Lịch sử phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế thế kỷ 20

Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế từ sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ đã có nhiều dấu hiệu phục hồi và đang lấy lại phong độ trước đây trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những thất bại lịch sử.

Nguồn: “Lịch sử thế giới hiện đại”, NXB Giáo dục

I. Quốc tế Cộng sản (Komintern) (1919 – 1943)

1. Quốc tế Cộng sản thành lập

Từ sau khi F. Engels qua đời (8/1895), kể từ Đại hội lần thứ IV (họp tháng 8/1896 ở Luân Đôn), cơ quan lãnh đạo của Quốc tế thứ hai dần dần rơi vào tay các phần tử cơ hội chủ nghĩa, đứng đầu là E.Bergstain. Họ phủ nhận chuyên chính vô sản, liên minh công nông và tư tưởng về chuyển cách mạng dân chủ tư sản lên cách mạng XHCN, tuyên truyền thuyết ”hòa bình giai cấp” và thuyết ”chủ nghĩa tư bản hòa bình nhập vào chủ nghĩa xã hội” v.v… Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đối lập với những người Bolshevik giữ lập trường chống chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, các phần tử cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế thứ hai đã công khai đứng về phía giai cấp tư sản nước họ, ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa. Cũng vì thế khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Quốc tế thứ hai, dưới sự thao túng của các phần tử cơ hội chủ nghĩa, đã không còn đủ uy tín và khả năng lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế nữa và bắt đầu bị phân hóa, tan rã.

Ngay từ năm 1914, V.I. Lenin đã nhận thức rõ sự cần thiết phải thành lập một tổ chức quốc tế mới.

Hội nghị Dimmécvan lần thứ nhất (9/1915), Hội nghị Dimmécvan lần thứ hai (4/1916) đã tập hợp những người cách mạng chân chính trong phong trào cộng sản lúc đó, gọi là phái tả Dimmécvan, “đã lên tiếng” chống chiến tranh đế quốc, đòi hòa bình, giành chủ nghĩa xã hội. Đó là mầm mống của Quốc tế thứ ba, mặc dầu các hội nghị Dimmécvan còn có nhiều hạn chế, nhất là không chịu chấp nhận đường lối, chính sách đấu tranh cách mạng triệt để của Lenin và Đảng Bolshevik (biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng, làm thất bại các chính phủ trong cuộc chiến tranh, thành lập Quốc tế mới thay thế Quốc tế thứ hai phản bội). Sau chiến tranh đế quốc (1914-1918) và Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, những điều kiện thành lập Quốc tế cộng sản đã chín muồi.

Vì vậy sau khi cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thành công, Lenin và Đảng Bolshevik đã tích cực tiến hành tập hợp những lực lượng cách mạng vô sản chân chính, tiến tới thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản. Tháng 1/1918, hội nghị đại biểu các phái tả trong các Đảng Xã hội – dân chủ đã họp ở Petrograd. Hội nghị đã nêu rõ sự cần thiết phải triệu tập một Hội nghị quốc tế của các chiến sĩ cách mạng vô sản chân chính trên thế giới, đưa ra những điều kiện tham gia hội nghị này – tán thành con đường đấu tranh chống chính phủ đế quốc nước mình, ủng hộ Cách mạng tháng Mười và nước Nga Xô viết. Tháng 1/1919, ở Moskva hội nghị của các đại biểu 8 đảng Marxxít Nga, Ba Lan, Hungaria, Đức, Áo, Látvia, Phần Lan và Liên hiệp cách mạng Bancăng đã họp dưới sự lãnh đạo của Lenin. Hội nghị đã thông qua lời kêu gọi gồm 15 điểm trình bày đường lối cách mạng đúng đắn của phong trào cách mạng vô sản, chỉ rõ vai trò làm tay sai cho giai cấp tư sản thống trị của bọn xã hội – dân chủ phái hữu và phái giữa, và nêu lên sư cấp thiết phải thành lập Quốc tế cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới trong thời kì mới – thời kì cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.

Tháng 2/1919, Quốc tế thứ hai họp hội nghị ở Bern (Thụy Sĩ), tìm cách ngăn trở Quốc tế thứ ba thành lập. Nhưng âm mưu của họ đã bị thất bại.

Đại hội thành lập Quốc tế cộng sản được khai mạc ở Moskva và họp từ ngày 2 đến 6/3/1919. Tham dự Đại hội có các đại biểu của 19 đảng và nhóm, có quan sát viên 15 nước. Mặc dầu bị cản trở, đông đảo các đảng phương Tây đều có đại biểu và lần đầu tiên có các đại biểu của các đảng phương Đông. Các đại biểu của các chính đảng lớn ở phương Tây và phương Đông đều có mặt: Nga, Đức, Áo Hungaria, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Bungaria, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên. Sự có mặt của các đại biểu các nước phương Đông tuy không nhiều nhưng đã chứng tỏ Quốc tế thứ ba chẳng những chỉ là tổ chức của giai cấp công nhân các nước tư bản chủ nghĩa mà còn là tổ chức của quần chúng công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Vấn đề tổ chức Quốc tế thứ ba được thảo luận trước tiên. Lenin đã kiên trì đòi hỏi phải thành lập ngay Quốc tế Cộng sản. Tất cả các đại biểu đều tán thành việc thành lập Quốc tế mới, trừ các đại biểu Đảng Cộng sản Đức. Ngày 4/3/1919, Đại hội tự tuyên bố là Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản, Quốc tế thứ ba.

Đại hội đã thảo luận và thông qua Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản được xây dựng theo những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin do Lenin trình bày. Mở đầu, cương lĩnh vạch rõ thời đại mới đã bắt đầu: “Thời đại mới nảy sinh, thời đại tan rã của chủ nghĩa tư bản, của sự suy sụp bên trong của nó, thời đại cách mạng của giai cấp vô sản”.

Cương lĩnh cũng đã vạch ra đường lối cách mạng triệt để và khoa học của phong trào cách mạng là lật đổ chính quyền tư sản, giành chính quyền vô sản, thiết lập chuyên chính vô sản với sự giúp đỡ của nước Nga Xô viết, tước đoạt tài sản của giai cấp tư sản, xã hội hóa sản xuất và chuyển sang xã hội cộng sản không giai cấp.

Trong Tuyên ngôn gửi những người vô sản toàn thế giới, Đại hội đã kêu gọi giai cấp vô sản quốc tế đấu tranh quyết liệt để thực hiện chuyên chính vô sản. Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Nếu như Quốc tế thứ nhất nhìn thấy trước sự phát triển tương lai và phác ra đường đi của nó, nếu như Quốc tế thứ hai đã tập hợp và tổ chức hàng triệu người vô sản lại, thì Quốc tế thứ ba là Quốc tế hành động quần chúng công khai, là Quốc tế thực hiện cách mạng, là Quốc tế việc làm”.

Báo cáo ”Luận cương và báo cáo về chế độ tư sản dân chủ và chuyên chính vô sản của Lenin là báo cáo cực kì quan trọng trong chương trình nghị sự của Đại hội. Lenin đã nhấn mạnh sự cần thiết của chuyên chính vô sản nhằm đè bẹp sự phản kháng của giai cấp bị lật đổ và xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Người đã vạch trần luận điệu giả dối của bọn lãnh tụ Quốc tế thứ hai nấp dưới chiêu bài bảo vệ nền ”dân chủ thuấn túy” hay ”dân chủ nói chung”, để hòng duy trì nền dân chủ tư sản và hò hét chống lại chuyên chính vô sản dưới danh nghĩa chống lại “chuyên chính nói chung”.

Đai hội đã bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương của Quốc tế cộng sản.

Trong bài ”Quốc tế thứ ba và địa vị của nó trong lịch sử” viết vào tháng 4/1919, Lenin đã vạch rõ Quốc tế Cộng sản là người thừa kế và người kế tục sự nghiệp của Quốc tế thứ nhất: ”Ý nghĩa lịch sử của Quốc tế thứ ba đối với toàn thế giới là đã bắt đầu đem thực hiện cái khẩu hiệu vĩ đại nhất của Marx, khẩu hiệu tóm tắt cả một thế kỉ tiến bộ của chủ nghĩa xã hội và của phong trào công nhân, tức là khẩu hiệu quy định bởi khái niệm: chuyên chính vô sản.

2. Những hoạt động của Quốc tế Cộng sản từ 1919 đến 1943

Sau đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản, phong trào cộng sản thế giới đã có bước tiến to lớn. Ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản đối với những công nhân theo bọn xã hội trong nhiều nước châu Âu cũng được tăng cường. Quá trình hình thành về mặt tổ chức của các Đảng Cộng sản trong một số nước cũng xúc tiến thêm. Các tổ chức cộng sản thanh niên lần lượt xuất hiện dẫn đến sự thành lập Quốc tế Cộng sản thanh niên.

Lenin đã kêu gọi đấu tranh không khoan nhượng với những người cơ hội đang âm mưu chui vào hàng ngũ các tổ chức cộng sản quốc tế. Ngoài ra, các quan điểm biệt phái tả khuynh đang có nguy cơ lan rộng trong phong trào cộng sản quốc tế cũng gây trở ngại cho những người công sản trong việc tranh giành ảnh hưởng đối với quần chúng. Những người cộng sản “tả khuynh” phủ nhận việc tham gia vào các nghị viện tư sản, phong tỏa cô lập các công đoàn do những người cải lương lãnh đạo, cự tuyệt mọi sự thỏa hiệp với những người xã hội – dân chủ trong việc phối hợp hành động chống lại thế lực phản động. Như Lenin đã nói, những quan điểm bè phái ”tả khuynh” mang lại những tai hại to lớn cho phong trào cộng sản.

Những bài học của các cuộc đấu tranh giai cấp 1914-1920, sự thất bại của nước Hungaria Xô viết đã chỉ ra rằng giai cấp vô sản không thể củng cố được thắng lợi nếu không có một chính Đảng Cộng sản đoàn kết, có kỉ luật và kinh nghiệm. Cần phải tìm kiếm các con đường và phương thức để thu hút về phía những người cộng sản đa số công nhân và quần chúng không vô sản khác. Trước các Đảng Cộng sản non trẻ, nhiệm vụ đặt ra là phải học được sự mềm dẻo linh hoạt trong việc đưa quần chúng tới cách mạng.

Tháng 4/1920, Lenin viết tác phẩm nổi tiếng – Bệnh ấu trĩ ”tả khuynh” trong phong trào cộng sản, là sự chuẩn bị về tư tưởng cho các công việc của Đại hội lần thứ hai của Quốc tế Cộng sản. Tác phẩm đó được công bố bằng tiếng Anh, Nga, tiếng Pháp ngay trước khi khai mạc đại hội và được phân phát đến tay các đại biểu Đại hội II khai mạc 10/7/1920 tại Petrograd và Moskva và sự tham gia của đại biểu các Đảng Cộng sản và tổ chức phái tả từ 37 nước.

Một bộ phận lớn các nhà cách mạng đến từ các nước thuộc địa, phụ thuộc: Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì…Công việc trung tâm của Đại hội là bàn về vấn đề thành lập và củng cố các Đảng Cộng sản trong các nước, đồng thời thu hút và tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng.

Đại hội đã thảo luận và thông qua báo cáo quan trọng của Lenin: ”Về tình hình thế giới và về những nhiệm vụ cơ bản của Quốc tế Cộng sản”. Báo cáo này trở thành cơ sở có tính nguyên tắc cho tất cả các nghị quyết của Đại hội. Trên cơ sở đó, Đại hội đã thông qua bản luận cương về những nhiệm vụ căn bản của Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Đại hội II cũng thảo luận và thông qua 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản, vạch ra những nguyên tắc chính trị và tổ chức của Quốc tế thứ ba nhằm bảo đảm sự đoàn kết nhất trí, ngăn ngừa không để cho những phần tử cơ hội hữu khuynh, trước hết là những phần tử phái giữa, lén lút chui vào Quốc tế Cộng sản.

Một vấn đề quan trọng khác được thảo luận tại Đại hội II là vấn đề dân tộc thuộc địa. Báo cáo của Lenin – Sơ thảo đề cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa là một đóng góp quan trọng vào học thuyết Marx-Lenin và vạch ra con đường đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, cũng như chỉ ra sự phối hợp hành động giữa phong trào công nhân quốc tế và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Khẩu hiệu của K.Marx: ”Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại !” đã được Lenin phát triển thành: ”Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Đó là bước ngoặt to lớn trong nghệ thuật lãnh đạo chính trị của những người cộng sản, làm cho Quốc tế Cộng sản trở thành người lãnh đạo, lãnh tụ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới.

Đại hội cũng thông qua điều lệ của Quốc tế Cộng sản, trong đó nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở của tổ chức. Đại hội II là một trong những đại hội quan trọng nhất của Quốc tế Cộng sản, nó hoàn thành công việc thành lập Quốc tế thứ ba – Quốc tế Cộng sản. Đại hội đã ”tạo ra một thứ kỉ luật và một sự đoàn kết chưa từng thấy trong các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới” (Lenin).

Các nghị quyết của Đại hội đã củng cố các Đảng Cộng sản trẻ tuổi, chuẩn bị cơ sở cho sự thành lập các Đảng Cộng sản ở các nước khác và thu hút họ tham gia Quốc tế Cộng sản.

Tiếp theo Đại hội II, tháng 12/1920, Đại hội của các Đảng Cộng sản phương Đông đã họp ở Bacu (Ajerbaizan) để bàn về tương lai của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng tán thành đường lối chính trị của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và đã nêu cao tinh thần đoàn kết anh em của các dân tộc phương Đông với giai cấp vô sản phương Tây.

Năm 1921, trường Đại học lao động phương Đông được thành lập ở Moskva nhằm đào tạo, bồi dưỡng lí luận cho cán bộ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc.

Trong các năm từ 1921 đến 1923, các Đảng Cộng sản tiếp tục được thành lập. Năm 1921, có Đảng Cộng sản ltalia, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Nam Phi. Năm 1922, có các Đảng Cộng sản Chilê, Braxin, Nhật Bản. Từ những năm 1920-1921, phong trào cách mạng trong các nước tư bản bắt đầu đi xuống. Hoàn cảnh thay đổi, bọn tư sản phản động chuyển sang khủng bố trắng các đảng viên cộng sản và phong trào quần chúng. Quốc tế Cộng sản kêu gọi những đảng viên cộng sản đi vào quần chúng và thành lập Mặt trận công nhân thống nhất. Mặc dù cao trào cách mạng 1918 – 1923 không thành công, nhưng uy tín của Quốc tế Cộng sản không ngừng được tăng cường. Năm 1918, mới chỉ có 10 Đảng Cộng sản, năm 1921 tăng lên 48 đảng.

Đại hội III của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 22/6 đến 12/7/1921, tại Moskva. Đại hội nhận định rằng giai cấp vô sản đã tạm thời thất bại trong những cuộc đấu tranh giai cấp vừa qua. Nguyên nhân chính là do chính sách chia rẽ, phá hoại của các lãnh tụ Đảng Xã hội – dân chủ.

Đại hội IV của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 5/11 đến ngày 5/12/1922, đúng vào dịp kỉ niệm 5 năm Cách mạng tháng Mười Nga. 408 đại biểu từ 58 nước đã tham dự, đại diện cho gần 2 triệu đảng viên. Đại hội đã vạch ra nguy cơ sự tấn công của chủ nghĩa phát xít và đề ra khẩu hiệu thành lập mặt trận thống nhất trong các nước thuộc địa, phụ thuộc và phong trào công nhân chính quốc. Lenin đọc báo cáo: ”Năm năm cách mạng Nga và những triển vọng của cách mạng thế giới”, nêu rõ ý nghĩa quốc tế của chính sách kinh tế mới ở nước Nga.

Quốc tế Cộng sản rất coi trọng việc xây dựng các tổ chức quần chúng: Quốc tế thanh niên (1919), Quốc tế phụ nữ (1920), Quốc tế công đoàn đỏ (1921), Quốc tế nông dân (1923), v.v… Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đại hội thành lập Quốc tế nông dân với tư cách là đại biểu của nông dân các nước thuộc địa và được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. Các tổ chức quần chúng này đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản trong đông đảo quần chúng.

Đại hội V Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 17/6 đến 8/7/1924 tại Moskva với sự tham gia của 510 đại biểu của 46 Đảng Cộng sản, 4 đảng cánh tả và l0 tổ chức quần chúng. Đây là Đại hội đầu tiên vắng Lenin, song những luận điểm của Người về vấn đề “liên minh công nông”, về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về chuyên chính vô sản … đã nói lên sự đóng góp lí luận to lớn về nhiều mặt của Lenin vào kho tàng lí luận của chủ nghĩa Marx.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đại hội V là ”Bolshevik hóa” các Đảng Cộng sản. Sự phát triển tiếp tục của phong trào công nhân quốc tế phụ thuộc vào khả năng của Đảng Cộng sản trở thành một tổ chức vững mạnh về tư tưởng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của Đảng Bolshevik. ”Bolshevik hóa” các Đảng Cộng sản có nghĩa là sử dụng kinh nghiệm Nga trên cơ sở tính toán hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước. Các Đảng Cộng sản không được khoan nhượng với những kẻ thù của chủ nghĩa Marx-Lenin, “tả khuynh” cũng như ”hữu khuynh”, không để cho bọn cơ hội chui vào hàng ngũ của mình. Để tạo được mối liên hệ với quần chúng, những người cộng sản phải biết hoạt động trong những điều kiện hợp pháp cũng như bất hợp pháp, kết hợp cuộc đấu tranh giành chuyên chính vô sản với cuộc đấu tranh cho những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày của công nhân và nhân dân lao động.

Để biến các Đảng Cộng sản thành các đảng kiểu mới, cần phải cải tổ về tổ chức trên cơ sở các tổ chức đảng tại các xí nghiệp, đòi hỏi sự tham gia một cách có hệ thống của những người cộng sản trong phong trào công đoàn, triển khai cuộc đấu tranh cách mạng ở nông thôn, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc.

