Lối mòn tư duy chiến lược sẽ khiến Mỹ bị Trung Quốc vượt mặt

Hoa Kỳ không có một tầm nhìn chiến lược rõ ràng cho khoảng thời gian kéo dài một thế hệ (20-30 năm – NBT) và thực tiễn đã chứng minh điều đó. Sự thiếu vắng khái niệm về một chiến lược tổng thể đã dẫn đến những nước đi nhỏ và thiển cận, khiến đất nước trở nên kém an toàn, kém thịnh vượng và vị thế ngày càng giảm sút.

Lối mòn tư duy chiến lược sẽ khiến Mỹ bị Trung Quốc vượt mặt

Tác giả: Zachery Tyson Brown, thành viên chuyên về an ninh tại Dự án An ninh Quốc gia Truman và là thành viên hội đồng quản lý Hiệp hội Tác giả Quân đội (Military Writers Guild). Ông tốt nghiệp Đại học Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ.

Nguồn: Zachery Tyson Brown, “The United States Needs a New Strategic Mindset”, Foreign Policy, 22/09/2020.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải.

Việc Tổng thống Donald Trump đưa ra một loạt các quyết định đột ngột như cấm mạng xã hội TikTok, rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cắt giảm quân số Hoa Kỳ ở Đức chỉ là những ví dụ gần đây nhất. Việc chỉ tập trung vào tầm nhìn ngắn hạn không phải là sai lầm duy nhất của chính quyền Trump, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã thất bại trong bài kiểm tra Marshmallow test (thí nghiệm nổi tiếng của đại học Stanford về khả năng chống lại sự cám dỗ trước mắt để chờ đợi một phần thưởng lớn hơn sau đó) trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc nhiều thập niên qua.

Để có thể gắn kết các chiến lược với nhau và vạch ra một hướng đi tốt hơn cho tương lai, Hoa Kỳ cần những nhà lãnh đạo có thể thoát khỏi lối suy nghĩ ngắn hạn và có một nhận thức mới về mục tiêu dài hạn để định hướng các chính sách của nước Mỹ trong tương lai.

Nói ngắn gọn, đất nước cần những nhà lãnh đạo có tư duy dài hạn.

Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt bất ngờ vào năm 1991, chiến lược ngăn chặn vốn có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ trong gần nửa thế kỷ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, không ai có tầm nhìn đủ xa để vạch ra chiến lược khác thay thế nó. Những năm 1990, Hoa Kỳ đã dồn nhiều sức lực để theo đuổi những mục tiêu không mấy quan trọng mà giờ đây người ta thường gọi một cách mỉa mai là “khoảnh khắc đơn cực”. Sau năm 2001, Hoa Kỳ từ hành động phản xạ đã chuyển sang tập trung quá mức vào mối đe dọa khủng bố mà phớt lờ những mối quan tâm khác, phung phí tiền bạc, hy sinh mạng sống của binh lính và làm hoen ố danh tiếng chẳng vì thứ gì.

Gần đây hơn, Hoa Kỳ chi những khoản tiền khổng lồ cho cái được gọi là “cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc” nhưng thực chất chỉ là cái vỏ mới che đậy cho những nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp quốc phòng vốn đã không còn xa lạ, trong khi đó các thể chế công thì ngày càng mục ruỗng.

Trong lúc đó, các đối thủ của nước Mỹ đã và đang đầu tư cho tương lai bằng cách xây dựng nền móng của sự hội nhập toàn cầu. Họ đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số để kết nối các lục địa với nhau trong khi đó cơ sở hạ tầng của chính nước Mỹ ngày càng tụt hậu và có nguy cơ sụp đổ.

Trung Quốc hiểu rõ rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, sự cạnh tranh giữa các cường quốc chính là về các cơ sở hạ tầng kết nối toàn cầu này. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng trong nước của Trung Quốc tình cờ lại phù hợp với nhu cầu của thế giới. Trung Quốc đã tạo nên một mạng lưới phụ thuộc và ảnh hưởng đầy ấn tượng bằng cách mua lại quyền kiểm soát các cảng biển, đặt cáp quang, kết nối các mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) và tài trợ cho quá trình hiện đại hóa của các quốc gia khác, giống như cách mà chính Hoa Kỳ đã từng làm.

Trung Quốc đã tăng cường thành lập hàng loạt các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, nhiều nhất hiện nay so với bất kỳ quốc gia nào khác, trong khi Hoa Kỳ lại đang cắt giảm các cơ quan ngoại giao. Trung Quốc đã đạt tới năng lực sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất hành tinh trong khi Hoa Kỳ lãng phí một cách dại dột tài nguyên của mình, cố chấp bám lấy nguồn năng lượng hóa thạch đã lạc hậu.

