Lula da Silva nói về Putin, Biden, Zelensky và xung đột Nga – Ukraina

“Tôi không hiểu ông tổng thống Ukraina. Nhưng thái độ của ông ta thì rất kỳ dị. Có vẻ ông ta chính là một phần của bối cảnh này. Ông ta đối diện Nghị viện Anh, nghị viện Đức, nghị viện Pháp, nghị viện Italia cứ như thể ông ta đang đi vận động một chiến dịch chính trị vậy. Chỗ của ông ta lẽ ra nên ở bàn đàm phán thì hơn”.

Lula da Silva nói về Putin, Biden, Zelensky và xung đột Nga – Ukraina

Tờ The Time số mới xuất bản có bài phỏng vấn cựu tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Ông hiện là ứng viên tổng thống dẫn trước đương kim tổng thống Jair Bolsonaro 14 điểm trong cuộc trưng cầu cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống Brazil sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Lula, trong bài phỏng vấn được trích dịch một phần dưới đây, đã chỉ trích cả Zelensky lẫn các lãnh đạo Mỹ, EU về việc để xảy ra chiến tranh ở Ukraina.

Có thể góc nhìn của Lula hơi “mơ mộng” một chút nhưng không hẳn là không đáng để đọc bởi nó là một quan điểm riêng, một ý kiến khác có thể được xem là đại diện của châu Mỹ Latinh trong trào lưu tràn ngập quan điểm phương Tây hiện nay.

Brazil vừa đối diện khủng hoảng phân bón và Nga đã xuất cảng lập tức 30 tàu vận tải chở đầy phân bón sang Brazil. Điều đó cho thấy, họ đứng ngoài cuộc chiến trừng phạt Nga mà Mỹ và Anh phát động.

————————

Time: Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, dầu mỏ là một trong vài mặt hàng đã mang lại những thành tựu kinh tế. Hôm nay, với cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta đang cố gắng tiêu thụ ít dầu mỏ lại. Ứng viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử vào tháng Năm tới ở Colombia là Gustavo Petro đã đề xuất một chương trình hạn chế thăm dò, khai thác dầu mà trong đó, các quốc gia nên lập tức thực hiện việc thăm dò dầu mỏ. Ông sẽ hưởng ứng chứ?

Lula da Silva: Xem nào. Petro có quyền đề xuất bất kỳ thứ gì ông ấy muốn. Nhưng, trong tình hình của Brazil, có vẻ đề xuất này không thực tế. Trong tình chung của thế giới, nó cũng không thực tế nốt. Chúng ta vẫn còn cần dầu thêm một thời gian nữa. Chúng ta không thể chỉ… (phóng viên ngắt lời).

– Ý tưởng là vẫn khai thác và sử dụng những mỏ dầu mà họ đã thăm dò xong và ngừng các cuộc thăm dò tiếp tục. Ông có cân nhắc chứ?

– Không, chừng nào bạn chưa có năng lượng thay thế, bạn sẽ vẫn phải sử dụng những năng lượng bạn đang có. Hãy nghĩ về nước Đức nhé: Angela Merkel quyết định đóng cửa mọi nhà máy điện hạt nhân. Bà ta không hề tính đến việc chiến tranh Ukraina sẽ nổ ra. Và hôm nay, châu Âu lệ thuộc vào năng lượng từ Nga. Những gì bạn có thể làm chỉ là bắt đầu một tiến trình cắt giảm lâu dài (nhu cầu sử dụng dầu) khi mà bạn nâng tỷ lệ các năng lượng thay thế lên. Bạn sẽ không thể hình dung được viễn cảnh nước Mỹ sẽ dừng nhu cầu tiêu thụ sử dụng dầu của nó đâu.

– Tôi muốn nói về chiến tranh Ukraina. Ông luôn tự hào rằng mình có thể đối thoại với bất kỳ ai – Hugo Chavez cho tới George Bush. Nhưng thế giới hôm nay đã trong tình trạng rạn vỡ ngoại giao rất nặng nề. Tôi băn khoăn là liệu cách tiếp cận của ông còn hiệu quả nữa hay không. Ông có còn có thể nói chuyện với Vladimir Putin sau những gì ông ta làm ở Ukraina?