Đại hội V tiếp tục thảo luận về vấn đề dân tộc, thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đọc bản tham luận quan trọng. Người vạch trần chính sách áp bức dân tộc thuộc địa của bọn đế quốc thực dân, tình cảnh đói khổ của nhân dân bản xứ và kêu gọi các đảng vô sản chính quốc lưu ý tới vấn đề dân tộc thuộc địa như giáo huấn của Lenin.

Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản, họp từ ngày 17/7 đến 11/9/1928, tại Moskva với sự tham gia của 532 đại biểu thay mặt cho 55 Đảng Cộng sản và l0 tổ chức quần chúng từ 57 nước. Đại hội xác định nhiệm vụ chính của phong trào cộng sản quốc tế trong giai đoạn trước mắt là đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh đế quốc đang đến gần. Nghị quyết về nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới mới vạch rõ mục tiêu chính trong âm mưu gây chiến lần này của chủ nghĩa đế quốc là can thiệp, chia cắt Trung Quốc và tiêu diệt Liên Xô, vì vậy Đại hội kêu gọi giai cấp vô sản thế giới phải bảo vệ Liên Xô và Trung Quốc trong trường hợp bị tấn công.

Đại hội VI cũng thông qua đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, khẳng định lại giá trị của đề cương về dân tộc thuộc địa của Lenin tại Đại hội lần II. Từ sau Đại hội VI và được sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1929, các nước tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa từng thấy. Làn sóng đấu tranh của giai cấp công nhân đã phát triển mạnh mẽ. Phong trào giải phóng dân tộc cũng lên cao ở Đông Bắc Á, Đông Dương và Nam Á. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (từ tháng 10/1930, đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương), nhanh chóng trở thành một chi bộ của Quốc tế Cộng sản (4/1931), mở ra kỉ nguyên hòa nhập cách mạng Việt Nam vào dòng thác cách mạng thế giới .

Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản đã họp ở Moskva, từ ngày 25/7 đến ngày 25/8/1935, trong hoàn cảnh cuộc tấn công của chủ nghĩa phát xít trong phạm vi từng nước và trên thế giới đang mở rộng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống nguy cơ phát xít và chiến tranh đang diễn ra sôi nổi. Ý muốn thống nhất hành động của nhân dân lao động là tăng cường mạnh mẽ sức mạnh to lớn của mình trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và mọi thế lực phản động khác đã thể hiện rõ rệt. Đại hội có 510 đại biểu (371 đại biểu có quyền biểu quyết) của 65 nước trong số 76 chi bộ các nước. Thay mặt cho 3.141.000 đảng viên cộng sản, trong đó 785.000 người thuộc các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Đại hội đã tổng kết những kinh nghiệm phong phú của phong trào cách mạng thế giới từ sau Đại hội lần thứ VI và của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Mọi hoạt động của Đại hội đều xoay quanh việc xây dựng cương lĩnh quốc gia và quốc tế để ngăn chặn nguy cơ chủ nghĩa phát xít đang đe dọa tự do và an ninh của toàn thể loài người, việc bảo vệ Liên Xô thành trì của cách mạng và hòa bình thế giới, chống âm mưu xâm lược của bọn tư bản lũng đoạn phản động quốc tế. Do đó, Đại hội lần thứ VII năm 1935 của Quốc tế cộng sản đã được ghi vào sách sử là Đại hội thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, là Đại hội đấu tranh cho mặt trận công nhân thống nhất và cho mặt trận nhân dân chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội đã đọc tham luận về các vấn đề quan trọng nêu ra trong Đại hội .

G.Dimitrov đã đọc bản báo cáo chính của Đại hội – “Sự tấn công của chủ nghĩa phát xít và những nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít”.

Bản báo cáo đã mở đầu bằng việc vạch rõ bản chất giai cấp của chủ nghĩa phát xít. Dimitrov đã phê phán nhận định sai lầm và nguy hại của Đảng Xã hội – dân chủ cho rằng chủ nghĩa phát xít là sự vùng dậy của tiểu tư sản, đã phân tích tính chất giai cấp của chủ nghĩa phát xít và đã nhắc lại định nghĩa nổi tiếng của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành mở rộng lần thứ XIII của Quốc tế Cộng sản nhận định rằng ”Chủ nghĩa phát xít nắm chính quyền là nền chuyên chính khủng bố công khai của những phần tử phản động nhất, sôvanh nhất, đế quốc chủ nghĩa nhất của tư bản tài chính”.

Báo cáo cũng vạch rõ nguyên nhân lên nắm chính quyền của chủ nghĩa phát xít. Theo Dimitrov: ”Chủ nghĩa phát xít sở dĩ đã có thể lên cầm quyền được trước hết là vì các lãnh tụ xã hội – dân chủ đã thi hành chính sách hợp tác giai cấp với giai cấp tư sản, vì giai cấp công nhân đã bị chia rẽ, bị tước mất vũ khí chính trị và tổ chức trước sự tấn công của giai cấp tư sản. Còn các Đảng Cộng sản thì chưa thật mạnh để không cần có các Đảng Xã hội – dân chủ và đấu tranh chống lại Đảng Xã hội – dân chủ, phát động quần chúng và hướng dẫn họ tham gia cuộc chiến đấu kiên quyết chống chủ nghĩa phát xít”.

Dimitrov nhấn mạnh chủ nghĩa phát xít Đức là chủ nghĩa phản động nhất, ”là đội xung kích của bọn phản cách mạng quốc tế, là kẻ chủ yếu gây ra cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, là kẻ âm mưu tổ chức cuộc hành quân chữ thập chống Liên Xô – Tổ quốc vĩ đại của nhân dân lao động trên thế giới”… Báo cáo vạch tiếp việc bọn phát xít lên cầm quyền không phải là sự thay đổi thông thường chính phủ tư sản này bằng một chính phủ tư sản khác, mà là sự thay đổi hình thức thống trị nhà nước của giai cấp tư sản – hình thức thống trị khủng bố công khai thay thế cho nền dân chủ đại nghị. Kết luận quan trọng đó đã chấm dứt sự đồng nhất đầy tác hại các hình thức khác nhau của chế độ đại nghị tư sản với chủ nghĩa phát xít đã nêu ra cơ sở khoa học để hiểu rõ mâu thuẫn giữa chủ nghĩa phát xít và nền dân chủ tư sản. Thật vậy, chủ nghĩa phát xít là bước lùi to lớn so với nền dân chủ tư sản, là con đẻ của chủ nghĩa tư bản thối nát. Đại hội vạch rõ rằng cuộc tấn công của chủ nghĩa phát xít và bọn đế quốc phản động đã làm thay đổi sâu sắc tình hình so sánh lực lượng giai cấp trên thế giới, và nêu rõ nhiệm vụ hàng đầu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ dân chủ chung của phong trào công nhân các nước tư bản chủ nghĩa.

Những mâu thuẫn sâu sắc giữa chủ nghĩa phát xít và nền dân chủ chứng tỏ rằng chủ nghĩa phát xít không những đối lập với Liên Xô và giai cấp công nhân cách mạng, không những đối lập với những người lao động giác ngộ là những người bảo vệ chủ nghĩa xã hội, mà còn đối lập với tất cả những ai đấu tranh cho dân chủ và hòa bình, chống bạo lực dã man và chiến tranh đế quốc, đó là cơ sở giai cấp và xã hội của sách lược mới của những người cộng sản.

Đại hội đã thông qua nghị quyết, trong đó nêu bật rằng mặt trận thống nhất rộng rãi đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh phải được xây dựng trên phạm vi thế giới; tỏ rõ sự ủng hộ những cố gắng của chính phủ Liên Xô nhằm thành lập Mặt trận hòa bình và dân chủ rộng rãi trên toàn thế giới chống lại liên minh chiến tranh của bè lũ phát xít.

Đại hội đã nhấn mạnh: không được đánh giá thấp nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, đồng thời cũng kiên quyết bác bỏ quan điểm sai lầm có tính chất định mệnh nói rằng sự thắng lợi của chủ nghĩa phát xít là điều không tránh khỏi. Đại hội đã chỉ rõ rằng điều kiện cần thiết chủ yếu để đấu tranh thắng lợi chống chủ nghĩa phát xít là việc thực hiện sự thống nhất lực lượng của giai cấp công nhân trong từng nước và trên toàn thế giới. Hàng triệu công nhân và người lao động các nước tư bản chủ nghĩa đang đặt vấn đề là làm thế nào để ngăn chặn chủ nghĩa phát xít lên nắm chính quyền và làm thế nào để lật đổ được chủ nghĩa phát xít đã cầm quyền? Quốc tế cộng sản trả lời: ”Điều trước tiên cần phải làm và cần phải bắt đầu từ điều đó là thực hiện mặt trận thống nhất, thiết lập sự thống nhất hành động của những người công nhân trong mỗi xí nghiệp, trong mỗi khu, trong mỗi vùng, trong mỗi nước trên thế giới. Sự thống nhất hành động của giai cấp vô sản trên phạm vi toàn quốc và quốc tế đó là vũ khí hùng mạnh khiến cho giai cấp công nhân không những có thể tự bảo vệ một cách thắng lợi mà còn có thể chuyển qua phản công một cách thắng lợi chống chủ nghĩa phát xít, chống kẻ thù giai cấp”. Dimitrov đã phê phán chính sách thỏa hiệp với giai cấp tư sản của những người cầm đầu của Đảng Xã hội – dân chủ làm cho lực lượng của giai cấp công nhân bị chia rẽ, đồng thời cũng chỉ rõ rằng chủ nghĩa biệt phái là sự ngăn trở nghiêm trọng đối với việc khắc phục tình trạng chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp công nhân. Đại hội kêu gọi ”tất cả các Đảng Cộng sản hãy tích cực đấu tranh để lập mặt trận thống nhất của tất cả những bộ phận trong giai cấp công nhân, không kể họ thuộc về đảng nào hoặc tổ chức nào, là điều cần thiết trước khi đa số giai cấp công nhân đoàn kết nhau lại trong cuộc tấn công để lật đổ chủ nghĩa tư bản và giành thắng lợi cho cuộc cách mạng vô sản. Quốc tế cộng sản không đặt một điều kiện nào cho sự thống nhất hành động, trừ một điều kiện cơ bản mà tất cả mọi công nhân đều có thể chấp nhận được – đó là sự thống nhất hành động phải nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống sự tấn công của tư bản, chống sự đe dọa của chiến tranh, chống kẻ thù giai cấp. Đó là điều kiện của chúng ta”.

Đại hội đã đề ra chính sách liên hợp mọi tổ chức của giai cấp công nhân: công đoàn, Đảng, tổ chức thanh niên và các giai cấp khác. Nghị quyết của Đại hội đã đề ra khẩu hiệu: “… Một công đoàn cho mỗi ngành sản xuất, một liên hiệp công đoàn cho mỗi nước, một liên hiệp công đoàn thế giới cho mỗi ngành sản xuất, một quốc tế công đoàn trên cơ sở đấu tranh giai cấp”, “ở đâu mà các công đoàn thuộc liên minh quốc tế các công đoàn đó còn là thiểu số thì nó phải gia nhập vào các công đoàn khác; ở đâu mà nó là đa số, thì nó phải tiến hành đàm phán về việc thống nhất trên cơ sở bình đẳng. Nhiệm vụ của những người cộng sản là tiến hành cuộc đấu tranh nhằm thống nhất các công đoàn trên lập trường đấu tranh để chống lại cuộc tấn công của tư bản và bảo đảm nền dân chủ công đoàn”.

Một thắng lợi to lớn của Quốc tế Cộng sản là sau Đại hội lần thứ VII, trong các nước bắt đầu diễn ra việc tập hợp đông đảo quần chúng lao động trong những tổ chức công đoàn rộng lớn nhằm vào mục tiêu cấp bách trước mắt: chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh, bảo vệ những quyền lợi kinh tế, chính trị thiết thân của giai cấp công nhân. Ở Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác, các công đoàn lớn mạnh thuộc liên minh quốc tế các Công đoàn đỏ đã hợp nhất với các công đoàn thuộc các xu hướng khác trên cơ sở bình đẳng.

Đối với việc thống nhất Đảng, Đại hội đã đề ra 5 điều kiện chung cho việc thống nhất tổ chức ấy:

Một là, có một sư độc lập hoàn toàn đối với giai cấp tư sản và một sự đoạn tuyệt hoàn toàn của khối xã hội – dân chủ đối với giai cấp tư sản.

Thứ hai, là phải thực hiên thống nhất hành động.

Thứ ba, thừa nhận sự cần thiết phải dùng cách mạng để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và thiết lập chính quyền Xô viết.

Thứ tư, từ chối không ủng hộ giai cấp tư sản trong cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa.

Thứ năm, phải xây dựng Đảng trên cơ sở chế độ tập trung dân chủ, đảm bảo sự thống nhất ý chí và hành động; những điều này đã được chứng thực bằng kinh nghiệm của những người Bolshevik Nga”.

Trọng tâm chú ý của Đại hội là vấn đề Mặt trận nhân dân.

Đại hội vạch rõ Mặt trận nhân dân chống phát xít phải được xây dựng trên cơ sở Mặt trận thống nhất công nhân và hai quá trình thành lập Mặt trận thống nhất công nhân và Mặt trận nhân dân chống phát xít phải được tiến hành song song.

Trong báo cáo, Dimitrov nhấn mạnh rằng cương lĩnh của Mặt trận nhân dân phải bao gồm những yêu sách thể hiện những lợi ích cơ bản của giai cấp vô sản, giai cấp nông dân, thợ thủ công và tri thức, kể cả những yêu sách về việc giải tán những tổ chức phát xít và các tổ chức phản động, khôi phục các quyền tự do dân chủ, đấu tranh bảo vệ hòa bình.

Đại hội vạch rõ phong trào đấu tranh mạnh mẽ của đông đảo nhân dân lao động dẫn đến triển vọng thành lập Chính phủ của Mặt trận nhân dân, được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân rộng rãi – công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thủ công và những phấn tử dân chủ. Chính phủ của Mặt trận nhân dân xuất hiện trước và không phải sau khi chủ nghĩa tư bản bị tiêu diệt, nó hoạt động dựa vào cương lĩnh chống tư bản lũng đoạn, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, gồm có các điểm chủ yếu như sau: quốc hữu hóa ngân hàng và các ngành công nghiệp chủ yếu; chia ruộng đất của bọn chiếm hữu lớn về ruộng đất; thực hiện bước đầu việc kế hoạch hóa trong nền kinh tế; loại trừ những phần tử phản động ra khỏi các cơ quan nhà nước, quân đội, kinh tế, giáo dục; cải thiện đời sống của nhân dân lao động.

Đại hội kêu gọi các Đảng Cộng sản phải lãnh đạo phong trào đấu tranh giành quyền lãnh đạo Mặt trận nhân dân, phải đảm bảo thực hiện liên minh công nông và phải đấu tranh đòi chính phủ của Mặt trận nhân dân kiên trì thi hành chính sách thiên tả, hướng đến nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân lao động.

Đại hội chỉ rõ Mặt trận thống nhất chống đế quốc có tầm quan trọng đặc biệt trong tất cả các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Dimitrov nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là đấu tranh xây dựng một mặt trận rộng rãi, bao gồm lực lượng chống đế quốc phát xít và bọn phong kiến tay sai, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Sự thống nhất hành động giữa Mặt trận nhân dân trong các nước tư bản chủ nghĩa và Mặt trận chống đế quốc trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là điều cần thiết và phải nhằm mục tiêu lật đổ bọn tư bản tài chính, thủ tiêu chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình.

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, các Đảng Cộng sản đã có những cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, có khả năng độc lập giải quyết những vấn đề của phong trào công nhân, những nhiệm vụ dân tộc đặt ra trong mỗi nước. Trong điều kiện chiến tranh, sự liên lạc giữa các Đảng Cộng sản hết sức khó khăn, việc duy trì một cơ quan chỉ đạo cách mạng chung trên toàn thế giới là điều khó có thể thực hiện được. Mặt khác, giới cầm quyền trong nhiều nước tư bản lợi dụng Quốc tế Cộng sản như một nhân tố cản trở quá trình thành lập Mặt trận đồng minh chống phát xít trong chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, sự tiếp tục tồn tại và hoạt động của Quốc tế Cộng sản là không còn phù hợp nữa. Tháng 5-1943, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản đã ra nghị quyết giải tán Quốc tế Cộng sản.

II. Một số phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa tiêu biểu sau Cách mạng tháng Mười Nga

Tháng 10/1918, đế quốc Áo – Hungaria tan vỡ và nhiều Xô viết đã xuất hiện ở hai nước Áo và Hungaria. Nhưng ở Áo thì Xô viết không chuyển thành cơ quan khởi nghĩa vì Đảng Cộng sản tuy đã được thành lập, nhưng lúc đó còn non yếu về lí luận cũng như về tổ chức. Do đó, Đảng Xã hội – dân chủ đã thành lập được nền cộng hòa tư sản. Còn ở Hungaria, phong trào cách mạng lên cao hơn nhiều và từ cách mạng dân chủ tư sản chuyển biến nhanh chóng sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng dân chủ tư sản bùng nổ vào cuối tháng 10/1918. Công nhân và công nhân nông nghiệp là quân chủ lực của cuộc cách mạng dân chủ tư sản Hungaria. Ngày 28/10, Xô viết binh lính thành lập. Ngày 31/10, Xô viết công nhân ra đời. Công nhân Buđapét khởi nghĩa chiếm xưởng đúc vũ khí, chiếm giữ nhiều cơ quan nhà nước. Binh lính không tuân lệnh chính quyền phong kiến. Nông dân nhiều nơi vùng dậy giành lấy ruộng đất trong tay địa chủ.

Ngày 31/10, chính phủ do Bá tước Karoli cầm đầu được thành lập, hòng duy trì chế độ quân chủ. Chính phủ này đề ra một số chính sách mị dân – bầu cử phổ thông, quốc hữu hóa ngân hàng và đại công nghiệp, “cải cách ruộng đất” – hòng xoa dịu phong trào đấu tranh của công nông. Bọn xã hội – dân chủ phái hữu tham gia chính phủ Karoli là Karami và Kunfi đã vội vã tuyên thệ trung thành với nhà vua. Những hành động đó bị quần chúng phản đối kịch liệt. Ngày 10/11/1918, nước Cộng hòa Hungaria được thành lập.

Nhưng chính quyền tư sản, có bọn xã hội – dân chủ phái hữu tham gia, đã gia sức chặn đứng cuộc đấu tranh giai cấp và không chịu thực hiện những lời hứa hẹn đã nêu ra. Những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng vẫn hoàn toàn không được giải quyết, như tự do, hòa bình, bánh mì và ruộng đất.

Ngày 21/11/1918, Đảng Cộng sản Hungaria được thành lập, bao gồm những người xã hội – dân chủ phái “tả” và những tù binh cách mạng Hungaria từ nước Nga Xô viết trở về, trong đó có Belakun, Tibo Samueli, Matiat Rakosi…

Ngày 22/2/1919, Chính phủ tư sản bắt giam Belakun và nhiều lãnh tụ khác của Đảng Cộng sản, nhằm đe dọa quần chúng cách mạng. Nhưng phong trào cách mạng của công nhân nhằm thiết lập chính quyền Xô viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Hungaria, tiếp tục phát triển.

Ở Hungaria, vào tháng 3/1919, diễn ra cuộc khủng khoảng chính trị nghiêm trọng. Mâu thuẫn giai cấp ở trong nước ngày càng trầm trọng do những yêu sách cơ bản cấp bách của công nông không được chính phủ tư sản Karoli giải quyết. Ngày 20/3/1919, Hội đồng tối cao Đồng minh (tức các nước phe Hiệp ước) gửi cho chính phủ Hungaria một công hàm có tính chất tối hậu thư đòi cắt 2/3 lãnh thổ Hungaria cho Romania, Nam Tư và Tiệp Khắc. Trước nguy cơ diệt vong đó, Chính phủ tư sản từ chức và tính toán dùng bọn xã hội – dân chủ nắm chính quyền. Nhưng Đảng Xã hội – dân chủ cũng không dám một mình cầm quyền và đã phải đàm phán với các lãnh tụ cộng sản Hungaria đang bị giam giữ. Khi ấy, công nhân ở thủ đô Buđapét đã khởi nghĩa chiếm hết các địa điểm xung yếu. Ngày 21/3/1919, Hội đồng các Xô viết công nhân binh lính tuyên bố thành lập chính phủ Xô viết Hungaria gồm những người cộng sản và những người xã hội – dân chủ lúc đó đã hợp nhất thành Đảng Xã hội chủ nghĩa Hungaria. Như vậy là nước Cộng hòa Xô viết Hungaria đã giành được thắng lợi trải qua cuộc cách mạng bạo lực, chủ yếu là bằng đấu tranh chính trị của quần chúng công nhân nhằm lật đổ chính quyền tư sản phản động.

Chính quyền Xô viết đã tiến hành những công việc to lớn, như quốc hữu hóa công nghiệp, ngân hàng, vận tải, nâng cao tiền lương 25% thi hành chế độ ngày làm việc 8 giờ v.v…Hồng quân được thành lập để bảo vệ chính quyền công nông. Tháng 6/1919 đã diễn ra Đại hội các Xô viết toàn Hungaria, trong đó đã thông qua hiến pháp của nước Cộng hòa Xô viết Hungaria.

Nhưng chính quyền Xô viết Hungaria cũng phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng, nhất là hai thiếu sót sau đây: – Sự hợp nhất hai Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội – dân chủ không được tiến hành trên cơ sở loại trừ bọn theo chủ nghĩa xét lại, khiến trong thực tế đã dẫn đến tình trạng Đảng Cộng sản bị Đảng Xã hội – dân chủ cơ hội đồng hóa; tịch thu ruộng đất của địa chủ và tăng lữ, nhưng không chia ruộng đất cho nông dân lao động, thỏa mãn nguyện vọng lâu đời của họ, mà lập ngay những nông trường quốc doanh.

Nước Cộng hoà Xô viết Hungaria ngay từ đầu đã ở trong vòng vây của các nước tư sản phản cách mạng. Tháng 7/1919, Hồng quân Hungaria bị thất bại do những hoạt động phá hoại của bọn xã hội – dân chủ phái hữu.

Ngày 1/8/1919, chính quyền Xô viết Hungaria bị sụp đổ sau 133 ngày đấu tranh anh dũng.

Cách mạng Hungaria năm 1919 lại một lần nữa xác minh một trong những nhân tố thắng lợi chủ yếu của Cách mạng tháng Mười Nga là: Đảng Marxist – Leninist lãnh đạo khối công nông liên minh là một nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin trong việc thiết lập nền chuyên chính vô sản. Trong đề cương những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản đọc tại Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản, Lenin đã viết: ”Không một người cộng sản nào được phép quên những bài học của nước Cộng hòa xô viết Hungaria. Việc hợp nhất những người cộng sản Hungaria với bọn theo chủ nghĩa cải lương đã làm cho giai cấp vô sản Hungaria phải trả một giá rất đắt”.

Việc xây dựng khối công nông liên minh vững chắc là điều kiện cần thiết đế giành thắng lợi cho cách mạng vô sản. Chính quyền Xô viết Hungaria đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề ruộng đất. Nông dân Hungaria tha thiết mong muốn được chia ruộng đất, nhưng chính quyền Xô viết lại đốt cháy giai đoạn, tiến thắng tới việc ”xã hội hóa” quyền chiếm hữu ruộng đất.

Ở Đức, ngày 13/4/1919, công nhân thành phố Munich (thủ phủ của xứ Bavaria) đã khởi nghĩa cướp chính quyền và thành lập nước Cộng hòa xô viết Bavaria. Những người cộng sản và những người phái tả đã cùng nhau lập chính phủ Xô viết do Eugen Leviné, lãnh tụ của Đảng Cộng sản cầm đầu. Chính quyền Xô viết Bavaria đã thực hiện chế độ công nhân quản lí xí nghiệp, quốc hữu hóa ngân hàng, tổ chức hồng quân và thành lập Ủy ban đặc biệt nhằm trấn áp bọn phản cách mạng.

Tuy bị thất bại, sự ra đời của nước Cộng hòa Xô viết Bavaria là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1918/1923 ở Đức.

Như thế, từ sau Cách mạng tháng Mười Nga, cùng với sự ra đời của các Đảng Cộng sản, một trào lưu cách mạng xã hội chủ nghĩa đã bùng nổ và ngày càng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới.

III. Sự thành lập Quốc tế Công nhân xã hội chủ nghĩa

Sau khi F. Engels qua đời, quyền lãnh đạo Quốc tế II chuyển sang tay những người cơ hội, họ bắt đầu xét lại học thuyết cách mạng của K. Marx. Một số Đảng Xã hội – dân chủ đã giành được thắng lợi trong các đợt bầu cử vào nghị viện và tự quản thành phố. Phản ánh lợi ích của mình, bọn cơ hội – các lãnh tụ của Quốc tế II, đã trở thành những người tuyên truyền ảnh hưởng tư sản trong phong trào công nhân.

Vào đầu thế kỉ 20, trung tâm phong trào cách mạng chuyển sang nước Nga. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng 1905-1907 ở Nga, phong trào cách mạng của công nhân được đẩy mạnh. Tuy nhiên, các lãnh tụ của Quốc tế II đã coi thường những bài học cách mạng, họ phủ nhận điều chủ yếu trong học thuyết của chủ nghĩa Marx là chuyên chính vô sản, phủ nhận tư tưởng của Lenin về liên minh công nông và tư tưởng chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Theo đuổi đường lối “hòa bình giai cấp” và sự “chuyển biến hòa bình đưa chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” họ hướng công nhân vào cuộc đấu tranh đòi cải cách, không đụng đến các cơ sở của chế độ tư bản, trên thực tế củng cố sự thống trị của giai cấp tư sản.

Từ đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, phần đông các lãnh tụ Đảng Xã hội – dân chủ đã chuyển sang hàng ngũ giai cấp tư sản. Chiến tranh đã làm cho các Đảng Xã hội – dân chủ khủng hoảng sâu sắc, đã vạch trần sự phản bội của các lãnh tụ Quốc tế II và các Đảng Xã hội – dân chủ. Quốc tế thứ hai thực tế bị tan rã, một bộ phận trở thành những người sôvanh xã hội phái hữu công khai đứng về giai cấp tư sản như Plekhanov, Bergstain, Seiderman. Một bô phận, thuộc phái giữa như Cauxki, Trốtxki, Marôtốp, trong lời nói thì cách mạng, thực ra là cải lương thỏa hiệp. Số còn lại là những người cách mạng chân chính, theo đường lối của Lenin và Đảng Bolshevik như Rosa Luxembourg, Karl Liebknecht.

Số này về sau đã đoạn tuyệt hẳn với Quốc tế thứ hai và gia nhập Quốc tế thứ ba – Quốc tế Cộng sản.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và trước cao trào cách mạng 1918-1923, những người xã hội – dân chủ phái hữu cố gắng khôi phục lại hoạt động của Quốc tế thứ hai nhằm ngăn chặn tính tích cực cách mạng của giai cấp công nhân và làm thất bại kế hoạch lập quốc tế mới theo quan điểm cách mạng của Lenin.

Năm 1921, những người thuộc phải giữa trong Quốc tế thứ hai trước đây cũng tìm cách lôi kéo ảnh hưởng trong quần chúng, đã tuyên bố thành lập một quốc tế mới, gọi là Quốc tế hai rưỡi. Những người thành lập Quốc tế hai rưỡi muốn tìm một quan điểm trung hoà giữa Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ ba của Lenin, nhưng thực chất Quốc tế hai rưỡi cũng phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản, sự đồng nhất của Quốc tế thứ hai và Quốc tế hai rưỡi. Các lãnh tụ Quốc tế hai rưỡi tìm cách duy trì quần chúng trong chính sách thỏa hiệp.

Năm 1923, cả hai trung tâm xã hội – dân chủ nói trên đã hợp nhất lại thành lập quốc tế mới, gọi là Quốc tế Công nhân xã hội chủ nghĩa. Bản thân sự sáp nhập Quốc tế thứ hai và Quốc tế hai rưỡi một mặt nói lên sự đồng nhất về bản chất của các Đảng Xã hội – dân chủ, mặt khác nó thể hiện cuộc chạy đua cạnh tranh lôi kéo quần chúng khỏi ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Quốc tế cộng sản.

Quốc tế Công nhân xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục đường lối của Quốc tế thứ hai trước chiến tranh được sự ủng hộ của giai cấp tư sản, coi mục đích chủ yếu là chống lại cách mạng vô sản, trước hết là chống lại Liên Xô xã hội chủ nghĩa. Theo đuổi đường lối chia rẽ phong trào công nhân quốc tế có lợi cho giai cấp tư sản, các lãnh tụ của Quốc tế Công nhân xã hội chủ nghĩa và các Đảng Xã hội – dân chủ đã đóng vai trò đáng kể trong việc đàn áp các cuộc cách mạng 1918 – 1923 ở các nước Tây Âu. Các lãnh tụ của Quốc tế Công nhân xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ cuộc can thiệp vũ trang của chính phủ nước mình chống nước Nga Xô viết.

Tới giữa những năm 1920, Quốc tế Công nhân xã hội chủ nghĩa đã thu hút khoảng 6,5 đến 7 triệu đảng viên Đảng Xã hội – dân chủ và khoảng 25 triệu cử tri trong các đợt bầu cử. Trong thời kì ổn định của chủ nghĩa tư bản, nhiều Đảng Xã hội – dân chủ đã thắng cử và tham gia thành lập chính phủ. Tuy nhiên, các chính phủ Đảng Xã hội – dân chủ vẫn chỉ là công cụ phục vụ quyền lợi giai cấp tư sản.

Chính sách hợp tác giai cấp và ”chống cộng” đã đưa các Đảng Xã hội – dân chủ tới chỗ phá sản, trước sự tấn công của chủ nghĩa phát xít.

Việc thành lập Mặt trận công nhân thống nhất đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít không được thực hiện, quá trình thành lập Mặt trận nhân dân chống phát xít bị ngăn cản. Kết quả là một số Đảng Xã hội đã bị phá sản trước sự tấn công của chủ nghĩa phát xít. Năm 1933, Đảng Xã hội – dân chủ Đức thất bại và tới năm sau, đến lượt Đảng Xã hội Áo.

Đường lối hợp tác giai cấp vô nguyên tắc của các lãnh tụ Đảng Xã hội – dân chủ đã là một trong những nguyên nhân để bọn phát xít lên cầm quyền ở một số nước và thổi bùng lên ngọn lửa Chiến tranh thế giới thứ hai.

VI. Sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Giai đoạn phát triển mới của phong trào cộng sản quốc tế bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến giữa những năm 70. Đây là giai đoạn phát triển cao nhất của phong trào cộng sản quốc tế. Cuối giai đoạn này, Đảng Cộng sản đã hoạt động ở hơn 90 nước trên thế giới với hơn 75 triệu đảng viên (trong đó, 15 Đảng Cộng sản cầm quyền ở 15 nước xã hội chủ nghĩa với gần 70 triệu đảng viên, 28 Đảng Cộng sản ở các nước tư bản phát triển gồm 3,5 triệu đảng viên, 16 Đảng Cộng sản ở các nước đang phát triển ở châu Á, 9 Đảng Cộng sản ở châu Phi và 26 Đảng Cộng sản ở Mỹ latinh gồm tổng số không l,5 triệu đảng viên). Không có một trào lưu tư tưởng chính trị nào có lực lượng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử thế giới trong giai đoạn lịch sử này như phong trào cộng sản quốc tế.

Thành tựu lớn nhất của phong trào cộng sản quốc tế là sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, làm thay đổi bộ mặt của hành tinh chúng ta. Từ những năm 1944-1945 đến 1949, một loạt nước dân chủ nhân dân ở châu Âu và châu Á xuất hiện, cùng với Liên Xô – nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới – hình thành hệ thống XHCN thế giới. Từ đây, thế giới chia làm hai phe, hai cực đối địch nhau. Cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống ảnh hưởng to lớn, có tính quyết định đến lịch sử phát triển chính trị thế giới. Sự ra đời và phát triển của hệ thống XHCN thế giới với 1/4 diện tích trái đất và gần l/3 dân số nhân loại với những tiềm lực và thành tựu to lớn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kĩ thuật sau chiến tranh là nhân tố quan trọng, có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển tiến bộ của thế giới trong suốt mấy thập niên giữa thế kỉ 20.

Sự hình thành và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là sự kế tiếp và là kết quả đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế kéo dài hàng thế kỉ. Từ giữa thế kỉ 19, khi mới ra đời phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ nghĩa xã hội mới chỉ được coi như một ”bóng ma ám ảnh châu Âu”. Phải trải qua hơn nửa thế kỉ đấu tranh, tích lũy và chuẩn bị (chuẩn bị lí luận cách mạng, chuẩn bị tổ chức và lực lượng cách mạng, diễn tập qua Công xã Pari 1871 và cách mạng dân chủ tư sản Nga 1905-1907,…) đến năm 1917, chủ nghĩa xã hội mới thắng lợi đầu tiên ở một nước (Liên Xô). Phải trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ và hi sinh xương máu, phải đánh bại tất cả các cuộc tấn công của các lực lượng thù địch (tiêu biểu là cuộc bao vây, can thiệp quân sự của 14 nước tư bản những năm 1918-1920 và đặc biệt là cuộc tấn công xâm lược của phát xít Hitle những năm 1941-1945), mới bảo vệ được nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và tạo điều kiện cho chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước, trở thành hệ thống thế giới. Như thế, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là “con đẻ chủ yếu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế” và phong trào giải phóng dân tộc.

Từ giữa những năm 70 về trước, các Đảng Cộng sản cầm quyền không những là đội ngũ lớn nhất về số lượng, mà còn là đội ngũ có uy tín chính trị và ảnh hưởng cách mạng rất rộng lớn trên thế giới. Ở các nước XHCN, Đảng Cộng sản và công nhân đang lãnh đạo nhân dân xây dựng một thế giới mới, thế giới không còn chế độ người bóc lột người và mỗi dân tộc, mỗi cá nhân đều được tự do; các dân tộc bình đẳng; quan hệ dân tộc kiểu mới được hình thành. Các nước XHCN và Đảng Cộng sản đã góp phần quan trong vào việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới, bảo vệ vững chắc hòa bình thế giới, ủng hộ và giúp đỡ các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, góp phần cho hơn 100 quốc gia độc lập đã ra đời, làm thay đổi so sánh lực lượng trên thế giới, có lợi cho các lực lượng cách mạng và tiến bộ.

Ở khu vực thế giới không xã hội chủ nghĩa các Đảng Cộng sản và công nhân nhiều khi phải hoạt đông bí mật. Ở các nước này đã có hơn 40 triệu cử tri ủng hộ đường lối, chính sách của đảng, ủng hộ các ứng cử viên cộng sản trong các cuộc bầu cử cơ quan quyền lực trung ương và địa phương. Các Đảng Cộng sản và công nhân là người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh vì lợi ích của những người lao động, vì hòa bình, dân sinh và dân chủ.

Với 3,1 triệu đảng viên, 22 Đảng Cộng sản ở Tây Âu có vị trí tương đối vững chắc trong các tổ chức công đoàn và các tổ chức dân chủ khác, trở thành lực lượng chính trị lớn mạnh. Có nhiều đảng viên cộng sản tham gia nội các tư sản hoặc trở thành những nhà quản lí ở một số địa phương (như ở Pháp, Italia…).

26 Đảng Cộng sản ở khu vực Mỹ latinh và vùng Caribê (gồm khoảng trên 900 nghìn đảng viên) đã và đang lãnh đạo nhân dân nước mình chống chế độ độc tài, đòi độc lập dân tộc, ủng hộ cách mạng Cuba. Ở đây, nhiều đảng phái hoạt động bí mật, bất hợp pháp trong điều kiện cực kì khó khăn.

