⠀
Không chịu làm việc hết mình – bệnh nan y của nhân viên Việt
Với sự háo hức của tuổi trẻ, công việc trưởng phòng giao trong một tuần anh thường hoàn thành trong hai, ba ngày. Thế nhưng, thay vì được khen ngợi anh lại nhận được những lời nhắc khéo, đại ý: “Làm vừa vừa thôi để người khác còn theo kịp”…
Tôi để ý thấy trên đường phố Sài Gòn có nhiều xác chuột. Chúng thường nằm ở giữa đường và không được quét dọn, thu gom.
Có lần, tôi hỏi một chị lao công ở khu vực quận 3 vì sao xác chuột không được quét đi, chị giải thích do nhân viên chỉ được giao nhiệm vụ quét dọn khoảng 2/3 phần đường (tính từ vỉa hè ra) nên họ thường không quét hết cả lòng đường.
Giám đốc một công ty dịch vụ công ích xác nhận với tôi, đúng là có quy định như trên vì lý do an toàn, nhưng theo anh nếu làm việc với lòng nhiệt tình thì người công nhân chỉ cần với thêm vài đường chổi, xác chuột giữa đường sẽ biến mất.
Câu chuyện làm tôi nhớ đến hình ảnh một công nhân vệ sinh ở tàu điện ngầm Tokyo khi tôi có dịp đến Nhật cách đây không lâu. Hôm đó, trời đã chập choạng tối nhưng tôi thấy chị công nhân vẫn nhẫn nại luồn giẻ lau, tỉ mẩn chùi sạch cả những góc khuất nơi cầu thang. Nếu chị không lau, chắc cũng chẳng mấy ai nhìn thấy những vết bẩn này.
Tôi hỏi một người bạn có nhiều năm làm việc cho một công ty của Nhật, điều gì tạo ra sự khác biệt giữa hai công nhân vệ sinh trong câu chuyện trên, anh nhận định: Đa phần người Việt làm cho các công ty trong nước thường không hết mình với công việc.
Anh bạn tôi dẫn chứng bằng câu chuyện của chính mình. Khoảng 15 năm trước, sau khi tốt nghiệp (ĐH Bách Khoa TP HCM), ra trường, anh được nhận vào một công ty xây dựng lớn của nhà nước. Lúc đó, với sự háo hức của tuổi trẻ, công việc trưởng phòng giao trong một tuần anh thường hoàn thành trong hai, ba ngày. Thế nhưng, thay vì được khen ngợi anh lại nhận được những lời nhắc khéo, đại ý: “Làm vừa vừa thôi để người khác còn theo kịp”…
Sau đó, do thấy không phù hợp với môi trường làm việc như thế, bạn tôi bỏ công ty nhà nước ra làm cho một công ty của Nhật (có trụ sở tại TP HCM) với mức cao hơn gấp chục lần. Và để có mức lương cao như thế anh phải làm việc với công suất gấp nhiều so với trước kia.
Trong những lần có dịp trò chuyện với các chuyên gia về tuyển dụng nhân sự, tôi cũng nêu thắc mắc, tại sao tư chất của người Việt không kém gì so với các nước trong khu vực nhưng năng suất lao động lại thấp hơn họ hàng chục lần. Nhiều chuyên gia lý giải, một trong những nguyên nhân là tâm lý “làm việc không hết mình”.
Trên thực tế, không ít nhà tuyển dụng trong nước vẫn quen với tư duy “thuê nhân công giá rẻ” nên người lao động cũng làm việc với tâm lý “tiền nào của nấy”. Câu chuyện cứ lòng vòng, luẩn quẩn mãi: Nhà tuyển dụng muốn người lao động phải làm việc hết mình thì mới trả lương cao, còn người lao động thì muốn được trả lương cao rồi mới làm việc hết mình…
Nếu cả năm họ làm việc với tâm thế không hết mình, thì đến cuối năm, một tâm thế thường trực khác lại xuất hiện – “so sánh lương thưởng Tết” và sẵn sàng “tỏ thái độ bất bình” với mức thưởng của mình mà không suy xét nguyên nhân.
Thưởng Tết không phải là hoạt động từ thiện. Đó là một cách ghi nhận, đánh giá những đóng góp của người lao động suốt một năm trời. Tôi tin các ông chủ luôn đủ sáng suốt để chia thưởng sao cho hợp lý, công bằng nhằm khuyến khích người lao động.
Nên nếu bạn chưa nỗ lực, đừng mong chờ “phép màu” đến vào dịp cuối năm. Bởi sếp của bạn không phải và không nên là ông Bụt.
Theo TRUNG THANH / VNEXPRESS
Tags: Lao động - việc làm, Quản trị, Công sở