Làm sao để sống với một thế giới khủng hoảng và tương lai bất định?

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ thú vị: Về mặt vật chất, mọi thứ được coi là tốt hơn bao giờ hết và ngày càng tăng trưởng, tuy nhiên, một cảm giác vô vọng đến phi lý vẫn đang lan rộng.

Làm sao để sông trong một thế giới khủng hoảng và tương lai bất định?

Khủng hoảng lặp lại

Một người bạn của tôi vừa phải bán nhà ở tòa chung cư sang trọng bậc nhất thành phố, vì vỡ nợ. Anh mất hàng tỷ đồng vì chứng khoán lao dốc và việc làm ăn không suôn sẻ vì khủng hoảng.

Con cái anh cũng chia tay các ngôi trường tư đắt đỏ và phải làm quen với một cuộc sống mới. Vợ anh cũng phải nghỉ việc, vì chủ nợ đã tìm đến quấy rối mọi nơi có dính dáng đến hai người. Trong vài lần tâm sự ngoài quán nhậu, anh thú thực đôi lúc nghĩ quẩn, đã từng mường tượng đến cái chết. Cho xong nợ.

Thế hệ chúng tôi, những người đã từng trải qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, như nhìn thấy một “déjà vu”: Một người chú của tôi cũng đã sạt nghiệp vì những biến cố tài chính kinh hoàng cách đây 14 năm. Không chết vì cổ phiếu, nhưng doanh nghiệp do ông làm chủ phải tuyên bố phá sản vì mọi thị trường đều lao dốc. Bán nhà, xe và mọi thứ có thể để trả nợ, ông quay lại những năm tháng trắng tay.

Ngày ấy, tôi còn nhớ giọng cô phát thanh viên trên chương trình thời sự dường như vẫn run run khi đọc đến tin Vn-Index giảm hơn 600 điểm trong một năm. Giá cả leo thang và mọi tài sản hầu như đóng băng. Lần đầu tiên, bố tôi bắt đầu nghĩđến việc nhận làm thêm ngoài giờ, để trang trải cho gia đình, vì giá cả gia tăng. Còn mẹ tôi bắt đầu họp gia đình để bàn về việc tiết kiệm, đầu tiên là quán triệt chuyện không ăn sáng bên ngoài.

Mọi thứ dường như đang lặp lại. Các tờ báo nói về một năm kinh tế khó khăn. Các chính trị gia toàn cầu lên tiếng cảnh báo khả năng khủng hoảng kéo dài. Bạn có thể nhìn thấy mọi chuyện xấu đi khắp nơi, từ hàng dài người xếp hàng đổ xăng, cho đến ánh mắt tuyệt vọng của những người bạn mới vỡ nợ.

Nhưng, nếu nhìn lại chặng đường 2 thập niên qua, bạn sẽ thấy rằng rốt cục thì khủng hoảng được tạo hóa “thiết kế” cho những bước nhảy vọt tiếp theo. Tôi tạm lấy số liệu chứng khoán, một thứ người ta hay nhìn vào để đo đếm các cơn khủng hoảng tài chính, để chứng minh: Trước khi giảm về mốc 900 điểm vừa qua, nó đã lập đỉnh trên 1.500 vào tháng 4/2022. Vào cuối năm 2008, con số đó chỉ là hơn 300 điểm.

Trong 14 năm đầy âu lo của người Việt ấy, cảm xúc là thứ biến thiên rất nhiều: Bạn có thể thấy rất nhiều thời khắc tuyệt vọng trong hành trình đó, nhưng các con số không nói dối. Đồ thị GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam đã đi một mạch không dừng lại từ hơn 77 tỷ USD vào năm 2008 đến hơn 362 tỷ USD vào năm 2021. Nó phát triển một cách tuyến tính.

Khủng hoảng là có thật, nhưng nó là tiền đề cho tăng trưởng. Đã, đang và sẽ còn là như thế. Nhưng, chúng ta đang sống trong một thời kỳ thú vị: Về mặt vật chất, mọi thứ được coi là tốt hơn bao giờ hết và ngày càng tăng trưởng, tuy nhiên, một cảm giác vô vọng đến phi lý vẫn đang lan rộng.

Đó là nghịch lý của sự tiến bộ: Mọi thứ càng tốt đẹp thì dường như tất cả chúng ta đều cảm thấy lo lắng và tuyệt vọng hơn.