Ở châu Á và châu Phi có khoảng hơn 500 nghìn đảng viên.Các Đảng Cộng sản, công nhân và lao động ở đây đã và đang lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi xóa bỏ mọi hình thức của chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, củng cố độc lập về chính trị, đòi chủ quyền về kinh tế. Một số đảng công khai đấu tranh đòi phát triển đất nước theo con đường không tư bản chủ nghĩa.

Phong trào cộng sản quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều vấn đề mới cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế soạn thảo đường lối, chính sách, lí luận và thực tiễn, quan hệ giữa các đảng v.v…

Trong giai đoạn thứ nhất (1945 đến nửa đầu những năm 70) phong trào cộng sản quốc tế có một tổ chức quốc tế của mình là Quốc tế Cộng sản, nhưng nó tự giải tán vào năm 1943 và sau thắng lợi chống phát xít năm 1945, tổ chức này không được phục hồi. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các Đảng Cộng sản đều phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, trưởng thành qua nhiều thử thách, song không có một tổ chức quốc tế. Trong khi đó, các phong trào chính trị khác được lập ra hay khôi phục tổ chức của mình. Năm 1951, các Đảng Xã hội, Đảng Xã hội – dân chủ…phục hồi tổ chức quốc tế của mình tuyên bố thành lập Quốc tế xã hội chủ nghĩa và tổ chức này tồn tại đến ngày nay với khoảng hơn 100 đảng đang hoạt động trên khắp 5 châu.

Như vậy, phong trào cộng sản quốc tế chuyển từ một tổ chức quốc tế tập trung thống nhất cao, có kỉ luật chặt chẽ nghiêm ngặt trước đây sang một phong trào chính trị quốc tế của các Đảng Cộng sàn tương đối độc lập, tự chủ, quan hệ với nhau bằng tình đoàn kết giai cấp có tính quốc tế, với những nguyên tắc tư tưởng và chiến lược chung. Từ năm 1947 đến 1956, hình thức trao đổi kinh nghiệm và thống nhất các hoạt động của một số Đảng Cộng sản (chủ yếu là châu Âu) là Hội nghị thông tin của các đại biểu các đảng này, gọi tắt là Cục Thông tin quốc tế (Cục Thông tin cộng sản). Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các Đảng Cộng sản và công nhân đã tổ chức được nhiều Hội nghị quốc tế để trao đổi ý kiến, thảo luận, đánh giá các vấn đề lớn của thời đại như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, phong trào độc lập dân tộc, phong trào công nhân quốc tế và đề ra phương hướng, nhiêm vụ của phong trào, của các đảng ở các khu vực, những vấn đề lí luân, chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản quốc tế. Đó là các hội nghị quốc tế của các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới những năm 1957, 1960 và 1969 ở Moskva với sự tham gia của đa số các Đảng Cộng sản trên thế giới, sau đó là hội nghị các Đảng Cộng sản châu Âu năm 1976.

Trong 50 năm qua, bên cạnh thành tựu to lớn, phong trào cộng sản quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn và trải qua những thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng. Ở giai đoạn này, sự phát triển vượt bậc, sự thống nhất là dòng chính của phong trào cộng sản quốc tế; song cũng chính ở giai đoạn này đã nảy sinh những rạn nứt, những bất đồng quan điểm, chính kiến về những vấn đề quốc tế, và đường lối chiến lược, sách lược của các Đảng Cộng sản.

Cuối những năm 40, sự bất đồng diễn ra bắt đầu từ Đảng Cộng sản Liên Xô và Nam Tư, để rồi Đảng Cộng sản Nam Tư bị khai trừ ra khỏi Cục Thông tin vào tháng 2/1948. Vào cuối những năm 50 và những năm 60, những mâu thuẫn, bất đồng về đường lối, chiến lược, sách lược trong nội bộ phong trào cộng sản càng gay gắt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự xuất hiện chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, chủ nghĩa xét lại trong Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô (lúc đó do N.Khrusov đứng đầu) và chủ nghĩa cơ hội tả khuynh ở một số đảng khác. Đáng chú ý là mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc – hai đảng cầm quyền ở hai nước XHCN lớn nhất – dần dần trở thành mâu thuẫn giữa hai nước với nhau. Chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại tác động tiêu cực đến sự thống nhất, đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế lúc đó làm cho hàng ngũ các Đảng Cộng sản bị chia rẽ, phân biệt.

Sự lạc hậu về lí luận và đường lối chiến lược, sách lược thiếu căn cứ khoa học xác đáng đã dẫn đến việc sự nghiệp cách mạng của nhiều Đảng Cộng sản trong giai đoạn này bị tổn thất lớn, hoặc gặp nhiều khó khăn. Đó là khủng hoảng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hungaria (1956), ở Ba Lan (1956, 1970-1971), ở Tiệp Khắc (1968), ở Trung Quốc trong thời “đại nhảy vọt” và “Cách mạng văn hóa vô sản” (1959-1976) thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa cộng sản đầu những năm 60 của Khrusov và những cuộc cải cách từ 1965 đến 1969 của Kosygin ở Liên Xô. Đó là thất bại nặng nề của phong trào cộng sản ở nhiều nước Đông Nam Á giữa những năm 60, trong đó có Đảng Cộng sản Indonesia với hơn 3 triệu đảng viên, có cơ sở quần chúng rộng rãi và vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Một số Đảng Cộng sản không còn vai trò trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc (như Angeria) v.v…

Giai đoạn thứ hai của phong trào cộng sản quốc tế được bắt đầu từ giữa năm 1970 đến đầu năm 1991. Ở giai đoạn này, phong trào cộng sản lâm vào khủng hoảng và suy thoái, và như nhiều người đứng đầu các Đảng Cộng sản nhận định, cuộc khủng hoảng đã lên đến “đỉnh của vòng xoáy trôn ốc”. Khủng hoảng ở ngay bộ phận nòng cốt của phong trào cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô, chủ nghĩa xã hội bị thoái trào, các Đảng Cộng sản và công nhân bị mất chính quyền, chuyển sang vị trí đối lập. Một số đảng bị cấm hoạt động, các cán bộ đảng viên bị truy bức về chính trị và tinh thần. Nội bộ nhiều đảng có mâu thuẫn, phân liệt, một bộ phận những người cộng sản từ bỏ bản sắc cộng sản, từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa, chuyển sang lập trường xã hội dân chủ hoặc thỏa hiệp với các thế lực thù địch.

Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiều đảng cầm quyền ở châu Âu lâm vào tình trạng bảo thủ giáo điều. Các quan niệm lí luận và tư tưởng của họ bị “lạc hậu, bất cập” và “thiếu hụt” trước những đòi hỏi mới của cuộc sống, xa rời học thuyết Marx – Lenin. Theo Lenin, chủ nghĩa xã hội không thể xây dựng “từ trên trời xuống” bằng các sắc lệnh của bộ máy nhà nước, mà là sự nghiệp sáng tạo sinh động của đông đảo quần chúng nhân dân. Đảng Cộng sản và nhà nước phải tổng hợp và truyền bá những kinh nghiệm tiên tiến do quần chúng đúc kết qua hoạt động kinh tế và tự quản. Chỉ bằng cách ấy mới có thể đạt thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội…Rất tiếc, sau khi Lenin mất, NEP bị bãi bỏ, kinh nghiệm hoạt động kinh tế độc lập, tự quản của người lao động được thay thế bằng bộ máy hành chính quan liêu. Chủ nghĩa xã hội từ cuối năm 1929 được xây dựng theo mệnh lệnh “từ trên xuống” theo quan niệm của Stalin về chủ nghĩa xã hội. Kết quả là chủ nghĩa quan liêu Xô viết ngày càng tăng cường. Khuyết tật đó làm biến dạng, thoái hóa, biến chất bản chất nhân đạo, dân chủ của chủ nghĩa xã hội (được thiết lập từ tháng 11/1917). Những quan điểm sai lầm đó dẫn đến thảm họa tập thể hóa cưỡng bức, khủng bố hàng loạt những người có chính kiến khác, áp đặt các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bằng các sắc lệnh…Tất cả việc làm đó đã ngăn cản tiềm năng của chế độ mới, làm mất lòng tin của nhân dân và CNXH. Những người kế tục Stalin và Khrusov, Brêgiơnép đều không có gì mới về nguyên tắc trong lí luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lí luận và đường lối xây dựng “chủ nghĩa xã hội phát triển” do các Đảng Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu tiến hành trong những năm 70, 80 thực tế bị thất bại. Các nước này bỏ lỡ cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, mà rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng, thua kém các nước tư bản về nhiều mặt. Hungaria, Tiệp Khắc, Liên Xô bị trì trệ, còn Ba Lan ngay từ đầu năm 1980 lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tư tưởng cải cách có hệ thống và thận trọng đã lóe sáng trong thời Anđrôpốp ở Liên Xô, song lại vụt tắt. Đến Đại hội 27 Đảng Cộng sản Liên Xô (1986) và các Đại hội các Đảng Cộng sản các nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian này thực tế vẫn chưa nhận thức đầy đủ và tất yếu phải đổi mới, cải cách, đã thông qua cương lĩnh hoàn thiện chủ nghĩa xã hội phát triển, chiến lược đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000 với mục tiêu đuổi kịp và vượt các nước tư bản tiên tiến.

Sự nhận thức về đổi mới được diễn ra chậm chạp và đầy khó khăn. Tại Hội nghị Trung ương tháng 1/1987, Đảng Cộng sản Liên Xô mới chính thức tuyên bố đường lối cải tổ thay thế cho đường lối “tăng tốc”. Hungaria, Ba Lan cũng tuyên bố tiến hành cải cách trong thời gian này. Tuy nhiên, các ban lãnh đạo của nhiều nước XHCN như: Romania, Albany, CHDCND Triều Tiên, Cuba, Cộng hòa dân chủ Đức trong thời gian những năm 80 đều bác bỏ mọi tư tưởng cải cách đổi mới. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Bungaria và Tiệp Khắc trên lời nói hứa hẹn cải cách, nhưng không tiến hành một biện pháp nghiêm túc cụ thể nào. Sự chậm trễ này đã dẫn tới sự sụp đổ về kinh tế, sự bất ổn về chính trị xã hội của chủ nghĩa xã hội thế giới và cuối cùng là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự tan rã của các Đảng Cộng sản cầm quyền ở Albany, Bungaria, Romania, Nam Tư, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungaria, Liên Xô và Mông Cổ trong những năm 1989-1991.

Từ giữa những năm 70, nhiều Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa (Pháp, Italia, Anh, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Phần Lan, Nhật Bản, Mexico, Australia…) đã thấy rõ những hạn chế của mô hình “chủ nghĩa xã hội Xô viết và tuyên bố đi theo đường lối chủ nghĩa cộng sản châu Âu”. Các đảng theo quan niệm ”chủ nghĩa cộng sản châu Âu” cho rằng CNXH có nhiều mô hình khác nhau ở những nước khác nhau. Nền tảng của chủ nghĩa cộng sản châu Âu” là chủ nghĩa đa nguyên: đa nguyên chính trị, đa nguyên kinh tế, tư tưởng… tức là các đảng có vị trí như nhau, có thể thay nhau cầm quyền theo sự phán quyết của cử tri v.v… Tất cả các đảng này đều phê phán chủ nghĩa Marx – Lenin, chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ trương xây dựng “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, bác bỏ con đường bạo lực cách mạng, thông qua con đường nghị trường cải biến ”dân chủ” chế độ tư bản chủ nghĩa (tức con đường thứ ba). Các đảng theo ”chủ nghĩa cộng sản châu Âu” cùng với hàng chục Đảng Cộng sản khác (khoảng 60 đảng) không những từ bỏ ”chuyên chính vô sản”, từ bỏ ”cách mạng bạo lực”, mà còn thực hiện liên minh chính trị rộng rãi, thỏa hiệp với cả phái tả và các đảng tư sản. “Chủ nghĩa cộng sản châu Âu” không đi vào được cuộc sống, một số đảng đi theo xu hướng này lâm vào khủng hoảng. Đến cuối thập niên 70, ”chủ nghĩa cộng sản châu Âu” đã mất hết ảnh hưởng của nó.

Cùng với những khó khăn và thất bại của các Đảng Cộng sản ở các nước Liên Xô và Đông Âu, nhiều Đảng Cộng sản ở các khu vực khác trên thế giới cũng gặp khó khăn trầm trọng.

Trong những năm cuối của thập niên 1970, các đảng cách mạng Marxist đã thi hành đường lối cách mạng bạo lực thành công, giành chính quyền ở một loạt nước Á – Phi – Mỹ Latinh như: Afghanistan, Nam Yemen, Campuchia, Ethiopia, Angola, Mozambique, Nicaragoa v.v…Nhưng ngay sau đó họ bị thất bại trong việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, quản lí và xây dựng chế độ mới. Hầu như tất cả các nước này sau một thời gian ngắn lại rơi vào cuộc nội chiến triền miên, các cơ sở kinh tế, chính trị – xã hội bi sụp đổ. Nhiều nước theo định hướng XHCN trước đây, do không thu được kết quả mong muốn, đã từ bỏ đường lối cũ của mình. Nhiều nước bắt đầu tìm kiếm giải pháp chính trị, đàm phán hòa bình, chấm dứt nội chiến, khôi phục và cải cách nền kinh tế.

Phong trào cộig sản ở Mỹ Latinh trong thập niên 80 có vai trò lớn trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài, góp phần lật đổ các chế độ phản động, thiết lập chế độ dân chủ, trở lại hoạt động hợp pháp, công khai, có vai trò đáng kể trong đời sống chính trị của đất nước như Brazil, Argentina, Urugoay, Paragoay, Chile, v.v… Trong lúc đó, các Đảng Cộng sản ở vùng Đông Nam Á bị đàn áp khốc liệt từ những năm 60, phải hoạt động bí mật, số lượng giảm sút, nội bộ chia rẽ. Các đảng này không còn vai trò đáng kể trong sinh hoạt chính trị của đất nước mình.

Tình hình phong trào cộng sản ở vùng Nam Á diễn biến phức tạp. Các Đảng Cộng sản ở Ấn Độ bị phân liệt và chia rẽ, ít thống nhất trong hoạt động, vì một đảng ủng hộ Đảng Quốc đại và một đảng khác – Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist lại đứng trên lập trường đấu tranh giai cấp triệt để. Có một lực lượng đảng viên hơn 60 vạn người, có lúc giành thắng lợi và nắm chính quyền ở 3 bang, song những người cộng sản Ấn Độ chưa có vị trí xứng đáng trong nền chính trị quốc gia.

Các Đảng Cộng sản ở khu vực Ả Rập hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Phần lớn bị cấm hoạt động, bị đàn áp khốc liệt, có số lượng nhỏ bé và ít ảnh hưởng trong quần chúng.

Nhìn chung, phong trào cộng sản trong giai đoạn này suy thoái, khủng hoảng, nhất là ở châu Âu. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự chậm tổng kết lí luận và thực tiễn, giáo điều trong việc áp dụng kinh nghiệm và vận dụng lí luận, chậm đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng.

Nhưng sự khủng hoảng và suy thoái của phong trào cộng sản trong giai đoạn này còn bắt nguồn từ sai lầm đã nảy sinh từ những năm 1930-1950, đó là độc quyền chân lí, sự áp đặt đường lối và phương pháp từ một đảng lớn, sự tranh giành quyền lãnh đạo trong phong trào cộng sản và trong các nước XHCN, chủ nghĩa dân tộc nước lớn v.v.. Nghiêm trọng hơn, các Đảng Cộng sản cầm quyền đã dùng vũ trang để giải quyết mâu thuẫn, như xung đột biên giới Xô-Trung (1969), Trung – Việt (1979). Điều đó dẫn đến sự phân hóa sâu sắc và khủng hoảng nghiêm trọng trong phong trào cộng sản quốc tế.

Ban lãnh đạo một số đảng đã phạm sai lầm trong việc thống nhất tư tưởng và hành động của giai cấp công nhân. Với lập trường “tả khuynh biệt phái mới”, họ đã từ chối việc liên minh, hợp tác với những chính đảng và các trào lưu chính trị khác. Từ độc quyền chân lí, độc quyền lãnh đạo, họ coi những đảng không ăn cánh với mình là cơ hội, xét lại, là “đội quân ngầm” của kẻ thù giai cấp. Do vậy, trong một thời gian dài đã đẩy các đảng ấy sang trận tuyến chống cộng sản, hoặc trở thành lực lượng trung lập trong cuộc đấu tranh giai cấp.

Bên cạnh đó cũng còn phải kể đến sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Do thiếu nhạy cảm với cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, không thích ứng kịp với những thành tựu của khoa học – kĩ thuật mới, ban lãnh đạo một số đảng chậm đề ra chiến lược phát triển khoa học – công nghệ, làm sản xuất trì trệ, mức sống của nhân dân giảm sút. Vì thế đã tạo ra một khoảng cách lớn về kinh tế, về mức sống giữa các nước của hai hệ thống xã hội đối lập.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, Đảng Cộng sản không chuyển hướng kịp thời chính sách trước sự thay đổi về kết cấu giai cấp và xã hội do sự tác động của cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại. Khi các ngành kinh tế cổ truyền bị đảo lộn, cơ sở xã hội của đảng bị xói mòn, các đảng này vẫn chưa xây dựng được cương lĩnh mới nhằm thích ứng với tình hình mới.

Một số đảng ở các nước đang phát triển chưa có chương trình hành động, đối phó kịp thời trước sự chuyển hướng chiến lược của chủ nghĩa đế quốc ở khu vực và những biến đổi của tình hình quốc tế. Điều đó làm cho các đảng ở đây lúng túng trong đường lối của mình.

