⠀
Liên Xô đã chặn đứng ý đồ sáp nhập Mông Cổ của Trung Quốc như thế nào?
Tưởng Kinh Quốc kể: “Tôi nhớ rất rõ, lúc ấy Stalin đẩy một tờ giấy tới trước mặt Tôn Viện trưởng, thái độ ngạo mạn, cử chỉ trông khó coi. Stalin nói: Ông đã đọc cái này chưa?”.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp và biên dịch từ các nguồn history.people.com.cn và cul.sohu.com.
Ngày 30/6/1945, một chiếc máy bay cất cánh từ Trùng Khánh bay thẳng đi Moskva. Trên máy bay, ngoài các nhà ngoại giao của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc như Tống Tử Văn, Hồ Thế Trạch, Thẩm Hồng Liệt, Tiền Xương Chiếu, còn có Tưởng Kinh Quốc, một người có quan hệ đặc biệt khăng khít với Liên Xô. Ông từng học ở Liên Xô 12 năm, hơn nữa còn lấy vợ là một cô gái Nga.[1] Nói về tình cảm riêng thì nhà họ Tưởng có quan hệ không tồi với Stalin.
Tại sân bay Moskva, phái đoàn Chính phủ Trung Hoa Dân quốc được chủ nhà nhiệt liệt đón chào. Lúc đó Tưởng Kinh Quốc là Trưởng phiên dịch, sau này ông viết trong hồi ký những chi tiết sinh động: “Chúng tôi đến Moskva, lần đầu tiên gặp Stalin. Ông ấy tỏ ra cực kỳ lịch thiệp. Nhưng đến khi bắt đầu chính thức đàm phán thì bộ mặt dữ tợn của ông đã lộ ra …”.
Đàm phán Moskva, Tống Tử Văn vô kế khả thi
Stalin thích họp vào buổi tối. Tối 30/6, hai đoàn Trung Quốc – Liên Xô tiến hành hội đàm sơ bộ ngắn gọn. Trước tiên Bộ trưởng Ngoại giao Tống Tử Văn chuyển tới phía Liên Xô nguyện vọng hợp tác của Tưởng Giới Thạch: “Tiên sinh Tôn Trung Sơn để lại di huấn cho các đảng viên Quốc Dân Đảng là cách mạng Trung Quốc muốn thành công thì phải liên hợp với Liên Xô, mong rằng lần hội đàm này của chúng ta có thể tạo cơ sở cho sự xây dựng tình hữu nghị và sự hợp tác dài hạn Trung Quốc-Liên Xô.”
Đúng như lời kể của Tưởng Kinh Quốc, mới đầu Stalin tỏ ra rất nhã nhặn: “Chính phủ Nga Sa hoàng trước đây muốn chia cắt Trung Quốc. Hiện nay Liên Xô tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, chúng ta nhất định có thể hiểu biết lẫn nhau.”
Hai ngày sau, khi cuộc hội đàm chính thức vừa mới bắt đầu, Stalin đã có thái độ khác hẳn. Tưởng Kinh Quốc kể: “Tôi nhớ rất rõ, lúc ấy Stalin đẩy một tờ giấy tới trước mặt Tôn Viện trưởng,[2] thái độ ngạo mạn, cử chỉ trông khó coi. Stalin nói: Ông đã đọc cái này chưa?”
Đó là bản Hiệp định Yalta do Roosevelt, Churchill, Stalin ký. Thấy Stalin đã đi thẳng vào vấn đề, Tống Tử Văn cũng nói thẳng: “Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã biết nội dung bản hiệp định ấy. Chúng tôi đến đây là để thảo luận vấn đề này.”
Stalin nói: “Thảo luận thì được, nhưng ông chỉ có thể căn cứ vào cái này, Roosevelt đã ký vào bản hiệp định đó.”
Tống Tử Văn nói: “Hôm vừa rồi Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã nói với Đại sứ Petrov [Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc thời đó] là hiện nay chưa thể giải quyết vấn đề Ngoại Mông Cổ, chúng ta nên tạm gác vấn đề này lại.”
