Lý Quang Diệu viết về ‘Mùa xuân Ả Rập’

Khi làn gió phấn khởi của “Mùa xuân Ả Rập” như người ta vẫn gọi cuối cùng cũng đi qua, thế giới có lẽ sẽ nhận ra một thực tế trần trụi rằng bộ máy điều hành tại khu vực này vẫn không có bước chuyển mình mới mẻ nào.

Lý Quang Diệu viết về ‘Mùa xuân Ả Rập’

Nguồn (trích đăng): Lee Kuan Yew (2013). “Middle East: A Spring without a Summer”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 238-257.

Biên dịch: Ngô Văn Tổng | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung.

Dù những thay đổi này bề ngoài nhìn có vẻ rất lớn lao và dù các ký giả đã cố gắng tô vẽ cho chúng thật chấn động, nhưng nhiều thập kỷ về sau, khi bao quát lại toàn bộ sự kiện, chúng ta chắc chắn sẽ khó có thể coi bất cứ những thay đổi nào trong số đó là một công cuộc chuyển đổi thực chất và bền vững, theo hướng nhân dân nắm quyền tại khu vực.

Và càng chắc chắn hơn nữa là những cuộc thử nghiệm dân chủ này sẽ không kéo dài. Tôi cho rằng, chẳng bao lâu nữa, những quốc gia vừa mới mò mẫm thực hiện các bước đi theo hướng “một người, một phiếu” (one man one vote) sẽ trở lại với chế độ độc nhân trị hay độc đảng trị. Nói cách khác, xuân sẽ qua và hè, thu, rồi đông sẽ tới. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, cũng giống như nó đã tiếp diễn trong nhiều thiên niên kỷ qua.

Khu vực Trung Đông thiếu vắng một lịch sử xã hội vận hành dựa trên cách thức đếm số người ủng hộ để từ đó đưa ra các quyết định. Khu vực không có truyền thống dân chủ, cho dù là trong giai đoạn Hồi giáo cổ đại, giai đoạn lịch sử thuộc địa gần đây, hay trong kỷ nguyên chủ nghĩa dân tộc hậu thuộc địa. Khi các khối thuộc địa của Anh và Pháp tan vỡ và chia tách thành các quốc gia riêng rẽ, thì tất cả các quốc gia này cuối cùng lại quay về chế độ độc nhân trị. Đây không phải bởi sự tình cờ mà xuất phát từ nguồn gốc văn hóa và xã hội đã cắm rễ sâu từ xa xưa.

Tất nhiên, người ta có thể tranh luận rằng, dân chủ – một hiện tượng khá mới mẻ trong lịch sử nhân loại – đều đã bắt đầu nảy mầm đâu đó trong mọi khu vực, và rằng ở nhiều nơi (gồm cả một số quốc gia ở châu Á), dân chủ đã bắt rễ – hoặc ít nhất bề ngoài là như vậy – bất chấp môi trường của họ cũng thiếu vắng truyền thống dân chủ như vậy. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng: Trung Đông không chỉ không có kinh nghiệm về các thể thức chính trị đại diện trong quá khứ, mà quan trọng hơn khu vực này còn thiếu vắng các nhân tố xã hội làm nền tảng thiết yếu cho dân chủ đứng vững.

Thứ nhất là ý thức về tư cách công dân bình đẳng. Nội dung tư tưởng này là cả bạn và tôi mặc dù có sự khác biệt về mức độ giàu có, vị thế xã hội, thành tựu, khả năng thể chất và tinh thần, và nhiều thứ khác, nhưng chúng ta đều bình đẳng với nhau ở một mức độ nào đó, chỉ đơn thuần vì một lý do duy nhất: chúng ta đều là công dân của một quốc gia cụ thể. Chúng ta có cùng những quyền và nghĩa vụ như nhau mà mọi quốc gia đều trao cho tất cả công dân của mình. Chúng ta bình đẳng về mặt pháp lý cũng như về mặt đạo đức. Tư tưởng này cần phải xuất hiện trước để làm tiền đề cho việc phát triển những hình thức áp dụng cũng như các thể chế dân chủ thực sự. Nó phải được không chỉ giới trí thức và những người tiến bộ mà toàn xã hội đón nhận.

Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy tại nhiều vùng thuộc khu vực Trung Đông ngày nay là các hệ thống mang tính bộ lạc hoặc phong kiến. Tại Ả Rập Saudi, lãnh đạo của các bộ lạc đều mang quà đến tặng nhà vua mỗi năm một lần. Cũng giống như Trung Quốc thời cổ đại, để đáp lại nhà vua cũng bạn cho họ các món quà có giá trị lớn hơn. Thường dân trung thành với bộ lạc – chứ không phải với quốc gia, vì ở đây quốc gia không tồn tại, và chắc chắn không phải với những đồng bào như họ.

Tôi đã có lần nói chuyện với một nhà ngoại giao người Mỹ một vài năm về trước, sau khi ông rời nhiệm sở ở Ả Rập Saudi và ông đồng ý về quan điểm này. Ông cho rằng người Ả Rập Saudi có cơ cấu tổ chức theo lối phong kiến. Tương tự như vậy, người Libya không có một quốc gia thống nhất mà là một tập hợp các bộ lạc, và chủ nghĩa khu vực tại đây còn khiến đặc tính này thêm trầm trọng. Tại các quốc gia bộ lạc này, khi một chế độ sụp đổ, có thể người ta sẽ tiến hành điều chỉnh sâu rộng các quy tắc vận hành tổ chức của nền chính trị – tức là ai được quyền quyết định cái gì và như thế nào – nhưng dân chủ sẽ không xuất hiện vì đơn vị cơ bản trong chính thể không phải là công dân mà là bộ lạc.

Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng một số nước Ả rập đã trở thành quốc gia – theo nghĩa hiện đại hơn – nổi bật nhất là Ai Cập, Marốc và Tunisia. Tuy vậy, thậm chí các quốc gia này vẫn thiếu thành tố thứ hai và không kém phần quan trọng, đây lại là thành tố cần thiết để dân chủ có thể trở nên chín muồi và để toàn thể công dân chấp nhận kết quả của không chỉ cuộc bầu cử đầu tiên sau cách mạng mà còn của tất cả các cuộc bầu cử tiếp sau đó. Đó chính là thành tố mà tôi gọi là khả năng tài chính đủ vững mạnh để tạo ra những bước phát triển kinh tế thực sự.

Khu vực đang bỏ lỡ năng lực này đơn giản bởi vì họ luôn nhất quyết kìm hãm nữ giới ở hậu phương. Xã hội Ả rập nhìn chung đều do nam giới thống lĩnh. Họ đã từ chối trao quyền giáo dục bình đẳng cho nữ giới và không cho phép phái nữ được đóng góp sức lao động như nam giới trong xã hội – đây chính xác là những rào cản mà các quốc gia này cần khắc phục để giải phóng tiềm năng bản thân và tạo điều kiện cho nền kinh tế ở đây được hiện đại hóa. Họ đã phản đối giải pháp này và luôn tìm đủ mọi cớ để biện minh. Và vấn đề này đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi lẽ những phụ nữ có học vấn thấp có xu hướng nuôi dạy nên những đứa con nhận thức thấp, do người mẹ dành nhiều thời gian cho con cái hơn người cha. Ngược lại, một thế hệ những người mẹ được giáo dục tốt hơn chắc chắn sẽ nuôi dạy nên thế hệ những người trẻ có thái độ và thế giới quan khác biệt.

