Ký ức về trận Núi Thành – cuộc đọ sức đầu tiên với lính Mỹ

Từ ngàn đời nay, trong lịch sử quân sự, đánh thắng đòn phủ đầu luôn luôn là yếu tố quan trọng cho việc thắng bại của cuộc chiến. Trận Núi Thành năm 1965 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Ký ức về trận Núi Thành – cuộc đọ sức đầu tiên với lính Mỹ

Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Những sự kiện nền tảng

Vào năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ mà trọng tâm có ba mục tiêu phải thực hiện bằng được: – Một là, phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch, giành lại và làm chủ nông thôn đồng bằng, chống càn quét, đánh bại âm mưu bình định trọng điểm của địch, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh. – Hai là, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, làm tan rã từng bộ phận quân địch, nhất là quân địa phương. – Ba là, củng cố, xây dựng phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tăng cường thực lực kinh tế.

Sau một thời gian thực hiện ba nhiệm vụ này, chính quyền Cách mạng được thành lập ở 115 xã trên tổng số 138 xã trong tỉnh. 380.000 dân vùng giải phóng và vùng tranh chấp thuộc về Cách mạng. Từng đoạn giao thông trên đường số 1, đường 105, đường 16, đường Tam Kỳ – Tiên Phước đều bị ta cắt đứt. Các quận lỵ bị cô lập. Quận lỵ Thăng Bình chỉ còn thôn Hà Lam và một phần thôn Thanh Ly.

Lúc này, việc giải phóng những xã ngay sát đường số 1, từ cầu Ông Bộ trở vào An Tân, là nhiệm vụ trước mắt của Tỉnh ủy và Ban cán sự tỉnh đội. Trong tình thế lúc đó, với lực lượng quần chúng và vũ trang hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể giải phóng từng vùng rộng lớn nông thôn ngay sát các thành phố, thị xã, quận lỵ, kể cả vùng nông thôn sát ngay hai bên đường số 1, làm chủ ban ngày từng đoạn quốc lộ.

Mỹ đổ bộ

Ðầu năm 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản không gì cứu vãn nổi. Trước nguy cơ đó, Mỹ bắt buộc phải tính đến nước cờ liều lĩnh, đẩy cuộc Chiến tranh đặc biệt sang cuộc Chiến tranh cục bộ trên toàn miền nam. Sĩ quan, binh lính Mỹ trực tiếp tham chiến cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại.

Ngày 8/3/1965, Ðại đội đầu tiên của tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên Ðà Nẵng. Tiếp đó, ngày 7/5/1965, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ đổ bộ lên địa phận xã Kỳ Liên nằm sát cảng Kỳ Hà.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã đưa vào đây năm tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội xe bọc thép M113 và M118, một đại đội pháo tự hành, năm phi đoàn máy bay lên thẳng, một phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích.

Chúng tiến hành khủng bố đuổi dân hai xã Kỳ Liên, Kỳ Hà (nay là hai xã Tam Quang và Tam Nghĩa – Núi Thành) đi nơi khác, lấy đất xây dựng căn cứ Chu Lai, đồng thời triển khai lực lượng chiến đấu, mở nhiều cuộc càn quét nhằm tạo vành đai bảo vệ căn cứ này.

Một tình thế mới của cuộc chiến đấu đã đến. Tỉnh ủy và Ban cán sự tỉnh đội đặt ra câu hỏi: Sẽ hành động sao đây? Giữa lúc đó, chúng tôi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu là chuyển hướng từ đánh quân VNCH sang đối tượng mới là đánh Mỹ. Lúc này, chung quanh các căn cứ của Mỹ ở Ðà Nẵng và Chu Lai đang dần dần hình thành các vành đai diệt Mỹ. Các lực lượng du kích của ta, trong quá trình đụng độ với quân Mỹ, đã đánh những trận nhỏ, tiêu diệt quân Mỹ nống ra khỏi căn cứ.

Khi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ðà và Quảng Nam đưa ra quyết tâm: Chưa giải phóng miền nam ta còn phải chiến đấu, chiến tranh kiểu gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu, lâu dài bao nhiêu cũng đánh… Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ xâm lược đến cùng, bằng hai chân ba mũi giáp công, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Ðánh Mỹ

Bắt đầu từ đó, các lực lượng du kích tại chỗ của ta đánh thắng nhiều trận nhỏ, tiêu diệt một số lính Mỹ nống ra khỏi căn cứ. Riêng ở vành đai Chu Lai, ngay trong trận đầu, anh em đã loại khỏi vòng chiến một tiểu đội Mỹ, thu được hai khẩu AR 15 và một số quân trang quân dụng. Trận đánh này có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi hồi đó.

Trong lúc bọn xâm lược trang bị tận răng những súng đạn, xe tăng, máy bay hiện đại thì những chiến sĩ du kích nhỏ bé của ta, với súng trường và lựu đạn, đã hạ được những tên Mỹ to lớn. Nhiều dũng sĩ diệt Mỹ đã xuất hiện. Ngoài huyện nam Tam Kỳ, du kích các huyện bắc Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước đều cử đội du kích của mình đến Chu Lai, đưa lực lượng ở vành đai diệt Mỹ này lên đến 400 tay súng.