V. Cục Thông tin quốc tế

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế, của các Đảng Cộng sản mở rộng hơn nhiều so với thời kì trước chiến tranh: lãnh đạo công cuộc xây dựng chính quyền mới, công cuộc giải phóng dân tộc, lãnh đạo cuộc đấu tranh cho hoà bình, cho dân chủ, dân sinh và tiến bộ xã hội; nhiều vấn đề mới của thực tiễn cách mạng được đặt ra trước mắt những người cộng sản.

Vấn đề phối hợp hành động giữa các Đảng Cộng sản trên thế giới, vấn đề trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các Đảng Cộng sản là điều đặc biệt cần thiết trong tình hình cao trào cách mạng và tinh hình thế giới diễn biến phức tạp sau chiến tranh, vì sau khi Quốc tế cộng sản giải tán (1943), phong trào cộng sản lại không có một tổ chức quốc tế nào để thống nhất hành động, trong khi đó quan hệ giữa các đảng có biểu hiện giảm sút, những cuộc tiếp xúc trực tiếp gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, để đoàn kết những người cộng sản trên thế giới trong một sách lược, chiến lược cách mạng thống nhất, phong trào cộng sản quốc tế cần có những hình thức liên hệ mới trong điều kiện đã thay đổi.

Tháng 9/1947, theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Liên Xô, tại Warsaw đã họp Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản Liên Xô, Bungaria, Hungaria, Ba Lan, Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp và Italia. Hội nghị đã nghe thông báo về hoạt động của các đảng, nghe bản báo cáo nhan đề ”thế giới sau chiến tranh” của Danov, trưởng đoàn đại biểu Liên Xô và thông qua bản tuyên bố, trong đó phân tích tình hình thế giới, đánh giá so sánh lực lượng trên thế giới và xác định những nhiệm vụ cơ bản của các Đảng Cộng sản là nhằm đoàn kết tất cả các lực lượng dân chủ và yêu nước để chống lại chủ nghĩa đế quốc trên cơ sở một cương lĩnh chung đòi dân sinh, dân chủ. Hội nghị quyết định thành lập cơ quan thông tin của các Đảng Cộng sản và công nhân (Kominform, thường gọi là Cục Thông tin quốc tế) với nhiệm vụ tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hành động giữa các đảng một cách tự nguyện. Để trao đổi thông tin và liên lạc, Hội nghị đã xuất bản tạp chí “Vì một nền hòa bình thực sự, vì một nền dân chủ nhân dân”. Hội nghị cũng quyết định sẽ tiến hành những cuộc họp thường kì của các đảng tham gia Cục Thông tin quốc tế.

Việc thành lập Cục Thông tin quốc tế và quá trình hoạt động của nó trên những mức độ nào đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản quốc tế, góp phần tác động đến sự trưởng thành về chính trị – tư tưởng và tổ chức của các Đảng Cộng sản xúc tiến việc phối hợp chung trong đường lối chiến lược, sách lược của phong trào cộng sản quốc tế trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, Hội nghị Warsaw cũng chưa đánh giá đầy đủ vai trò, tác dụng của cao trào giải phóng dân tộc ở Á – Phi – Mỹ Latinh. Và cũng từ Hội nghị này, phong trào cộng sản quốc tế đã biểu lộ những rạn nứt, bất đồng về quan điểm.

Ngay trong Hội nghị Warsaw, đoàn đại biểu Nam Tư đã không nhất trí với nhận định: thế giới chia làm hai phe (như báo cáo của Đanốp nêu) và cho rằng, nêu lên nhận định như thế sẽ làm cho tình hình thế giới thêm căng thẳng, dẫn đến xung đột giữa hai khối Đông và Tây. Đến Hội nghị của Cục Thông tin (11/1949 ở Hungaria) lại nhận định phe xã hội chủ nghĩa mạnh hơn phe đế quốc chủ nghĩa. Riêng Nam Tư cho rằng nhận định như thế là quá tả, vì rằng lúc ấy chủ nghĩa đế quốc còn rất mạnh.

Trong những năm 1947-1948, Nam Tư không chấp nhận sự can thiệp vào nội bộ Nam Tư của Liên Xô. Về xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Nam Tư đã không công nhận đường lối tập thể hóa nông nghiệp. Nam Tư đã chọn cho mình con đường riêng – “con đường Nam Tư” trong việc xây dựng CNXH.

Sự bất đồng quan điểm này đã dẫn đến việc Liên Xô triệu tập Cục Thông tin quốc tế và tuyên truyền khai trừ Đảng Cộng sản Nam Tư ra khỏi cơ quan này vào 26/1/1948. Đến 1949, Cộng hòa XHCN Nam Tư cũng bị khai trừ khỏi phe xã hội chủ nghĩa. Từ đây, phong trào cộng sản quốc tế diễn ra sự phân liệt.

Cục Thông tin quốc tế không phải là cơ quan lãnh đạo, nhưng đã phạm sai lầm, như áp đặt tư tưởng và đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với các đảng khác. Thậm chí đã sử dụng biểu quyết đa số để thi hành kỉ luật đối với một đảng, khi đảng ây chống đối ý kiến của người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô (như trường hợp Nam Tư). Điều ấy đã làm phương hại đến sự thống nhất của phong trào cộng sản quốc tế.

Đến nửa sau những năm 50, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi, nhiệm vụ mới đang đặt ra trước các Đảng Cộng sản, nhưng hình thức liên lạc dưới dạng Cục Thông tin quốc tế đã không đảm bảo được việc giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của phong trào cộng sản quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải có hình thức liên hệ quốc tế rộng lớn hơn.

Tháng 4/1956, Cục Thông tin của các Đảng Cộng sản và công nhân đã thông qua nghị quyết về việc ngừng hoạt động của tổ chức này.

Sau khi Cục Thông tin quốc tế chấm dứt hoạt động, trong những năm 1956 – 1958 đã phát triển những hình thức trao đổi, liên hệ mới – những cuộc hội đàm tay đôi, những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và công nhân, việc các đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và công nhân đi tham dự đại hội của các đảng anh em – nhằm thảo luận những vấn đề có liên quan đến các đảng, những vấn đề chung của phong trào cách mạng thế giới. Trong cuối năm 1956 và 1957, tại Moskva đã diễn ra các cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô với các đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ các nước XHCN châu Âu, châu Á như Liên Xô – Ba Lan (11/1956), Liên Xô – Romania (12/1956), Liên Xô – Cộng hòa dân chủ Đức (1/1957), Xô – Trung (1/1957) v.v…

VI. Hội nghị của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế (1957,1960 và 1969)

1. Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân 1957 tại Moskva

Vào cuối những năm 50, phong trào cách mạng thế giới có những bước phát triển mới, nhưng đồng thời lại xuất hiện những diễn biến phức tạp: trong khi phong trào giải phóng dân tộc phát triển như vũ bão thì phong trào công nhân lại tạm thời lắng xuống ở các nước tư bản phát triển và đặc biệt, trong những năm 1956 -1957, ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã xảy ra một loạt những cuộc khủng hoảng chính trị với những sai lầm trong đường lối cải tạo XHCN và xây dựng cơ sở vật chất của CNXH. Những sai lầm này đã tạo điều kiện cho kẻ thù lợi dụng chống lại CNXH, mà tiêu biểu là cuộc bạo động ở Hungaria năm 1956.

Lợi dụng các nghị quyết của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô về việc xóa bỏ hậu quả của tệ sùng bái cá nhân để phá hoại sự thống nhất của các Đảng Cộng sản và công nhân, ở một số Đảng Cộng sản, bọn xét lại hữu khuynh cũng ra sức hoạt động, lợi dụng việc chống sùng bái cá nhân để bôi nhọ tất cả những thành quả của việc xây dựng XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đòi xét lại nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin. Như thế, nhiều vấn đề quan trọng đang đặt ra trước phong trào cộng sản quốc tế trong khi. Cục Thông tin quốc tế – cơ quan tiếp xúc duy nhất giữa các Đảng Cộng sản và công nhân, đã chấm dứt hoạt động từ tháng 4/1956.

Trong tình hình ấy, Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế (họp tháng l1/1957 tại Moskva có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố phong trào cộng sản quốc tế. Trước tiên, đại biểu của 12 Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN đã họp riêng và nhất trí với bản Tuyên bố Moskva năm 1957 (trừ Nam Tư). Sau đó đại biểu của 65 Đảng Cộng sản và công nhân họp và ra bản Tuyên bố hòa bình gửi nhân dân toàn thế giới.

Hội nghị năm 1957 đã thảo luận tình hình thế giới và đưa ra nhiều nhận định quan trọng về lí luận, đường lối chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản quốc tế.

Hội nghị cho rằng vấn đề nóng hổi của tình hình chính trị thế giới là vấn đề chiến tranh và hòa bình, rằng cùng tồn tại hòa bình là nguyên tắc căn bản của nền chính trị thế giới. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước tiên của các Đảng Cộng sản là đấu tranh cho hòa bình.

Hội nghị thừa nhận sự đa dạng các hình thức quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, khả năng thực hiện cách mạng XHCN bằng con đường hòa bình và giành chính quyền không cần nội chiến. Hội nghị nhấn mạnh những quy luật cơ bản của cách mạng XHCN (9 quy luật) trên cơ sở kinh nghiệm của cách mạng Nga, song cũng kêu gọi các đảng cầm quyền phải áp dụng những kinh nghiệm đó sao cho phù hợp với những điều kiện dân tộc – quốc gia riêng của họ, đồng thời chống các biểu hiện cực đoan, coi thường hay thổi phồng những điều kiện đó.

Hội nghị ra Tuyên ngôn hòa bình kêu gọi các Đảng Cộng sản, các lực lượng dân chủ, tiến bộ hợp tác với các nước XHCN trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và CNXH, khẳng định sự trung thành với chủ nghĩa Marx – Lenin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, lên án những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại trong một số Đảng Cộng sản ở một số nước.

Tuy trong Tuyên bố Moskva năm 1957 đã có sự thỏa hiệp (trước hết là giữa các Đảng Cộng sản lớn), nhưng những bất đồng về đường lối giữa một số đảng vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.

Sự bất đồng, mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Nam Tư bắt đầu từ cuối những năm 40. Khi Khrusov lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay Stalin, ông muốn trở lại quan hệ bình thường với Nam Tư, vì thế, Nam Tư đến tham dự Hội nghị 1957 ở Moskva (mặc dù trước đó 9 năm Đảng Cộng sản Nam Tư bị khai trừ ra khỏi Cục Thông tin quốc tế). Khi đứng ở vị trí cao của cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Khrusov đề ra đường lối mới trong xây dựng CNXH, ông phát hiện ra những sai lầm trước đó trong công cuộc xây dựng CNXH, tệ sùng bái cá nhân, sự thiếu dân chủ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội v.v… Trong đối ngoại, ông chủ trương hoà hoãn với Nam Tư và tìm sự ủng hộ của Trung Quốc.

Từ Hội nghị Ialta (2/1945), Mao Trạch Đông vốn đã bất đồng với Liên Xô trên nhiều mặt. Mao Trạch Đông chống lại Liên Xô và không tán thành việc đi theo đường lối của Liên Xô, ông chủ trương dựa vào Mỹ để tiến.

Nhưng lúc đó xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mà Trung Quốc không thể đứng ngoài, vì thế mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt, sau đó mâu thuẫn này dần dần dịu đi. Trong bối cảnh đó, Khrusov chủ trương nếu Trung Quốc ủng hộ Liên Xô thì Liên Xô sẽ phổ biến vũ khí nguyên tử cho Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc – Liên Xô về cơ bản tốt đẹp lên. Năm l950, Mao Trạch Đông đi thăm Moskva và hiệp ước Xô-Trung được kí kết ngày l4/2/1950. Ngay sau khi Stalin mất, việc Khrusov đi thăm Trung Quốc (10/1954) và kí kết trả lại các công ty hỗn hợp Xô –Trung cho Trung Quốc (12/10/1954) – các công ty này được thành lập những năm 1950-1951, cho thấy mối bang giao giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất ngày càng tốt đẹp lên.

Tháng 10 và tháng 11/1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tán thành thái độ của Liên Xô đối với sự kiện 1956 ở Hungaria. Tháng 11/1956, Mao Trạch Đông và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tới dự Hội nghị các Đảng Cộng sản ở Moskva năm 1957.

Kết quả của mối quan hệ tốt đẹp này là một bản tuyên bố giữa các Đảng Cộng sản đã được đưa ra. Mặc dù bản tuyên bố còn nhiều điểm thỏa hiệp, nhưng dẫu sao đây cũng là sự thống nhất của phong trào cộng sản trong bối cảnh thế giới đầy phức tạp.

Sau hội nghị Moskva (1957), quan hệ Xô-Trung lại dần dần trở nên nguội lạnh. Biểu hiện trước hết là thái độ khác nhau đối với Mỹ. Tuy kí vào văn kiện của Hội nghị Moskva, nhưng Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ mùa xuân năm 1960 bắt đầu tuyên bố không đồng tình với đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế do Hội nghị Moskva năm 1957 đề ra.

Còn đại biểu của “Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư” không kí vào văn kiện và Tuyên bố của Hội nghị 1957 và đưa ra đường lối riêng của mình. Đoàn đại biểu Nam Tư cho rằng việc phân chia thế giới thành hai phe là giả tạo và sự chia cắt Đức và Triều Tiên là kết quả của quan điểm đó; rằng mỗi nước đều có đường lối của mình, không nhất thiết phải rập khuôn theo Liên Xô; và Nam Tư đã đề ra đường lối của mình (mà thời kỳ đó người ta gọi là “chủ nghĩa cộng sản quốc gia”). Trong đường lối của mình, trước hết Nam Tư cho rằng tập thể hóa nông nghiệp là tự hủy diệt nền nông nghiệp của mình, việc quản lí doanh nghiệp giao cho công đoàn, trong công nghiệp hóa không nhất thiết phải phát triển công nghiệp nặng, cứ hợp tác với Mỹ trong khi vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải xây dựng một nền dân chủ XHCN và pháp chế xã hội chủ nghĩa theo đúng nghĩa của nó.

Quan điểm này là biểu hiện của sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế.

Theo Nghị quyết của Hội nghị Moskva năm 1957, tháng 9/1958, tạp chí ”Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội” đã ra số đầu tiên, được xuất bản bằng 34 thứ tiếng và phát hành ở 145 nước trên thế giới. Tạp chí đã đóng góp vào việc xây dựng lí luận Marx – Lenin để đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản, vào việc trao đổi kinh nghiệm giữa những người cộng sản và công nhân trên cơ sở chủ nghĩa Marx-Lenin.

2. Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân (tháng 11/1960) tại Moskva

Chỉ ba năm sau Hội nghị Moskva năm 1957, đã có nhiều biến đổi quan trọng diễn ra trên thế giới và trong phong trào cộng sản quốc tế. Cách mạng Cuba thắng lợi (1959) đưa Cuba gia nhập phe XHCN, làm cho hệ thống XHCN mở rộng sang cả Tây bán cầu. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, nhiều quốc gia non trẻ giành được độc lập dân tộc ở những mức độ khác nhau, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tan rã từng mảng lớn. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân sau một số năm tạm lắng nay lại bùng nên mạnh mẽ.

Các lực lượng đế quốc tăng cường tấn công vào cách mạng. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, họ thực hiện ”chiến lược diễn biến hòa bình”; còn đối với Cuba và Việt Nam thì bao vây, khiêu khích hoặc xâm lược và thực hiện chủ nghĩa thực dân trá hình ở khu vực Á – Phi – Mỹ Latinh.

Các lực lượng phản động ở nhiều nước đã mở cuộc tiến công vào các Đảng Cộng sản. Năm 1959, Đảng Cộng sản Argentina bị cấm hoạt động. Năm 1960Đảng Cộng sản Marốc cũng bị cấm. Những người cộng sản bị đàn áp khốc liệt ở Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Liên bang Đức, Italia, Hi Lạp, Iran, Jordan, Iraq, Paragoay, Argentina, Xu đăng… Trong tình hình như thế, những thế lực cơ hội, xét lại đang nắm quyền ở một số Đảng Cộng sản lại đưa ra đường lối ”chung sống hòa bình”, thỏa hiệp giai cấp vô nguyên tắc và trong phong trào cộng sản quốc tế lại xuất hiện một trào lưu mới hết sức nguy hại – chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa biệt phái.

Trong bối cảnh lịch sử này, Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân họp ở Moskva vào tháng 11/1960. Đây là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay của phong trào cộng sản quốc tế.

Hội nghị Moskva năm 1960 đã khẳng định và kế thừa những nội dung cơ bản của bản Tuyên bố năm 1957, phát triển và bổ sung thêm một số luận điểm quan trọng.

Hội nghị đã phân tích tình hình quốc tế và những vấn đề cơ bản của thế giới, đưa ra khái niệm về “thời đại hiện nay”, xác định nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản và công nhân là bảo vệ và củng cố hòa bình ngăn chặn bọn đế quốc hiếu chiến phát động chiến tranh thế giới mới, tăng cường đoàn kết phong trào cộng sản đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Trong bản Tuyên bố Moskva năm 1960, Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế tuy gạt bỏ những quan điểm “tả khuynh cực đoan” của Mao Trạch Đông về ”chủ nghĩa đế quốc là con hổ giấy”, về khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh thế giới mới để lật đổ hoàn toàn chủ nghĩa đế quốc, về mâu thuẫn chủ yếu của thế giới là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc v.v…, nhưng nhìn chung vẫn chưa có những đánh giá khoa học và khách quan về thời đại và thế giới.

Trong văn kiện này có nhiều luận điểm mâu thuẫn nhau, thể hiện sự chắp vá, nhân nhượng về quan điểm giữa các đảng tham dự Hội nghị. Đối với một số người, trong văn kiện này có nhiều luận điểm của chủ nghĩa xét lại, và một số người khác lại cho rằng có nhiều luận điểm giáo điều, tả khuynh.

