Làm gì để cứ điểm sản xuất toàn cầu trở thành cơ hội cho Việt Nam cất cánh?

Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà sản xuất toàn cầu, nhưng liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội để vươn lên?

Cứ điểm sản xuất toàn cầu có là cơ hội cho Việt Nam cất cánh?

Cơ hội đang đến

Công ty Apple (Mỹ) đang chuyển dây chuyền sản xuất MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam với sự hỗ trợ của nhà cung cấp Foxconn. Foxconn đã thuê 50,5ha đất ở Bắc Giang vào tháng 8 năm ngoái để làm dự án mới có tổng đầu tư trị giá 300 triệu USD. Dự kiến máy tính MacBooks sẽ bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam từ giữa năm 2023. Động thái này đã kéo theo một số tập đoàn lớn đang có ý định đầu tư vào sản suất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022 Việt Nam thu hút gần 28 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư.

Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có nỗ lực mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh nên đang đang trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp FDI đặt các cơ sở sản xuất. Đại dịch Covid, xung đột thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng càng thúc đẩy nhiều tập đoàn lớn dịch chuyển sản xuất đến nền kinh tế có lực lượng lao động trẻ dồi dào này. Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và được nhận định có thể trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới.

Việt Nam là trung tâm sản xuất hấp dẫn thứ 2 toàn cầu, sau Trung Quốc, trong bảng xếp hạng thường niên về các thị trường sản xuất thích hợp trên toàn cầu, của Công ty Cushman & Wakefield. Bảng xếp hạng này dựa trên việc so sánh 48 quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương được công bố tháng 7/2022.

Cơ hội là rất lớn nhưng Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để hiện đại hóa nền kinh tế và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không lại là một câu chuyện khác. Nói một cách chính xác, thì hiện tại Việt Nam vẫn chỉ là nơi các nhà đầu tư nước ngoài đặt cơ sở lắp ráp, rồi nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm về lắp ráp và tái xuất.

Sau 35 năm mở cửa, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, với hơn 260 tỷ USD (chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư). Công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho kinh tế đất nước và là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng, nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI nắm giữ. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia rất ít và chỉ ở những công đoạn giản đơn.

Công xưởng vắng bóng doanh nghiệp Việt

Công ty Apple (Mỹ) có danh sách dài hơn 200 đối tác cung cấp linh kiện. Trong số đó, chỉ có 25 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tất cả đều là công ty nước ngoài, không có doanh nghiệp trong nước nào có thể lọt vào danh sách.

Canon, một tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản bắt đầu sản xuất máy in ở miền Bắc Việt Nam vào năm 2012. Cho đến nay, chỉ có 20 công ty Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các sản phẩm như máy in và máy ảnh của Canon, với các sản phẩm đơn giản là bao bì và nhựa. Còn 155 công ty cung ứng khác cho Canon đều ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan với các linh kiện điện tử phức tạp hơn.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 732 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, nhưng doanh nghiệp FDI chiếm tới 522 tỷ USD. Về xuất khẩu doanh nghiệp FDI đạt 275 tỷ USD trên tổng kim ngạch 371 tỷ USD và nhập khẩu đạt 247 tỷ USD trong tổng kim ngạch 361 tỷ USD.

Như vậy, các doanh nghiệp FDI vừa chiếm miếng bánh lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, vừa thể hiện họ nhập khẩu đầu vào để lắp ráp, gia công cho xuất khẩu. Nhập siêu từ Trung Quốc tới 60,9 tỷ USD và từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD cho thấy rất nhiều điều đáng suy nghĩ.

Vấn đề chính là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhiều năm nay rất yếu kém. Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có mối liên kết lỏng lẻo. Doanh nghiệp trong nước không tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Còn doanh nghiệp FDI thì chỉ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và gia công lắp ráp tại Việt Nam rồi xuất đi. Chúng ta đang thiếu vắng một đội ngũ doanh nghiệp đủ năng lực để vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia vào “công xưởng thế giới”.

Kim ngạch xuất khẩu của của các doanh nghiệp FDI ngày càng lớn, nhưng trên thực tế, kết quả này lại không đóng góp nhiều cho kinh tế đất nước. Bởi sự lan tỏa của sản phẩm cuối cùng, không chỉ với giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nước đó, mà còn của các nước khác. Quốc gia nào sử dụng nhiều đầu vào từ nước khác trong quá trình sản xuất, sẽ kích thích sản lượng cho nước khác, qua đó kích thích quá trình tạo thu nhập cho nước khác.

Đứng trước cơ hội

Trong nhiều năm nay, các nhà kinh tế luôn lo lắng là GNI của Việt Nam chênh lệch rất xa so với GDP, trong đó, lý do chính là phần chi trả sở hữu nước ngoài lên đến 19-20 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn giá trị gia tăng không đi vào túi người trong nước mà chảy ra nước ngoài.

Rõ ràng, có sự thiếu chuẩn bị trong việc chuyển mình làm “công xưởng thế giới” của Việt Nam. Vì vậy, mặc dù trong bối cảnh mới của giai đoạn toàn cầu hóa, Việt Nam có cơ hội cạnh tranh vị trí “công xưởng thế giới”, nhưng lợi ích thực tế mang lại từ nội lực sản xuất trong nước cũng như thu nhập của người dân vẫn thấp.

Chính phủ vừa trình Quốc hội “Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Với mục tiêu giai đoạn 2021-2030 đạt tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm và GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 7.500 USD vào năm 2030; Giai đoạn sau 2030 đến 2050 đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5 – 7,5%/năm và thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt từ 27.000 – 32.000 USD.

Chúng ta có thể đạt thành tích tăng trưởng GDP cao hàng năm như mục tiêu đặt ra, nhưng nếu như thu nhập vẫn cứ chạy ra nước ngoài thì GDP bình quân đầu người khó thành hiện thực. Nếu không năm bắt được cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, để vươn tầm thì nền kinh tế nội địa sẽ không thể nào phát triển được.

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục xuất khẩu dựa vào gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp; hoặc vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Đứng trước ngã rẽ này, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, khi mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước rất hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan toả.

Với những mục tiêu đề ra trong “Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2050 thì từ 2023 cần phải thay đổi mạnh mẽ, đột phá bằng những quyết tâm và chính sách cụ thể để có đội ngũ doanh nghiệp dân tộc hùng mạnh.

Theo TRẦN THỦY / VIETNAMNET

Tags: