⠀
Luật pháp sẽ trở thành trò cười khi dân ‘nhờn luật’, còn người hành pháp lạm quyền
Bên cạnh tính nghiêm minh, sự văn minh trong hành pháp cũng nên được chú trọng và đề cao. Nhà nước cử xử tôn trọng công dân như thế nào thì công dân cũng sẽ tôn trọng sự uy nghiêm của nhà nước và của pháp luật như thế.
Gần nhà tôi có một gia đình bán hàng ăn vỉa hè. Cảnh tượng ngày nào cũng diễn ra là khi chiếc xe tuần của phường đi tới, vợ chồng con cái nhà họ nháo nhác hò nhau, người khuân biển quảng cáo, người bê bàn ghế, người dọn bát đĩa, người “lùa” khách… nép vào nhà. Xe tuần rời đi, ai việc nấy, lại dọn mọi thứ bày ra như cũ.
Hoạt cảnh vừa kịch tính, vừa có chút vui nhộn này quen thuộc đến độ đã trở thành “sinh hoạt thường nhật”, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì, cho tới khi một video tương tự được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Dưới video, người xem để lại nhiều bình luận cợt nhả, thậm chí còn chia sẻ cho nhau nhiều cách hay hơn để né xe tuần.
Về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế, trong ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp ,được phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau, thì hành pháp rõ ràng là nơi mà luật pháp được thể hiện ra trực quan nhất, Nhà nước cũng qua đó tiếp xúc thường xuyên, sâu rộng, trực tiếp nhất với công dân. Bởi lẽ đó, hình ảnh của nhà nước trong tâm trí công dân cũng chủ yếu thể hiện, xây dựng và bồi đắp thông qua hoạt động hành pháp.
Vậy trong “hoạt cảnh” trên, hình ảnh của luật pháp sẽ như thế nào trong tâm trí công dân? Khi hình ảnh thiếu văn minh và thiếu nghiêm minh như thế diễn ra, sẽ khó có được sự tôn trọng của công dân với luật pháp. Và khi đã không có sự tôn trọng, cũng sẽ không có sự tự giác chấp hành, chỉ còn lại hành vi đối phó và nhận thức coi thường pháp luật.
Câu chuyện tôi thường chứng kiến, chỉ là một ví dụ dễ nhận biết nhất trong rất nhiều hành vi đi ngược lại sự văn minh trong hành pháp mà ta có thể dễ dàng kể ra.
Đầu tiên là “hành pháp thô bạo”, với những hành vi vượt quá quyền lực hành pháp, xâm phạm trực tiếp đến các quyền con người và quyền công dân cơ bản. Mới đây trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Hà Nội, một nam thiếu niên 14 tuổi điều khiển xe máy, chở một cô gái. Xe bán tải của đội tuần đường cao tốc đã đuổi theo để yêu cầu dừng phương tiện. Sau một lúc truy đuổi, xe bán tải vượt lên, tạt đầu ép xe máy vào dải phân cách khiến hai xe gần như dừng gấp. Xe khách phía sau không phanh kịp, đâm trúng khiến cô gái đi xe máy tử vong, lái xe máy bị thương.
Xe tuần đường thay vì hướng dẫn cho xe máy chạy vào làn khẩn cấp và thoát ra ở nút giao, đã can thiệp thô bạo, vượt quá quyền hạn, gây thiệt hại lớn cho người tham gia giao thông.
Một biểu hiện khác là “hành pháp lạc hậu”, tôi dùng để mô tả hành vi đi tuần, “dọn dẹp” những vi phạm ở lòng lề đường tại các thành phố lớn. Công nghệ đã phát triển đến mức ai cũng có mã định danh, thiết bị ghi hình, quay phim đầy đủ mà lực lượng hành pháp vẫn phải đi dẹp, giằng co từng chiếc ghế, từng biển quảng cáo với người dân, với từng bà hàng rong ngoài đường. Cung cách ứng xử lạc hậu trong một xã hội phát triển sẽ không bao giờ tạo ra được uy quyền cần thiết cho nhà nước trong hoạt động của mình.
Văn minh trong hành pháp, theo đó có thể hình dung là cơ quan hành pháp biết tự giới hạn hành vi để không vượt quá quyền lực hành pháp, biết tận dụng những tiến bộ của công nghệ để tránh những hành vi phản cảm tác động trực tiếp lên công dân. Ở đó, chính quyền cân nhắc đến tính văn minh của từng hành động cũng quan trọng như tính nghiêm minh. Bởi như đã nói ở trên nếu không có được hình ảnh văn minh thì cũng sẽ không tạo được sự tuân thủ và tôn trọng đối với pháp luật, mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của việc hành pháp.
Văn minh trong hành pháp còn có thể là Nhà nước cần khéo léo dựa vào các tiến bộ công nghệ để đưa ra những hình thức xử phạt hành chính tự động và ít tiếp xúc, tránh đối đầu trực tiếp căng thẳng với công dân. Tôi đã gặp ở Anh những người bạn Việt Nam rất tự giác đi nộp phạt 40 bảng Anh do trốn vé tàu điện ngầm. Bởi nếu nộp chậm một ngày thì mức phạt tự động nhân lên thành 80 bảng, chậm nữa lại nhân lên nữa và nếu không nộp thì không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh tính nghiêm minh, sự văn minh trong hành pháp cũng nên được chú trọng và đề cao. Nhà nước cử xử tôn trọng công dân như thế nào thì công dân cũng sẽ tôn trọng sự uy nghiêm của nhà nước và của pháp luật như thế.
Theo BÙI PHÚ CHÂU / VNEXPRESS
Tags: Luật pháp