Thậm chí ở một số quốc gia tại Trung Đông có tỷ lệ nữ giới học đại học gần bằng nam giới thì họ vẫn bị ngăn cản không thể phát huy hết tiềm năng của bản thân theo nhiều cách thức khác nhau. Thông thường, họ bị từ chối nhận vào các khóa học danh tiếng, chẳng hạn như các khóa học về khoa học, kỹ thuật hay luật, và thay vào đó người ta cho rằng họ nên đảm trách các ngành nghề ‘cho phái nữ’ truyền thống, chẳng hạn như làm giáo viên. Thậm chí khi họ đạt được sự thành công ngang bằng nam giới trong ngành giáo dục, thì tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động ở nhiều quốc gia Trung Đông vẫn thua kém đáng kể so với con số này của nam giới vì nhiều lý do khác nhau. Một số nữ giới phải chịu đựng thói quen phân biệt đối xử trong công việc, từ việc bị trả lương không ngang bằng đến việc bị quấy rối tình dục. Một số nữ giới khác đơn giản lại thấy không đáng phải đấu tranh với những phiền phức mà họ phải chịu đựng hằng ngày như việc hạn chế nữ giới đi lại một mình chốn công cộng, hay những phụ nữ đã lập gia đình không nhận được bất cứ chia sẻ hay cảm thông nào từ xã hội khi họ không ở nhà để đảm trách công việc nội trợ.

Các chế độ dân chủ mới không thể tồn tại lâu dài nếu như không tạo được những bước phát triển thực sự về mặt kinh tế. Xét cho cùng, đối với một người dân bình thường dân chủ còn có nghĩa lý gì nếu như anh ta không thể tự nhận thấy được những kết quả mà nó mang lại? Chắc chắn dân chủ với anh ta mà nói sẽ chỉ đơn thuần là cứ lâu lâu lại phải đứng xếp hàng chờ đến lượt mình để đánh dấu vào một tờ giấy. Chỉ trong vòng một hay hai kỳ bầu cử, người dân sẽ bị vỡ mộng trước hệ thống và sau đó đất nước lại quay về một hình thức cai trị độc tài nào đó.

Tại Ai Cập, nhóm Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) lần đầu tiên lên nắm quyền và có vẻ như hiểu được tính cấp thiết của trọng trách trên vai nên đã cử nhiều phái đoàn sang các nước khác để học hỏi những gì có thể về phát triển. Đó là dấu hiệu cho thấy họ thực sự nghiêm túc về vấn đề này. Nhưng liệu họ có thành công? Khi mà những thay đổi cần xúc tiến thì quá thiết yếu mà khung thời gian cho phép để đạt được điều đó thì lại quá ngắn ngủi? Trong khi tìm cách thực hiện các cuộc cải cách sâu rộng, họ sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn lao hình thành từ các nhân tố của chế độ cũ. Chẳng hạn, các cơ quan nhà nước sẽ vẫn đầy các công chức do cựu tổng thống Hosni Mubarak bổ nhiệm. Họ vẫn là một phần không thể tách rời của hệ thống mới bởi lẽ hệ thống mới không thể vận hành được nếu như nó phá bỏ hoàn toàn hệ thống cũ và xây dựng mới hoàn toàn từ con số không.

Khi thế giới ngày càng trở nên toàn cầu hóa, các chính phủ ở Trung Đông bắt đầu nhận thức được rằng họ phải đi cùng với thời đại, dù chỉ với từng bước nhỏ. Tại Ả Rập Saudi, với cấu trúc xã hội mang đậm tính Hồi giáo, nữ giới vẫn bị buộc phải mặc trang phục che kín toàn thân khi xuất hiện tại nơi công cộng, và không được phép lái xe hơi. Nhiều địa điểm công cộng bị phân chia thành các khu riêng biệt theo giới tính. Nhưng thậm chí trong một xã hội lâu đời như thế này, tình hình cũng đang thay đổi.

Chẳng hạn, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Vua Abdullah (KAUST) được thành lập năm 2009 giống như một ốc đảo tự do trong lòng một quốc gia bảo thủ sâu sắc. Trường đã thuê Giáo sư Shih Choon Fong, người từng là phó hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), làm hiệu trưởng. Trong phạm vi khuôn viên các khu học xá, nam giới và nữ giới được đối xử một cách bình đẳng, giống như mọi cư dân trong các xã hội theo lề lối phương Tây.