Chính vì vậy, Hội nghị Moskva năm 1960 thực tế không thống nhất được về tư tưởng, lí luận và chiến lược hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế. Từ năm 1960 đến 1969 là thời kì đầy phức tạp của phong trào công nhân. Những bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ phong trào công nhân quốc tế, đặc biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc (sau hai Hội nghị năm 1957 và 1960), không dịu đi mà ngày càng trầm trọng, công khai. Những cuộc tranh luận gay gắt và bất đồng giữa hai đảng này xoay quanh các vấn đề lí luận, đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế đã dân đến sư phân liệt thực sự của phong trào cộng sản thành hai phái. Hai đảng lớn, hai nước lớn tranh nhau vì vị trí trung tâm cách mạng, công kích lẫn nhau: đảng nào cũng muốn nắm độc quyền chân lí và tranh nhau vai trò lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế. Sự phân liệt và sự tập hợp lực lựợng của hai đảng lớn này ngày càng trở nên ráo riết, công khai. Một số Đảng Cộng sản ở một số nước cũng bị chia rẽ về tổ chức thành hai đảng theo hai khuynh hướng nói trên.

Mâu thuẫn giữa hai Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đã nảy nở từ 1945, được dịu bớt đi vào những năm 50. Nhưng từ sau Hội nghị Moskva (1957), mối quan hệ giữa hai đảng trở nên xấu đi.

Mâu thuẫn Xô -Trung ngày càng căng thẳng, đã dẫn tới xung đột biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc vào tháng 4 và tháng 5/1962. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3/1963, “Nhân dân nhật báo” Bắc Kinh công bố 4 bài báo chỉ trích Khrusov. Ngày 15/6/1963, Đại sứ Trung Quốc ở Moskva trao cho cho lãnh đạo Liên Xô một bức thư 25 điểm nêu tất cả những vấn đề là Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối không nhân nhượng đối với Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong bức thư có đoạn nói rằng: “Không có đảng cấp trên, không có quốc gia cấp trên trong phe xã hội chủ nghĩa”. Từ mâu thuẫn giữa hai đảng đã chuyển sang mâu thuẫn giữa hai nhà nước. Từ những bài báo luận chiến đã chuyển sang xung đột bằng vũ lực. Đỉnh điểm bất hòa giữa hai đảng là cuộc xung đột đổ máu giữa hai nước Xô – Trung mùa xuân 1969 và từ đó hai bên đã coi nhau như thù địch.

3. Hội nghị dại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân năm 1969 tại Moskva

Sau Hội nghị Moskva năm 1960, hoạt động lí luận và thực tiễn của các Đảng Cộng sản và công nhân được tăng cường hơn trước. Tuy nhiên, trong phong trào cộng sản quốc tế, trên những vấn đề cơ bản của cách mạng thế giới trong thời đại hiện nay vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc và vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người theo chủ nghĩa Marx – Lenin với những người theo chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều biệt phái. Mâu thuẫn và bất đồng trầm trong nhất là giữa hai đảng, hai nhà nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa (như đã trình bày ở trên). Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố ”những kiến nghị về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế” trong đó thể hiện những quan điểm không tán thành với Tuyên bố Moskva năm 1957 và 1960 về những vấn đề quốc tế và thời đại (trung tâm cách mạng thế giới đã chuyển sang châu Á, và Trung Quốc mới xứng đáng là đội tiên phong của phong trào cộng sản thế giới; không phải hệ thống XHCN là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người mà cuộc đấu tranh giải phóng của các nước Á – Phi- Mỹ Latinh mới là lực lượng quyết định quá trình cách mạng thế giới; chiến tranh thế giới tất yếu sẽ xảy ra và là con đường để thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc thế giới; hình thức đấu tranh vũ trang là hình thức duy nhất cách mạng và phải phát động cả ở các nước có phong trào giải phóng dân tộc cũng như các nước tư bản chủ nghĩa v.v…). Những quan điểm “tả” của Trung Quốc đã gây nên những tổn thất cho cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới, như sự tổn thất nặng nề của cách mạng Indonesia và Đảng Cộng sản Indonesia năm 1965, sự tàn phá của cuộc “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc trong những năm l966-1969, sự tha hóa biến chất của một số Đảng Cộng sản ở Đông Nam Á v.v…

Ở Đông Âu, các Đảng Cộng sản cầm quyền tuy giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn tiếp tục phạm những sai lầm thiếu xót trong đường lối, gây nên sự bất ổn về chính trị ở trong nước (như trường hợp ở Tiệp Khắc năm 1968).

Trong bối cảnh đó, Hội nghị quốc tế lần thứ ba của 75 Đảng Cộng sản và công nhân đã diễn ra ở Moskva vào mùa hè 1969 để đề ra đường lối, củng cố sự thống nhất phong trào cộng sản quốc tế và các lực lượng chống đế quốc. Hơn l0 Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc, không tham gia hội nghị. Do tập trung cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không có mặt ở Hội nghị này.

Hội nghị Moskva thông qua văn kiện: “Những nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn hiện tại và sự thống nhất hành động của các Đảng Cộng sản, công nhân và tất cả các lực lương chống đế quốc”. Văn kiện đã phân tích tình hình thế giới, những đặc điểm nổi bật trong sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc thế giới, chiến lược và sách lược của chúng, và nhận định trong hiện nay chủ nghĩa đế quốc vẫn là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân thế giới. Vì vậy, cần phải đoàn kết tất cả các lực lượng của phong trào cộng sản và chống đế quốc.

Văn kiện tổng kết của Hội nghị nhận định rằng: ”Loài người đã bước vào một phần ba cuối cùng của thế kỉ này trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh lịch sử giữa các lực lượng tiến bộ và phản động, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc diễn ra gay gắt. Vũ đài của cuộc đấu tranh ấy là toàn thế giới, trên tất cả các lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội – kinh tế, chính trị, hệ tư tưởng, văn hóa”. Văn kiện chỉ rõ hiện nay đã có những điều kiện thực tế để giải quyết những vấn đề quan trong nhất của thời đại vì lợi ích của hòa bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Hội nghị nhận định rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là lực lượng quyết định của phong trào chống đế quốc toàn thế giới. Cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống đối lập tùy thuộc những thành tựu và sự đoàn kết của hệ thống XHCN thế giới. Phương hưóng chính trong việc đoàn kết hệ thống XHCN là quán triệt trong cuộc sống những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Do vậy, vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội là nghĩa vụ quốc tế của những người cộng sản.

Hội nghị nhận định rằng trong các nước tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân là động lực chính của cuộc đấu tranh cách mạng, của toàn bộ phong trào dân chủ và chống đế quốc. Đồng thời, các Đảng Cộng sản ở khu vực này cần chú ý đến những khả năng cách mạng to lớn của giai cấp nông dân lao động, giới trí thức tiến bộ, thanh niên và đề ra những biện pháp thu hút các lực lượng ấy tham gia cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.

Hội nghị cũng đánh giá vai trò ngày càng tăng của phong trào chống đế quốc của các dân tộc Á – Phi – Mỹ latinh trong quá trình cách mạng thế giới.

Hội nghị đã ra ”Lời kêu gọi nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Lenin”, trong đó nhấn mạnh sự trung thành với chủ nghĩa Marx – Lenin là nền tảng mọi thắng lợi của phong trào cộng sản. Hội nghị Moskva năm 1969 cũng phê phán đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp tục kế thừa và phát triển nhiều luận điểm của hai hội nghị trước đây về thời đại, về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, phong trào giải phóng dân tộc, về sự thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới ngày càng có lợi cho phía các lực lượng cộng sản, cách mạng và tiến bộ, đề ra đường lối chung: các Đảng Cộng sản thống nhất hành động với mọi lực lượng tiến công mạnh mẽ hơn chống chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động và chiến tranh. Hội nghị thừa nhận có những bất đồng sâu sắc trong nội bộ phong trào cộng sản quốc tế, song hi vọng rằng sự bất đồng này được khắc phục bằng con đường hợp tác, thảo luận, trao đổi ý kiến và thống nhất hành động chống chủ nghĩa đế quốc trên diễn đàn quốc tế.

Từ những năm 1970 trở về sau, nhiều Đảng Cộng sản trưởng thành hơn và đã tự giải quyết các vấn đề tư tưởng, lí luận, đường lối chiến lược, sách lược hoạt động của mình. Vì vậy, thời kì các hội nghị quốc tế các đảng như trước cũng không còn nữa. Dựa trên các văn kiện hội nghị quốc tế những năm 1957, 1960 và 1969, gần 50 đảng trong giai đoạn này đã thông qua cương lĩnh mới hoặc sửa đổi cương lĩnh, điều chỉnh chiến lược và sách lược hoạt động của mình. Đầu những năm 60, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa đề ra và thực hiện chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản phát triển thống nhất các lực lượng dân chủ rộng rãi chống chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, chống chạy đua vũ trang hạt nhân, vì hòa bình, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường cách mạng hay con đường đấu tranh nghị viện.

Các Đảng Cộng sản ở khu vực Á, Phi, Mỹ Latinh xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của mình là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chế độ độc tài củng cố độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân dưới các hình thức, phát triển đất nước theo con đường dân chủ, tiến bộ theo định hướng phi tư bản chủ nghĩa.

Trong những năm 60 và 70, phong trào cộng sản quốc tế ngày càng phát triển đa dạng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trước những biến đổi không ngừng của điều kiện thực tế. Chính sự không chú ý đầy đủ đến sự khác biệt và đa dạng, sự thiếu thông cảm, hiểu biết lẫn nhau là một nguyên nhân khách quan chủ yếu của những bất đồng trong quan điểm, lí luận của phong trào cộng sản quốc tế. Để khắc phục những bất đồng, điều quan trọng không phải chỉ là ”đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại”, ”kiên trì bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx – Lenin chống những luận điểm, nguyên tắc kinh viện chỉ dừng lại ở trình độ lí luận, tư tưởng những năm 1950-1960 và trước đó mà còn phải chống cả chủ nghĩa giáo điều ”thâm căn cố đế và phát triển liên tục, sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, đổi mới toàn diện hoạt động của các Đảng Cộng sản cho ngang tầm và phù hợp với những đòi hỏi và biến đổi của thực tế cuộc sống trong từng quốc gia, từng dân tộc, từng thời kỳ cụ thể.

VII. Quốc tế Xã hội chủ nghĩa

Quốc tế Xã hội chủ nghĩa (Socialist lnternational, viết tắt là SJ) là một tổ chức quốc tế tập hợp các Đảng Xã hội – dân chủ, các Đảng Xã hội chủ nghĩa và các Đảng Công nhân (hoặc Công đảng) đang hoạt động ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa và một số nước khác trên thế giới. Tổ chức này được thành lập tại Đại hội lần thứ nhất họp ở thành phố Frankfurt trên sông Maine (CHLB Đức) từ ngày 30/6 đến 3/7/-1951. Đến nay, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã tiến hành được 18 đại hội. Đại hội gần đây nhất là Đại hội lần thứ 18 tại Xtôckhôm (Thụy Điển) từ ngày 20 đến 22/6/1989. Cơ quan ngôn luận chính thức của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa là Bản tin xuất bản bằng tiếng Anh – ”Socialist Affairs” (Những vấn đề Xã hội chủ nghĩa).

Quốc tế Xã hội chủ nghĩa là hiện thân của trào lưu xã hội – dân chủ hiện đại, tự mình khẳng định sẽ phấn đấu cho những giá trị truyền thống của mình và cố gắng đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại ngày nay.

Trong Đại hội thành lập của mình, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã ra bản tuyên bố có tính chất cương lĩnh với nhan đề ”Về mục tiêu và nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội dân chủ”, trong đó định hình rõ khái niệm ”chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Ở đây, các thành viên của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa muốn thay thế khái niệm ”chủ nghĩa cải lương xã hội” trước đó, và muốn đề cao vấn đề ”dân chủ” trong mọi mặt của đời sống xã hội, mà trước hết là dân chủ về xã hội. Các đảng trong Quốc tế này dự định thực hiện ”bằng biện pháp dân chủ” trong tất cả các lĩnh vực của đời sống để cải cách chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội.

Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã không ngừng phát triển về số lượng và tổ chức của mình. Năm 1976, Quốc tế có 66 đảng và các tổ chức thành viên. Đến năm 1986, số lượng các đảng và tổ chức thành viên là 82. Số lượng đảng viên của tất cả các đảng thuộc trào lưu xã hội – dân chủ năm 1972 gồm 14,4 triệu, năm 1983 là 20 triệu và năm 1986 là 16 triệu. Qua các cuộc bầu cử vào nghị viện, các Đảng Xã hội – dân chủ thu được số phiếu bầu đáng kể của cử tri, chứng tỏ khả năng nhất định về mặt vận động và thu hút quần chúng của họ: năm 1976, họ thu được 80 triệu cử tri; năm 1983, là 210 triệu và năm 1986 là 100 triệu cử tri.

Ngoài các đảng là thành viên hoạt động ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa còn lập ra một hệ thống các tổ chức như: Hội quốc tế của những người xã hội trẻ, Phụ nữ quốc tế xã hội, Quốc tế thể thao công nhân, Hội quốc tế nhà giáo dân chủ – xã hội, Tổ chức xã hội chủ nghĩa châu Á – Thái Bình Dương, Hội liên hiệp sinh viên quốc tế xã hội chủ nghĩa, Liên đoàn công nhân Do Thái quốc tế, v.v…

Tháng 4/1974, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã thành lập một tổ chức mới lấy tên là ”Liên minh các Đảng Xã hội – dân chủ thuộc Cộng đồng châu Âu”. Tổ chức này bao gồm các đảng có đại biểu tham gia nghi viện của Cộng đồng châu Âu. Đảng đoàn xã hội – dân chủ là đảng đoàn lớn nhất trong 8 đảng đoàn của nghị viện đó, với 131 đại biểu trong tổng số 434 đại biểu Đảng đoàn xã hội – dân chủ tham gia hoạt động trong tất cả 18 ủy ban của nghị viện Cộng đồng châu Âu, nhằm thực hiện ba mục tiêu:

– Cố tạo ra sự đồng nhất của châu Âu để đối chọi lại với các nước xã hội chủ nghĩa.
– Tăng cường vai trò của các nước Tây Âu trên vũ đài quốc tế để đối chọi lại với Mỹ.
– Chủ trương cùng nhau giải quyết các vấn đề hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh chung của các nước trong Cộng đồng châu Âu.

Để tăng cường hoạt động trên bình diện châu Âu, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa còn lập ra các tổ chức khác như: Đảng Nhân dân châu Âu (EVP), Liên minh Dân chủ châu Âu (EDU), Những người dân chủ tự do châu Âu (ELD)… Ngoài ra, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa còn thành lập các ủy ban như: năm 1977, Ủy ban Nam Phi do Olof Palme, Phí chủ tịch Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đứng đầu. Năm 1982, Uỷ ban chính sách kinh tế do V.Brandt, Chủ tịch Quốc tế Xã hội chủ nghĩa trực tiếp phụ trách. Một số ủy ban khác cũng được thành lập, như ủy ban các vấn đề Trung Cận Đông do Kraiski, Phó chủ tịch Quốc tế Xã hội chủ nghĩa phụ trách; Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển do G.H Brulen, nữ Thủ tướng và là Chủ tịch Đảng Công nhân Na Uy lãnh đạo; Ủy ban bảo vệ Nicaragoa, v.v.. cũng được thành trong thời gian gần đây.

Tại Đại hội 13 của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa (họp tại Geneve năm 1976), ban lãnh đạo của Quốc tế này đã được kiện toàn với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Brandt là Chủ tịch danh dự Đảng Xã hội-dân chủ ở CHLB Đức đã được bầu làm Chủ tịch Quốc tế Xã hội chủ nghĩa lần thứ hai trong cương vị này và liên tiếp được tín nhiệm cho đến nay. Ngoài ra, Đại hội đã bầu ra 14 phó chủ tịch, trong đó có 7 người đại diện cho các đảng ở châu Âu. Ban lãnh đạo đó gồm những người vừa đại diện cho các Đảng Xã hội dân chủ tiêu biểu, vừa giữ những chức vụ cao trong chính quyền ở các nước đó. Đạc biệt là những người có tên tuổi như Brandt, Mitterrand, Olof Palme, B. Kraiski…

Quốc tế Xã hội chủ nghĩa cố gắng thích nghi với những biến đổi trên thế giới, đã thay đổi cương lĩnh trước đây và đề ra cương lĩnh mới cho giai đoạn hiện nay

Trong những năm gần đây, trước sự biến động của tình hình thế giới, các Đảng Xã hội – dân chủ muốn đề ra một cương lĩnh mới thay thế cho cương lĩnh 1951. Những người xã hội – dân chủ thường nói đến khái niệm “thời đại Brandt”, có nghĩa rằng, từ khi Willy Brandt trở thành Chủ tịch mới của Quốc tế năm l976, đã mở ra ”một thời kì mới”, có nhiều thay đổi tiến bộ trong hoạt động của trào lưu xã hội – dân chủ hiện đại. Tất nhiên, ngoài Brandt, còn có cả một thế hệ những nhà lãnh đạo mới đều là những nhân vật có đầu óc thực tế có khả năng tự thẩm định đường lối trước đây của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa và đánh giá sát sự biến đổi của thế giới ngày nay.

Cương lĩnh Frankfurt 1951 của Quốc tế là cương lĩnh của thời kì “chiến tranh lạnh”. Nó chủ trương ”đa nguyên thế giới quan và đoạn tuyệt với thế giới quan khoa học của giai cấp công nhân. Công khai thừa nhận và đề cao chế độ dân chủ đại nghị tư sản và từ bỏ yêu sách giai cấp công nhân giành chính quyền, từ bỏ những truyền thống cũ của xã hội – dân chủ trong những thập niên trước đây, cương lĩnh đó thấm đầy tinh thần “chống cộng” và chống chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đại hội 13 của Quốc tế ở Giơnevơ năm 1976 đã bắt đầu đề cập đến yêu cầu thay đổi cương lĩnh cho phù hơp với tình hình thế giới đã thay đổi. Nhiều đại hội của Quốc tế trong thập niên 80 tiếp tục thảo luận và dự thảo cương lĩnh. Chủ tịch Brandt nhận định rằng: ”Một hoàn cảnh khác trong nền chính trị thế giới và những vấn đề toàn cầu mới như cuộc xung đột Bắc – Nam, việc chạy đua hạt nhân, các vấn đề về trật tự kinh tế thế giới, tình trạng quyền con người ngày càng bị dồn nén và đe dọa…đòi hỏi ở Quốc tế Xã hội chủ nghĩa một năng lực chính trị mới, nếu nó thực sự muốn tồn tại trên thế giới”.

