Kinh nghiệm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển của một số nước trên thế giới

Vấn đề xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển đang là chủ đề được cả giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quan tâm, đề cập từ nhiều hướng tiếp cận. Việc tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước được đánh giá là rất thành công về vấn đề này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, sẽ góp phần làm rõ thêm những khía cạnh thực tế khác nhau và gợi ý mang giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Bài viết của ThS Nguyễn Thị Tố Uyên, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Xây dựng nhà nước kiến tạo ở một số nước trên thế giới

Xây dựng thành công và thực hiện hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (NNKTPT), một số quốc gia đã tạo được động lực cho sự phát triển đất nước với tốc độ cao trong thời gian dài.

Nhật Bản

Sau Chiến tranh thế giới II, về tổ chức bộ máy, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh thực hiện cải cách thể chế, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, minh bạch, cơ cấu được thu gọn từ 24 bộ xuống còn 12 bộ; cơ cấu bên trong của các bộ cũng được thu gọn. Đẩy mạnh cải cách và tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống nhà nước ở tất cả các cấp gắn liền với thực hiện các cuộc “đại cải cách hành chính”, tinh giản thủ tục hành chính, xây dựng chế độ công vụ chuyên nghiệp, chống quan liêu, tham nhũng. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm rất cao; đội ngũ chuyên gia trình độ cao mang tinh thần “võ sỹ đạo” trong xây dựng đất nước.

Trong xây dựng thể chế phát triển, trọng tâm là chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp theo phương thức “rút ngắn” hướng đến xuất khẩu, gắn với đẩy mạnh áp dụng những kỹ thuật mới từ châu Âu, Bắc Mỹ, phát triển những ngành công nghiệp mới, những sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm. Chính phủ xây dựng thể chế kết hợp có hiệu quả cao giữa vai trò chủ đạo của nhà nước, vai trò điều tiết của thị trường và vai trò của xã hội (nhân tố cộng đồng rất được coi trọng).

Đồng thời, Nhật Bản ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển các công ty, hình thành các công ty lớn trên nền tảng công ty gia đình, tạo sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo lập mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp với giới ngân hàng; tạo cơ sở để các công ty năng động, có tầm nhìn xa, quản lý tốt, có sức cạnh tranh cao trên cơ sở áp dụng chính sách tuyển dụng cả đời. Tổ chức các nghiệp đoàn chặt chẽ để vừa bảo vệ được quyền lợi của các thành viên, vừa thực hiện được quan hệ tốt giữa chủ và thợ.

Bên cạnh đó, Nhà nước và xã hội Nhật Bản rất coi trọng gìn giữ, phát huy và phát triển nhân tố văn hóa truyền thống, nhân tố con người (lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, tính kỷ luật, cần mẫn, trách nhiệm công dân cao…).

Kết quả là, từ năm 1952 đến 1973, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân thực tế của Nhật Bản thường ở mức cao nhất trong các nước tư bản. So với năm 1950, năm 1973 giá trị tổng sản phẩm trong nước tăng hơn 20 lần, từ 20 tỷ USD lên 402 tỷ USD, vượt Anh, Pháp, CHLB Đức. 100 năm sau cải cách Minh Trị (1868-1968), Nhật Bản đã dẫn đầu các nước tư bản về tàu biển, xe máy, máy khâu, máy ảnh, ti vi; đứng thứ hai về sản lượng thép, ô tô, xi măng, sản phẩm hóa chất, hàng dệt… Một số ngành công nghiệp then chốt đã tăng lên với nhịp độ rất nhanh. Năng suất lao động tăng nhanh.

Từ năm 1955 đến 1973, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua 7 kế hoạch, đa số là kế hoạch 5 năm, nhưng thời gian thực hiện trung bình là hai năm rưỡi vì mức tăng trưởng thực tế đều cao hơn các dự kiến kế hoạch. Các kế hoạch kinh tế đều có ba nội dung cơ bản: phương hướng kinh tế-xã hội, phương hướng chính sách của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu trên, những chỉ dẫn hoạt động cho các cơ sở kinh doanh, các ngành công nghiệp.

Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có vị trí quan trọng trong việc phát huy vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế. Thông qua các hệ thống này, các chính sách về tài chính, tiền tệ, đối ngoại… của Nhà nước được thực thi có hiệu quả(1).

Nhà nước Nhật Bản nắm khoảng 1/3 tổng số đầu tư tư bản cố định trong nước; đầu tư của Nhà nước thường tập trung vào hạ tầng, xây dựng các ngành công nghiệp mới và nghiên cứu khoa học. Những ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chu chuyển chậm, lợi nhuận thấp nhưng hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội.

Kinh nghiệm trong xây dựng NNKTPT của Nhật Bản(2) cho thấy vai trò điều hành của Chính phủ, mô hình tổ chức bộ máy, các quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập, toàn cầu hoá:

– Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm.
– Nhà nước đóng vai trò lãnh đạo, điều hành nền kinh tế.
– Xây dựng hệ thống công chức chuyên nghiệp dựa trên chế độ trọng dụng nhân tài.
– Xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật thống nhất, toàn diện.
– Vừa thực hiện chính sách tạo điều kiện cho tư nhân tự do kinh doanh thuận lợi, vừa loại bỏ những yếu tố không hoàn thiện của thị trường.
– Chính phủ đảm nhận đầu tư những ngành, lĩnh vực thiết yếu cho phát triển kinh tế – xã hội, mà khu vực tư nhân không muốn hoặc không thể làm nhưng như: hạ tầng; văn hóa, giáo dục…
– Sự hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân trong phát triển kinh tế được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ. Chính phủ coi trọng công cụ kế hoạch hóa gián tiếp trong điều tiết và quản lý nền kinh tế quốc dân.

Hàn Quốc

Năm 1960, Hàn Quốc là một trong 25 quốc gia nghèo nhất thế giới, với sự tăng trưởng ấn tượng, đến năm 1997, thu nhập bình quân là 11.000 USD (theo giá năm 1997)(3).

Giai đoạn 1962-1979, Hàn Quốc phát triển mới với những bước đi thăng trầm và sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục khi tiến hành xây dựng kinh tế theo mô hình hướng ngoại chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dựa vào khai thác thị trường thế giới và liên kết quốc tế, thông qua một số biện pháp như là: mở rộng chức năng kinh tế của nhà nước và thực hiện cải cách hành chính, trong sạch hoá bộ máy chính phủ; thực hiện kế hoạch hoá kinh tế bằng các kế hoạch kinh tế 5 năm thông qua việc thành lập và tổ chức hoạt động của EPB(4), kế hoạch hoá kinh tế mới trở thành hệ thống.

Qua 4 lần thực hiện các kế hoạch 5 năm, Hàn Quốc đã đạt những thành tựu rất cơ bản, đưa đất nước vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nền kinh tế phát triển khá trong khu vực và luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cao về GNP và GDP(5). Tuy vậy, trong giai đoạn 1961-1979, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức và đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp để khắc phục như nền kinh tế phát triển thiếu cân đối trong các ngành sản xuất, nợ nước ngoài tăng nhanh, các tập đoàn kinh tế lớn (Chaebol) do được Chính phủ ưu tiên nên dễ dẫn đến sự độc quyền về kinh tế và lấn át về chính trị, lạm phát gia tăng.

Giai đoạn từ 1979 đến trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Hàn Quốc tập trung vào một số vấn đề như: đổi mới về vai trò kinh tế của nhà nước và cơ chế vận hành kinh tế (loại bỏ tính chỉ huy trong kinh tế của Chính phủ và thay thế bằng các hoạt động trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường), tiếp tục thực hiện kế hoạch hoá, chuyển từ mô hình tăng trưởng mất cân đối sang mô hình tăng trưởng cân đối, đẩy mạnh việc tự do hoá thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước; Nhà nước có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy bộ phận công nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhằm khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu công nghiệp và hướng hoạt động của các bộ phận này vào xuất khẩu. Chính phủ ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn, công ty lớn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng; hỗ trợ các công ty dưới nhiều hình thức (vay ưu đãi, thuế ưu đãi …), tạo điều kiện cho các công ty phát triển mạnh và gia nhập thị trường thế giới, tiêu biểu là các Tập đoàn Samsung, Hyundai, Daewoo…, trở thành những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng, đưa nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh.

