⠀
Lịch sử ra đời của điện ảnh
Từ một phát hiện lý thú về khả năng của mắt, các nhà sáng chế đã cho ra đời những thiết bị chiếu phim đầu tiên trong những thập niên đầu thế kỷ 19. Nhưng phải mãi tới tận cuối thế kỷ, người ta mới được thưởng thức phim ở rạp.
Đầu thế kỷ 19, các nhà khoa học đã phát hiện một hiện tượng lý thú về khả năng của đôi mắt người: nó có khả năng lưu lại hình ảnh của một vật trong khoảng một phần nhỏ của giây sau khi vật đó được dời đi. Đó là hiện tượng lưu ảnh (persistence of vision). Mắt người có khả năng nhận ra dư ảnh, và đó là tiền đề cho sự ra đời của điện ảnh (motion pictures: những bức ảnh chuyển động). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nó và quá trình nhận thức về chuyển động vẫn cho đến nay vẫn còn chưa được làm sáng tỏ.
Những thực nghiệm ban đầu
Khái niệm về lưu ảnh đã khuyến thích nhiều người tiến hành những thử nghiệm đầu tiên với các thiết bị chiếu phim trong suốt thế kỷ 19. Đầu tiên là thiết bị có tên Slotted Disk (đĩa đục lỗ) với những hình vẽ liên tiếp bao quanh một cái đĩa, khi quay chiếc đĩa trước một cái gương, và khi được nhìn qua những khe hở (slots), ta sẽ thấy hình ảnh dường như chuyển động. Zoetrope, một thiết bị được phát triển vào khoảng những năm 1830, là một cái trống bên trong rỗng với một dải ảnh nằm bên trong bề mặt của nó. Khi quay, nó cho hiệu ứng tương ứng như Slotted Disk. Vào những năm 70 của thế kỷ 19, nhà phát minh người Pháp Émile Reynaud cải tiến ý tưởng này bằng cách đặt những chiếc gương ở tâm cái trống. Vài năm sau, ông phát triển thành công phiên bản máy chiếu sử dụng gương phản xạ và thấu kính để phóng to hình ảnh. Năm 1892, ông bắt đầu trình diễn tại Paris. Với hàng trăm bức ảnh đặt trong một cuộn (reel), thông qua thiết bị của mình, ông giới thiệu một loạt ảnh động liên tiếp trong 15 phút.
Sự phát triển của nhiếp ảnh trong những năm 30 của thế kỷ 19 khiến các nhà phát minh nhận thức được việc kết hợp thiết bị chiếu ảnh chuyển động với thiết bị chụp ảnh để tạo ra những hình ảnh chuyển động thực sự. Một thực nghiệm nổi tiếng diễn ra tại California trong những năm 1870. Leland Stanford, nhà đại tư bản đường sắt của Mỹ, thuê nhà nhiếp ảnh người Anh Eadweard Muybridge để giải quyết một vụ cá cược. Leland cho rằng trong lúc chạy, có những thời điểm 4 chân của con ngựa trong lúc chạy đồng thời không chạm đất. Nhiều người cho rằng điều đó không thể xảy ra. Thế là họ cá cược để làm sáng tỏ vấn đề. Muybridge đặt 12 máy ảnh trên đường ngựa chạy kèm theo những đoạn chỉ được giăng ngang trên đường và có 1 đầu nối với cửa chớp của máy chụp. Như vậy khi con ngựa chạy, nó sẽ làm đứt chỉ và các máy sẽ chụp được những bức ảnh liên tiếp. Dĩ nhiên Leland Stanford đã chứng minh được rằng ông đúng. Còn Eadweard Muybridge thì mang những hình ảnh đó đi công chiếu với một thiết bị có tên là Zoopraxiscope do chính ông sáng chế.
Thiết bị Chronophotographic của Marey.
Thực nghiệm của Muybridge đã thôi thúc nhà khoa học người pháp Étienne-Jules Marey phát minh một thiết bị lưu và phân tích chuyển động của con người và loài vật. Ông đặt tên cho nó là Chronophotographic. Thiết bị có khả năng chụp ảnh này chồng lên ảnh khác. Công việc của Marley được hỗ trợ rất nhiều với sự phát triển của vật liệu phim ảnh. Năm 1885, nhà phát minh người Mỹ George Eastman giới thiệu những tấm giấy “phim” bắt sáng tốt hơn để thay thế cho bản kính được dùng trước đó. Sau này, ông tiếp tục thay thế nó bằng celluloid, một chất dẻo tổng hợp được tráng bằng một lớp chất bắt ánh sáng galatin (gelatin emulsion).