Đây là một bước đi tiến bộ, nhưng tôi không kỳ vọng những sinh viên tốt nghiệp tại KAUST đủ sức thay đổi đất nước của họ. Bạn không thể thay đổi cả một chế độ phong kiến chỉ bằng một vài thanh niên nam nữ tài năng và có học thức. Bạn phải đối mặt với nhóm giáo giới, mà ở đây là phái Wahhabi, nhóm giáo sĩ quyền lực bậc nhất và cũng bảo thủ nhất tại thế giới Ả Rập. Quyền lực của họ được giữ vững nhờ mối quan hệ cộng sinh với gia đình hoàng gia: hoàng gia được nắm trong tay của cải của cả đất nước trong khi nhóm giáo giới được bảo đảm gần như chắc chắn quyền tự tung tự tác đối với tất cả các vấn đề tôn giáo. Nhưng sau khi gặp nhà vua Abdullah, tôi tin rằng gia đình hoàng gia tại Ả Rập Saudi hiểu rằng không thể nào giữ đất nước ở hiện trạng đóng băng trong suốt một kỷ nguyên nào đó. Họ sẽ phải tính đến phát triển quốc gia theo hướng tiến bộ. Sự thay đổi là tất yếu. Nhưng thay đổi ở tốc độ nào thì tôi không thể nói trước được. Có thể những quy tắc xã hội đang được áp dụng tại KAUST sẽ được nhân rộng tới toàn thể các khu vực xung quanh và sau đó là tất cả các khu vực thành thị.

Nhưng tại thời điểm này, đường hướng phát triển lâu dài của khu vực Trung Đông có vẻ vẫn chưa kiên định. Sau khi cuộc thử nghiệm bỏ phiếu và bầu cử hiện thời đang dần đi đến hồi kết, giải pháp đem lại sự phát triển bền vững và cung cấp công ăn việc làm cho khoảng hơn 350 triệu người vẫn còn là vấn đề tồn đọng. Tình thế trớ trêu này là điều khó tránh khỏi. Có nhiều ý kiến khẳng định rằng đây là khu vực giàu có tài nguyên thiên nhiên không đâu sánh bằng. Nhưng nhiều vùng ở khu vực này vẫn bị mắc kẹt trong vũng bùn trì trệ.

Thử thách thực sự đối với các quốc gia ở khu vực này là làm thế nào họ có thể chủ động gắn kết bản thân với thế giới bên ngoài một khi các nguồn năng lượng hữu hạn kia bị cạn kiệt. Họ cần phải chuyển đổi từ nền kinh tế lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ dồi dào sang nền kinh tế có thể tự duy trì trên chính đôi chân mình về lâu dài, và họ phải tiến hành mục tiêu này chỉ trong phạm vi vài thập kỷ tới. Họ sẽ phải nhanh chóng cải thiện phương thức hiện tại của mình và phải tìm ra lợi thế cạnh tranh đối với các ngành công nghiệp phi khai khoáng, dù là trong lĩnh vực ngân hàng, hàng không, du lịch, sản phẩm tiêu dùng hay tổng hợp tất cả các lĩnh vực nói trên. Một trong những cách để đạt được điều này là cử những tài năng trẻ hàng đầu của họ sang làm việc trong những ngành công nghiệp này ở các thành phố của Mỹ hay Châu Âu, và sau đó, thu hút nguồn nhân lực này về quê hương nhằm xây dựng các ngành mũi nhọn tương tự trong nước.