“Trung Quốc phải thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập.” Stalin nói, “Ngoài ra không còn lựa chọn nào khác.”
Stalin có lý khi cho rằng người Trung Quốc “không còn lựa chọn nào khác”, đó là do ông nghĩ rằng Chính phủ Quốc dân chạy xuống cái xó xỉnh Trùng Khánh[3] tất phải dựa vào sự giúp đỡ của lực lượng quân đội Liên Xô. Hơn nữa việc quân cộng sản của Mao Trạch Đông đang hoạt động ở vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng làm Tưởng Giới Thạch vô cùng đau đầu – nếu Liên Xô không ủng hộ Quốc Dân Đảng mà ủng hộ Đảng Cộng sản thì …
Tống Tử Văn còn có nhiều vấn đề khó khăn nữa, như: Trung Quốc chưa thắng được giặc Nhật, một nửa đất nước đã thành bãi tro tàn, nếu lại còn nhượng Ngoại Mông Cổ cho Liên Xô nữa thì biết ăn nói làm sao với dân chúng nước ta? Ông đành miễn cưỡng trả lời Stalin: “Bất cứ Chính phủ nào của Trung Quốc nếu để mất lãnh thổ nước mình thì đều sẽ sụp đổ. Tại sao Liên Xô nhất định phải lấy được Mông Cổ?”
“Giả thử có một lực lượng quân sự từ Mông Cổ tấn công Liên Xô, cắt đứt đường xe lửa Siberia, thì Liên Xô sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng.” Stalin nói, “Cho nên Liên Xô phải bảo vệ Ngoại Mông Cổ.”
Câu nói này có nhiều hàm nghĩa. Nếu Nhật thua thì kẻ nào sẽ tấn công Liên Xô từ Mông Cổ?
Stalin nói thêm: “Các ông có thừa nhận Mông Cổ độc lập hay không, điều đó còn liên quan tới lập trường của Liên Xô về vấn đề Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Cuộc đàm phán đến đây thì bế tắc. Tống Tử Văn nói: “Cá nhân tôi không có quyền quyết định vấn đề Ngoại Mông Cổ, tôi cần phải thỉnh thị Tổng thống Tưởng Giới Thạch.”
“Không có quyền quyết định? Thế thì ông đến đây làm gì?” – Stalin hỏi.
Tưởng Kinh Quốc bí mật gặp Stalin, cố gắng đấu lý
Hôm sau Tống Tử Văn gửi điện cho Tưởng Giới Thạch, báo cáo tình hình hội đàm và đề nghị Tưởng xem xét mấy phương án như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc ký hiệp định liên minh với Liên Xô, cho phép Liên Xô đóng quân tại Mông Cổ; thứ hai, để Ngoại Mông Cổ thực hiện “tự trị cao độ”; thứ ba, Ngoại Mông Cổ có quyền tự chủ về quân sự, nội chính và ngoại giao, nhưng không có tính chất là một nước cộng hòa liên bang Xô Viết.
Người Mỹ rất quan tâm tới cuộc đàm phán Trung Quốc-Liên Xô. Tổng thống Truman bảo Bộ trưởng Ngoại giao Byrnes chuyển tới Chính phủ Trung Quốc ý kiến như sau: “Chưa thảo luận cách giải thích về địa vị của Ngoại Mông Cổ trong hiệp định Yalta; Chính phủ Mỹ cho rằng tuy về pháp lý thì chủ quyền Ngoại Mông Cổ vẫn thuộc Trung Quốc, nhưng trên thực tế chủ quyền ấy chưa được hành xử.”
Tống Tử Văn nắm lấy lời văn “phải duy trì hiện trạng của Ngoại Mông Cổ” trong hiệp định Yalta để đấu lý. Ông kiên trì nói hiện trạng đó tức là chủ quyền của Ngoại Mông Cổ vẫn thuộc về Trung Quốc. Còn Stalin thì nói rõ Liên Xô yêu cầu Trung Quốc thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập. Hai cách nói này tuy diễn tả cùng một sự thật nhưng ảnh hưởng thì lại khác nhau xa.
