Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách

Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa.

Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách

Buổi chiều một ngày bình thường, Bruce Albright (Mỹ) dừng ở bãi đậu xe của Wonder Book, mở cốp chiếc Camry và dỡ ra hai hộp đựng sách cũ kỹ. “Thật đáng buồn, có những cuốn trong này tôi đã đọc rất nhiều lần”, ông nói.

Suốt 6 tháng nay, Albright (70 tuổi, một luật sư chính phủ về hưu) đã phải bán đi 750 cuốn sách cũ của mình tại thư viện địa phương và tại cửa hàng này.

Albright sống một mình, ở xa các con. Trong ngôi nhà cách đó không xa của vị luật sư vẫn còn lưu trữ hơn 1.700 cuốn sách khác, là một bộ sưu tập đồ sộ được ông tích lũy trong hơn nửa thế kỷ.

Những cuốn sách rất quý giá đối với vị chủ nhân 70 tuổi của chúng. Nhưng ông chấp nhận bán bớt chúng vì không muốn lúc mình qua đời, các con phải dọn dẹp và phân loại đống sách khổng lồ.

Theo Washington Post, bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú.

Họ yêu sách theo một cách vô lý, vô điều kiện, không thể đong đếm bằng tiền bạc.

“Những cuốn sách giống bạn bè hơn là đồ vật. Bạn đã có rất nhiều cuộc chuyện trò cùng những cuốn sách. Bạn muốn ghi nhớ kinh nghiệm. Chúng là tiếng vang của những gì bạn từng đọc”, Michael Powell, chủ Powell’s Books ở Portland, nói.

Không thể vứt bỏ những cuốn sách

Theo Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, 3/4 doanh thu sách thương mại năm ngoái đến từ doanh số bán bìa cứng và bìa mềm.

Nhà phê bình xã hội kiêm diễn viên hài Fran Lebowitz (72 tuổi) sở hữu 12.000 cuốn sách, hầu hết là tiểu thuyết, được cất giữ trong những chiếc hộp gỗ có cửa kính từ thế kỷ 19 trong căn hộ của bà ở New York (Mỹ).

“Tôi không thể vứt bỏ những cuốn sách. Với tôi, điều đó giống như nhìn thấy một đứa trẻ bị ném vào thùng rác. Tôi đam mê sách giấy, yêu chúng theo mọi cách. Tôi yêu sách hơn cả con người”, bà nói.

Nếu có một cuốn sách không muốn cho vào bộ sưu tập của mình, Lebowitz cũng phải dành hàng tháng trời để để quyết định đưa nó cho ai.

Lebowitz biết chính xác số lượng bộ sưu tập của mình bởi vì mỗi lần chuyển nhà, bà đều thuê những người chuyển sách đặc biệt để kiểm đếm số lượng đầu sách mà mình nắm giữ.

Việc lựa chọn căn nhà mới của Lebowitz hoàn toàn phụ thuộc vào việc nó có đủ lớn để chứa bộ sưu tập của bà hay không. Theo một nghĩa nào đó, những cuốn sách của Lebowitz sở hữu bà ấy.

Có cùng đam mê đó, Martha Frankel, một nhà văn và giám đốc của Woodstock Bookfest, nói rằng: “Tôi đang tiếp tục tích lũy sách. Chắc tôi phải sống đến 150 tuổi để đọc hết chỗ sách đó”.

Nhà văn 65 tuổi đã có cho mình 3.600 quyển sách, và đó chỉ là con số tính riêng trong văn phòng bà đã đóng cửa hồi năm 2018. Frankel nói rằng không thể chịu nổi cảm giác khi nghĩ đến chuyện phải vứt bỏ những cuốn sách này.

Những người yêu sách được biết đến với thói quen tích trữ và cá nhân hóa các tác phẩm. Họ giữ quá nhiều sách, trong thời gian quá lâu, bất chấp bụi bẩn, nấm mốc, gáy sách đã nứt hay các trang giấy cong vênh, và thực tế là họ không đọc lại phần lớn trong số chúng.

“Không ai thích vứt một cuốn sách. Chẳng ai muốn vứt chúng vào thùng rác cả”, Michael Powell, chủ Powell’s Books ở Portland, nói. Theo Powell, sách thể hiện sự đầu tư đáng kể về thời gian lẫn trí tuệ trong cuộc sống của chúng ta.

Tình thế khó khăn

Trong những tháng phong tỏa vì đại dịch, nhiều người yêu quý sách đã phải đối diện với thực tế là nơi họ sống đang quá tải vì chứa quá nhiều sách.

Phần lớn mọi người không biết cụ thể họ sở hữu bao nhiêu cuốn sách. Có thể, họ không muốn biết.

Giáo sư luật Clare Coleman của Đại học Drexel nghĩ rằng bà sở hữu 1.300 cuốn sách cho đến khi phát hiện con số thực tế cao gấp đôi.

Câu hỏi “Phải làm gì với những cuốn sách cũ” đang là tình thế khó khăn mà các nhà sưu tập, dù ở độ tuổi nào, cũng phải đối mặt, hoặc vấn đề sẽ chuyển sang cho người thừa kế của họ.

Những cuốn sách cũ trở thành vấn đề lớn đối với những người Mỹ lớn tuổi, khi họ đang gần bước tới điểm cuối cuộc đời và không đọc thêm chúng nữa.

Người yêu thích sách thường dành cả căn phòng để làm nơi lưu trữ, nhưng nó cũng làm chật không gian nhà của họ. Ngoại trừ Kinh thánh gia đình hay các tác phẩm quý hiếm, ít khi sách được lưu truyền qua các thế hệ.

“Cuối cùng, chúng sẽ được rao bán”, Chuck Roberts, chủ sở hữu Wonder Book, người có thâm niên 42 năm trong ngành kinh doanh sách cho biết.

Topher Lundell, quản lý của Second Story Books ở Washington DC, thừa nhận rằng anh chưa đọc phần lớn sách mà mình sở hữu.

“Theo một cách nào đó, sách là biểu tượng cho cách chúng ta muốn cảm nhận về bản thân. Chúng là sự an ủi, rằng tôi đã đọc những cuốn sách này. Đó là những thành tích”, Lundell nói.

Nhiều chủ nhân có thể thấy nhẹ nhõm đôi chút khi bớt đi vài cuốn sách. Nhưng điều đó không đúng với Coleman, khi bà buộc phải quyên góp 2/3 số sách của mình cho tổ chức từ thiện.

“Tôi rất hối hận. Những cuốn sách đó như nhật ký về cuộc đời tôi. Có những cuốn là nguồn vui suốt những năm tháng tuổi trẻ, khi tôi trưởng thành”, Coleman bày tỏ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: