Lý giải hiện tượng tự nhiên bằng ‘hệ tâm linh’: U mê và nguy hại cho xã hội

Lợi dụng các hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp xảy ra trong thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận, sự hiếu kỳ của người dân, một số người đã lý giải hiện tượng này theo chiều hướng tâm linh huyền bí, vừa không có cơ sở khoa học, vừa cổ xúy mê tín dị đoan.

Mây thấu kính trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Facebook Do Vinh Quan.

Cụ thể, vào ngày 24/11/2022, một đám mây hình nón khổng lồ bao phủ trên đỉnh núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Một ngày sau đó, vào ngày 25/11, tại núi Chứa Chan ở Đồng Nai cũng ghi nhận hiện tượng thiên nhiên độc đáo này. Nhiều người dân thích thú khi chứng kiến đám mây hình nón đã chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Một số nhiếp ảnh gia còn “săn” được các ảnh đẹp, độc, lạ này của thiên nhiên. Bên cạnh những chia sẻ tích cực, còn có những bài viết, video clip chia sẻ, lý giải, gán ghép hiện tượng là “điềm” một cách thiếu cơ sở khoa học.

Điềm tốt – điềm gở

Bình luận về hiện tượng này trong rất nhiều trang trên mạng xã hội, có người cho rằng: “Mây lành bao phủ ngọn núi báo hiện tượng tốt lành”, “Điều kỳ lạ linh thiêng”, “Điềm lành cho Tây Ninh”, “Con xin vía…”.

Có điều trùng hợp là ngày xảy ra hiện tượng đĩa mây khổng lồ ở núi Bà Đen là mùng 1 âm lịch nên nhiều người càng tin tưởng có “điềm”. Trong clip “Đoán điềm hiện tượng mây lạ xuất hiện tại núi Bà Đen Tây Ninh” dài hơn 9 phút có hơn 4,5 ngàn người xem, “thầy” C. tử vi phong thủy cho biết: “…Hiện tượng xuất hiện vào sáng mùng 1/11 năm Nhâm Dần, lúc 6 giờ 7 sáng, ngay giờ Mão, thầy chiêu ra được quẻ Kinh Dịch số 22, quẻ bí, trên là núi, dưới là lửa… Điềm tốt không phải điềm gở… nhận linh khí tốt của trời đất. Trước đây, trăng máu là điềm không tốt… Những người muốn tu tâm, nghỉ dưỡng nhận may mắn của trời đất, may mắn, xả xui thì nên đến núi Bà Đen từ tháng 11 cho đến Tết…”.

Một số người còn làm clip lý giải hiện tượng này. Chẳng hạn, trên mạng xã hội YouTube, clip có tên “Đám mây núi Bà chuyện rùng rợn” có đến 113 ngàn lượt xem của T.H… Trong clip dài hơn 42 phút, nhân vật này cho rằng hiện tượng mây xuất hiện như trên là “rùng rợn”, sau đó chia sẻ về những câu chuyện cổ liên quan đến núi Bà. Kết thúc clip, nhân vật khẳng định: “Đám mây là biểu tượng chứng tỏ thiên ma đang bao trùm trong vũ trụ này, nó làm cho chúng ta đắm nhiễm và cuối cùng nó sẽ tận diệt…”.

Hay cũng trên mạng xã hội YouTube có clip với tiêu đề: “Đám mây kỳ lạ xuất hiện…! Điềm lành hay sóng gió đến lúc phơi bày không giấu nữa” dài hơn 38 phút, có 14 ngàn lượt xem. Trong clip, nhân vật có nói: “…Những luồng mây này che phủ như đĩa bay… Phật tiên thánh cùng nhau xuống thế”. YouTube A.G… thì làm clip “Kỳ bí đám mây núi Bà Đen ly kỳ cậu bé lộ chuyện sắp tới” có đến 133 ngàn lượt xem.

Cũng “ăn theo” hiện tượng này, sự hiếu kỳ của người dân, tài khoản C.S.L. làm clip “Sự kiện kỳ bí tại núi bà Tây Ninh” để quảng cáo lộ liễu: “…Dự báo sự ấm no cho người dân địa phương, người người có việc làm, nhà nhà có cơm no áo mặc, vì lẽ thế giá đất Tây Ninh sẽ tăng. Còn chần chừ gì nữa, hãy nhanh tay đầu tư đất Tây Ninh…!”.

