⠀
Màu sắc địa chính trị trong trợ giúp y tế của Trung Quốc cho Italia
Italia đã luôn là một phần thưởng địa chính trị hậu hĩnh trong mọi thời đại bởi vị trí chiến lược của nó giữa Địa Trung Hải cũng như sự thịnh vượng và các kỹ năng hữu dụng của người dân nơi đây. Và bây giờ, đã đến lượt của một cường quốc đang trỗi dậy – Trung Quốc- để tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình tại đây.
Tác giả: Theresa Fallon, nhà sáng lập và giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Á – Âu – Nga (CREAS) tại Brussels và là thành viên cao cấp không thường trú của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu. Năm 2015-2016, bà là thành viên của Nhóm cố vấn cao cấp cho Tư lệnh đồng minh tối cao NATO ở châu Âu (SACEUR).
Nguồn: Theresa Fallon, “China, Italy, and Coronavirus: Geopolitics and Propaganda”, The Diplomat, 20/03/2020.
Biên dịch: Đỗ Minh Châu
Ở Italia, Trung Quốc không còn được xem như là quốc gia khởi nguồn của dịch COVID-19, mà là một người bạn trong thời điểm hoạn nạn.
Italia đã luôn là một phần thưởng địa chính trị hậu hĩnh trong mọi thời đại bởi vị trí chiến lược của nó giữa Địa Trung Hải cũng như sự thịnh vượng và các kỹ năng hữu dụng của người dân nơi đây. Và bây giờ, đã đến lượt của một cường quốc đang trỗi dậy – Trung Quốc- để tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình tại đây.
Năm ngoái, Italia đã ký một Bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Italia là quốc gia G-7 đầu tiên và cho đến nay là duy nhất tham gia. Sau nhiều năm trì trệ, Italia hy vọng sẽ mang lại một động lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế qua việc hợp tác với Trung Quốc. Động thái này đã bị các đồng minh của Italia ở phương Tây chế nhạo và gây tranh cãi trong nước, với một thành viên trong chính phủ liên minh hiện nay (Đảng cánh hữu Lega của nguyên phó thủ tướng Matteo Salvini) chống lại nó. Tuy nhiên sau tất cả, việc ký Bản ghi nhớ đã không mang lại cho Italia nhiều hợp đồng từ Trung Quốc hơn so với những quốc gia không làm vậy – ví dụ như Pháp.
Tới tháng 3/2020, Italia đang lâm vào cuộc khủng hoảng virus Corona. Tính đến ngày 20/3, căn bệnh này đã giết chết hơn 3.400 người Italia – nhiều hơn số người chết ghi nhận tại Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu vào cuối năm 2019. Vào đầu tháng 3, Italia đã yêu cầu sự giúp đỡ từ các đối tác Liên minh châu Âu qua Cơ chế bảo vệ Dân sự EU. Không có quốc gia thành viên EU nào trả lời. Ngoài ra, Pháp và Đức còn áp dụng lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang. Nhiều người Italia cảm thấy bị lừa dối bởi các đối tác châu Âu của họ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản hồi song phương và kịp thời vận chuyển 30 tấn vật tư, thiết bị y tế đến Rome. Bộ trưởng Ngoại giao Italia Luigi Di Maio đã đăng một video về sự xuất hiện của chuyến máy bay chở hàng hạ cánh trên trang Facebook của mình. Đó là một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc về ngoại giao công chúng và thông tin – khi Ý cần sự giúp đỡ, Châu Âu đã thờ ơ trong khi Trung Quốc được miêu tả là vị cứu tinh của Italia. Đức sau đó đã cam kết cung cấp khẩu trang cho Italia, nhưng lúc đó đã quá muộn. Dòng diễn ngôn đơn giản đã được hình thành trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Liên minh châu Âu bỏ bê Italia và chính Trung Quốc đã cứu họ. Di Maio đã nhận công cho sự giúp đỡ từ Trung Quốc bằng cách gắn nó với chính sách Trung Quốc của ông cũng như cuộc gọi điện của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 10/3, hai ngày trước khi chuyến hàng từ Trung Quốc tới.
Trên thực tế, nguồn cung cấp hỗ trợ đã được gửi theo thỏa thuận giữa Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc và Italia. Theo thông lệ giữa các chi nhánh Hội Chữ thập đỏ ở các quốc gia khác nhau, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã đáp lại sự giúp đỡ nhận được từ Hội Chữ thập đỏ Italia vì chỉ một tháng trước đó, Italia đã gửi 18 tấn hàng tiếp tế cho Vũ Hán. Cuộc gọi giữa Ngoại trưởng Italia Di Maio và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không liên quan đến sự quyên góp của Hội Chữ thập đỏ, mà liên quan đến việc Italia mua một lượng máy thở rất cần thiết (thiết bị hô hấp nhân tạo) cho các phòng chăm sóc đặc biệt. Một số quốc gia châu Âu đang cạnh tranh nhau để được nhận thiết bị này trước nên ông Di Maio đã bày tỏ mong muốn với ông Vương Nghị để đưa ItaliaÝ lên đầu danh sách. Đến nay Italia vẫn chưa nhận được các máy thở này.
Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đăng tải những video người Italia biết ơn ca ngợi Trung Quốc vì sự hào phóng của họ. Một video thậm chí còn cho thấy người Italia hát quốc ca Trung Quốc từ ban công của họ (tuy nhiên, đó là một video giả). Những video này có phụ đề tiếng Trung và có lẽ được thực hiện hướng tới nhóm đối tượng người xem là người Trung Quốc. Có thông tin rằng người dân Vũ Hán đã từ chối bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vì đã xử lý khủng hoảng thành công; bây giờ ít nhất các nhà chức trách có thể thể hiện rằng họ đã làm tốt công tác ngoại giao và người nước ngoài rất biết ơn họ.
Ngoài lô hàng thiết bị y tế đầu tiên hạ cánh tại Rome vào ngày 12/3, Trung Quốc cũng đã gửi một chuyến hàng thứ hai đến Milan vào ngày 18/3. Lô hàng này được gửi bởi các tỉnh của Trung Quốc bao gồm Chiết Giang, nơi có một cộng đồng di dân lớn sinh sống ở Italia. Các khoản đóng góp khác của các công ty Trung Quốc đã được gửi đến các khu vực và thị trấn của Italia, nơi ở của các đối tác người Italia của họ.
Một trong những công ty như vậy là ZTE, công ty này đã tặng 2.000 mặt nạ cho thành phố L’Aquila ở miền trung Italy, nơi ZTE điều hành một trung tâm công nghệ và đổi mới 5G chung với trường đại học địa phương. Ngoài ra, Huawei đề nghị thiết lập một mạng lưới điện toán đám mây để kết nối các bệnh viện Italia với nhau và với các bệnh viện ở Vũ Hán – điều đặt ra những vấn đề nghiêm trọng đối với việc kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như bảo vệ dữ liệu.
Nhờ sự chủ động này, ở Italia, Trung Quốc không còn bị nhìn nhận như nguồn gốc của đại dịch hay bị đổ lỗi về việc quản lý lỏng lẻo những chợ bán đồ tươi sống hay kiểm duyệt thông tin – những điều nếu không xảy ra đã có thể giúp ngăn chặn đại dịch này ở giai đoạn sớm hơn. Bộ máy tuyên truyền trên mạng của Trung Quốc đã làm việc không ngừng để tách biệt virus Corona mới khỏi Vũ Hán, nơi nó xuất hiện đầu tiên, cũng như khỏi Trung Quốc. Nỗ lực này đã đem lại thành công ở Italia. Trong mắt người Italia, Trung Quốc giờ được coi là quốc gia mang lại sự trợ giúp thực tế khi cần, trong khi các đối tác gần gũi hơn về mặt địa lý lại cư xử một cách ích kỷ, bất chấp những lời hoa mỹ về tình đoàn kết châu Âu, và không cung cấp bất kỳ trợ giúp nào.
Trong một cuộc điện đàm gần đây với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nắm bắt thời cơ này và đề xuất ra mắt một “con đường tơ lụa y tế” mới, đi cùng với Sáng kiến Vành đai và Con đường hiện có. Theo sáng kiến này, Trung Quốc sẽ sử dụng những bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến chống lại virus thành công của họ và chia sẻ chúng với các đối tác trên khắp thế giới. Vì đại dịch có thể sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa trên toàn thế giới và để phòng ngừa một đại dịch tương tự xảy ra lần nữa, nhiều quốc gia sẽ quan tâm đến sáng kiến này.
Quan điểm của phần lớn người Italia là Trung Quốc đã thành công trong việc chinh phục virus trong một thời gian ngắn nhờ các biện pháp nghiêm ngặt và quyết đoán mà họ áp dụng. Về mặt này, Italia vẫn kém Trung Quốc. Một cách gián tiếp, tổ chức quản lý nhà nước ở Trung Quốc được coi là hiệu quả hơn bởi nó giúp cứu sống nhiều người và giảm tổn thất kinh tế trong trường hợp khẩn cấp.
Trung Quốc vẫn còn có các ý đồ khác về Italia: họ đang quan tâm đến các cảng và cơ sở hạ tầng của Italia liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường; về các loại thực phẩm chất lượng, ngành thiết kế và tiềm năng du lịch; cũng như các trung tâm công nghệ cao như L’Aquila; và sự phát triển mạng lưới 5G của nước này. Đây cũng là một nơi mà Trung Quốc có thể đánh vào để làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Sự giúp đỡ được cung cấp trong bối cảnh đại dịch Corona sẽ giúp củng cố mối quan hệ Trung – Italia và mở đường cho một lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 11 tới.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Trung Quốc, Italia, Dịch bệnh COVID-19