Dĩ nhiên Tưởng Giới Thạch hiểu rõ sự hơn thiệt trong đó. Thấy trên bàn đàm phán đã tạm thời bất đồng, Tưởng Giới Thạch bèn điện cho Tưởng Kinh Quốc, bảo Quốc lấy danh nghĩa cá nhân gặp riêng Stalin.
Tưởng Kinh Quốc nhớ lại:
Khi gặp nhau tại nhà riêng của Stalin, lúc đó tôi có nói: “Người Trung Quốc chúng tôi kiên trì kháng chiến chống Nhật là để thu hồi lãnh thổ đã bị mất. Hiện giờ Nhật còn chưa thua mà [chúng tôi] đã cắt nhượng một vùng đất rộng như Ngoại Mông Cổ thì cuộc kháng chiến của chúng tôi còn có ý nghĩa gì? Quốc dân Trung Quốc nhất định sẽ chửi chúng tôi là đồ bán nước.”
Vì đã là chỗ gặp riêng nên Stalin cũng bớt dùng các lời lẽ ngoại giao mà nói thẳng thừng với Tưởng Kinh Quốc: “Ông nói rất có lý, nhưng có điều ông cần biết rằng hôm nay không phải là tôi cầu xin ông mà là ông đến xin tôi giúp. Nếu các ông có đủ sức đánh bại người Nhật thì dĩ nhiên tôi sẽ không nói gì. Nhưng các ông không đủ sức thì những lời vừa rồi ông nói là vô ích.”
Tưởng Kinh Quốc nói: “Ngài chẳng cần lo ngại Ngoại Mông Cổ đe dọa sự an toàn của Liên Xô. Sau khi Nhật thua trận, nước Nhật sẽ không còn ngoi dậy được nữa. Chỉ Trung Quốc mới có thể tấn công Liên Xô từ Ngoại Mông Cổ, nhưng bây giờ hai nước chúng ta có thể liên minh với nhau, Trung Quốc bảo đảm ít nhất hữu hảo với Liên Xô trong ba chục năm. Ngài cũng biết đấy, cứ cho là Trung Quốc muốn đánh Liên Xô thì cũng chẳng có sức mà đánh.”
Stalin lắc đầu: “Ông nhầm rồi. Thứ nhất, cứ cho là Nhật thua thì dân tộc ấy cũng không bị tiêu diệt. Nếu người Mỹ tiếp quản nước Nhật thì không quá 5 năm sau Nhật sẽ bò dậy.”
Tưởng Kinh Quốc nói xen vào: “Nếu Liên Xô tiếp quản nước Nhật thì sao?”
“Tôi tiếp quản ấy à, cũng chẳng qua lui lại thêm 5 năm thôi.” Stalin nói tiếp: “Thứ hai, hiện nay Trung Quốc không đủ sức đánh chúng tôi, nhưng chỉ cần Trung Quốc thống nhất thì các ông sẽ tiến nhanh hơn bất cứ nước nào. Ông nói liên minh với nhau, bây giờ vì tôi không coi ông là nhà ngoại giao nên tôi nói thật với ông nhé: hiệp ước là thứ không đáng tin đâu.”
Tưởng Kinh Quốc không biết nói gì nữa.
Stalin nói tiếp: “Còn có nguyên nhân thứ ba, cứ cho là Nhật và Trung Quốc không đủ sức qua Ngoại Mông Cổ đánh Liên Xô, điều đó không có nghĩa là không có những lực lượng khác tấn công Liên Xô.”
“Mỹ chăng?” Tưởng Kinh Quốc hỏi.
“Dĩ nhiên rồi.” Stalin nói không chút do dự.