Vai trò của Thomas Alva Edison và William K. L. Dickson
Nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ Thomas Alval Edison bắt đầu để ý đến phim vào những năm 1890. Có thể nói ông người hoàn thiện những thành quả của Muybridge, Marey và Eastman. Tại những thí nghiệm của mình ở West Orange, bang New Jersey, Edison phân công cho nhân viên người Anh, William K. L. Dickson, chế tạo ra chiếc máy có khả năng ghi lại những chuyển động thật và một thiết bị để xem lại những kết quả đó. Đến năm 1891, Dickson cho ra mắt một chiếc máy “quay phim” gọi là Kinetograph và một chiếc máy “chiếu phim” gọi là Kinetoscope.
Kinetogaph hoạt động theo nguyên lý: một motor điện làm cho những celluloid film chạy qua trước ống kính camera. Ban đầu chiếc motor này khá đồ sộ và không di chuyển được, nhưng sau đó nó nhanh chóng được thay thế bằng tay quay camera có khả năng di chuyển. Một nhân tố đóng góp vào thành công Dickson là cơ cấu bánh răng có nhiệm vụ liên kết tới cửa chập camera, cuộn phim sẽ tự động dừng lại sau mỗi “kiểu ảnh”. Khái niệm khung hình (frame) xuất hiện từ đây. Khi mới ra đời, các camera có rất nhiều tốc độ khác nhau cho một frame, nhưng từ năm 1920, tốc độ 24 khung hình trên giây trở thành chuẩn chung.
Cỗ máy Kinetoscope.
Đầu năm 1893, Edison lập xưởng phim tại phòng thí nghiệm. Ông tổ chức buổi chiếu phim đầu tiên vào ngày 5/9/1983. Tuy nhiên, mỗi buổi chiếu chỉ có thể phục vụ tối đa một người. Kinetoscope như một cái hộp chứa motor và cửa chập như camera. Khi chuyển động tay quay, những đoạn phim dương bản sẽ chạy qua nguồn sáng điện, làm rõ những tấm ảnh rất nhỏ và nó được xem qua một cửa sổ nhỏ. Mục tiêu tiếp theo của Edison và Dickson tiếp tục cải tiến để máy chiếu của họ có thể chiếu tại khán phòng lớn, như Émile Reynaud đã làm được ở Paris.
Anh em Lumière
Tại Pháp, anh em Auguste và Louis Lumière theo đuổi công việc cải tiến những thành công của Edison. Đến năm 1895, họ phát triển ra một chiếc camera nhẹ, cầm bằng tay, có sử dụng máy kẹp để nâng cao cuộn phim. Họ đặt tên cho nó là Cinématographe. Không lâu sau, hai anh em khám phá ra rằng họ có thể dùng nó để chiếu phim trên màn ảnh lớn khi được kết nối với máy chiếu. Trong suốt năm 1895, họ quay một bộ phim và chiếu thử cho một nhóm người. Đến ngày 28/12/1895, những khung hình đầu tiên được chiếu cho công chúng ở Paris và đây được xem là buổi chiếu phim đầu tiên.
Ở những nơi khác, các nhà phát minh vẫn miệt mài cải tiến chiếc máy quay và máy chiếu phim. Tại Đức, anh em Emil và Max Skladanowsky chế tạo ra một thiết bị khác và chiếu phim tại Berlin vào tháng 11/1895. Tại Anh, một thiết bị phát triển bởi Birt Acres và Robert W. Paul được dùng để chiếu phim tại London tháng 1/1896. Tại Mỹ, một máy chiếu có tên Vitascope được Charles Francis Jenkins và Thomas Armat giới thiệu trước công chúng. Về sau, Armat cộng tác với Edison để sản xuất ra máy chiếu Vitascope. Sản phẩm được cho ra mắt vào tháng 4/1896 tại New York.
Máy chiếu Vitascope ra mắt công chúng.
Trong bối cảnh đó, anh em Lumière rẽ sang hướng khác: trở thành những nhà làm phim chuyên nghiệp. Trong vai trò mới, họ cũng gặt hái được nhiều thành quả vang dội. Các bộ phim được làm từ năm 1895 đến 1896 chủ yếu là những bộ phim ngắn nhưng rất quan trọng. Chúng được xem là cột mốc đầu tiên trong lịch sử hơn một thế kỷ của ngành điện ảnh, chẳng hạn như Arroseur Et Arrosé (Waterer and Watered, 1896). Đây là một đoạn hài kịch ngắn dựa theo một câu chuyện tranh ở báo, nói về một người làm vườn lấy vòi nước xịt vào người khác để đùa giỡn. Anh em Lumière gọi những phim của họ là “actuality film”, tức là tái hiện những sự kiện có thật.
Theo VNEXPRESS
Tags: Điện ảnh