Hồi đó, từ hậu phương miền bắc đã chi viện kịp thời loại súng trường nòng dài, có kính ngắm của nước bạn Hungary. Từ công sự ngoài hàng rào, các tay súng thiện xạ của ta bắn tỉa bất cứ tên lính Mỹ nào di động trong căn cứ của chúng, bảo đảm độ chính xác rất cao. Sự hoảng loạn tinh thần trong lính Mỹ đã bắt đầu xuất hiện.

Ngày 11/4/1965, du kích Hòa Phát đã làm nổ tung kho đạn của Mỹ ở sân bay Ðà Nẵng, làm cho bọn lính thủy đánh bộ thất điên bát đảo, xe cộ của chúng chạy tán loạn. Ngày 14-4, du kích Hòa Quý (Hòa Vang) loại khỏi vòng chiến mười tên Mỹ. Ngày 18/4, du kích xã Hòa Minh loại thêm 12 tên, du kích Ðiện Hòa đánh Mỹ tại Hòa Châu, lấy được súng Mỹ.

Ngày 17/5, bọn Mỹ ở Chu Lai nống ra phía tây, dùng lực lượng pháo binh cơ giới để yểm trợ cho một đại đội Mỹ lên chốt Núi Thành, du kích xã Kỳ Sanh đã kịp thời nổ súng diệt bốn tên. Những thắng lợi đầu tiên đó tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đã góp phần rất lớn vào việc động viên khí thế của bộ đội và nhân dân ta dám đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ.

Sau khi đổ bộ vào Chu Lai, bọn Mỹ cho một đại đội Mỹ lên chốt ở Núi Thành, một ngọn đồi cách đường quốc lộ số 1 và đường sắt bắc nam hơn một km về phía tây. Mục đích của bọn Mỹ khi lập cứ điểm này là để bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ Chu Lai, từ đó khống chế sâu vào vùng giải phóng của ta.

Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đặt ra nhiệm vụ phải diệt cái chốt này, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là diệt chúng bằng cách nào và vào thời điểm nào thì thuận lợi nhất? Khi đó, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chính trị viên tỉnh đội, tôi xuống đại đội 2, tiểu đoàn 70, đơn vị dự kiến sẽ được giao nhiệm vụ đánh Núi Thành tăng cường cho Ðại đội 2 đội đặc công. Anh em đang khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh.

Trong vài lần trò chuyện với anh em, chúng tôi phát hiện ra những băn khoăn suy nghĩ của một số người vẫn chưa tự tin là có đánh thắng được Mỹ không. Trong khi trò chuyện, một tiểu đội trưởng buột miệng nói với tôi: “Thằng Mỹ nó to xác vậy, không biết đánh giáp lá cà, mình có vật nổi nó không?”, “Hỏa lực nó mạnh như vậy, nếu tiếp cận mà bị lộ, sẽ xử lý tình huống như thế nào để tránh thương vong vì pháo của nó?”… Tất cả những băn khoăn đó đều được chúng tôi cùng ngồi họp bàn và thông suốt cách đánh với anh em.

Núi Thành là một ngọn đồi dài 1.450 m, rộng 900 m, độ cao ở mỏm cao nhất là 50 m. Vì nằm ngay cạnh đường số 1 và đường sắt bắc – nam cho nên việc đi đến Núi Thành đều thuận lợi. Chỉ có hướng tây, vì tiếp giáp với dải đồi thấp của Trường Sơn cho nên việc đi lại có phức tạp hiểm trở hơn. Nếu ta chiếm được Núi Thành sẽ khống chế được cả một vùng rộng lớn từ Dốc Sỏi (ranh giới tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi) đến ga An Tân, uy hiếp trực tiếp căn cứ Chu Lai.

Suốt đêm 25/5, chúng tôi vây quanh tấm bản đồ chiến sự hồi hộp theo dõi các cánh quân tiếp cận các mục tiêu. Ðến 20 giờ, đại đội 2 báo cáo về các mũi đã đưa lực lượng áp sát vào trong hàng rào địch. Mũi xa nhất cách hầm cố thủ của Mỹ ba mét, còn mũi gần nhất chỉ cách một mét.

Nhưng đến 0 giờ ngày 26/5, không nghe tiếng súng nổ, tất cả chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Từng giây một trôi qua một cách nặng nề. Các sĩ quan, chiến sĩ thông tin được lệnh bằng mọi cách phải liên lạc cho được các đơn vị, nhất là đơn vị đánh cầu An Tân, hỏi cho ra lý do vì sao không nổ súng đúng giờ G. Rồi chỉ nửa giờ sau đó, tiếng súng nhỏ và tiếng thủ pháo nổ ran trên đỉnh Núi Thành.