Một hiện tượng tự nhiên, có cơ sở khoa học rõ ràng

Bàn về hiện tượng dĩa mây, mây nón, mây thấu kính dưới góc nhìn khoa học, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết: “Hiện tượng mây quẩn tròn như đĩa bay hay thấu kính xuất hiện ở đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Chứa Chan (Đồng Nai) là mây dạng len hay thấu kính (Lenticularis). Đây là những đám mây đứng yên, có đường viền rõ, có hình dạng tương tự thấu kính hoặc quả hạnh nhân, hình thành trên những đỉnh núi cao”.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết thêm: Những loại mây có thể có hình dạng thấu kính: 1) Mây ti tích (Cirrocumulus, viết tắt là Cc) là những đám mây mịn; 2) Mây trung tích (Altocumulus, viết tắt là Ac) là các khối mây có cấu tạo hình cầu thành lớp; 3) Mây tầng tích (Stratocumulus, viết tắt là Sc), giống như thấu kính phẳng. Loại mây hình đĩa bay xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen cũng như ở núi Chứa Chan vừa qua thuộc loại mây trung tích (Altocumulus, viết tắt là Ac).

Nói rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện hình thành mây hình đĩa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết: “Loại mây này được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau. Khi gặp tổ hợp các điều kiện thuận lợi như: tốc độ và hướng gió phù hợp, độ ẩm lớn, nhiệt độ không cao, mây sẽ hình thành trên đỉnh các sóng này dưới dạng thấu kính hoặc hạnh nhân, gồm nhiều đĩa mây xếp chồng lên nhau. Khu vực đỉnh núi tròn như một giá thể để 2 khối không khí tương tác và xoáy quanh nó, tạo thành đĩa mây thấu kính. Thấu kính có thể biểu hiện như một đĩa bay nhiều lớp, như chiếc mũ trùm lên ngọn núi”.

Thực tế, qua theo dõi thông tin trên mạng xã hội, đây không phải là lần đầu tiên một số tài khoản trên mạng xã hội lý giải hiện tượng tự nhiên dưới góc nhìn tâm linh. Một số hiện tượng như: nhật thực, nguyệt thực toàn phần (trăng máu), trăng tròn đêm trung thu… cũng được một số tài khoản trên mạng xã hội khai thác triệt để.

Chung quy lại, các clip dạng này bàn về hiện tượng thiên nhiên theo hướng tâm linh, không có cơ sở khoa học, sau đó hướng người xem vào việc phải đi theo con đường tu tập nhanh chóng, hoặc cần năng xem phong thủy để biết điềm cát, điềm lành mà hóa giải… Một số người “ăn theo” sự việc theo hướng làm clip phỏng vấn một “thế lực tâm linh” như người bị “người âm nhập” để lý giải hiện tượng, đặt title giật gân để câu view (lượt xem)…

Để những bài viết cổ xúy mê tín dị đoan không còn “đất” sống trên mạng xã hội, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà quản trị mạng về an toàn thông tin, an ninh mạng…, còn có một phần ở trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội. Bởi lẽ, nếu không có cung ắt sẽ không có cầu.

Anh Trần Văn Lương (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia mạng xã hội để giải trí, nắm bắt thông tin. Mỗi khi những thông tin không chính thống, mang màu sắc dị đoan xuất hiện trên màn hình, tôi đều lướt qua, không theo dõi, chặn ngay những tài khoản này. Tôi cũng thường xuyên căn dặn mọi thành viên trong gia đình, nhất là cha mẹ tôi và các con tôi, không tiếp cận, tránh xa các thông tin xấu, độc, hại khi tham gia mạng xã hội. Theo tôi, cần trang bị kỹ năng tham gia mạng an toàn”.

Thật vậy, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Trong xa lộ thông tin thật – giả, tốt – xấu đan xen lẫn lộn, những người tham gia mạng xã hội nói riêng, và người dân nói chung cần trang bị những kiến thức trong tiếp cận thông tin. Từ đó, nói không với những thông tin độc hại và tìm đến những thông tin có nguồn gốc chính thống, có kiểm chứng rõ ràng và quan trọng hơn là đấu tranh với những quan điểm sai lầm, lệch lạc nếu có.

Theo BÁO ĐỒNG NAI

Tags: ,