Khi ‘Tây’ và ‘ta’ cùng ‘học’ nhau cách né cảnh sát giao thông khi vi phạm

Nhiều người nước ngoài thường phán xét về thói quen lưu thông trên đường của người Việt. Và họ bỏ quên hết chúng ở quê nhà để “nhập gia quá tuỳ tục” khi sang Việt Nam.

Bài viết của tác giả Simon Stanley, cây viết tự do chuyên các vấn đề thời sự, văn hóa và lịch sử, sống và làm việc tại TP.HCM từ năm 2014. Một số tác phẩm của Stanley được dịch sang tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italy. Anh cũng từng góp mặt trong vài tập phim của series nổi tiếng Somebody Feed Phil trên Netflix có bối cảnh quay ở TP.HCM.

Thử nhìn quanh các khu vực tập trung người nước ngoài tại TP.HCM như Thảo Điền, bạn có thể nghĩ rằng đội mũ bảo hiểm không phải là quy định bắt buộc.

Với trải nghiệm và ý thức sâu sắc về an toàn đường bộ – hầu hết đều lĩnh hội được từ khi còn trẻ, tôi luôn “chướng mắt” mỗi khi thấy những người nước ngoài như mình đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm.

Từ đầu tháng 8/2019, TPHCM ra quân cao điểm xử phạt người nước ngoài vi phạm luật giao thông, với mục đích “hướng dẫn” các công dân ngoại quốc những quy tắc giao thông đường bộ Việt Nam.

Gần kết thúc tháng đầu tiên của “chiến dịch”, du khách và người nước ngoài không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy dường như là vi phạm phổ biến và cũng dễ phát hiện nhất.

Có những vi phạm giao thông rất sơ đẳng mà người nước ngoài đừng mơ có thể ngang nhiên vi phạm ở quê nhà. Vậy thì tại sao ở Việt Nam lại mang đến cho họ cảm giác “bất khả xâm phạm”, muốn làm gì cũng được?

Gạt nguy cơ chấn thương sọ não và thân thể sang một bên, những người này có khả năng phải thanh toán 100% viện phí, thuốc men nếu công ty bảo hiểm nghi ngờ họ đi xe không đội mũ bảo hiểm (hoặc không xuất trình được giấy phép lái xe).

Rốt cuộc là vì sao mà họ vẫn ngang nhiên phạm luật, kể cả những việc đơn giản nhất như đội mũ bảo hiểm? Do kiểu tóc của họ quá cầu kỳ? Hay họ cho rằng những thứ có được sẽ quan trọng hơn cái mất đi?

Lúc còn ở quê nhà, người nước ngoài thường rất hay phán xét về thói quen lưu thông trên đường của người Việt và nói nhiều về ý thức của mình.

Ví dụ, trước khi đến đây, họ thường thắc mắc, hay nói đúng hơn là chê trách, là sao người Việt lại có thể suy nghĩ sai lầm rằng mũ bảo hiểm cản trở sự phát triển não bộ của trẻ em, hoặc bằng cách nào đó có thể làm hỏng cổ chúng vì quá nặng?

Rồi từ đó, họ nói về việc mình luôn mang theo chiếc mũ bảo hiểm “xịn”; luôn thắt dây an toàn khi ngồi trong ôtô, hoặc không cho con nhỏ ngồi trên xe máy…

Thế rồi khi sang Việt Nam, tất cả những sự phán xét và ý thức đó đều được người nước ngoài để lại hết ở quê nhà. Đột nhiên họ lại phạm đúng những điều mà mình vẫn thường chỉ trích.

Vì sao? Đó vẫn mãi là một câu hỏi chưa có lời đáp đối với tôi.

Có thể điều đó bắt nguồn từ sự châm chước của cảnh sát giao thông tại Việt Nam? Và cũng rất có thể, xuất phát từ sự “nhập gia quá tuỳ tục” của không ít người nước ngoài.

Rõ ràng, khi nhìn thấy người Việt lái xe mà không đội mũ bảo hiểm, một số người nước ngoài cũng cho phép mình được cẩu thả như vậy. Nó cũng cho phép những người này lờ đi bản năng của mình và chấp nhận rủi ro – điều mà họ thường chẳng bao giờ làm.

Ở chiều ngược lại, một số người Việt cũng dùng cái cớ “Tây đã vậy thì ta cũng thế” để bao biện cho những vi phạm của mình.

