đã xuất bản một cuốn sách, “Israel: Nhà nước định cư thuộc địa ?”, và các nhà cách mạng Israel đã tập hợp lại trên tờ báo Matzpen và nhà lý thuyết có ảnh hưởng của nó, Moshé Machover đã áp dụng một phân tích tương tự, chịu ảnh hưởng của nhà Trotskyist người Ả Rập xuất sắc của Palestine, Jabra Nicola. Họ lập luận rằng việc thành lập Israel không phải là một hành động giải phóng dân tộc mà những người theo chủ nghĩa Marx nên ủng hộ: một dân tộc bị áp bức cuối cùng cũng tìm được tự do. Nó đã, và vẫn là một hành động thuộc địa hóa. Một “thuộc địa của người định cư” —hoặc mà Machover bây giờ muốn gọi là “thuộc địa loại trừ” —được dựa trên việc loại bỏ dân bản địa tham gia vào nền kinh tế quốc gia mới đang được thiết lập trên vùng đất truyền thống của họ.

Đây là cách Israel được hình thành và cách nó tiếp tục mở rộng. Israel có khoảng 8 triệu công dân, trong đó khoảng nửa triệu người là “người định cư” tham gia vào hoạt động cướp đất đai của người Palestine. Điều này khiến Israel trở nên độc đáo giữa các quốc gia tư bản. Xã hội của nó được quân sự hóa cao độ thông qua việc chiếm đóng lâu dài và cướp bóc đất đai; một thiểu số lớn dân số Do Thái của nó là những người tham gia tích cực vào quá trình đó, trong khi đa số đã ủng hộ nó bằng cách phục vụ trong quân đội, thông qua nghĩa vụ bắt buộc của Israel.

Trong những năm gần đây, cụm từ “thuộc địa của người định cư” đã trở nên phổ biến trong phong trào đoàn kết toàn cầu, được cả các nhà hoạt động Palestine và không phải Palestine sử dụng. Nhưng nó không được sử dụng chỉ để mô tả Israel. Một tuyên bố ngày càng phổ biến là các quốc gia như Mỹ và Úc ủng hộ Israel vì họ cũng có nguồn gốc là các xã hội thuộc địa-định cư và chia sẻ những điểm tương đồng về tinh thần hay luân lý.

Lập luận này tương đối hấp dẫn, và sự liên hệ giữa việc tước đoạt người Palestine với việc diệt chủng trong quá trình thành lập các quốc gia kia là có giá trị. Nhiều người Úc và người Mỹ đã quen thuộc với những cuộc diệt chủng đã hình thành nên các quốc gia của họ, và việc rút ra mối liên hệ có thể giúp những người đã quen với sự khủng khiếp của chủ nghĩa thực dân sơ khai để có những bước đầu hiểu được nỗi thống khổ của người Palestine ngày nay. Tuy vậy nếu là để lí giải cho mối liên hệ của Mỹ và Úc với Israel, nó không thỏa đáng. Một điều quan trọng, mặc dù Úc và Mỹ được thành lập thông qua loại chủ nghĩa thực dân này, chúng đã không được định nghĩa bởi nó trong một thời gian dài. Nửa triệu người Israel gốc Do Thái đã có được nơi ở bằng cách cầm vũ khí và chiến đấu với dân bản địa để giành lấy, và phần còn lại hầu hết là hậu duệ gần đây của những người nhập cư để thúc đẩy tiến trình này. Điều này đơn giản không áp dụng ở Úc hoặc Hoa Kỳ. Lập luận rằng Úc và Israel giống nhau đặc biệt có vấn đề khi kết luận rõ ràng được rút ra rằng, ví dụ, những người tị nạn Palestine ở Úc là “những người định cư” giống như những người Do Thái từ Brooklyn – những người sử dụng sức mạnh quân sự để xông vào ngôi nhà của gia đình Palestine ở Đông Jerusalem. Điều này không giúp xây dựng tình đoàn kết; chỉ gây nhiễu loạn và làm suy yếu nó.

Và khi các liên minh của Israel được xem xét đến, không có một quy tắc chung nào về sự đoàn kết của những người định cư-thuộc địa cũ. Một số nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Israel không phải là các thuộc địa cũ của người định cư, mà là các nước từng là thuộc địa. Ấn Độ là một trong những thuộc địa bị áp bức ghê gớm nhất của Anh; sau một cuộc đấu tranh lâu dài, nước này đã giành được độc lập vào năm 1947, và trong nhiều thập kỷ, nền chính trị của Ấn Độ được coi là ủng hộ Palestine. Giờ đây, dưới thời nhà lãnh đạo cực hữu Narendra Modi, nó đã chuyển sang quan điểm ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn nhiều. Bản thân Modi là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Israel. Chủ nghĩa dân tộc bản địa “Hindutva” của ông ta dĩ nhiên là không phù hợp về mặt tinh thần với một xã hội thuộc địa-định cư, nhưng nhiều nhà lãnh đạo và cán bộ khác của đảng cánh hữu của ông ta thậm chí còn ủng hộ Israel hơn chính Modi. Tại sao? Nó không chỉ là về thành kiến ​​chống Hồi giáo: như Vijay Prasad viết, “Chính sách của Ấn Độ [đối với Israel] đã thay đổi vào năm 1991. Nó liên quan đến sự háo hức trở thành đồng minh cấp dưới của Mỹ”. Thái độ của Ấn Độ đối với Israel được xác định bởi vị trí đang thay đổi của nước này trong khối chủ nghĩa đế quốc toàn cầu. Trong việc thiết lập quan hệ hữu nghị với Israel, Ấn Độ tham gia vào các cựu thuộc địa như Ai Cập, những nước mà các nhà cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc là đồng minh không thể thay thế của nhà nước Israel trong nhiều thập kỷ; Sri Lanka, nơi chính phủ Sinhala-sô-vanh diệt chủng đã mua được khí tài quân sự vô giá từ Israel; Ethiopia, một bên mua vũ khí quan trọng khác của Israel; và nhiều nước khác.