Không ai bảo ai, chúng tôi đều đứng dậy hướng về phía những chớp lửa xé đêm tối vụt lên cùng với những chớp giật liên hồi, không phân biệt được tiếng súng nổ là của ta hay của bọn Mỹ. Sau này, khi nhận được báo cáo đầy đủ, trận đánh diễn ra như sau:

Ðúng 0 giờ ngày 26/5, sau khi chờ 30 phút không nghe tiếng súng phát lệnh ở cầu An Tân – bởi lúc đó địch đã đánh hơi – ở khu vực cầu An Tân, sợ ta có chủ trương đánh cầu cho nên bọn chúng tập trung canh phòng cao độ. Chúng liên tục bắn pháo sáng và dùng nhiều lựu đạn thả xuống chân cầu cho nên lực lượng công binh chưa có cách gì tiếp cận được.

Không thể kiên trì thêm được, một quyết đoán khá thông minh và táo bạo: Ðại đội trưởng Võ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh, mũi trưởng ở hướng chủ yếu đánh quả thủ pháo đầu tiên vào công sự Mỹ. Ngay sau đó, tất cả các mũi nổ súng đánh phủ đầu quân Mỹ. Tiếng súng trên Núi Thành đã thành tiếng súng phát lệnh chung cho các mục tiêu khác như cầu Ông Bộ, cầu An Tân, thị xã Tam Kỳ cùng đồng loạt nổ súng.

Từng tổ ba người phát triển theo hình chữ A dùng tiểu liên, thủ pháo lựu đạn lần lượt đánh chiếm từng hầm một từ ngoài vào trong. Sau tám phút, bộ đội ta đã tiêu diệt và chiếm tuyến công sự vòng ngoài. Ðại đội trưởng Năm nhanh chóng bám sát đơn vị. Vận động lên được nửa đường, Năm gặp một tên Mỹ tay không súng, đầu không mũ từ trên cao lao xuống tháo chạy. Anh vừa đưa khẩu súng ngắn lên thì tên Mỹ vồ ngay lấy anh.

Phát đạn nổ vụt lên trời. Năm ôm lấy tên Mỹ quật lộn về phía sau. Lúc đó, mũi trưởng Ảnh vừa lao tới sẵn quả lựu đạn chày trong tay, quật thẳng vào mặt tên Mỹ, Năm bắn bồi thêm một phát đạn kết liễu tên Mỹ, rồi anh cùng anh em tiếp tục xông lên.

Ở mũi thứ yếu hướng tây đồi 50 có độ dốc cao hơn cho nên bị địch dùng hỏa lực để ngăn chặn. Anh em vẫn kiên quyết dùng lựu đạn, thủ pháo, lưỡi lê đánh giáp lá cà. Nhưng hỏa lực địch vẫn bắn mạnh, làm mũi này chưa phát triển được.

Ðại đội trưởng Năm, mũi trưởng Ảnh chỉ huy mũi chủ yếu phát triển nhanh sang chi viện cho mũi thứ yếu. Sau hai mươi phút chiến đấu, quân ta ở hai mũi đã gặp nhau. Bộ đội lần lượt đánh chiếm các hầm và hoàn toàn làm chủ đồi 50.

Lúc đó ở mỏm đồi 49, anh em đã đánh chiếm được tầng công sự thứ hai ở vòng ngoài thì gặp một khẩu đại liên địch bắn tạt ngang đội hình. Ba đồng chí làm nhiệm vụ đột kích bị thương. Ðồng chí mũi trưởng đã kịp thời điều tổ dự bị lên cùng anh em còn lại, mở thêm một hướng đột kích khác từ đông bắc đánh thọc thẳng vào trong, cắt đội hình địch, diệt khẩu đại liên, rồi nhân điều kiện thuận lợi được tạo ra, anh em phát triển đánh chiếm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ trận địa. Trong lúc đó, trận địa hỏa lực của Tiểu đoàn 70 bắn khống chế không cho quân Mỹ còn sống sót chạy về Chu Lai.

Sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã diệt gọn một đại đội Mỹ đóng trên Núi Thành, làm chủ toàn trận địa. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tung bay trên đỉnh đồi 50 của cứ điểm Núi Thành.

Chiến thắng trận Núi Thành là một tất yếu trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta với bọn xâm lược. Nó được hun đúc từ lòng yêu nước, ý chí quả cảm và sự sáng tạo vô bờ bến của toàn Ðảng, toàn dân ta. Mặc dù ở trận Núi Thành, ta chỉ tiêu diệt một đại đội Mỹ nhưng là trận đánh Mỹ đầu tiên cho nên có ý nghĩa rất lớn.

Ðiều đó cho thấy rằng, dù bọn xâm lược từ đâu đến, dù tiềm lực mạnh đến mức nào hoặc dù chúng chiếm cứ ở địa danh này hay địa danh khác trên mảnh đất Việt Nam anh hùng thì chúng cũng sẽ bị thất bại thảm hại. Trận đánh phủ đầu thành công diễn ra ở Núi Thành là một minh chứng cụ thể. Không lâu sau đó, trong Ðại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, quân và dân Quảng Nam đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tặng tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.

Theo ĐỒNG HƯƠNG NÚI THÀNH

Tags: , ,