Thật không may, nguồn dầu mỏ quá ư dồi dào lại có xu hướng nuôi dưỡng nên những bộ phận dân chúng có niềm tin rằng thế giới phải cung phụng cho cuộc sống của họ. Chính phủ của họ không may phải đảm trách công việc không ai muốn là nỗ lực huy động dân chúng làm việc và xóa bỏ tư duy ỷ lại nhu nhược này. Họ phải thuyết phục người dân rằng sự giàu có về dầu mỏ không kéo dài mãi mãi, thậm chí ngay khi tất cả doanh thu từ đó được lưu trữ trong một ngân quỹ đặc biệt và được đầu tư một cách cẩn thận. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất.

Cách đây một vài năm, một quốc gia tại Trung Đông đã cử một số sinh viên đến học tại Singapore, tin tưởng rằng những sinh viên đại diện cho một thế hệ mới này có thể được thay đổi tư duy. Mong ước này đã không xảy ra. Những sinh viên này đến đây không phải để tiếp thu nền văn hóa và đạo đức làm việc của chúng tôi. Họ đi rong chơi. Singapore là một chốn mới lạ đối với họ. Họ tự nhủ: “Hãy dành thời gian chơi thật vui vẻ rồi về nước”. Tại sao bạn phải lao động trong khi bạn có cả kho của cải khổng lồ như vậy nằm ngay dưới chân mình?

Trung Đông là một vùng đất tuyệt đẹp cho ta ghé chân thăm thú; nơi đây có nền văn hóa phong phú với bề dày lịch sử lâu đời và lôi cuốn. Một số quốc gia trong khu vực giáp ranh với phía Nam của Châu Âu, chẳng hạn như Morocco hay Tunisia, là nơi giao thoa và náo nhiệt, đồng thời cũng cởi mở hơn so hơn các quốc gia khác ở Trung Đông.

Khi tôi đến thăm Iran theo lời mời của vua Mohammad Reza Pahlavi trước khi ông bị lật đổ. Tôi được sắp xếp cho nghỉ tại một trong những cung điện của vị vua này. Tôi vẫn còn nhớ những tấm thảm ở đó – chúng đẹp đến nỗi ước gì tôi có thể sở hữu chúng. Tôi sẽ treo chúng lên tường để trưng bày. Nhưng tại cung điện này, bạn dẫm chân trên những tấm thảm ấy. Họ có rất nhiều thợ dệt. Khi đến lượt ông đến thăm Singapore, ông đưa cho Tổng thống Benjamin Sheares lúc đó một tấm thảm lớn và cho tôi một tấm thảm nhỏ, cả hai tấm thảm đều có hoa văn tương tự, đều làm bằng tơ lụa. Tấm thảm được tặng cho tôi hiện giờ đang được để tại nhà con trai tôi. Nó được trải trên sàn nhà. Nhưng sau đó, người ta đi chân không lên tấm thảm và các sàn nhà đều sạch sẽ.

Quốc gia ở Trung Đông mà tôi biết nhiều nhất là Ai Cập. Tôi từng lưu lại tại một trong những cung điện của Vua Farouk khi tổng thống Gamal Abdel Nasser Hussein mời tôi đến thăm. Nasser là một người hiện đại và sống khiêm tốn, mặc dù đã không thành công trong việc giải phóng người dân của mình. Ông đã xây dựng đập Aswan với sự giúp đỡ của người Nga, đây là một thành tựu lớn bởi vì con đập này kiểm soát lũ lụt và cung cấp năng lượng. Họ đưa tôi đến con đập này trên một phi cơ riêng và tôi đã ở đó một vài ngày – đây là một nơi rất khô và yên tĩnh. Tôi nghĩ rằng nếu bạn đi đến sa mạc Gobi hay Grand Canyon (Hẻm Núi lớn), có lẽ bạn sẽ có cảm giác tương tự như vậy. Sự khác biệt duy nhất là ở chỗ, khi bạn rời khỏi sa mạc Gobi, bạn sẽ thấy một xã hội nhộn nhịp với nhịp sống sôi động và lao động không ngừng nghỉ. Và khi bạn rời khỏi Grand Canyon, bạn sẽ thấy giấc mơ Mỹ đang hiện ra trước mặt bạn.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,