Có thể thấy, Hàn Quốc đã xây dựng một chính phủ mạnh, sáng suốt, thể hiện nổi bật ở vai trò của Tổng thống. Chính phủ lập cơ quan điều phối siêu bộ (Ủy ban Kế hoạch Kinh tế) để xây dựngvà điều phối thực hiện chiến lược và các chính sách công nghiệp hóa với tốc độ nhanh dựa trên xuất khẩu, với những bước đi táo bạo trong từng giai đoạn để phát triển nhiều ngành ngành công nghiệp quan trọng, như hóa chất, kim loại màu, thép, máy móc, đóng tàu, điện tử… Chính phủ có sự can thiệp mạnh mẽ và sâu sắc đối với phát triển kinh tế, cụ thể là Nhà nướcsở hữu toàn bộ khối ngân hàng, thay đổi “chiến lược thay thế nhập khẩu” sang “chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu”, tham gia vào thị trường thế giới, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển công nghiệp, tạo ra sự phát triển mang tính bùng nổ.

Hàn Quốc xác định chất lượng thể chế và nguyên tắc thị trường là hai động lực căn bản, tương tác chặt chẽ với nhau, tạo nên động lực phát triển mạnh và bền vững đất nước.

Hàn Quốc lập Ủy ban cải cách hành chính và xác định các chương trình cải cách hành chính là một phần cốt lõi trong nỗ lực cải cách của Chính phủ nhằm đạt được sự phát triển song song của dân chủ và một nền kinh tế thị trường. Tiến hành cải cách cơ cấu cùng lúc trong 4 lĩnh vực: tài chính, doanh nghiệp, lao động, khu vực công, nhằm phát huy tính kỷ luật và hiệu quả của nguyên tắc thị trường và lực lượng thị trường.

Cùng với đẩy mạnh cải cách, tinh giản bộ máy và hoàn thiện cơ chế vận hành của Nhà nước, Hàn Quốc đã rất chú trọng xây dựng và trọng dụng đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia hoạch định chiến lược tài giỏi, tận tụy và tâm huyết với sự phát triển đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Chính thực hiện thành công mô hình NNKHPT, Hàn Quốc trở thành một trong những nước công nghiệp mới của châu Á. Cuối thế kỷ XX, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Singapore(6)

Singapore chính thức giành được độc lập từ năm 1965 với xuất phát điểm là một nước kém phát triển, GDP đầu người dưới 320USD. Singapore phát triển nhanh và trở thành một hình mẫu trong khu vực và thế giới với nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP đầu người đã tăng kinh ngạc. Hiện Singapore đang trong giai đoạn xây dựng theo mô hình quốc gia thông minh – một trong số rất ít nước phát triển đang theo đuổi mục tiêu này.

Để có được những thành tựu đó, Singapore đã xây dựng được một Chính phủ kiến tạo mạnh, thực sự có hiệu quả trên cơ sở xác định chiến lược đúng đắn là: Xây dựngmột chương trình toàn diện về công nghiệp hóa “rút ngắn” dựa vào vốn và các nguồn lực nước ngoài thông qua quá trình hội nhập quốc tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh, trong đó Mỹ và Nhật Bản là hai nước đầu tư lớn nhất.

Mối quan hệ Nhà nước và thị trường được thể hiện rõ ở việc thực hiện nền kinh tế thị trường có hướng dẫn, kiểm soát. Nhà nước có vai trò định hướng, điều tiết quan trọng nhưng không can thiệp vào các hoạt động cụ thể; đề cao tinh thần trách nhiệm của cả Nhà nước và doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất nạn quan liêu, tham nhũng và lũng đoạn của tư bản nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước cũng được quản lý chặt chẽ theo các nguyên tắc thị trường. Singapore là mô hình NNKTPT có nét khác biệt với sự kết hợp hiệu quả thương mại và đầu tư tự do với khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn.