Theo cách nói của chiến lược gia, chiến lược của Hoa Kỳ trong hơn 30 năm qua đã sắp dẫn đến đoạn kết. Nhưng quan niệm tuần tự , tuyến tính này đã bỏ sót một điều quan trọng, đó là không có cái gọi là điểm kết thúc.

Chiến lược không phải là đạt tới một đích đến cuối cùng nào đó hay thậm chí là giành chiến thắng trong cuộc đua đó. Những quan niệm về chiến lược mang hơi hướng quân sự này là di sản từ thế kỷ 19, sau này được điều chỉnh để phù hợp với sự cạnh tranh quy mô lớn giữa các quốc gia nhưng vẫn đầy khiếm khuyết. Và dù các thuật ngữ tương đối đơn giản được dùng trong quân sự như các chiến dịch, mục tiêu và trận đánh có thể vẫn phù hợp với chiến trường nhưng nó quá đơn giản để mô tả các những cuộc cạnh tranh xã hội trong thời đại kỹ thuật số.

James Carse đưa ra định nghĩa tốt hơn về chiến lược khi gọi nó là một trò chơi không có điểm dừng, một cuộc cạnh tranh với điểm mấu chốt không phải là thắng hay thua mà chỉ đơn giản là tiếp tục chơi. Các trò chơi hữu hạn, thí dụ như cờ vua, thường có các quy tắc đơn giản và dễ hiểu. Chiến thuật dùng trong trò chơi kiểu này là giới hạn các lựa chọn của đối thủ cho đến khi họ không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng khi bị chiếu tướng. Ngược lại, trò chơi không có điểm dừng là việc mở rộng các lựa chọn của người chơi và đảm bảo sự cạnh tranh vẫn tiếp tục ngay cả khi nhiều lựa chọn đã bị loại bỏ. Ví dụ kinh điển về trò chơi không có điểm dừng là Nomic, trong trò này những người chơi có thể thay đổi luật chơi và giành chiến thắng bằng cách trói buộc đối thủ vào một mớ bòng bong đầy những điều mâu thuẫn, kết quả của trò này gợi nhớ đến cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới. Như Carse đã viết, “Trong trò chơi hữu hạn, người chơi bị trói buộc trong những quy tắc. Trong trò chơi không có điểm dừng, người chơi ‘chơi’ với các quy tắc”.

Everett Carl Dolman, giáo sư về lĩnh vực quân sự tại Trường Đại học Chỉ huy và Tham mưu của Không quân Hoa Kỳ, đã viết rằng chiến lược không phải là hướng tới kết quả sau cùng mà là “sự tiếp tục thuận lợi của các sự kiện”. Các chiến lược gia luôn muốn mở rộng lựa chọn bằng cách điều khiển luật lệ, áp đặt những điều khoản của họ vào cuộc chơi. Không giống như chiến thuật, chiến lược không chỉ tính toán về mỗi nước đi tiếp theo. Thay vào đó, nó tính đến hàng loạt nước đi khả dĩ trong tương lai. Nói cách khác, một chiến lược tốt phải nhằm mục đích biến kết quả của các sự kiện mang tính chiến thuật trở nên không còn quan trọng.

Các đối thủ của nước Mỹ dường như nắm bắt điều này tốt hơn các nhà lãnh đạo của chúng ta. Trong khi Hoa Kỳ trói buộc mình theo một số quy tắc nhất định thì các đối thủ đã và đang thay đổi chúng. Như cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia về Đông Á John Culver viết, Trung Quốc nhận thức được rằng “bên nào làm tốt nhất trong việc duy trì sự ổn định trong nước, đạt được những thành tựu kinh tế và tận dụng được các điều kiện quốc tế sẽ là bên chiến thắng”.

Hơn hai thập niên trở lại đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực hết mình để thay đổi cấu trúc của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ tìm cách thao túng cuộc chơi bằng việc gia tăng ảnh hưởng của mình trong các thể chế hiện có và thành lập các thể chế mới phù hợp hơn với các ưu tiên của Trung Quốc. Hiện nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đang xây dựng năng lực quốc gia của Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ thì tự mình phá hủy nó. Ông ấy đang mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra ngoài khu vực Đông Á trong khi Mỹ tự làm hoen ố bản thân bằng chính sách ngoại giao đổi chác, thời vụ và thực dụng kinh tế.

Đây không phải là một chiến lược tốt hay sáng suốt. Trung Quốc phạm rất nhiều sai lầm, từ nỗi ám ảnh phải kiểm soát người dân trong nước trái ngược với nỗ lực tạo dựng sức mạnh mềm ở bên ngoài cho đến việc tiến hành những va chạm không cần thiết ở biên giới khiến hầu như tất cả các nước láng giềng xa lánh. Dù ra sao thì Trung Quốc vẫn có lợi thế về việc hoạch định tầm nhìn khi không phải lo lắng về 6 tháng sau hay cuộc bầu cử kế tiếp.