Tưởng Kinh Quốc nghĩ bụng, ông vừa mới ký hiệp định Yalta với người Mỹ xong, được hời lớn như thế[4] mà ông còn coi người Mỹ là kẻ địch. Trung Quốc trong mắt ông lại càng là đối thủ tiềm tàng. Với tâm trạng như thế, thật sự chẳng còn lý lẽ gì để nói nữa.
Trung Quốc và Liên Xô ký hiệp ước hữu hảo đồng minh, đồng ý Ngoại Mông Cổ độc lập
Gặp riêng Stalin xong, Tưởng Kinh Quốc lại đến gặp Petrov, Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc. Petrov cũng khuyên Trung Quốc nên thỏa hiệp: “Trên thực tế Ngoại Mông Cổ đã độc lập. Chính phủ Trung Quốc chỉ cần thừa nhận một chuyện đã rồi. Nếu Trung Quốc kiên trì không thừa nhận địa vị độc lập của Ngoại Mông Cổ thì chúng ta chẳng còn cách nào đàm phán tiếp.”
Petrov nói không sai. Mãi cho tới ngày 9/7, hai bên đàm phán đến đợt thứ tư, Liên Xô vẫn giữ lập trường cực kỳ cứng rắn trên vấn đề Ngoại Mông Cổ.
Chẳng còn cách nào, Tống Tử Văn bèn thỉnh thị Tưởng Giới Thạch và nhận được chỉ thị như sau:
“Xuất phát từ sự hy sinh lớn nhất và từ lòng chân thành, giờ đây Chính phủ Trung Quốc muốn tìm cách giải quyết căn bản mối quan hệ Trung Quốc-Liên Xô, quét sạch mọi tranh chấp và chuyện không vui có thể có từ nay về sau, qua đó giành được sự hợp tác triệt để giữa hai nước nhằm hoàn thành chí nguyện để lại của tiên sinh Tôn Trung Sơn lúc sinh thời là hợp tác với Liên Xô. Nhu cầu lớn nhất của Trung Quốc là tìm kiếm sự toàn vẹn chủ quyền hành chính lãnh thổ và sự thống nhất thực sự trong nước, vì thế có ba vấn đề tha thiết mong Chính phủ Liên Xô đồng tình và viện trợ, đồng thời có phúc đáp cụ thể và có quyết tâm.”
Tưởng Giới Thạch quyết định thỏa hiệp, ông đề xuất ba vấn đề như sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự nguyên vẹn chủ quyền của Trung Quốc đối với lãnh thổ vùng Đông Bắc; Trung Quốc và Liên Xô cùng sử dụng chung hai cảng Lữ Thuận và Đại Liên trong thời hạn 30 năm, quyền sở hữu cảng và đường sắt[5] thuộc về Trung Quốc. Thứ hai, dãy núi Antai[6] là một bộ phận của Tân Cương. Thứ ba, Liên Xô chỉ có thể viện trợ Quốc Dân Đảng, không được viện trợ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Để đổi lấy ba điều kiện đó, Tưởng Giới Thạch tỏ ý: “Chính phủ Trung Quốc mong rằng sau khi đánh bại Nhật và sau khi Chính phủ Liên Xô chấp nhận ba điều kiện nói trên, [chúng tôi] sẽ đồng ý Ngoại Mông Cổ độc lập.”
Trong hồi ký, Tưởng Kinh Quốc có nói rõ thêm về chỉ thị của bố mình: cái Tưởng Giới Thạch nói “đồng ý Ngoại Mông Cổ độc lập” thì phải được nhân dân Ngoại Mông Cổ bỏ phiếu tán thành và phải bỏ phiếu theo nguyên tắc của chủ nghĩa Tam Dân. Nếu kết quả bỏ phiếu của công dân Ngoại Mông Cổ nghiêng về phía đồng ý độc lập thì Chính phủ Quốc dân mới có thể thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập. Dù thế nào đi nữa, bao giờ cũng phải giữ thể diện chứ.
Stalin đồng ý với các yêu cầu của Tưởng Giới Thạch.
