⠀
Luật chuyển giới và hi vọng đổi đời của nhiều người Việt
Mới chỉ 10, 20 năm trước, cộng đồng LGBTQ đã từng bị truyền thông đối xử như thế. Hoặc bị miệt thị bằng ngôn từ nặng nề nhất, hoặc bị phớt lờ, bị coi là vô hình, không tồn tại.
Trong dòng chảy cuồn cuộn của tin tức nói chung, và những hoạt động y tế nói riêng khi ngày Thầy thuốc Việt Nam vừa qua đi, có một tài liệu vẫn nằm lặng lẽ trong một góc của Cổng thông tin Bộ Y tế.
Đó là tờ trình, và dự thảo của Luật chuyển đổi giới tính. Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính được Bộ Y tế dự kiến trình Quốc hội vào năm sau. Và không cần phân tích nhiều để biết, Luật này, vốn là khung pháp lý cho việc thay đổi giới tính, sẽ cải hoán số phận của rất nhiều con người.
Nhớ lại nhiều năm trước, tôi bước vào nghề báo trong vai trò một biên tập viên thời sự quốc tế. Các hãng tin cung cấp cho chúng tôi khá nhiều tin bài về cộng đồng LGBTQ – những người đồng tính, song tính, chuyển giới và không xác định giới tính. Nhưng thời ấy, những tin bài này thường bị loại ngay từ đầu. Lý do rất ngắn gọn: “Truyền thống, văn hóa nước mình chưa chấp nhận điều này đâu!”.
Những năm cuối thập kỷ 90, những tờ “báo khổ nhỏ” (tabloid) đăng tin tức giật gân ra mắt độc giả Việt Nam và nhanh chóng trở thành một hiện tượng vì độ hấp dẫn của chúng. Tôi vẫn còn nhớ một bài báo gây xôn xao dư luận có tiêu đề “Đám cưới bệnh hoạn”. Đó là về một cặp đôi sống ở một tỉnh miền Tây. Trong tấm ảnh cưới được đăng trên báo, cô dâu với nụ cười tươi tắn khẽ ngả đầu vào ngực bạn đời. Sẽ chẳng có gì để người ta xì xào lên án, nếu bạn đời của cô không phải cùng giới tính và có một cái tên rất đẹp: Hồng Kim Hương.
Mới chỉ 10, 20 năm trước, cộng đồng LGBTQ đã từng bị truyền thông đối xử như thế. Hoặc bị miệt thị bằng ngôn từ nặng nề nhất, hoặc bị phớt lờ, bị coi là vô hình, không tồn tại.
Bởi vậy, việc các sản phẩm truyền thông lớn, từ điện ảnh đến truyền hình trong những năm gần đây đã mạnh dạn xây dựng các nhân vật chính là một người chuyển giới, theo tôi là một động thái rất đáng trân trọng. Họ thậm chí đã không e ngại phản ứng tiêu cực có thể có của dư luận khi lồng ghép nhóm LGBTQ vào một vị quan thiên đình có vai trò tín ngưỡng, tâm linh. Và sự thật thì dư luận đã không phản đối, không ném đá. Trái lại, người xem đã đón nhận “cô Đẩu” hay “chị Hội” với sự thân thiện và cởi mở không thể có nếu ở thời điểm 10 hay 20 năm trước. Phim Để Mai Tính, sau khi công phá các phòng vé ở Việt Nam, đã làm thêm phần 2 chỉ dành riêng cho nhân vật chuyển giới Phạm Hương Hội. Năm ngoái, đã có một phim điện ảnh chỉ nói về cuộc đời người chuyển giới, Lô Tô – tác phẩm kể về cuộc đời những người hát rong tại miền Tây.
Bản thân sự tồn tại của những nhân vật này đã là một chiến thắng cho cộng đồng LGBTQ. Tất nhiên chiến thắng này không phải chỉ của các nhà sản xuất, mà của những nỗ lực hòa nhập và thay đổi nhận thức xã hội của cộng đồng LGBTQ trong những năm qua.
Tuy nhiên, người ta cũng đã xây dựng những nhân vật như “cô Đẩu” với rất nhiều tì vết. Cộng đồng LGBTQ là cộng đồng vô cùng phong phú. Người đồng tính nam (Gay) và đồng tính nữ (Lesbian) có thể có biểu hiện thiên về nữ tính hoặc nam tính, người chuyển giới (Transgender) có thể đã qua phẫu thuật hoặc chưa qua phẫu thuật, người song tính (Bi-sexual) và không xác định giới tính (Queer) có thể giống bất kỳ ai trong xã hội. Thế nhưng, nhiều nhà biên đã mắc lỗi “rập khuôn” cả cộng đồng này trong một hình tượng nghèo nàn: một nam nhân ăn mặc trang điểm lòe loẹt, vừa õng ẹo lại vừa đanh đá. Đây là một hình tượng khá tệ để đem ra đại diện cho cộng đồng LGBTQ nói chung hay cho những người chuyển giới nói riêng, bởi họ thường là những người có gu thẩm mỹ tinh tế và thường nỗ lực sống và ứng xử phù hợp với giới tính mà họ hướng tới.
“Cô Đẩu” không phải “gay” như cách nghĩ của đa số. “Cô Đẩu” gọi đúng ra thì là một “phụ nữ chuyển giới tiền phẫu thuật”. Việc gọi cô Đẩu “chẳng phải nữ chẳng phải nam” và liên tục chế nhạo về giới tính, ngoại hình của nhân vật khiến nhiều người chuyển giới và cộng đồng LGBTQ bức bối lên tiếng.
Các nhà biên kịch có thể lý giải rằng họ làm việc hoàn toàn vì mục tiêu giải trí. Nhưng lúc này đang là một giai đoạn có thể thay đổi vĩnh viễn số phận của những người chuyển giới Việt Nam: một dự thảo Luật đang được lấy ý kiến. Trong tờ trình của Bộ Y tế, ngoài vấn đề sức khỏe thể chất, thì tâm lý của nhóm này liên tục được nhắc tới, riêng chữ “kỳ thị” được lặp lại 7 lần. Khi mà dư luận xã hội đang đón nhận hình ảnh của những nhân vật như thế đầy tích cực, khi bước ngoặt về pháp lý đang được cân nhắc, thì giới truyền thông có thể thực thi trách nhiệm nhân văn nhiều hơn thế.
Thông qua những “cô Đẩu” và “chị Hội”, tiếng nói và hình ảnh của cộng đồng LGBTQ có thể được truyền tải nhiều hơn những khuôn mẫu õng ẹo nghèo nàn.
Theo TRẦN HƯƠNG THÙY / VNEXPRESS
Tags: LGBT, Công bằng xã hội, Luật pháp, Giới tính