Khủng hoảng thừa dưa hấu, thịt lợn…: Đừng chỉ chê, trách nông dân

Đã mấy năm nay, cứ mỗi khi có loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi nào bế tắc đầu ra: Dưa hấu, gừng, chuối, vải thiều, thịt lợn… trên mạng xã hội, báo chí, nhiều tổ chức, cá nhân lại hô hào kêu gọi, tổ chức các chiến dịch “giải cứu”.

Nhưng dường như giải pháp này đang hoá nhàm và thực sự, nông dân cần những giải pháp căn cơ hơn.

Có thể nói rằng, những phong trào thiện nguyện nhằm giúp người nông dân giảm bớt khó khăn do bế tắc trong tiêu thụ nông sản dư thừa là đáng quý. Trong một số thời điểm, cũng có lúc nó đạt được hiệu quả nhất định. Không chỉ là giúp người dân tiêu thụ được một phần đáng kể lượng hàng tồn đọng mà cũng khiến các Bộ, ngành chịu sức ép nhiều hơn trong việc tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tác động đến các doanh nghiệp đầu mối trong nước: Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp lớn… để hỗ trợ, mở rộng các kênh tiêu thụ nông sản trong nước.

Tuy nhiên, sự gia tăng của tình trạng dư thừa các sản phẩm nông sản: Chuối, gừng, dưa hấu, thực phẩm từ chăn nuôi… trong mấy năm trở lại đây đang cho thấy có nhiều vấn đề khác đang nảy sinh mà chỉ có sự thiện tâm của cộng đồng hay các giải pháp đã trở lên cũ mèm của một số bộ, ngành là không đủ.

Ở một số lĩnh vực, sự dư thừa lượng cung hàng hoá có thể đến từ những cải thiện về công nghệ, giống, năng lực sản xuất trong khi thị trường đầu ra bên ngoài chưa được mở rộng, công nghệ chế biến lại chưa được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ trong nước bão hoà. Điều này có thể thấy với mặt hàng vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương.

Có những sản phẩm dễ tăng cao sản lượng, dễ trồng, người dân một số nơi ồ ạt sản xuất chỉ bán cái mình có mà thiếu quan tâm đến việc cải tiến, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, hình thức sản phẩm của thị trường như dưa hấu đã là một thực tế.

Người ta đã thấy, Trung Quốc- một thị trường tiêu thụ dưa hấu lớn nhất của Việt Nam đã quay lưng với sản phẩm dưa hấu quả quá to, nhạt, cùi dày của một số địa phương như Quảng Ngãi để nhập dưa hấu của Lào, Myanmar kích cỡ nhỏ, chất lượng cao cho thấy sự thất bại về nâng cao chất lượng hàng hoá, tiếp thị của người nông dân Việt Nam, sự bất lực của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ người dân. Và có vẻ như ở đây, các chương trình thiện nguyện kêu gọi “giải cứu dưa hấu” cũng đang trở lên kém thuyết phục.

Thậm chí đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những lời đả kích, chế giễu cho chính các lời kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản như thịt lợn như những lời kêu gọi bằng cả công văn: Toàn quốc ăn thịt lợn, toàn quân, toàn quân, toàn dân ăn thịt lợn… Bởi có những sản phẩm, không dễ dàng thuyết phục người tiêu dùng tiêu thụ nhiều hơn khi chính nó đang trở nên bão hoà. Người ta không thể nào “chén” mãi món thịt lợn từ ngày này qua ngày khác. Và nếu tất cả đều ăn thịt lợn thì các loại thực phẩm khác: Thịt bò, vịt…lại trở lên dư thừa.

Tất nhiên, chế giễu lòng từ thiện thì chẳng bao giờ nên làm. Nhưng kéo dài những chương trình, lời kêu gọi từ thiện phi thực tế cũng là điều chẳng nên làm.

Chê trách, phê phán người nông dân không chịu thay đổi cách thức sản xuất, canh tác là điều cũng nhiều người nói đến. Nhưng đây cũng là điều dễ nói mà dễ bị coi là vô tâm, vô cảm. Bởi thực tế, chính các cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan nhà nước, nơi người dân trả tiền thuế để họ làm việc, hỗ trợ họ trong tổ chức, quy hoạch, phát triển sản xuất mới là những người đáng trách hơn.

Thử hỏi, trong khoảng 2-3 năm qua, khi các cuộc “khủng hoảng thừa”: Vải thiều, dưa hấu, gừng, chuối… và gần đây là thịt lợn xảy ra thì Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ở đâu khi không sớm có những cảnh báo sớm về việc Trung Quốc -thị trường tiêu thụ lớn nhất sẽ đóng cửa, hạn chế nhập khẩu lợn, dưa hấu, vải thiều… từ Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ ở đâu khi không sớm có những hướng dẫn, áp dụng các công nghệ mới về chế biến sản phẩm.

Trên trang web của các Bộ này, rất hiếm các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, đầu ra sản phẩm. Vậy thì, người nông dân trông cậy vào đâu để nắm bắt được nhu cầu, tình hình thị trường để điều chỉnh việc trồng, cấy, chăn nuôi của họ và thông thường, nông dân chỉ nghe, truyền miệng tin về sản phẩm này bán chạy, sản phẩm kia bán chậm trong phạm vi hạn chế và không dễ dàng thay đổi cách thức đó mỗi khi thị trường bên ngoài có biến động lớn.

Do đó, trước sự bế tắc, khó khăn của người nông dân, nếu không giúp họ được bằng việc mua nhiều thêm một trái dưa, vài nải chuối… thì cũng đừng trách họ kém sáng tạo, lười thay đổi…Nên nhớ, những phát minh, sáng chế của những “nhà khoa học chân đất” lâu nay vẫn nhiều, hiệu quả và có tính ứng dụng cao hơn hẳn hàng vạn nhà khoa học, hàng ngàn viện nghiên cứu của Nhà nước. Có trách, hãy trách những bộ, ngành vẫn đang có dấu hiệu đổ lỗi cho nhau là bộ này, bộ kia mới phải chịu trách nhiệm trước nỗi thua thiệt của người nông dân.

Theo MẠNH QUÂN / DÂN TRÍ

Tags: ,