Ngày 14/8/1945, “Hiệp ước đồng minh hữu hảo Trung Quốc-Liên Xô” được ký kết tại Moskva. Tống Tử Văn từ chối ký và từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vương Thế Kiệt tiếp quản chức vụ này, thay mặt Trung Quốc ký Hiệp ước đó.
Hôm sau Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Hiệp ước đã được ký, mọi chuyện sau đó không thể nào cứu vãn được nữa. Ngày 20/10/1945, Ngoại Mông Cổ tiến hành bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Tưởng Giới Thạch cử Thứ trưởng thường trực Bộ Nội chính Lôi Pháp Chương sang “quan sát” cuộc bỏ phiếu. Tưởng Giới Thạch dặn Lôi Pháp Chương: “Chỉ quan sát thôi, không được can thiệp, cũng không nói bất cứ điều gì.”
Về sau Lôi Pháp Chương kể lại tình hình bỏ phiếu ông “quan sát” thấy: “Cuộc bỏ phiếu này được coi là hành động của nhân dân Ngoại Mông Cổ bày tỏ với thế giới nguyện vọng độc lập của họ. Trên thực tế cuộc bỏ phiếu đó đặt dưới sự giám sát của các cán bộ Chính phủ Ngoại Mông Cổ, dùng hình thức bỏ phiếu có ghi tên để thể hiện có tán thành độc lập hay không, vì thế nhân dân thực sự khó có thể được tự do bày tỏ ý chí của mình.”
Kết quả bỏ phiếu cho thấy tổng cộng có 490 nghìn cử tri, 98% tham gia bỏ phiếu, nhất trí tán thành Ngoại Mông Cổ độc lập. Ngày 5/1/1946, Chính phủ Quốc dân tuyên bố thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập.
Lần duy nhất Chính phủ Quốc Dân Đảng bỏ phiếu phản đối tại Liên Hợp Quốc
Năm 1949, Tưởng Giới Thạch thua trận chạy ra Đài Loan. Tưởng canh cánh trong lòng chuyện Stalin nuốt lời hứa “Không viện trợ Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Năm 1952, Tưởng Giới Thạch gửi đơn tố cáo tới Liên Hợp Quốc, lên án Liên Xô vi phạm hiệp ước, yêu cầu hủy bỏ “Hiệp ước đồng minh hữu hảo Trung Quốc-Liên Xô”. Liên Hợp Quốc xác nhận Liên Xô đã làm trái với quy định của Hiệp ước đó và phán quyết Hiệp ước này mất hiệu lực. xxx
Chú thích: [1] Hồi học ở Liên Xô, Tưởng Kinh Quốc còn là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, cuối đời làm Tổng thống Đài Loan. [2] Tức Tống Tử Văn (1894-1971), em của Tống Ái Linh và Tống Khánh Linh, anh của Tống Mỹ Linh, từ 6/1945 thay Tưởng Giới Thạch làm Viện trưởng Viện Hành chính (tức Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Trung Hoa Dân quốc. [3] Sau khi Nhật chiếm Thượng Hải, biết không thể giữ được thủ đô Nam Kinh, ngày 19/11/1937 Chính phủ Quốc Dân phải dời đô về Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc, nhằm tránh xa mặt trận. [4] Để tranh thủ Liên Xô tuyên chiến với Nhật, tại hội nghị Yalta, Roosevelt và Churchill đã nhượng bộ Stalin, đồng ý để Liên Xô tiếp quản các nước được Liên Xô giải phóng, vì thế các nước này đều theo Liên Xô; và Liên Xô cũng được hưởng các quyền lợi nước Nga Sa hoàng từng hưởng tại Trung Quốc; ngoài ra còn được kiểm soát quần đảo Kuril của Nhật. [5] Con đường sắt do Chính phủ Nga Sa hoàng xây dựng, từ Nga đi qua Mãn Châu Lý đến Cáp Nhĩ Tân, Tuy Phân Hà (dài 1481 km), và đoạn đường sắt từ Cáp Nhĩ Tân đến Lữ Thuận-Đại Liên (987 km); Trung Quốc gọi là đường sắt Trung Trường. Cảng Lữ Thuận (Port Athur) trong chiến tranh bị Nhật chiếm, ngày 22/8/1945 được quân đội Liên Xô giải phóng. Theo hiệp định Yalta, Liên Xô được quyền sử dụng đường sắt Trung Trường và quân cảng Lữ Thuận. Năm 1955, Liên Xô trả lại tất cả cho Trung Quốc. [6] Tiếng Anh là Altay Mountains, dài 2000 km, phần trên đất Trung Quốc dài 500 km |