Sau một thời gian chuẩn bị. Cương lĩnh mới của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã được công bố ở Đại hội 18. Đại hội này họp ở Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 6/1989, nhân kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Quốc tế II (1889-1989). Bản ”Tuyên ngôn về những nguyên tắc” của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, với ý nghĩa là một Cương lĩnh mới đã chỉ đạo hoạt động của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa từ đó cho đến hết thế kỉ 20 và chuẩn bị bước sang thế kỉ 21, đã gây tiếng vang trên thế giới.

So với Tuyên bố Frankfurt 1951, trong Tuyên bố Stockholm 1989 có những thay đổi đáng kể về quan niệm tư duy và định hướng hoạt động của mình. Nhiều nhận định về thế giới ngày nay đã được đưa ra như: tính chất phụ thuộc lẫn nhau với các nước trên hành tinh, những tác động to lớn của cuộc các mạng khoa học – công nghệ; những khả năng mới đem lại cho con người và đồng thời sự tiềm ẩn những thảm họa; những mâu thuẫn giữa những nước nghèo và nước giàu, giữa những nước đang phát triển và phát triển; mâu thuẫn giữa các nước phương Đông và phương Tây và mâu thuận giữa “khu vực Bắc” và ”khu vực Nam”. Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đặc biệt nhấn mạnh đến những giá trị chung của loài người như: hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng, nhân đạo, đoàn kết…

Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã cố gắng đề ra những kiến giải và biện pháp cụ thể về nhiều vấn đề như: xây dựng trật tự kinh tế và chính trị thế giới mới, đẩy mạnh quá trình hòa dịu, đối thoại và giải trừ quân bị, bảo vệ hòa bình và tránh thảm họa hạt nhân; việc bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề nợ nần giữa các nước trên thế giới; nhấn mạnh sự hợp tác và nỗ lực quốc tế chung để kiếm soát và giải quyết các vấn đề chung của thế giới hiện đại.

Bản Tuyên ngôn có tính cương lĩnh đó cũng nêu lên những tham vọng của ”chủ nghĩa xã hội dân chủ” nhằm mục tiêu ”đạt được một thiết chế quốc tế có thế tăng cường những giá trị cơ bản, sử dụng những bảo đảm của các quyền công dân và quyền con người trong một xã hội dân chủ”. Tuyên ngôn nhấn mạnh tính đa nguyên trong quan niệm và tổ chức của những người xã hội – dân chủ. Họ kêu gọi thực hiện con đường dân chủ hóa và tự do hóa ở các nước xã hội chủ nghĩa, thực chất là tuyên truyền cho thuyết đa nguyên chính trị mà họ chủ trương, nhằm dẫn đến sư hội tụ thế giới quan, hội tụ quan điểm giữa hai trào lưu.

Quốc tế Xã hội chủ nghĩa cố gắng đáp ứng những vấn đề xã hội và những vấn đề toàn cầu

Các Đảng Xã hội – dân chủ, nhất là những đảng nắm chính quyền trong các nước tư bản, có những chính sách đáp ứng những lợi ích nhất định của người lao động, đặc biệt họ đã đạt được những tiến bộ xã hội trong mấy thập niên gần đây. Họ nhạy cảm với tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, cả những yếu tố tích cực và tiêu cực tới đời sống kinh tế – xã hội. Họ đưa ra những chính sách như tăng lương cho công nhân; giảm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp; nâng cao trợ cấp hưu trí, giảm giờ lao động trong tuần, tăng thời gian nghỉ ngơi hàng năm cho người lao động v.v… và đòi các giới kinh doanh phải thực hiện những chính sách có lợi cho người lao động. Nhiều Đảng Xã hội – dân chủ cầm quyền như ở Thụy Điển, Áo, CHLB Đức đã có những chỉnh sách hạn chế tư bản độc quyền, đòi chủ tư bản nhân đạo hóa lao động, hoàn thiên cơ chế quản lí kinh tế thị trường và tăng các chính sách xã hội, đáp ứng phần nào đòi hỏi chính đáng của người lao động. ”Liên minh các Đảng Xã hội – dân chủ trong Cộng đồng châu Âu” gốm 13 Đảng Xã hội – dân chủ, với 4 triệu đảng viên, trong những năm qua đã tăng cường hoạt động theo hướng trên.

Về đường lối quốc tế, các đảng thuộc Quốc tế Xã hội chủ nghĩa ủng hộ việc giữ gìn hòa bình thế giới và tán thành mục tiêu xóa bỏ nguy cơ “chiến tranh lạnh”, chống chạy đua vũ trang, bày tỏ quan điểm thực hiện chính sách hòa dịu. Họ có những sáng kiến tác động tích cực đến các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Liên Xô, để thực hiện quá trình hòa dịu quốc tế.

Họ rút ra những kết luận cần thiết về cuộc khủng hoảng rộng lớn của xã hội công nghiệp đã gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền văn minh nhân loại. Từ Đại hội 1976, Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã đề cập đến tình trạng môi trường bị suy thoái, cảnh đói nghèo và nợ nần trên thế giới và đề ra chủ trương thực hiện ”ba cuộc tiến công”: cuộc tiến công vì hòa bình; cuộc tiến công vì quan hệ Bắc – Nam, và cuộc tiến công vì các quyền con người.

Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã có chủ trương cải thiện rõ rệt. Họ khuyến khích các Đảng Xã hội – dân chủ tiếp xúc, đối thoại với các Đảng Cộng sản, công nhân dựa trên nguyên tắc của họ. Từ đó đến nay nhiều đại hội của các Đảng Xã hội – dân chủ (cũng như đại hội của các Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN) đã có đại biểu của hai bên tham dự. Đáng chú ý nhất là tại lễ kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười ở Moskva (11/1987) đã có 26 đoàn đại biểu các Đảng Xã hội – dân chủ tham dự. Nói chung, trên vấn đề bảo vệ hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế ngày nay, lập trường của những người Xã hội – dân chủ rất gắn với lập trường của những người cộng sản. Đó là nhân tố tạo cơ sở xích lại gần nhau giữa hai trào lưu chính của phong trào công nhân quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên vẫn còn không ít những khó khăn và những bất đồng cơ bản tồn tại giữa trào lưu xã hội – dân chủ và những người cộng sản. Từ nhiều phía khác nhau, người ta đã phê phán và đi đến phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học, phủ nhận chủ nghĩa Marx – Lenin. Những người xã hội – dân chủ cánh hữu đã lợi dụng tình hình khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa để lên án và mưu toan loại bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực, phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học và khẳng định ”con đường thứ ba” của họ là đúng đắn.

Cương lĩnh mới của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa thể hiện những toan tính, mong muốn các nước xã hội chủ nghĩa cải tổ theo quan điểm của họ, tức là đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội – dân chủ (về thực chất đó là con đường phục hồi chủ nghĩa tư bản). Họ khuyến khích thành lập các Đảng Xã hội – dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa. Trong Hội nghị ở Cairo (5/1990), ban lãnh đạo Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã công nhận một số Đảng Xã hội – dân chủ mới thành lập ở các nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Bungaria…là thành viên chính thức, đồng thời họ “vui mừng” trước những biến đổi ở Đông Âu và Trung Âu. Họ tích cực tham gia vào các cuộc vận động bầu cử thời gian qua ở các nước xã hội chủ nghĩa và nhiệt thành ủng hộ các Đảng Xã hội- dân chủ ở các nước này tranh thủ quần chúng và nhanh chóng trở thành lực lượng đối lập với các Đảng Cộng sản và công nhân. Đối với các nước đang phát triển, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa thay đổi chiến lược, tích cực tạo mọi điều kiện để thâm nhập vào các nước Á, Phi, Mỹ Latinh. Vấn đề “thế giới thứ ba” đang trở thành đề tài mà Quốc tế quan tâm trong các đại hội gần đây. Ngày 4 và 5-3-1970, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã thành lập Văn phòng Liên lạc với châu Á, châu Đại Dương, và chọn Xingapo là trụ sở đặt văn phòng đó. Từ 1972, Văn phòng này đổi tên thành Tổ chức Xã hội chủ nghĩa châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Socialist Organisation, viết tắt là APSO). Thành viên của APSO khu vực này gồm các Đảng Xã hội – dân chủ các nước Australia, Israel, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc. Từ 1/3/1979, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa lập một Ban thư kí khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặt trụ sở thường trực ở Tôkiô làm chức năng Văn phòng liên lạc. Hội nghị lần thứ nhất của Tổ chức Xã hội chủ nghĩa châu Á – Thái Bình Dương họp 2/1991 tại Xitnây đã đề ra phương hướng tăng cường hoạt động hơn nữa của các Đảng Xã hội – dân chủ tại đây và bầu B. Rowling, đại biểu New Zealand làm Chủ tịch.

Tháng 2/1981, 9 đoàn đại biểu chính thức và 6 đoàn đại biểu là quan sát viên các nước châu Phi đã họp hội nghị ở Tunisia để thành lập Quốc tế Xã hội chủ nghĩa châu Phi. Đại biểu Senegal (L.S Senghor) được bầu làm Chủ tịch, đại biểu Tunisia (Mungi AI. Kooli) được cử làm Tổng thư kí của tổ chức Quốc tế Xã hội chủ nghĩa châu Phi.

Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã phối hợp với Đảng Hành động dân chủ ở Venezuela tổ chức Hội nghị Caracat vào tháng 5/1976. Tham dự Hội nghị có 30 đoàn đại biểu các Đảng Xã hội – dân chủ ở 30 nước ( bao gồm các đoàn đại biểu Đảng Xã hội – dân chủ ở châu Âu và 12 đảng thuộc xu hướng xã hội – dân chủ ở Mỹ Latinh). Qua hội nghị này, Quốc tế Xã hội chủ nghĩa mong muốn bắn một mũi tên trúng hai đích”: một – nhằm gạt bỏ ảnh hưởng của Đảng Cộng sản ở khu vực này để họ có thể dần dần thay thế, hai – nhằm cộng tác với các chính đảng tư sản có điều kiện trở thành những đảng nắm chính quyền ở đây để thu hút họ vào trào lưu xã hội – dân chủ.

VIII. Những nét chung về phong trào cộng sản quốc tế sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu

Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, một thời kỳ mới của phong trào cộng sản quốc tế đã đến với nhiều thử thách, khó khăn và thời cơ thuận lợi mới.

Triển vọng và tương lai của phong trào cộng sản trong những năm tới tùy thuộc vào quá trình ”phục sinh”, đổi mới của các Đảng Cộng sản đang diễn ra hiện nay.

Tình hình, xu hướng và quá trình phát triển của phong trào cộng sản quốc tế của các Đảng Cộng sản sau năm 1991 đến nay rất đa dạng, phức tạp, đan xen giữa những hiện tượng tiêu cực và tích cực, không đồng đều cả về thời gian, quy mô và mức độ.

l. Phong trào cộng sản và cánh tả ở Liên Xô cũ và Đông Âu bước đầu phục hồi

Những biến động trong thời kì 1989-1991 ở Liên Xô và Đông đã giáng một đòn nặng nề và làm tổn thất lớn đến phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế: các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước Đông Âu cũ hoàn toàn mất hết quyền lực. Đảng Cộng sản các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ phần nhiều bị cấm, có đảng bị tuyên bố là phi pháp, có đảng bị đình chỉ hoạt động, có đảng trong nội bộ lại bất đồng nhau, phe phái nổi lên, số lượng đảng viên giảm mạnh, phiếu bầu giảm hẳn; có đảng chỉ tồn tại trên danh nghĩa… Có thể nói rằng, toàn bộ phong trào cộng sản ở khu vực này đã rơi xuống vực sâu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mấy năm gần đây, những người cộng sản kiên trì đấu tranh làm cho phong trào cộng sản bắt đầu bước vào thời kì phục hồi.

Phong trào cộng sản cánh tả ở Liên Xô 

Trong con mắt của giai cấp tư sản phương Tây, các Đảng Cộng sản đã tan rã. Nhưng ở khu vực Liên Xô cũ, mặc dù chủ nghĩa xã hội đã bị thất bại, lí tưởng cộng sản, lí tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa bị phai mờ, mà đang dần dần được phục hồi trên mảnh đất này. Điều đó được biểu hiện ở những điểm sau đây:

Thứ nhất, các Đảng Cộng sản đã khôi phục được địa vị hợp pháp và giành được những thành tích rất lớn trong đấu tranh nghị viện, như những đảng viên Đảng Cộng sản Nga với khi phách dũng cảm đã khởi tố “lệnh cấm Đảng Cộng sản” của Tổng thống, làm cho Đảng Cộng sản Liên bang Nga bị đình chỉ hoạt động nửa năm, lại khôi phục được địa vị hợp pháp vào tháng 2/1993. Tháng 8/1991, tại Belarus, Đảng của những người cộng sản Belarus được thành lập. Đảng thành lập Mặt trận cánh tả và Đoàn thanh niên cộng sản Đảng đấu tranh đòi bãi bỏ lệnh cấm Đảng Cộng sản và buộc Quốc hội nước này phải bỏ lệnh này vào giữa năm 1993. Tại Ukraina, đến tháng 10/1993, những người cộng sản đã đấu tranh đạt được việc xóa bỏ lệnh cấm hoạt động của Đảng Cộng sản. Sau đó là Đảng Cộng sản Moldavia cũng khôi phục lại vị trí hợp pháp. Các Đảng đó đã tổng kết những nguyên nhân và bài học về việc Liên Xô bị tan rã, căn cứ vào tình hình của nước mình đã đề ra những nguyên tắc và mục tiêu của mình, định ra cương lĩnh mới, bầu người lãnh đạo mới và tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Trong thời gian không dài sau khi khôi phục lại được địa vị hợp pháp, Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã được xác lập và phát triển về tổ chức. Hiện nay đã có hơn 60 vạn đảng viên, hơn 2 vạn tổ chức cơ sở , trở thành chính đảng lớn ở Nga, ảnh hưởng của nó ngày càng tăng. Trong cuộc bầu cử nghị viện Nga vào tháng 1/1993, với tỉ lệ 12,35% số phiếu được bầu, Đảng đã giành được 65 ghế trong Đuma quốc gia và lại nổi lên trên diễn đàn chính trị. Đảng Cộng sản Ukraina với 14 vạn đảng viên, sau khi khôi phục lại được vị trí hợp pháp (10/1993), Đảng đã giành được 86 ghế (trong tống số 338 ghế nghị sĩ) trong cuộc bầu cử vào nghị viện mới của Ukraina vào tháng 3/1994, trở thành đảng đoàn nghị sĩ lớn nhất trong nghị viện. Đảng đã cùng với Đảng Xã hội và Đảng Nông dân lập thành Mặt trận thống nhất cánh tả, phản đối chính phủ cải cách kinh tế cấp tiến. Những người đồng minh cánh tả trong nghị viện đã cản trở kế hoạch tư hữu hóa của nhà nước và trong hàng loạt hoạt động chính trị đã tỏ rõ sức mạnh của mình.

Thứ hai, sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) bị cấm và bị tịch thu tài sản (vào 8/1991), có một số chính đảng và tổ chức mới lấy chủ nghĩa xã hội làm phương hướng xuất hiện và phát triển. Tại Armenia, Đại hội bất thường (8/1991) đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản. Song, một số đảng viên, đứng đầu là Bí thư thành ủy Yerevan –Badalian đã phục hồi Đảng Cộng sản Armenia. Đảng Cộng sản phục hồi là một trong 4 đảng lớn của đất nước. Trong Đại hội lần thứ 31 (8/1994), Đảng Cộng sản Armenia đã thông qua Cương lĩnh và Điều lệ, nêu rõ mục tiêu là củng cố nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, khôi phục chính quyền Xô viết, phục hồi Liên bang Xô viết trên cơ sở mới.

Ở Azerbaijan, Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán vào tháng 8/1991. Một số đảng viên cũ lập ra Đảng Xã hội chủ nghĩa và một số lực lượng khác khôi phục lại Đảng Cộng sản, khôi phục lại con đường xã hội chủ nghĩa và Liên bang Xô viết trên cơ sở mới. Đảng Cộng sản mới khôi phục có 60.000 đảng viên.

Tại Gruzia, phong trào cộng sản bị chia rẽ thành nhiều đảng .Vùng Abkhazia có Đảng Cộng sản riêng, tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ở Gruzia còn xuất hiện các đảng XHCN, Liên đoàn cộng sản. Gần đây các tổ chức cộng sản và xã hội chủ nghĩa hợp thành Đảng Cộng sản thống nhất Gruzia. Đảng này có 132.000 đảng viên, hoạt động ở 77 (trong số 86) khu vực của đất nước.

Ở vùng Baltic, phong trào cộng sản gặp nhiều khó khăn. Từ đầu 1990ở các nước này có hai Đảng Cộng sản: một theo lập trường của Đảng Cộng sản Liên Xô và một theo lập trường dân tộc chủ nghĩa. Các đảng theo lập trường của Đảng Cộng sản Liên Xô bị cấm hoạt động, còn những đảng theo lập trường dân tộc chủ nghĩa thì chuyển thành Đảng Xã hội – dân chủ.

Tại Belarus, Đảng Cộng sản Belarus đã chủ trương đưa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, phục hồi liên bang trên cơ sở mới.

