⠀
Làm sao để doanh nghiệp nhà nước không còn bỏ mặc lợi ích người dân?
Cuối năm ngoái, cả nhà tôi đều bất ngờ khi biết EVN bị thanh tra kết luận cố tình hạch toán sai cả ngàn tỷ đồng để né thuế, đồng thời tạo ra áp lực giả để tăng giá điện với người dùng điện tại Việt Nam. Thật khó tưởng tượng một doanh nghiệp nhà nước với những ưu đãi hỗ trợ lớn lại có thể làm như vậy.
Bài viết của Tiến sĩ Luật Lê Thị Thiên Hương.
Gia đình tôi sống ở Pháp đã 6 năm. Ngôi nhà khoảng 75 mét vuông cho ba người ở trung tâm thành phố Gennevilliers, một thành phố ngoại ô Paris.
Hàng tháng, chúng tôi trả khoảng 70-80 euro tiền điện qua tài khoản tại ngân hàng. Như nhiều hộ dân Pháp, nhà tôi dùng điện của EDF (Electricité de France) – hãng điện do nhà nước sở hữu hơn 80% vốn, mức giá do nhà nước quy định.
Nhân viên EDF không đến từng hộ đo điện hàng tháng. Họ dựa trên lượng điện tiêu thụ theo đầu người, diện tích nhà, số phòng để ước số tiền sẽ thu của mỗi hộ hàng tháng. Tức họ thu trước một khoản tiền theo dự tính. Hai lần trong một năm, họ đi một vòng đọc công tơ điện. Giữa và cuối năm, khi có dữ liệu lượng điện thực tế tiêu thụ, hãng mới tính lại và “tính sổ” phần chênh lệch với khách hàng.
Việc chỉ đo điện hai lần mỗi năm thay vì đo hàng tháng rất tiện lợi cho EDF cũng như cho khách hàng. Khách hàng yên tâm, không phải căn lịch chờ nhân viên hãng tới nhà đo điện mỗi tháng. Hãng điện giảm chi phí và giảm khối lượng việc cho nhân viên.
Ở Pháp không chỉ có EDF mà còn rất nhiều nhà cung cấp điện khác nhau. Song EDF vẫn chiếm tới hơn 80% thị phần điện mặc dù là hãng điện của nhà nước. Hãng có uy tín cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng khá tốt. Sáu năm qua, gia đình tôi chưa bao giờ có bất cứ than phiền nào đối với hãng điện dù giá bán của họ nhỉnh hơn các hãng điện tư một chút.
Vì thế, cuối năm ngoái, cả nhà tôi đều bất ngờ khi biết EVN bị thanh tra kết luận cố tình hạch toán sai cả ngàn tỷ đồng để né thuế, đồng thời tạo ra áp lực giả để tăng giá điện với người dùng điện tại Việt Nam. Thật khó tưởng tượng một doanh nghiệp nhà nước với những ưu đãi hỗ trợ lớn lại có thể làm như vậy.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân mất niềm tin nghiêm trọng vào doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả kém của doanh nghiệp có vốn nhà nước, các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu, các món lỗ khủng bất ngờ, giờ lại thêm hành xử không mấy hay ho của EVN góp vào.
Có một cái tên nhiều người Việt quen gọi Tập đoàn điện lực Việt Nam là “ông điện”. Nó gợi lên một khoảng cách xa vời vợi và khó mà thân thiện, như trẻ con vẫn nhắm tịt mắt nếu ta dọa gọi “ông ba mươi” vậy. Đằng sau đó chính là sự bất lực của người tiêu dùng Việt Nam, khi họ không thể làm gì khác ngoài “kêu trời” mỗi khi bị cắt điện, mỗi khi giá điện leo thang không kèm một giải thích có lý nào.
Nghịch lý là, doanh nghiệp nhà nước là thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước được ủy quyền quản lý, nhưng lợi ích người dân chưa tỏ ra được tôn trọng.
Nếu như thông tin cáo buộc EVN là chính xác thì ai dám chắc không còn những doanh nghiệp nhà nước phạm tội với nhà nước và phạm tội với dân. Phạm tội với nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn với dân thì e rằng hậu quả của khủng hoảng niềm tin sẽ còn rất lâu dài mới có thể khắc phục.
Đó là lý do quan trọng để người dân mong đợi Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước, còn gọi là “siêu ủy ban” dự kiến sắp đi vào vận hành để giải quyết ách tắc của hiệu quả đồng vốn nhà nước. Thực ra đó là tiền, là vốn của dân.
Dự kiến quy mô tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, siêu ủy ban gom nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn từ các bộ ngành về một mối, chấm dứt tình trạng các bộ vừa đá bóng vừa thổi còi, hạn chế lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, giúp họ chuyên tâm cho hoạt động quản lý nhà nước.
Người dùng dịch vụ truyền hình, dịch vụ viễn thông, người dùng điện có quyền hy vọng vào lời hứa công khai, minh bạch và hành động giám sát của “siêu ủy ban”. Sự công khai nghiêm chỉnh nếu có sẽ vén màn sương đang che mờ chỗ này chỗ kia của khối doanh nghiệp nhà nước.
Rõ ràng là ngoài đạo đức kinh doanh, vấn đề gốc rễ ở đây là Việt Nam chưa có một hệ thống giám sát chặt chẽ và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước mà các doanh nghiệp được kể tên ở đây chỉ là thiểu số.
Và vì thế, trước “siêu ủy ban” vốn nhà nước, một lần nữa người dân lại chờ đợi và… hy vọng.
Theo VNEXPRESS
Tags: Bộ máy hành chính, Kinh tế Việt Nam