Về tổ chức bộ máy, Singapore đã xây dựng được bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cao với khuôn khổ pháp lý cứng rắn. Việc liên tục cải cách hành chính, hợp lý hóa cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động bằng những giải pháp cải cách quy mô lớn, quan trọng nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, như: áp dụng ISO 9000 trong bộ máy hành chính, cải cách triệt để các thủ tục hành chính; xây dựng chính phủ điện tử và đang bước sang giai đoạn phát triển công dân điện tử; cân bằng việc hợp tác công-tư và tư nhân hóa; đặt việc kiểm soát tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ; tăng sức mạnh cho cơ quan điều tra tham nhũng, đã giúp Singapore đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia nhanh, bền vững.

Về thể chế chính trị, mặc dù Singapore có chính thể đa nguyên, xây dựng theo mô hình dân chủ nghị viện truyền thống của phương Tây nhưng quản trị nhà nước của Singapore không hoàn toàn theo những tiêu chí và những giá trị của phương Tây, mà có sự kết hợp hiệu quả với những giá trị truyền thống, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, nền hành chính chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực và hiệu quả cao, nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức trình độ cao, liêm chính.

Tham khảo kinh nghiệm của Singapore cho thấy một nền hành chính mạnh cần bảo đảm các giá trị sau(7):

– Ý chí chính trị mạnh mẽ và gương điển hình của các nhà lãnh đạo, công chức liêm chính, trung thực;
– Sáng tạo và đổi mới liên tục những cách thức hoạt động của Chính phủ, đưa tinh thần doanh nghiệp vào hoạt động của bộ máy hành chính để đáp ứng yêu cầu phát triển;
– Trọng dụng nhân tài và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân gia nhập lĩnh vực hành chính công, dựa trên việc tuyển dụng công bằng từ trình độ học vấn và kinh nghiệm liên quan;
– Đánh giá kết quả thực thi, cốt lõi là lấy hiệu quả làm thước đo;
– Xếp hạng công chức;
– Học tập liên tục thông qua thựctiễn và đánh giá liên tục để cải tiến;
– Quyết tâm cao trong việc đặt ra và thực hiện những mục tiêu khó khăn.

2. Một số giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Qua tìm hiểu, bước đầu khái quát kinh nghiệm các nước áp dụng thành công mô hình nhà nước kiến tạo như sau:

Một là, phải xây dựng được bộ máy nhà nước tinh gọn, nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; trọng dụng đội ngũ trí thức – chuyên gia thực tài, cán bộ công chức trình độ cao, thực sự liêm chính; xây dựng các thiết chế, cơ chế, chính sách đủ mạnh để chống tham nhũng, hối lộ; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Hai là,vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội (trước hết là các doanh nghiệp) được xác định phù hợp trong từng giai đoạn phát triển. Nhà nước rất coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển. Đồng thời, nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để phát huy các mặt tích cực, hạn chế tác động của những yếu tố không hoàn thiện, tiêu cực của thị trường. Chính phủ coi trọng công cụ kế hoạch hóa gián tiếp trong điều tiết, quản lý phát triển nền kinh tế quốc dân và hoạt động của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Nhà nước phải chủ động xây dựng pháp luật và thúc đẩy xã hội phát triển, trong đó nhà nước phải khuyến khích sự tham gia sâu rộng của các bên chịu tác động vào quá trình soạn thảo văn bản pháp luật.

Ba là,chính phủ tập trung đầu tư cho những ngành công nghiệp then chốt, hỗ trợ phát triển các công ty chủ lực, mũi nhọn; đầu tư phát triển hạ tầng, văn hóa, giáo dục…Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội nhằm tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển bền vững.

