Một cái nhìn về ‘văn hóa’ từ chức

Ở nước ta, những hành vi hết sức cơ bản bỗng phải khoác áo “văn hóa” để khuyến khích: xếp hàng, tham gia giao thông đúng luật, gia đình yên ấm, và cả từ chức.

Mới đây, một vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân nộp đơn xin từ chức.

Chính xác hơn, là xin thôi việc, trở về làm một công dân bình thường. Lý do của ông, cơ bản là năng lực bản thân không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Một trong những việc ông không làm được, là giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

Đến đây, người viết dành dòng này để bạn đọc nghĩ ra một cái tên.

Cái tên mà bạn nghĩ đến trong đầu ở dòng trên, liệu có phải là Nguyễn Văn Khoa?

Dù đúng hay không, thì đấy mới là người đang được nhắc đến. Ngày 16/11/2017, ông Nguyễn Văn Khoa (51 tuổi), Phó chủ tịch xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã nộp đơn xin từ chức. Ngoài lý do trên, ông Khoa chia sẻ thêm rằng, ông nghỉ việc để tạo cơ hội cho người trẻ hơn, có năng lực hơn.

Thực ra thì dù ít, nhưng không khó để tìm ra những trường hợp xin từ chức tương tự ông Khoa. Một giám đốc sở, một chủ tịch phường, một cục phó. Họ từ chức hoặc xin chuyển công tác ở một vị trí thấp hơn. Tất nhiên là luôn có lý do riêng, nhưng hầu hết là không mấy ồn ào. Bằng chứng: tôi tin phần đông những người đọc bài viết này chưa hề nghe đến tên ông Khoa.

Những vụ từ chức ồn ào – như cái tên mà có thể một số độc giả đã nghĩ tới ở đầu bài – phần nhiều là vì dư luận tự khoác thêm cho chức vụ ấy, hành động ấy những lớp nghĩa quá rộng. Và không phải không có những vụ từ chức được nhân vật chính cố tình đẩy lên dềnh dang, như một cú hạ cánh hiển hách. Hệ thống ngạch bậc và quy trình bổ nhiệm khiến mỗi vị trí quản lý hành chính đều rất giá trị. Giá trị bởi năm tháng, bởi sự nỗ lực, bởi cả cống hiến tài năng, lẫn những chi phí không tên có khi bằng cả một gia tài nho nhỏ. Đó là cách hiểu ngầm, bất thành văn nhưng được phổ biến rộng rãi trong xã hội ta. Chức vụ, trong văn hóa Việt Nam, khía cạnh “Quyền Lợi” vẫn nổi bật hơn “Trách Nhiệm”.

Việc một nhân sự quản lý hay lãnh đạo từ chức, từ bao giờ được định nghĩa với cụm mỹ từ “văn hóa từ chức”? Gọi như vậy cũng không sai, nhưng rõ ràng khi ghép việc “xin chấm dứt một nhiệm vụ được giao” với “văn hóa”, là không cùng hệ số. Được cấp trên, tổ chức giao nhiệm vụ. Làm tốt được khen thưởng, làm kém bị phạt, làm sai bị kỷ luật, và tự thấy mình không phù hợp thì nên từ chối. Điều ấy là tự trọng, là ý thức cơ bản của con người biết nghĩ đến trách nhiệm xã hội.

Đôi khi, lý do từ chức chẳng có tính “văn hóa” chút nào. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những cán bộ xin nghỉ hưu sớm với lý do là “tạo điều kiện cho lớp trẻ”. Nhưng thực ra, các vị cán bộ ấy không còn đủ tuổi để tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo, và như thế sẽ phải chuyển xuống cấp chuyên viên các phòng ban. Họ bèn nghỉ sớm, cho nhàn. Những công bộc từ chức vì không nhìn thấy cơ hội leo cao hơn.

Mẹ tôi nguyên là một kỹ sư vỏ tàu biển. Bà có chuyên môn cao, nhưng đặc tính công việc là thường xuyên phải ở trên tàu, kiểm tra và đôn đốc việc sửa chữa. Một ngày kia, tổng công ty của mẹ tôi mở thêm công ty con, chuyên vận tải đường bộ, muốn mẹ tôi làm giám đốc. Đó là một cơ hội lớn của đời công chức: có tiền, có quyền và có nhiều cơ hội “kiếm thêm”. Nhưng mẹ tôi từ chối, và tiếp tục lặn lội làm kỹ sư vỏ tàu biển, tức là chấp nhận dầm mưa dãi nắng, cho đến ngày về hưu. Bà tự nhận xét mình không có trình độ quản lý, cũng không có chuyên môn ngạch vận tải đường bộ. Một cách lý giải hết sức đơn giản.

Ở nước ta, vì nhiều lý do, những hành vi hết sức cơ bản, bỗng phải khoác áo “văn hóa” để khuyến khích: xếp hàng, tham gia giao thông đúng luật, gia đình yên ấm, và cả từ chức. Cái bình thường thành cái bất thường.

Và việc bàn luận về bản thân cái hành vi “từ chức” ấy, có thể làm người dân tiếp cận vấn đề sai. Chúng ta sẽ tập trung vào một cái tên, một nhân vật, một vị công chức vừa làm một việc thực ra rất đỗi cơ bản; mà quên đi rằng sự kiện đó phải được gọi tên đúng: một nhiệm vụ đã không được hoàn thành.

Theo GIA HIỀN / VNEXPRESS

Tags: ,