Lời nhắc nhở dành cho những kẻ ruồng rẫy tiếng mẹ đẻ

Không chỉ nói, kể cả viết, nhiều người rất thích chêm tiếng Anh vào cho oách. Mặc dù chỉ biết có bấy nhiêu chữ thôi, nhưng cũng khoe khoang với thiên hạ mình cũng là dân sành điệu. Người này nói, người khác bắt chước theo, thế là thành trào lưu sính chữ ngoại trong ngôn ngữ giao tiếp.

Đài Truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK từng đối diện với một vụ kiện hy hữu – cụ ông Hoji Takahashi, 71 tuổi, đòi NHK bồi thường thiệt hại tinh thần cho ông số tiền tương đương 14.300 USD. Lý do là NHK đã lạm dụng tiếng Anh trong nhiều chương trình thời sự và giải trí làm tổn thương tinh thần của ông. Ông chất vấn tại sao NHK lại không sử dụng tiếng Nhật, một ngôn ngữ có kho tàng từ vựng phong phú và yêu cầu Đài quốc gia NHK cần xác định ưu tiên dùng tiếng Nhật để giữ gìn văn hóa Nhật Bản.

Từ vụ khởi kiện của cụ ông Hoji Takahashi, nước Nhật bừng tỉnh để nhìn lại mình, đặc biệt là giới trẻ. Học ngoại ngữ rất tốt, nhưng sinh ngoại ngữ đến mức muốn thay luôn cả tiếng mẹ đẻ là không thể chấp nhận. Trong giao tiếp hằng ngày, thói quen pha trộn thêm vài tiếng nước ngoài để khoe chữ, chứng tỏ mình là người có học thức khá phổ biến trong giới trẻ, dần dần thói quen này thành trào lưu. Người Nhật rất tự hào về truyền thống văn hóa, cho nên thế hệ cao tuổi cảm thấy lo ngại về xu thế Mỹ hóa, và càng không chấp nhận điều đó lại xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia.

Ở Việt Nam cũng có những trường hợp tương tự. Một số không ít trong giới trẻ đang tự “ngoại quốc hóa” mình và cho rằng đó là xu thế hiện đại, là “xì bo” và “xì tin”. Khối cô cậu nhuộm tóc “cá bảy màu” theo mốt Hàn Quốc, ăn mặc cũng theo kiểu Hàn Quốc, yêu đương mùi mẩn tay ba tay tư và khóc lóc theo mô típ phim Hàn Quốc. Còn lạm dụng tiếng Anh thì khỏi phải bàn, đó là căn bệnh đang khá trầm trọng. Không chỉ nói, kể cả viết, nhiều người rất thích chêm tiếng Anh vào cho oách. Mặc dù chỉ biết có bấy nhiêu chữ thôi, nhưng cũng khoe khoang với thiên hạ mình cũng là dân sành điệu. Người này nói, người khác bắt chước theo, thế là thành trào lưu sính chữ ngoại trong ngôn ngữ giao tiếp.

Chuyện trong cộng đồng xã hội loạn xà ngầu về sử dụng tiếng Anh pha vào tiếng Việt đã là đáng phàn nàn, nhưng trên truyền hình lại là chuyện khác. Hiện nay, trên một số chương trình truyền hình của mình có những ca sĩ ở vị trí giám khảo dường như thích khoe chữ bằng cách liên tục pha trộn tiếng Anh khi nhận xét các thí sinh, trong khi vốn tiếng Việt của chúng ta khá đầy đủ để diễn đạt mọi trạng thái cảm xúc, mọi lý luận cao siêu thuộc các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, kể cả trong lĩnh vực âm nhạc. Cũng có thể các bạn ca sĩ đó có trình độ tiếng Anh , nhưng càng giỏi tiếng nước ngoài thì càng phải ý thức tôn trọng và yêu quý ngôn ngữ mẹ đẻ. Ở Việt Nam trong số người xem người nghe các chương trình như “ai đồ”, có hàng triệu người ở vùng sâu vùng xa .Họ đâu có quen với vài thứ tiếng Anh pha trộn như vậy của các vị giám khảo. Liệu khán giả có thể lên tiếng đề nghị Ban tổ chức các chương trình truyền hình nêu trên khuyên ngăn “các ca sĩ sính tiếng tây” này được không??

Đành rằng học hành bằng cấp này nọ và thông thạo ngoại ngữ có thể coi như là có trí thức, nhưng trí thức và văn hóa là hai lĩnh vực khác nhau. Có người trí thức nhiều nhưng thiếu văn hóa, có người trí thức ít nhưng lại rất có văn hóa. Đương nhiên, nếu vừa có trí thức lại vừa có văn hóa thi là điều càng quý. Hành vi ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội hội sẽ thể hiện trong cộng đồng ai là người vừa có trí thức lại vừa có văn hóa. Trong trường hợp này, chính là sự ứng xử đối với tiếng Việt – chữ nghĩa trĩu nặng văn hóa, hồn vía của dân tộc mình. Với thực tế trên liệu có nên nghĩ tới lời nhắc nhở của cha ông chúng ta ” Chửi cha không bằng pha tiếng ? “

Theo LÊ CHÂN NHÂN / DÂN TRÍ

Tags: , ,