Ngày nay, dù tốt hay xấu, quyết định của các cường quốc đều được thể hiện qua một mạng lưới cạnh tranh toàn cầu. Những quốc gia xây dựng được nền tảng vững chắc sẽ có vị thế thuận lợi để vượt qua những cú sốc không thể tránh khỏi trong thời đại thế giới có nhiều biến chuyển. Những quốc gia chỉ tập trung vào những lợi ích ngay trước mắt, để cho các quốc gia khác khống chế những lợi ích lâu dài, sẽ suy giảm và thậm chí có thể sụp đổ. Để đảm bảo không bị rơi vào trường hợp thứ hai, Hoa Kỳ cần bắt đầu suy nghĩ về những lợi ích dài hạn của mình.

Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ cần phải quyết định xem giá trị mà đất nước theo đuổi trong thế kỷ 21 là gì? Những lời lên án gay gắt hằng ngày đối với Trung Quốc gần như không đủ. Mọi người đều biết những gì Hoa Kỳ lên án, họ cũng cần phải biết nó dùng để làm gì. Một nước Mỹ có tư duy dài hạn sẽ dành thời gian tranh luận những ý tưởng lớn và táo bạo để bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân và thúc đẩy sự tiến bộ của loài người ở mọi nơi trên hành tinh.

Bước tiếp theo, Hoa Kỳ cần phải xác định được vai trò mà mình muốn hướng tới trên trường quốc tế khi mà đã qua cái thời nước Mỹ giữ vị trí gần như độc tôn trên toàn cầu. Những ngày tháng đó đã trôi đi và chúng sẽ không quay trở lại. Bởi vì Hoa Kỳ vẫn là cường quốc ở Tây bán cầu với một thị trường rộng lớn và sức ảnh hưởng toàn cầu, Hoa Kỳ sẽ luôn dùng sức ảnh hưởng lớn của mình để tác động đến các vấn đề của thế giới. Nhưng nước Mỹ không còn có thể mong đợi các quốc gia khác, ngay cả các đồng minh, mặc nhiên đi theo sự dẫn dắt của mình; điều mà đáng lẽ nước Mỹ phải học được qua sự sẵn sàng yếu ớt của các nước trong liên minh hồi năm 2003.

Khi đã xác định được các giá trị và vai trò mà nước Mỹ muốn theo đuổi, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thể bắt đầu viết nên một câu chuyện hấp dẫn để làm sáng tỏ những quyết định đi kèm về chỗ đứng hiện tại của Hoa Kỳ, vị thế mà nước Mỹ muốn hướng tới và làm sao để đến được đó. Họ có thể tạo ra những cơ chế mới để củng cố trật tự tự do mà Hoa Kỳ đã dựng lên sau Thế chiến II, thay đổi cấu trúc cuộc chơi một lần nữa, để mang lại lợi ích không chỉ cho người Mỹ mà còn cho tất cả người dân thế giới, những người tin tưởng vào tự do và pháp quyền.

Một chiến lược có tầm nhìn dài hạn cho tương lai trước hết phải đầu tư vào chính nước Mỹ. Ưu tiên nâng cấp các cơ sở hạ tầng công cộng thay vì chi tiêu quá mức cho các nền tảng quân sự đã lỗi thời, thừa nhận một thực tế rằng sức khỏe, sự thịnh vượng và giáo dục của người dân là nền tảng của mọi quyền lực chính trị. Hiện đại hóa bộ máy an ninh quốc gia, bằng cách cải cách các thể chế hiện có để làm cho chúng phản ứng nhanh, mang tính đại diện hơn và lập ra các thể chế mới có khả năng nắm bắt thời cơ và giảm thiểu rủi ro tốt hơn. Tạo dựng được niềm tin với các nước đồng minh bằng cách minh bạch động cơ của mình và răn đe đối thủ bằng cách cho họ biết rõ những gì Hoa Kỳ có thể và không thể chấp nhận.

Thế giới cần một Hoa Kỳ mạnh mẽ và đoàn kết để đối trọng với sự trỗi dậy của một Trung Quốc độc đoán và tham lam. Nhưng người Mỹ cần phải hiểu rằng không có quốc gia nào vốn dĩ đã vĩ đại hay tốt đẹp, và sự vẻ vang trong quá khứ không giúp gì nhiều cho hiện tại. Các quốc gia chỉ trở nên vĩ đại nhờ vào hành động và sự lựa chọn của người dân theo thời gian. Tất cả các thế hệ người Mỹ phải lựa chọn cải cách thay vì trì trệ và hy vọng thay vì sợ hãi nếu muốn bắt kịp sự thay đổi của thế kỷ 21 và vạch ra đường hướng dẫn dắt phần còn lại của thế giới.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,