Hiện nay chỉ riêng ở Nga đã có 7, 8 đảng hoặc tổ chức lấy chủ nghĩa xã hội làm phương hướng như: Đảng Công nhân cộng sản Nga (cuối 1991), có 60.000 đảng viên chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn; Đảng Cộng sản (b) Nga ra đời ở Leningrad từ Hội những người bảo vệ chủ nghĩa Lenin, khởi xướng cộng sản chủ nghĩa với hơn l0.000 đảng viên; đảng của những người cộng sản Nga, có 5000 đảng viên ở 46/89 khu vực của Liên bang Nga, chủ trương phục hồi chế độ XHCN và Nhà nước Liên Xô qua nhiều giai đoạn; Liên đoàn những người cộng sản với hơn 10.000 đảng viên có các quan điểm, chủ trương khôi phục lại Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô, Liên đoàn các Đảng Cộng sản – Đảng Cộng sản Liên Xô có mục tiêu khôi phục lại chủ nghĩa xã hội và Liên Xô cũ, Liên đoàn này đã tổ chức đại hôi XXX vào tháng 6/1995. Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã kiên trì đấu tranh chống chính quyền Enxin nhằm xóa lệnh cấm Đảng Cộng sản hoạt động. Đảng chủ trương đưa nước Nga đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, dần dần khôi phục Liên Xô trên cơ sở mới. Ngoài ra, ở Liên bang Nga còn có một số phong trào và đảng phái cánh tả xuất xứ từ Đảng Cộng sản Liên Xô, như Đảng Xã hội chủ nghĩa mang nhiều tính chất xã hội – dân chủ, Đảng Dân chủ Nga – đảng ủng hộ các cuộc cải cách triệt để.

Thứ ba, các Đảng Cộng sản hay các tổ chức cộng sản ở Nga và trên mảnh đất Liên Xô trước đây đều có nguyện vọng là hướng tới liên hiệp. Các tổ chức Đảng Cộng sản đó tuy rằng đều tuyên bố lấy CNXH làm mục tiêu, nhưng về cương lĩnh, đường lối, phương châm, chính sách và sách lược thì mỗi nơi một khác, thậm chí có sự khác nhau lớn. Họ tác chiến đơn độc, lực lượng phân tán ảnh hưởng tới việc giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong đấu tranh. Các tổ chức Đảng Cộng sản đều cảm thấy sâu sắc sự cần thiết phải liên hợp thành một Đảng Cộng sản thống nhất. Ngay từ tháng 8/1993, theo đề xướng của Đảng Công nhân cộng sản Nga tại Masalva đã tổ chức hội nghị các chính đảng và tổ chức có khuynh hướng cộng sản ở các khu vực thuộc Liên bang Nga, nhưng chưa thu được kết quả như dự kiến. Tháng 1/1994, 5 tổ chức Đảng Cộng sản ở Nga đã tổ chức thành Liên minh cộng sản Nga. Tháng 5/1994, ở ngoại ô Moskva đã tiến hành cuộc gặp mặt không công khai của đại biểu các Đảng Cộng sản ở các nước được thành lập trên lãnh thổ Liên Xô trước đây thông qua nghị quyết tăng cường sự nhất trí của những người cộng sản, đề ra mục tiêu chung của Đảng Cộng sản ở các nước trong lãnh thổ Liên Xô cũ là: “Vì nhân loại” và “phản đối chủ nghĩa tư bản ngóc đầu dậy, khôi phục con đường phát triển CNXH trong các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, ngăn chặn xung đột sắc tộc, khôi phục Liên Xô, xây dựng lại Đảng Cộng sản thống nhất của các nước cộng hòa theo sự khôi phục Liên Xô, làm cho nó liên hợp thành Đảng Cộng sản thống nhất”. Nguyện vọng và tiến trình hợp nhất này sẽ có lợi cho sự lớn mạnh của lực lượng Đảng Cộng sản ở khu vực Liên Xô cũ, giúp cho phong trào CNXH ở châu Âu thoát khỏi thoái trào.

Nếu như ở khu vực châu Âu thuộc Liên Xô cũ, các Đảng Cộng sản bắt đầu bước ra khỏi vực sâu thì ở khu vực châu Á cũng thuộc Liên Xô trước kia, trong thoái trào các Đảng Cộng sản lặng lẽ phục hưng và xây dựng lại.

Sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô (8/1991), ở một số nước cộng hoà Trung Á, các Đảng Cộng sản hoặc bị giải tán hoặc tiến hành đại hội, tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô, thay đổi tên đảng và cương lĩnh. Nhưng ở đây, ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa xã hội còn tương đối sâu đậm, các đảng viên cộng sản nhanh chóng chấn chỉnh lại, phục hưng và xây dựng lại tổ chức đảng của mình. Ở Uuzbekistan, Đảng Cộng sản (do Korimov cầm đầu) đổi tên thành Đảng Dân chủ nhân dân. Đảng này có 360 000 đảng viên cũ của Đảng Cộng sản Liên Xô, giữ nguyên vị trí cầm quyền.

Trong điều lệ và cương lĩnh của đảng không còn đề cập đến ”chuyên chính vô sản” và nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Tại Turkmenistan, Đảng Cộng sản cũ đổi tên là Đảng Dân chủ. Đảng này ở vị trí cầm quyền, tình hình chính trị, xã hội ở đây ổn định. Tuy vậy, ở đây vẫn có một lực lượng nhỏ muốn khôi phục lại Đảng Cộng sản. Tháng 9/1991, Đảng Cộng sản Tajikistan thông qua nghị quyết đổi tên Đảng Cộng sản thành Đảng Xã hội chủ nghĩa, nhưng đến tháng 1/1992, lại thông qua nghị quyết khôi phục lại tên gọi Đảng Cộng sản trước đây và tiếp tục giữ nguyên tính chất và mục tiêu của Đảng Cộng sản. Đây là Đảng Cộng sản duy nhất trong lãnh thổ Liên Xô cũ giữ tương đối nguyên vẹn tổ chức và kiên trì tính chất, mục tiêu trước đây; đảng này hiện có 7 vạn đảng viên và có ảnh hưởng nhất định trong sinh hoạt chính trị – kinh tế của đất nước.

Tại Kazakhstan, Tổng thống Nadabaep cấm Đảng Cộng sản hoạt động và tịch thu tài sản của Đảng. Môt số người lập ra Đảng Xã hội chủ nghĩa Kazakhstan gồm 60.000 đảng viên thuộc Đảng Cộng sản cũ. Đảng này có nhiều đảng viên nắm nhiều chức vụ chính quyền quan trọng, được coi là đảng cầm quyền. Tổng thống Kazakhstan không tham gia đảng phái nào. Ngoài Đảng XHCN cầm quyền ở Kazakhstan, những lực lượng cộng sản đã tập hợp lại khôi phụcc Đảng Cộng sản gồm 50 000 đảng viên. Đảng này từng 3 lần bị Bộ tư pháp Kazakhstan cự tuyệt ghi tên đăng kí. Nhưng Đảng Cộng sản Kazakhstan đã kiên trì đấu tranh, nên đến tháng 3/1994, đã được công nhận là một chính đảng hợp pháp và ảnh hưởng trong xã hội dần dần được mở rộng.

Tại Kyrgyzstan, Tổng thống và Chủ tịch Đảng Akaep, sau sự kiện 19/8/1991, đã tuyên bố nền độc lập của Kyrgyzstan và tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuối năm 1992, những người cộng sản ở đây đã phục hồi Đảng Cộng sản. Đảng mới này có khoảng 3-4 vạn đảng viên. Mục tiêu của Đảng là phục hồi chủ nghĩa xã hội và Liên bang Xô viết.

Phong trào cộng sản và cánh tả ở Đông Âu

Từ cuối 1989, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước XHCN Đông Âu đều thay đổi ban lãnh đạo, chiến lược, sách lược hoạt động; thay đổi cả đường lối, cương lĩnh và điều lệ. Một số đảng tuyên bố tự giải tán (ở Ba Lan, Albany, Romania), một số đảng thay đổi tên gọi (ở Bungaria, Hungaria, Đông Đức, Nam Tư). Duy nhất ở Tiệp Khắc, trong thời gian bầu sau khi mất chính quyền, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vẫn giữ nguyên tên gọi. Sau những biến đổi này, nhất là sau khi mất chính quyền, số lượng đảng viên còn đứng trên lập trường cộng sản trước đây còn lại không nhiều. Những người cộng sản này không đồng ý với bất kì thay đổi nào và giữ nguyên các lập trường, quan điểm cũ, tự tuyên bố tái lập lại các Đảng Cộng sản.

Như vậy, sau khi các Đảng Cộng sản trước đâyy ”thay tên đổi cờ ”, ở các nước Đông Âu xuất hiện một số Đảng Cộng sản và tổ chức lấy CNXH làm phương hướng tiến lên, như Liên đoàn những người Cộng sản Ba Lan với tên gọi ”vô sản”, Đảng Công nhân XHCN Hungaria. Đảng Cộng sản mới ở Nam Tư … Những chính đảng và tổ chức này với lực lượng nhỏ bé và phát triển rất chậm chạp, tác dụng trong xã hội còn hạn chế, hoặc không có ảnh hưởng gì. Nhiệm vụ đặt ra cho các chính đảng đó là làm thế nào vừa để kiên trì chủ nghĩa Marx và CNXH lại vừa tự phát triển nhanh chóng.

Từ cuối năm 1993, các chính đảng cánh tả (được xây dựng trên cơ sở các Đảng Cộng sản trước đây) như Đảng Xã hội – dân chủ Ba Lan, Đảng XHCN Bungaria, Đảng XHCN Hungaria, Đảng dân chủ cánh tả Slovakia v.v… đã bước đầu năm lại chính quyền ở Đông Đức, trong một cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 6/1994, Đảng Xã hội – dân chủ ở một số thành phố và địa phương quan trọng đã giành được l/3 số phiếu bầu, có mấy chục đảng viên đã giành được chức vụ ở địa phương. Tuy rằng họ nắm lại chính quyền, nhưng các Đảng Cộng sản và XHCN ở Đông Âu vẫn ở vào hoàn cảnh rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

2. Phong trào cộng sản ở Tây Âu

Sau sư sụp đổ của chế đô XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, hầu hết các Đảng Cộng sản ở Tây Âu đều có đại hội bất thường để định hướng lại tổ chức và hoạt động. Đa số các Đảng Cộng sản khẳng định trung thành với lí tưởng cộng sản và chủ nghĩa Marx, giữ nguyên bản sắc, tên gọi cũ của mình. Hầu hết các đảng đều điều chỉnh, thay đổi đường lối, mở rộng quan hệ quốc tế. Việc điều chỉnh đường lối phụ thuộc vào vị trí, năng lực, trình độ và truyền thống của các Đảng Cộng sản Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh v.v… có tư duy độc lập sáng tạo, đường lối thực tế, có truyền thống đấu tranh lâu dài, anh dũng. Do vậy, nhiều đảng trong số này có vai trò chính trị đáng kể trong nhiều thập niên trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Trước năm 1993, một số Đảng Cộng sản Tây Âu (và cả Cuba) cho rằng đổi mới của Việt Nam và cải cách của Trung Quốc là hữu khuynh, là từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Song gần đây cả Cuba và các Đảng Cộng sản ở khu vực này thay đổi đánh giá, ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành tựu đổi mới, cải cách của Việt Nam, Trung Quốc đã củng cố lòng tin của những người cộng sản trên thế giới và thúc đẩy họ điều chỉnh đường lối, chính sách…

Mấy năm gần đây, ảnh hưởng trong xã hội của các Đảng Cộng sản Tây Âu có phần được mở rộng, bước đầu ngăn chặn được tình trạng giảm sút số lượng đảng viên và phiếu bầu bị tụt. Trong tổng tuyển cử sau năm 1993, các đảng này đã giành được tỉ lệ ủng hộ cao hơn trước. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha vẫn giành được 9% ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1993. Đảng Cộng sản Tây Ban Nha đứng về phía lực lượng cánh tả, thể hiện và bảo vệ lợi ích của người lao động. Đảng Cộng sản Pháp, vào đầu những năm 90, uy tín và ảnh hưởng vẫn ở mức độ như cũ, khoảng 10% cử tri ủng hộ Đảng Cộng sản mới thành lập lại ở Italia, Đảng Lao động Thụy Sĩ v.v… cũng có uy tín cao hơn trước.

Nét đáng chú ý là các đảng đều thay đổi thế hệ lãnh đạo, những vị lãnh đạo lão thành có đức cao, danh vọng lớn như Marxxen – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp 22 năm liền, Cunhan – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, 31 năm ở cương vị lãnh đạo, đã rút về tuyến sau và một lớp cán bộ có đủ tài đức, trẻ trung, sung sức được đưa vào các cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng.

Mặt khác giữa các Đảng Cộng sản ở Tây Âu đã tăng cường liên hệ và trao đổi qua lại, xúc tiến đoàn kết và hợp tác. Từ khi Đông Âu biến động đến nay, một số Đảng Cộng sản ở Tây Âu đã nhiều lần tổ chức hội nghị gặp mặt, thông báo cho nhau tình hình của đảng mình và nước mình, trao đổi những kinh nghiệm đấu tranh trong mấy năm gần đây với nhau, nhấn mạnh từ nay về sau phải tăng cường hợp tác và đề nghị triệu tập hội nghị các Đảng Cộng sản châu Âu. Có thể nói rằng, phong trào XHCN của Tây Âu đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.

3. Phong trào cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại

Sự tác động của các sự kiện 1989-1991 ở Liên Xô và Đông Âu đối vớí các nước xã hội chủ nghĩa và các Đảng Cộng sản ở châu Á không nhiều bằng ở châu Âu. Trong các nước XHCN ở châu Á, ngoài việc Đảng Cộng sản Mông Cổ đã đổi tên, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước XHCN khác đều kiên quyết và thực hiện có hiệu quả việc chống lại chế độ đa đảng mà phương Tây hi vọng được thi hành rộng rãi. Các Đảng này kiên trì con đường phát triển chủ nghĩa xã hội, kiên trì kết hợp chủ nghĩa Marx với thực tiễn cụ thể của nước mình. Trên cơ sở tổng kết những bài học sâu sắc về sự thay đổi của Liên Xô và Đông Âu, mấy năm nay phong trào cộng sản và CNXH ở châu Á phát triển một cách lành mạnh.

Trong sự biến động to lớn ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bình tĩnh quan sát, ổn định đội hình, kịp thời đối phó, lãnh đạo nhân dân Trung Quốc kết hợp nguyên lí phổ biến của chủ nghĩa Marx với thực tiễn cụ thể của Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là tổng kết những kinh nghiệm mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội kể từ khi cải cách, mở cửa (1978) đến nay, kiên định con đường đi của mình, xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đã giành được những thành tựu to lớn làm mọi người phải chú ý, đang tỏ rõ cho thế giới ánh sáng hi vọng và con đường phục hưng của CNXH.

Những biến động lớn của Liên Xô và Đông Âu có tác động mạnh đối với Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế, làm cho Việt Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Từ cuối những năm 80, đặc biệt là vào đầu những năm 90, Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt đường lối chung, do Đại hội Đảng lần thứ VII (6/1991) đề ra, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì định hướng XHCN, kiên trì chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì chuyên chính vô sản, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, tiến hành ngăn chặn có hiệu quả đối với những thế lực mưu toan thực hiện “diễn biến hoà bình”. Vừa chống lại sức ép từ bên ngoài, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tiến hành ”mở cửa” và “đổi mới” có hiệu quả, đã thu được nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, những khó khăn gây trở ngại cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải đề ra những biện pháp có hiệu quả để giải quyết. Tóm lai, sự phát triển CNXH ở Việt Nam dù còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng có đường lối đúng, xu thế tốt và có tiền đồ.

Triều Tiên trên cơ sở tổng kết sự biến động mạnh mẽ của Liên Xô và Đông Âu để chống lại sức ép diễn biến hòa bình của phương Tây, kiên định giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên trì con đường XHCN. Trong lĩnh vực kinh tế, ở mức độ nhất định, Triều Tiên đã tiến hành cải cách, ”mở cửa” và thành lập khu mậu dịch tự do.

Ở Cuba, trong thời gian gần đây Đảng Cộng sản Cuba đã thay đổi một số quan điểm trước đây của mình về CNXH và xây dựng CNXH. Đảng Cộng sản Cuba, từ cuối năm 1994, đa chấp nhận tư tưởng cài cách kinh tế, bỏ “ngăn sông, cấm chợ”, kêu gọi đầu tư nước ngoài, chuyển đổi tự do tiền tệ…Song sự chậm trễ từ bỏ mô hình CNXH cũ đã làm cho tình hình kinh tế – xã hội ở Cuba còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Có thể nói rằng, phong trào cộng sản quốc tế từ sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ đã có nhiều dấu hiệu phục hồi và đang lấy lại phong độ trước đây trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những thất bại của các Đảng Cộng sản ở nhiều nước, nhất là những đảng cầm quyền ở Liên Xô và Đông Âu trước đây. Trừ những Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở các nước Trung Quốc, Việt Nam, CHDCND Triều Tiên, Cuba – đang đổi mới trong lãnh đạo, trưởng thành về nhiều mặt, còn các Đảng Cộng sản ở khu vực Liên Xô và Đông Âu đang dần dần phục hồi nhưng lực lượng còn nhỏ bé, để có được vai trò như xưa là còn cả một chặng đường dài. Ở khu vực này, phần nhiều Đảng Cộng sản cũ đã thay tên, đổi cờ, chuyển sang lập trường xã hội – dân chủ, nhưng trên mức độ nào đó còn có quan điểm gần với những người cộng sản và đứng trong liên minh cánh tả, nắm chính quyền thu được nhiều thắng lợi trong đấu tranh nghị viện, có nhiều cử tri (như trường hợp của Ba Lan trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 – 1995). Các Đảng Cộng sản Tây Âu hầu như vẫn giữ nguyên tên, cờ của mình song đã có nhiều thay đổi chiến lược, sách lược trên cơ sở những điều kiện “mở cửa” quốc tế và trong nước.

S.T

Tags: , ,