Mới tí tuổi đầu mà ‘phân tích tâm trạng’ của các cụ tài thế

Lạm dụng văn mẫu khiến học sinh là “máy chép” cho đủ điểm, dù không đọc kỹ tác phẩm vẫn có thể làm được bài kiểm tra văn.

Khi học sinh không đọc tác phẩm vẫn phân tích được ‘tâm trạng nhân vật’

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã yêu cầu các nhà trường chấm dứt việc học Ngữ văn theo bài mẫu.

Tôi hoàn toàn đồng ý với yêu cầu này. Chép văn mẫu là một căn bệnh trầm kha, tồn tại dai dẳng suốt mấy chục năm nay trong trường học. Hồi năm ngoái, khi đứa cháu tôi từ lớp sáu lên lớp bảy, chị dâu của tôi đi mua sách giáo khoa cũng không quên kèm theo vài quyển văn mẫu. Dù bây giờ chỉ cần có điện thoại, laptop có nối mạng là có thể vô tư kiếm ra hơn trăm nghìn bài văn mẫu nhan nhản.

“Mua thêm vài quyển, càng nhiều càng tốt”, chị tôi giải thích cho việc mua thêm mấy quyển sách văn mẫu. Nhưng tôi thừa biết là “tham khảo” hay nói trắng ra là chép lại từ văn mẫu kiểu chắp vá, cùng một đề bài nhưng chép sách này vài đoạn, sách kia một ý, trên mạng một câu thì sẽ khó bị giáo viên phát hiện. Và nó cũng đề phòng luôn việc hai học sinh “đụng hàng” khi có cùng một bài viết nếu chép từ một nguồn.

Những đứa cháu học cấp hai, cấp ba của tôi bảo rằng: “Cứ học thuộc rồi chép văn mẫu là sẽ có điểm, không cao nhưng đảm bảo không dưới trung bình”. Hệ luỵ của việc này là học sinh lười đọc, lười tư duy. Lười đọc ngay cả chính tác phẩm mà chúng vừa “phân tích” trên trang giấy kiểm tra xong. Không đọc kỹ tác phẩm nhưng vẫn phân tích được tâm trạng nhân vật, vẫn “bình” được thủ pháp nghệ thuật, thủ pháp tâm lý… Mà khi tác phẩm gốc không đọc đến thì lấy đâu ra việc tìm đọc các tài liệu khác để trau dồi vốn ngôn ngữ của bản thân? Lấy đâu ra tư duy về văn học?

Hồi học cấp ba cách đây hơn mười năm, tôi cũng có vài quyển văn mẫu. Nhưng đó là những quyển bình giảng tác phẩm, văn chương và do một nhóm tác giả là giáo sư, nhà giáo có uy tín biên soạn. Xin nhấn mạnh là với một đề bài phân tích một đoạn văn, một nhân vật hay bài thơ nào đó, tôi đều liệt kê ý tưởng, cách phân tích của mình ra vở nháp trước. Sau đó mới tham khảo xem các tác giả đó viết thế nào, tư duy ra sao. Họ là giáo sư Văn, vậy viết khác gì mình? Mình mười sáu, mười bảy tuổi cảm nhận “Vội vàng” của Xuân Diệu khác với một giáo sư, tiến sĩ năm, sáu mươi tuổi khác ra sao?

Một người trẻ tuổi trên ghế nhà trường cảm nhận thời gian, “sống vội” của Xuân Diệu khác gì với một người đã đi qua quá nửa đời người? Từ đó tôi đúc kết cho mình những nhận xét riêng. Nhưng tuyệt đối không lặp lại và không theo lối mòn của những người làm sách văn mẫu đã soạn. Bởi tư duy về văn học của mỗi người là khác nhau do không giống nhau về trình độ, tuổi tác, hoàn cảnh, môi trường sống.

Nhưng điểm chung đó là đều rút ra những cái đẹp, cái hay trong tác phẩm và những ẩn ý, gửi gắm của tác giả dù cách diễn đạt khác nhau. Hơn nữa, nếu vận dụng tốt văn mẫu sẽ học được cấu trúc câu, từ vựng mới mà mình chưa biết.

Chưa kể việc chắp nối, chép văn mẫu cũng vô tình là việc vi phạm bản quyền tác giả. Văn mẫu chỉ để tham khảo, không phải bê nguyên xi vào bài kiểm tra Văn.

Về khía cạnh giáo viên Văn, tôi nghĩ ngành giáo dục nên hướng dẫn họ dạy và chấm bài thi theo hướng mở nhất có thể. Vẫn có những barem viết đủ ý, chấm đủ điểm. Nhưng cũng cần hướng giáo viên Văn đến việc mạnh dạn cho điểm ngay cả khi học sinh viết không đủ ý trong barem những vẫn đạt điểm nếu đó là suy nghĩ, tư duy, phát hiện mới về tác phẩm.

Và tôi nghĩ rằng giáo viên Văn cũng nên mạnh tay không chấm điểm với những bài văn mẫu. Đừng tiếc hay nương tay “công chép” mà cho điểm trên trung bình giúp học sinh.

Theo ĐỘC GIẢ DƯƠNG QUANG / VNEXPRESS

Tags: