Khi tham nhũng trở thành một thứ ‘văn hóa đại chúng’

Khi số đông còn tắc lưỡi với tham nhũng nhỏ, coi chuyện “ăn” cái kim sợi chỉ là một thứ cảm thông được, thì chắc chắn vẫn sẽ còn những ụ nổi gỉ sét của Vinalines, những hợp đồng Xây dựng – chuyển giao bán đất như cho.

Khi tham nhũng trở thành một thứ ‘văn hóa đại chúng’

Năm 2011, tôi làm quen Ustadh Kapchanga, cậu phóng viên người Kenya tại một hội thảo quốc tế. Kenya khi ấy đang trải qua tình trạng rối ren về chính trị. Sự phản ứng với kết quả bầu cử và cáo buộc tham nhũng dẫn đến bạo loạn và nội chiến. Đó là hệ lụy khiến giới quan sát bàng hoàng, bởi trước đó Kenya là một trong những quốc gia có thành tích kinh tế ấn tượng nhất châu Phi.

“Một đất nước mà ai cũng muốn có phần ăn chia thì kết quả không thể nào khác được”, nhún vai, Ustadh bi quan về quê hương của mình. Anh nghĩ khi thói quen tham nhũng được mọi người đều coi là bình thường, thì tệ nạn này khó mà giải quyết rốt ráo.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh vấn đề chống tham nhũng ở các quốc gia đang phát triển. Khi đó ở Việt Nam, sai phạm của những Vinashin, Vinalines bắt đầu được đưa ra công luận.

Trước khi chào tạm biệt để đến với bữa tối, cậu nhắc tôi hãy đọc thêm cuốn “Đến lượt chúng ta ăn” – It’s our turn to eat – của Michela Wrong. Cuốn sách về nạn tham nhũng ở Kenya đã bán rất chạy.

Như một câu chuyện trinh thám, cuốn sách kể về quá trình một người tố giác chạy trốn khi đưa ra ánh sáng câu chuyện chính quyền ăn rơ với một doanh nghiệp ma để mua dịch vụ mức giá trên trời. Mỗi năm, chính phủ Kenya dành 15% chi tiêu công để mua dịch vụ chỉ định từ công ty này, tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Tuyệt vọng hơn, đó lại chính là não trạng của tất cả phe phái khi lên nắm quyền: bây giờ đến lượt chúng ta ăn. “Mục tiêu” đó làm tê liệt mọi cơ chế kiểm soát tham nhũng, bởi bất kì ai cũng chỉ mong nắm giữ vị trí quyền lực để kiếm lợi cho bản thân, thay vì phụng sự người dân.

Tôi lướt qua cuốn sách đó, rồi quên bẵng đi trước những bận tậm khác. Tôi chỉ chợt nhớ lại cái nhún vai chán chường của Ustadh khi theo dõi kết luận của các ủy ban kiểm tra Trung ương và địa phương trong thời gian gần đây. Không phải sai phạm “rất nghiêm trọng” nào cũng trở thành một vụ án hình sự và tạo ra một bị can tham nhũng; nhưng hiếm khi nào từ khóa “tài sản công” tạo ra những liên tưởng tiêu cực như hiện nay.

Lý giải động cơ sai phạm là không dễ dàng. Những người trước khi giữ chức vụ lãnh đạo đều phải kinh qua những thử thách ngặt nghèo, luân chuyển liên tục ở nhiều vị trí. Theo sơ yếu lý lịch, họ đều là những cán bộ tốt, có năng lực, có đạo đức, tận tâm với công việc. Hẳn nhiên ngay từ đầu họ không phải những lãnh đạo kém phẩm chất. Vậy điều gì đã “tha hoá, biến chất” họ khi được nắm trong tay quyền quyết định với tài sản công?

Hãy ngược dòng thời gian một chút để quay về thời kỳ bao cấp. Những ai từng trải qua giai đoạn này có lẽ đều nhớ cụm từ viết tắt “CCCP” – chỉ Liên bang Xô viết, quốc gia tài trợ chính cho Việt Nam trong giai đoạn khó khăn. Dần dần, “được Liên Xô tài trợ” trở thành lý do biện minh cho việc lãng phí của công, bòn rút tài sản nhà nước, từ cân đường hộp sữa cho đến vài mét vải, bởi tâm lý “dù sao Việt Nam cũng đâu mất gì”. CCCP được nhiều người từng đọc là “của chùa cứ phá”.

Thời bao cấp đã lùi về quá vãng, Liên Xô đã sụp đổ, nhưng “tâm lý CCCP” thì không dễ xoá bỏ. Nó tầm thường hoá tham nhũng, dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn, và khiến nhiều người nghĩ rằng bòn rút một phần của chung là chấp nhận được. Từ cô kế toán khai khống lên vài chục nghìn khi mua văn phòng phẩm, người thợ xây mua thêm vài hòn gạch để sửa chái bếp sau nhà, cho đến chị thư ký gật đầu với vé máy bay giá đắt ở phòng vé quen để nhận khuyến mãi spa. Tất cả đều nghĩ “giờ đến lượt tôi được ăn”.

Quá trình “của công cứ phá” được thực hiện theo hai phương thức phổ biến. Tài sản của nhà nước, điển hình là đất đai, được bán rẻ cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, khi nhà nước đứng ra mua tài sản hoặc dịch vụ, mua ụ nổi hoặc công ty tư nhân, nó lại được định giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế. Mua đắt – bán rẻ là một cặp phạm trù không thể tách rời trong việc hình thành tham nhũng.

Trên thực tế, như những ví dụ nêu trên, gần như bất kỳ công chức nào cũng có thể thực hiện được hành vi bòn rút nếu nảy sinh tà ý. Sẽ không có hình thức quản trị nào hiệu quả cả: làm sao tạo ra một hệ thống kiểm soát từng ly từng tý hàng triệu cán bộ nhà nước?

Hành vi này làm sao để mất đi, nếu thái độ kiểu bao cấp với tham nhũng vẫn tồn tại như một văn hóa phổ biến ở môi trường công, khi tham nhũng vặt dưới mọi cấp độ chưa được đồng loạt tẩy chay như một hành vi không thể chấp nhận – dù chỉ là vài chục ngàn đồng tiền mực in cho đến những khoản chi tiền tỷ. Khi số đông còn tắc lưỡi với tham nhũng nhỏ, coi chuyện “ăn” cái kim sợi chỉ là một thứ cảm thông được, thì chắc chắn vẫn sẽ còn những ụ nổi gỉ sét của Vinalines, những hợp đồng Xây dựng – chuyển giao (BT) bán đất như cho.

Chúng ta đã bàn nhiều về các thiết chế chống tham nhũng, các cơ chế giám sát bằng pháp luật, nhưng dường như nền giáo dục và các thảo luận xã hội chưa bàn đủ nhiều, về một thái độ với tham nhũng. Ngay dưới bài viết này, tôi tin rằng bất kỳ ai cũng có thể gọi tên một hành vi “CCCP” nhỏ nhặt, bị bỏ qua dễ dàng trong xã hội chúng ta.

Theo NGUYỄN KHẮC GIANG / VNEXPRESS (2018) 

Tags: ,