Lấy ngay ví dụ chuyện lợi dụng rào cản ngôn ngữ. Đã từ lâu, du khách và cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam truyền tai nhau: Do rào cản ngôn ngữ, “ngại” không giao tiếp được bằng tiếng Anh, cảnh sát thường ngó lơ các lỗi vi phạm của người nước ngoài.

Và theo nhiều năm, điều này trở thành “thẻ bài miễn trừ” khi lưu thông trên đường cho nhóm người này trước cảnh sát giao thông.

Trong nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát đã tìm giải pháp cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh trong đội ngũ của mình. Thế nhưng, khi ngày càng có thêm nhiều cảnh sát có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, người nước ngoài đột nhiên thay đổi “chiến thuật” – họ giả bộ chỉ biết nói tiếng Pháp, Đức hoặc thậm chí “sáng chế” ra một ngôn ngữ nào đó.

Một bộ phận người Việt cũng tận dụng tối đa “thẻ bài miễn trừ” này khi giả vờ là người Séc hoặc công dân một quốc gia xa xôi lạ hoắc nào, nói một thứ tiếng không ai hiểu khi bị cảnh sát tuýt còi hòng có thể thoát thân.

Thế là vô hình trung một vòng luẩn quẩn được hình thành: Dân địa phương và người nước ngoài có lẽ là che đậy cho nhau, bắt chước hành vi của nhau và chấp nhận sự phi logic đó.

Trước đây, cảnh sát giao thông thường bị nói là quá châm chước, dễ dãi với vi phạm của người nước ngoài trong khi lại cực kỳ xét nét với những vi phạm nhỏ nhất từ người Việt. Đợt ra quân xử phạt lần này cho thấy quyết tâm thay đổi thiên kiến đó.

Thế nhưng, những động thái mang tính “chiến dịch” thường có xu hướng đẩy sự việc theo chiều hướng cực đoan khác. Điều cần tránh của những cuộc “ra quân” như thế này là tạo một ấn tượng không hay trong cộng đồng người nước ngoài và du khách là nó chỉ nhắm vào những vi phạm của họ.

Phạt thật nặng những người nước ngoài phạm luật để họ nhớ là cần thiết. Năm 2018, Malaysia đã cảnh báo người nước ngoài lao động và sinh sống tại nước này rằng họ có thể bị trục xuất nếu thường xuyên vi phạm luật giao thông địa phương.

Các vi phạm giao thông thường gặp gồm chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lái xe không có giấy phép và không đóng thuế đường bộ. Động thái này nhằm nâng cao nhận thức của người nước ngoài về việc tuân thủ luật giao thông của Malaysia.

Tôi nhận thấy trong nhiều vấn đề, Việt Nam hay học tập cách “từ bên ngoài” và trong một số trường hợp, những cách đó thường được coi là ổn hơn.

Cũng hợp lý thôi. Ở bất kỳ quốc gia đang phát triển nào, mọi người sẽ kỳ vọng học được ít nhiều từ các quốc gia phát triển và công dân của họ theo một cách nào đó – từ kỹ thuật, thời trang đến văn học, âm nhạc hay quy ước xã hội.

Tất nhiên, tôi không nói là mình tới đây để dạy đời ai. Tôi không có tư cách làm việc đó; cũng không phải là anh chàng da trắng đứng bên lề đường la hét về “cách” lái xe đúng (và chúng ta đều từng thấy một anh chàng như vậy rồi mà, nhỉ?).

Tuy nhiên, tôi cũng chắc chắn cũng không ở đây để hợp pháp hóa những gì mình và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biết là vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết và nguy hiểm khi lưu thông trên đường.

Để tạo điều kiện cho “Tây” không mượn cớ bắt chước “ta” khi nói đến ý thức an toàn giao thông, Việt Nam cần những chương trình giáo dục dài hạn, hiện đại hóa hơn là những biện pháp ép buộc ngắn hạn, mang tính thời vụ cũ kỹ.

Đây là một “chiến dịch” cần diễn ra trong các gia đình, trường học, văn phòng, công sở và có lẽ trong cả chính lực lượng cảnh sát. Đây là một “chiến dịch” không thể chỉ diễn ra trên đường phố, hời hợt rồi thôi.

Giống như “cuộc chiến” dẹp vỉa hè, đừng để nó chỉ mang tính phong trào, hình thức. Một “chiến dịch” như vậy sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,