Thế giới bất định

Năm 2008, tỷ phú Bill Gates tiết lộ về hai cuốn sách ông đặc biệt yêu thích, là cuốn “Factfulness” (Thực tại) và “Enlightenment Now” (Đốn ngộ ngay lúc này). Các tác giả Hans Rosling và Steven Pinker đã chỉ ra chung một điều: Thế giới đang ngày một tốt hơn và thứ cần điều chỉnh nhất là thái độ của chúng ta, một khi sự điều chỉnh xảy ra.

Bill Gates đặc biệt ưa thích tinh thần của hai cuốn sách (có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Microsoft đã đứng vững ở ngôi số 1 qua những cuộc đại khủng hoảng). Các tác giả lập luận rằng sự tiến bộ của chúng ta thậm chí không hề bị gián đoạn trong lịch sử hiện đại. Giáo dục được phổ cập và hầu hết đều biết chữ. Bạo lực có xu hướng giảm đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí là thế kỷ. Con người có nhiều quyền hơn bao giờ hết. Một nửa hành tinh có thể truy cập internet. Trẻ em chết non ít hơn và người già sống lâu hơn. Của cải tăng trưởng liên tục và nền sản xuất chưa bao giờ thịnh vượng đến như vậy.

Nhưng, các con số về mặt tinh thần thì lại không. Hãy xét con số của Mỹ, cường quốc số 1 hành tinh: Các triệu chứng trầm cảm và lo lắng đang gia tăng trong 80 năm qua ở những người trẻ tuổi và 20 năm qua ở những người trưởng thành. Kể từ năm 1985, các cuộc khảo sát cho thấy người dân Mỹ chấm điểm mức độ hài lòng với cuộc sống thấp hơn. Gần một nửa số người Mỹ hiện nay cho biết họ cảm thấy bị cô lập hoặc bỏ rơi.

Trong khi đó, thế giới đang dần làm quen với khái niệm VUCA, được xác lập trên 4 đặc tính: Biến động (volatility), không chắc chắn (uncertainty), phức tạp (complexity) và mơ hồ (ambiguity). Mọi thứ đều không ổn định và vận động thiếu quy luật. Các hệ thống kinh tế – xã hội đang vận hành phức tạp đến nỗi điều gần nhất xảy ra hầu như không bao giờ cung cấp thông tin hữu ích về những gì sẽ đến tiếp theo.

Người chú tôi đã nhắc ở đầu bài viết không bao giờ còn trở lại trạng thái giàu có được như cũ, nhưng mọi chuyện từ đó đến giờ cũng không quá tệ: Ông trả hết nợ và có một công ty nội thất nhỏ, đủ để sống một cách nhẹ nhàng. Nền kinh tế chung đi lên vẫn mang đến cho ông cơ hội làm lại, dù cuộc khủng hoảng 14 năm trước đã lấy đi tất cả.

Ông nói với tôi rằng, điều đáng sợ nhất ngày ấy là không thể kiềm chế những suy nghĩ tiêu cực. Ông chỉ biết rằng, nó không tệ đến thế sau khủng hoảng vài năm. Tôi mang lời khuyên này đến cho anh bạn vừa vỡ nợ. Tất nhiên, đó có thể chỉ là một lời khuyên sáo rỗng, với những ai chưa trải qua khủng hoảng. Nhưng, cũng có thể là một gợi ý: Những gì bạn nghĩ là tệ nhất vào thời điểm này hóa ra lại không quá khủng khiếp như bạn nghĩ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những kỹ năng cần thiết nhất trong khủng hoảng, ngoài việc tự ổn định tâm lý, là xây dựng các kịch bản: Khi kinh tế xấu đi, các cá nhân cần hiểu rằng các cơ hội cần phải đi qua một bộ lọc để phòng tránh rủi ro. Bạn hiểu rằng mọi thứ đang tệ, nhưng việc nắm trong tay một kịch bản cho phép chúng ta phản ứng phù hợp và tận dụng cơ hội khi mọi thứ bắt đầu đi lên từ đáy.

Bởi vì thế giới sẽ không bao giờ đạt trạng thái ổn định như đã từng. Nhưng, có một điều chắc chắn: Nó vẫn đang đi lên.

Nếu bạn mất tất cả vào ngày hôm nay, vẫn sẽ có cơ hội để bạn làm lại trong những năm tiếp theo. Điều cần làm, ở góc độ cá nhân, là tự thiết kế những hệ thống hành vi linh hoạt và có khả năng phản ứng với nhiều kịch bản. Ở góc độ vĩ mô, quan tâm đến các nhóm yếu thế trong khủng hoảng là điều nên làm.

Để rồi, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta có thể nhìn lại và thở phào: À, hóa ra mọi thứ có khó khăn, nhưng không phải là tuyệt vọng.

Không bao giờ.

Theo BAN CẦM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,