Năm 1953, tại Đại hội lần thứ VII của Quốc Dân Đảng, Tưởng Giới Thạch tuyên bố không thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập và đau xót kiểm điểm: “Tuy rằng quyết sách thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập đã được Trung ương Đảng chính thức nhất trí tán thành và thông qua nhưng cá nhân tôi vẫn muốn chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Có điều là khi ấy tôi chỉ có thể đưa ra quyết sách như vậy về vấn đề Ngoại Mông Cổ nhằm bảo đảm kháng chiến thắng lợi, giành được cơ hội xây dựng đất nước. Đây là trách nhiệm của tôi, cũng là tội của tôi.”
Nhưng khi ấy Quốc Dân Đảng đã chẳng còn sức để thu hồi Ngoại Mông Cổ nữa. Năm 1950, Mao Trạch Đông thăm Liên Xô, cùng Stalin ký “Hiệp ước đồng minh hỗ trợ hữu hảo Trung Quốc-Liên Xô”. Bản Hiệp ước này cũng thừa nhận địa vị độc lập của nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.
Tháng 8/1955, có 18 quốc gia xin gia nhập Liên Hợp Quốc, trong đó có Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Đây là kết quả sự thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Liên Xô. Thế nhưng lúc ấy địa vị hợp pháp của Trung Quốc – một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – vẫn thuộc về chính quyền Đài Loan.
Và thế là cuối cùng Tưởng Giới Thạch có dịp “mở miệng”: trước ngày Liên Hợp Quốc bỏ phiếu, Tưởng kiên quyết tỏ ý chống lại việc Liên Hợp Quốc kết nạp Mông Cổ.
Tổng thống Mỹ Eisenhower vội gửi thư cho Tưởng Giới Thạch, đề nghị Tưởng không nên phản đối việc cho Mông Cổ vào Liên Hợp Quốc: “[Trung Quốc] có thể bỏ phiếu tán thành, có thể bỏ phiếu trắng … điều này rất quan trọng cho cả hai bên chúng ta.”
Tưởng Giới Thạch không đồng ý với đề nghị của Eisenhower. Sắp tới ngày bỏ phiếu. Eisenhower một lần nữa viết thư cho Tưởng Giới Thạch, tuyên bố: nếu Tưởng “lạm dụng quyền phủ quyết thì đó sẽ là sự chống lại ý nguyện của đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an”.
Giọng điệu cảnh cáo ấy đã làm Tưởng Giới Thạch nổi giận. Hôm sau Tưởng ra tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối, và đã nói là làm – tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 13/12/1955, do Trung Quốc bỏ phiếu phản đối, Mông Cổ chưa được kết nạp vào Liên Hợp Quốc như họ mong muốn.
Năm 1961, Mông Cổ được gia nhập Liên Hợp Quốc. Năm đó, do chịu sức ép của cộng đồng quốc tế, nhất là trong tình hình đang bị chính quyền đại lục của Mao Trạch Đông tranh giành địa vị hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, chính quyền Đài Loan đã thỏa hiệp, không tham gia cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng năm ấy. Ngày 27/10/1961, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết số 1630 đồng ý tiếp nhận Mông Cổ vào Liên Hợp Quốc.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Liên Xô, Mông Cổ, Quan hệ Trung Quốc - Mông Cổ, Quan hệ Xô - Trung