Bốn là,nhà nước coi trọng khu vực kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường, coi đây là động lực chính cho sự phát triển nhanh của nền kinh tế. Để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ, nguyên tắc pháp quyền phải được thực hiện đầy đủ; mọi chủ thể phải tuân thủ pháp luật; nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật; văn hóa pháp luật phải được giữ vững; pháp luật phải bảo đảm công lý, tiến bộ, theo đó, pháp luật không được cứng nhắc, bất biến mà phải có sự điều chỉnh, hoàn thiện tương thích với yêu cầu phát triển, năng lực của chủ thể pháp luật và các quan hệ kinh tế – xã hội. Kết hợp và liên kết có hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực trong nước với thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế phải chú ý bảo đảm tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế.

Năm là, chính phủ coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, chuyên gia khoa học – công nghệ, công nhân lành nghề, doanh nhân giỏi. Bên cạnh đó, nhà nước ưu tiên thiết lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; nhà nước tập trung vào xây dựng các thể chế kinh tế hiệu quả, hạ tầng kinh tế – xã hội, thúc đẩy lan tỏa tri thức. Cùng với đó, hệ thống quyền tài sản phải được bảo hộ, trong đó quyền sở hữu tư nhân đối với tài sản hợp pháp phải được công nhận và bảo hộ đầy đủ.

Sáu là, khi trình độ phát triển của đất nước đã đạt tới mức cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, nền kinh tế thị trường phát triển ở trình độ cao, trình độ dân chủ xã hội được nâng cao, thì nhà nước sẽ giảm sự can thiệp trực tiếp vào phát triển kinh tế, vào thị trường; chuyển đổi mạnh các chức năng sang hướng điều tiết gián tiếp và quản lý phát triển sáng tạo.

Xây dựng NNKTPT ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, trong đó chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội. Đặc biệt, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, tạo môi trường công bằng, lành mạnh để các chủ thể kinh tế, xã hội phát huy tốt vai trò của mình. Lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, một nhà nước sẽ xây dựng thành công theo mô hình kiến tạo phát triển nếu tạo dựng và bảo vệ được môi trường cạnh tranh công bằng(8). Tiền đề thành công trong xây dựng và phát triển đất nước chính là giải quyết tốt mối quan hệ giữa hệ thống quản lý xã hội với các nhu cầu của đời sống xã hội, tạo lập được mối liên hệ hiệu quả, tốt đẹp giữa các cấu trúc xã hội và các lực lượng, các bên liên quan trong xã hội để huy động tối đa các chủ thể trong xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển. Do vậy, cải cách thể chế nhằm thực hiện dân chủ và phát triển là một yêu cầu quan trọng cho phát triển đất nước. Theo đó, đảng cầm quyền phải thu hút được cộng đồng tham gia tích cực vào xây dựng và phát triển xã hội. Đó cũng là mục tiêu của việc áp dụng mô hình NNKTPT vào quản trị quốc gia hiện nay.

—————————–

Chú thích:

(1) Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ, http://vijaexpress.com/kinh-te-nhat-ban-giai-doan-phat-trien-than-ky/
(2) Phạm Thị Lan Hương: “Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển của Nhật Bản”, in trong sách Nhà nước  – Lý luận và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr. 286-298.
(3) Iain Pirie: The Korean Developmental State: From dirigisme to neo-liberalism, Published by Routledge, 2008, pp.1
(4) FPB là cơ quan Kế hoạch hoá Trung ương (EPB) bao gồm cả Cục Ngân sách thuộc Bộ Tài chính và Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ nằm trong dinh tổng thống, thường gọi là “Nhà xanh” chỉ đạo mọi hoạt động kinh tế của quốc gia do Phó Tổng thống trực tiếp điều hành.
(5) Hoàng Văn Hiển: Quá trình phát triển xã hội của Hàn Quốc (1961-1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.76.
(6) Tổng hợp theo báo cáo chuyên đề tháng 8-2017 về NNKTPT của Hội đồng lý luận Trung ương.
(7) Tổng hợp theo báo cáo chuyên đề tháng 8-2017 về NNKTPT của Hội đồng lý luận trung ương.
(8) Đinh Minh Tuấn và Phạm Thế Anh: Từ nhà nước điều hành sang NNKTPT, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2016, tr.25

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,