Làm gì để người tài có thể trụ vững được ở cơ quan công quyền?

Với bằng cấp và khả năng khéo léo, nịnh nọt, quan hệ tốt, những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” sẽ đẩy những người có thực tài, có tâm ra khỏi khu vực công. Liệu các cơ quan ở lĩnh vực công có thể căn cứ vào hiệu quả công việc để loại người làm kém như ở tư nhân?

Làm gì để người tài có thể trụ vững được ở cơ quan công quyền?

Bước chân tới chợ hay siêu thị, ấn tượng đầu tiên của mọi người với một món hàng mới ra mắt thường là thương hiệu, mẫu mã bao bì bắt mắt, rồi tới giá cả hợp túi tiền.

Đến đây hẳn có nhiều bạn đã quyết định mua, nhưng vài bạn kỹ hơn sẽ xem xét thêm xuất xứ, tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật, điều kiện bảo hành và tính năng, xem món đồ có phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình hay không rồi mới quyết định.

Hàng hoá là thế, còn trên thị trường lao động, vốn tồn tại bất cân xứng thông tin giữa người tuyển dụng và người ứng tuyển, người ta sẽ căn cứ vào những yếu tố nào để sàng lọc giữa vô vàn ứng viên?

Quan sát các bộ hồ sơ ứng tuyển sẽ cho ta một hướng trả lời, về cơ bản hồ sơ thường gồm CV, bản sao bằng cấp, bảng điểm và một số giấy tờ khác. Trong đó CV thường đóng vai trò quan trọng để bạn được vào vòng phỏng vấn tiếp theo, với các tiêu chí được nhà tuyển dụng yêu cầu là thông tin về nhân thân, học vấn và kinh nghiệm làm việc.

Học vấn, biểu thị qua bằng cấp và kinh nghiệm làm việc được người ứng tuyển sử dụng để phát tín hiệu cho nhà tuyển dụng. Bên cạnh sự phù hợp, bằng cấp càng chất lượng, điểm số càng cao, đơn vị làm việc càng uy tín thì tín hiệu phát ra càng mạnh, tăng khả năng được bước tiếp vào các vòng sau của quy trình tuyển dụng.

Nói dân dã, phải vượt qua được vòng gửi xe rồi mới có cơ hội phỏng vấn, thi thố năng lực bản thân mình. Bằng cấp cao, kinh nghiệm ở công ty lớn còn giúp người ứng tuyển có nền tảng trong quá trình đàm phán về lương.

Bởi thế, nhiều người cố gắng thi đậu vào các trường chuyên, các trường đại học và ngành danh giá, bởi bên cạnh khả năng nhận được nền giáo dục chất lượng, họ còn được định vị tốt hơn bởi uy tín thương hiệu của trường đem lại.

Đó là một lẽ tự nhiên, tất yếu, không có gì đáng phàn nàn nếu nó là học thật, thi thật, đúng với nhu cầu công việc và mong muốn cá nhân, điều không tốt là nạn chạy đua bằng cấp, đào tạo không chất lượng.

Một mặt, nó khiến cho việc phát hiện được người phù hợp trên thị trường lao động khó khăn hơn, tệ hại hơn là làm mất đi giá trị, uy tín của bằng cấp. Nhân sự chất lượng kém ở khối tư nhân có thể bị sàng lọc, loại bỏ thông qua kiểm soát hiệu quả công việc, song điều đó hiện khó xảy ra với nhân sự tại khu vực công, vốn việc đánh giá hiệu quả công việc còn cào bằng, ai cũng như ai.

Để rồi nhiều tình huống “cò gỗ mổ cò thật” xảy ra, khi với bằng cấp và khả năng khéo léo, nịnh nọt, quan hệ tốt, những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” sẽ đẩy những người có thực tài, có tâm ra khỏi khu vực công.

Bởi việc đi học những chứng chỉ, bằng cấp (để rồi phát tín hiệu) trong khu vực công hiện nay cần được sự cho phép của cấp trên, người giỏi không thể tự đi học mà phát tín hiệu được.

Để có thể giữ chân được người giỏi ở lại, chúng ta thấy còn nhiều việc phải làm, nhất là khi nhìn vào khoản chi phí, thời gian và ngân sách khá lớn mà nhà nước bỏ ra để đào tạo được các bậc tiến sĩ, thạc sĩ trong đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là khu vực y tế, giáo dục, những hàng hoá công thiết yếu cho xã hội.

Tăng lương, cải thiện môi trường làm việc, đánh giá đúng hiệu quả công việc, tạo điều kiện học tập, phát triển là những điều vô cùng quan trọng để cải thiện tình trạng trên.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,