– Những chính trị gia chúng tôi gieo gì thì gặt nấy thôi. Nếu tôi gieo thiện chí, hữu nghị, sự hoà hợp thì tôi sẽ gặt những thứ tốt đẹp. Nếu tôi gieo bất hoà, tôi sẽ gặt tranh chấp. Putin lẽ ra không nên xâm lược Ukraina. Nhưng đâu phải một mình Putin có lỗi. Nước Mỹ, EU cũng có lỗi tương xứng. Nguyên nhân của cuộc xâm lược Ukraina là gì? Tham gia NATO phải không? Vậy thì lẽ ra Mỹ và châu Âu cần phải tuyên bố “Ukraina sẽ không gia nhập NATO”. Điều đó hẳn sẽ giải quyết được vấn đề.

– Ông cho rằng mối đe doạ Ukraina gia nhập NATO là nguyên nhân chính để Nga xâm lược?

– Nó là cái mâu thuẫn được họ đẩy cho leo thang. Nếu họ có thêm lý do bí ẩn nào khác, chúng ta không biết. Vấn đề khác nữa là Ukraina gia nhập EU. EU cũng lẽ ra nên tuyên bố “Không, bây giờ không phải lúc Ukraina gia nhập EU, đợi cái đã”. Họ thực ra không nên đổ thêm dầu vào lửa đối đầu như vậy.

– Nhưng tôi nghĩ là họ cũng đã cố gắng đối thoại với Nga.

– Không, họ không hề. Đối thoại là cực ít. Nếu bạn muốn có hoà bình, bạn phải kiên nhẫn. Họ hoàn toàn có thể ngồi xuống đàm phán 10, 15, 20 ngày, thậm chí cả tháng, cố gắng tìm giải pháp. Tôi nghĩ là đối thoại chỉ hiệu quả khi đối thoại được tiến hành nghiêm túc.

– Nếu ông là Tổng thống lâm thời, ông sẽ làm gì? Ông liệu có khả năng tránh được xung đột?

– Tôi không biết liệu mình có khả năng làm được điều đó hay không. Nhưng nếu tôi là Tổng thống, tôi sẽ điện đàm với Biden, và Putin, và Đức, và Macron. Bởi vì chiến tranh không phải là giải pháp. Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nếu bạn không cố gắng, bạn sẽ không giải quyết được các rắc rối. Và cơ bản là bạn phải nỗ lực, phải thử.

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy lo ngại. Tôi quan ngại khi Mỹ và EU đã đỡ đầu để Juan Guaido (khi ấy đang là người đứng đầu chính phủ Venezuela) trong vai tổng thống năm 2019. Không giở trò với dân chủ như thế được. Để Guaido lên làm tổng thống, ông ấy cần phải được bầu. Sự quan liêu không thể được dùng thay thế cho chính trị. Trong chính trị, hai cơ quan đứng đầu nhà nước phải là hai cơ quan đều do dân bầu nên, phải biết ngồi xuống đàm phán với nhau, nhìn vào mắt nhau mà đối thoại.

Và hôm nay, nhiều khi tôi ngồi và xem tổng thống Ukraina nói chuyện trên truyền hình, được vỗ tay, được cổ vũ, được vinh danh bởi tất cả các nghị viện. Gã này phải chịu trách nhiệm ngang bằng với Putin cho cuộc chiến này. Bởi vì trong chiến tranh, không thể chỉ có một bên phạm lỗi. Saddam Hussein cũng phải có tội ngang với Bush (về cuộc chiến 2003 ở Iraq). Bởi vì Hussein hoàn toàn có thể nói “Các bạn có thể đến và kiểm tra và tôi sẽ chứng minh rằng tôi không có vũ khí huỷ diệt”. Nhưng ông ta lừa dối nhân dân của chính mình. Và hôm nay, Tổng thống Ukraina cũng có thể nói “Nào hãy không nói về câu chuyện NATO nữa, không nói về việc tham gia EU trong một thời gian nữa. Hãy thảo luận với nhau trước đã”.

– Vậy là Volodomyr Zelensky lẽ ra nên đối thoại với Putin nhiều hơn, ngay cả khi 100 ngàn lính Nga đã ở biên giới Ukraina rồi ư?

–  Tôi không hiểu ông tổng thống Ukraina. Nhưng thái độ của ông ta thì rất kỳ dị. Có vẻ ông ta chính là một phần của bối cảnh này. Ông ta đối diện Nghị viện Anh, nghị viện Đức, nghị viện Pháp, nghị viện Italia cứ như thể ông ta đang đi vận động một chiến dịch chính trị vậy. Chỗ của ông ta lẽ ra nên ở bàn đàm phán thì hơn.