Mặt khác, thực tiễn của chủ nghĩa thực dân định cư của Trung Quốc ở Tân Cương – nơi những người Hán định cư được nhập khẩu để đảm bảo quyền kiểm soát chính trị của Trung Quốc đối với khu vực quan trọng về kinh tế này – không nhận được sự ủng hộ từ các thiện thần ở các thuộc địa cũ của người định cư ở phương Tây. Và đó không chỉ là do phân biệt chủng tộc; xét cho cùng, Mỹ và Úc hầu như không phải là điểm nóng của cảm giác chủng tộc thân Do Thái trong những thập kỷ xung quanh việc thành lập Israel. Tình đoàn kết giữa những thuộc địa-định cư hiện tại và các thuộc địa- định cư trước đây không phải là điều định hình nên các mối quan hệ quốc tế.

Israel được phương Tây hỗ trợ vì đây không chỉ là một thuộc địa – định cư. Nó, như đã được chỉ ra lần đầu tiên vào đầu năm 1951 bởi tờ báo Ha’aretz của Israel, một “kẻ giám sát” của chủ nghĩa đế quốc phương Tây ở Trung Đông. Nó được hỗ trợ bởi các cường quốc phương Tây như một đồng minh quân sự quan trọng trong một khu vực chiến lược. Không có gì ngạc nhiên khi họ hầu như nhắm mắt làm ngơ trước tội ác của đồng minh. Trong trường hợp của Israel, các tội ác là chiếm đóng và trộm cắp đất đai. Các đồng minh khu vực khác của phương Tây – như Ả Rập Xê-út và Ai Cập – cũng được bào chữa cho những tội ác khác nhau của họ, trong khi Trung Quốc và Nga bào chữa hoặc phớt lờ những hành vi tàn bạo của các khách hàng và cộng tác viên địa phương của họ. Các liên minh quốc tế của Israel được xác định bởi động lực của chủ nghĩa đế quốc đương thời, không phải chủ nghĩa thực dân định cư trong lịch sử. Các liên minh không dựa trên một số cảm giác chủng tộc hay ràng buộc các quốc gia có cùng nguồn gốc. Chúng dựa trên quyền lực và lợi ích.

Điều này có ý nghĩa gì đối với chiến lược của Palestine? Israel là một xã hội định cư-thuộc địa, được hỗ trợ bởi các đồng minh đế quốc phương Tây hùng mạnh, và điều đó có nghĩa là người Palestine cần đồng minh thậm chí còn gấp gáp hơn người Nam Phi. Phần lớn họ bị loại trừ khỏi nền kinh tế Israel và rất khó để thách thức từ bên trong. Một số người theo chủ nghĩa xã hội lập luận rằng điều này có nghĩa là họ cần tiếp cận với tầng lớp lao động Do Thái ở Israel. Không phải tất cả người Do Thái Israel đều là những người định cư, và một số người đã can đảm đứng lên đoàn kết với người Palestine. Nhưng lịch sử của Israel có nghĩa là công nhân Do Thái của quốc gia đó nằm trong số những người bảo thủ về mặt chính trị nhất trong khu vực, đặc biệt là về vấn đề then chốt là chủ nghĩa đế quốc. Hầu hết mọi tổ chức của phong trào công nhân Israel đều tham gia vào việc tổ chức thanh lọc sắc tộc bản địa và hầu hết mọi công nhân Israel đều xuất thân từ một gia đình có nhiều thế hệ ủng hộ chính trị cho dự án Chủ nghĩa Phục quốc. Trong khi đó, nhiều thế hệ người Do Thái Israel thân Palestine cách mạng đã di cư khỏi đất nước (bao gồm cả chính Moshé Machover). Điều đó đã khiến các công nhân Do Thái ở Israel có ý thức méo mó khủng khiếp, và việc cố gắng giành được sự ủng hộ của họ tạo ra xu hướng giảm bớt những lời chỉ trích đối với chính Chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

Các đồng minh quan trọng nhất của người Palestine sẽ phải là các công nhân Ả Rập và Hồi giáo trên khắp Trung Đông. Họ có những con số và sức mạnh để làm lung lay nền tảng của trật tự chính trị trong khu vực, như những người lao động Nam Phi đã làm. Để giải phóng người Palestine, họ sẽ phải đứng lên và nổi dậy chống lại các chế độ của chính họ, vốn đồng lõa trong mạng lưới các liên minh và khối đế quốc đã áp bức người dân trong khu vực bấy lâu nay. Cuộc chiến đấu anh dũng của người Palestine, và những người lên tiếng và hành động như một phần của phong trào đoàn kết toàn cầu, có thể giúp mang lại lòng dũng cảm và cảm hứng cho cuộc nổi dậy trong tương lai.

Theo VNMARXIST.COM

Tags: , ,