– Ông có thể nói thẳng điều đó tới Zelensky chứ? Ông ta đâu có muốn cuộc chiến, cuộc chiến nó ập vào ông ta mà.

– Ông ta CỰC muốn cuộc chiến này. Nếu ông ta không muốn chiến tranh, ông ta đã đàm phám nhiều hơn. Cơ bản là thế. Tôi đã phê phán Putin khi tôi đang ở Mexico City hồi tháng 3, nói thẳng rằng ông ta đã sai lầm khi xâm lược. Nhưng tôi không nghĩ ra được một ai đang nỗ lực kiến tạo hoà bình cả. Dư luận bị dẫn dắt để thù ghét Putin. Cách làm này chả giải quyết được gì cả. Chúng ta cần đạt được các thoả thuận. Nhưng mọi người thì lại cổ vũ chiến tranh. Các bạn cổ vũ gã này (Zelensky), và nghĩ rằng hắn ta chính là “trái cherry trên chiếc bánh của mình”. Chúng ta nên có những đối thoại nghiêm túc kiểu “OK, ông là một diễn viên hài đáng yêu. Nhưng đừng để chúng tôi thì đi tham chiến trong khi ông lại đi trình diễn mình trên truyền hình”. Và chúng ta cũng cần nói với Putin: “Ông thì lắm vũ khí đấy nhưng ông không cần phải dùng chúng ở Ukraina. Hãy đối thoại đi nào”.

– Ông nghĩ gì về Biden?

– Tôi đã từng có phát biểu khen ngợi Biden khi ông ta công bố chương trình kinh tế của mình. Nhưng vấn đề là công bố chương trình thì chẳng đủ, cần phải thực thi nó. Tôi cho rằng Biden đang trong một giai đoạn khó khăn đấy.

Và tôi không nghĩ ông ta quyết định đúng trong chuyện chiến tranh Nga – Ukraina. Mỹ có rất nhiều ảnh hưởng chính trị. Và Biden lẽ ra đã có thể tránh cuộc chiến, lẽ ra có thể không kích động nó. Ông ta lẽ ra nên đối thoại nhiều hơn, tham gia nhiều hơn. Biden có thể bay tới Moskva đối thoại với Putin. Đấy mới là thái độ mà ta mong đợi ở một lãnh đạo. Phải can thiệp để mọi thứ không đi lệch hướng. Nhưng tôi không nghĩ là ông ta đã làm thế.

– Biden có nên nhượng bộ Putin không?

– Không. Giống như cái cách người Mỹ thuyết phục Xô-viết không đặt tên lửa ở Cuba năm 1961 vậy, Biden nên phát biểu “Chúng ta sẽ đối thoại nhiều hơn nữa. Chúng tôi không muốn nhận Ukraina vào NATO, dừng lại đi”. Đó không phải là nhượng bộ. Để tôi nói bạn nghe điều này. Nếu tôi là tổng thống Brazil và họ bảo tôi “Brazil có thể tham gia NATO” thì tôi sẽ trả lời là Không.

– Tại sao?

– Bởi vì tôi là một người chỉ nghĩ đến hoà bình chứ không phải chiến tranh. Brazil không có mâu thuẫn với quốc gia nào cả: không phải Mỹ, không phải Trung Quốc, hay Nga, Bolivia, Argentina, Mexico. Và thực tế việc Brazil là một nước hoà bình sẽ cho phép chúng ta tái tạo những mối quan hệ mà chúng ta từng kiến tạo hồi 2003-2010. Brazil sẽ lần nữa trở thành vai chính trên bàn cờ toàn cầu bởi vì chúng ta sẽ chứng tỏ rằng hoàn toàn có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

– Ông làm vậy bằng cách nào?

– Chúng ta cần kiến tạo một Cơ quan toàn cầu. Hôm nay Liên Hợp Quốc chẳng còn đại diện được cho thứ gì nữa rồi. Các chính phủ cũng chẳng coi trọng Liên Hợp Quốc nữa khi mà mỗi bên đều tự đưa quyết định mà không hề tôn trọng Liên Hợp Quốc. Nước Mỹ quá quen với việc đi xâm lược các nước khác mà chẳng thèm hỏi ý kiến ai và xem thường Hội đồng bảo an. Chúng ta cần xây dựng lại Liên Hợp Quốc, với thêm nhiều quốc gia, nhiều cá nhân. Nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ cải thiện được tình hình thế giới.

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK

Tags: ,