⠀
Khi nền giáo dục trở thành nơi ươm mầm tham nhũng
Một đứa trẻ biết ngôi trường hôm nay không đến từ thành tích học tập mà vì đồng tiền chạy chọt của cha mẹ, lớn lên sẽ dễ dàng đồng thuận, dung dưỡng và tham gia hành vi hối lộ như một phần tất yếu của cuộc sống.
Bài viết của Giáo sư Dennis McCornac, hiện là giảng viên kinh tế của Đại học Loyola Maryland (Mỹ) và sắp chuyển sang công tác tại Đại học Georgetown (Doha, Qatar) trong mùa hè này. Ông có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, đặc biệt là đề tài tham nhũng trong lĩnh vực này. Ông từng giảng dạy trên 10 năm tại Nhật Bản và 8 năm tại Việt Nam. Ông nguyên là học giả Fulbright tại Việt Nam. Hiện nay, đề tài nghiên cứu chính của Giáo sư McCornac tập trung vào công nhân di trú tại Nhật Bản và giáo dục ở các nước đang phát triển.
Mỗi lần trở lại Việt Nam vào mùa hè, hình ảnh luôn khiến tôi nhớ nhất luôn là cảnh phụ huynh chờ đón con trước các điểm thi.
Cha mẹ ngồi bên ngoài cho đến khi con mình làm xong bài, bất kể trời nắng gay gắt hay mưa xối xả. Vẻ bồn chồn, lo âu và căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt của phụ huynh. Họ tán gẫu, làm quen với nhau, có người còn áp sát mặt vào cổng trường. Dường như, họ hy vọng nhác thấy chút hình ảnh của con mình trong đó.
“CHUẨN MỰC” ĐÁNG QUAN NGẠI
Dù ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, không cha mẹ nào không muốn con mình được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất có thể. Ở Việt Nam, nhu cầu này ngày một trở nên bức thiết hơn khi thu nhập người dân cải thiện, đời sống nâng cao. Giáo dục được coi là chìa khóa quan trọng để bước vào tương lai.
Cha mẹ Việt thậm chí, không như ở nhiều nước khác, còn sẵn sàng đánh đổi tất cả cốt chỉ để con mình không thua kém bạn về học vấn. Tôi vẫn còn nhớ như in giải thích của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về vấn đề này: “Cha mẹ Việt có thể hy sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học… Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có thể có nhưng ở các nước châu Âu chắc không có”.
Có thể đúng là vậy, nhưng sự hy sinh của cha mẹ Việt diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác. Ở Mỹ hay các nước có nền giáo dục tiên tiến, cha mẹ có thể không tiếc tiền cho chuyện học hành của con, nhưng với tâm thế chi nhiều để an tâm hơn về chất lượng. Thế nhưng, đối với nhiều phụ huynh ở Việt Nam, họ bỏ tiền ra chỉ để mua cảm giác tạm yên tâm khi con mình được vào trường được xem là có chất lượng.
Với tâm thế đó, đầu tư của phụ huynh Việt cho con nhiều khi đồng nghĩa sự dung dưỡng hành vi sai trái, tham nhũng trong ngành giáo dục. Không có gì thể hiện rõ điều này bằng hiện tượng đến hẹn lại lên, tiếp tục diễn ra ở Việt Nam: Chạy trường.
Cách đây 5 năm, tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc báo cáo của tổ chức Transparency (của tác giả Stephanie Chow và Đào Thị Nga) về hiện tượng chạy trường, lớp ở Việt Nam. Trong đó, có cha mẹ không ngần ngại chi 3.000 USD để con mình vào được trường tiểu học danh tiếng.
Dẫn một nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Thanh tra Chính phủ vào năm 2010, báo cáo trên chỉ ra rằng: 67% phụ huynh xem việc gia đình phải tốn thêm chi phí để con cái được nhận vào trường tốt là bình thường, kể cả các trường mà con em họ thuộc diện đúng tuyến.
Báo cáo cũng trích lời một phụ huynh cho rằng mức chi phí 1.000 USD để được nhận vào trường tiểu học hàng đầu là “hợp lý” và “chấp nhận được”, bởi “mong muốn con cái được giáo dục tốt là bình thường” và “gia đình nào cũng mong con em mình học tập tại trường danh tiếng”.
Tôi đặc biệt quan tâm đến một nguyên nhân cơ bản đằng sau nhu cầu trên là sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục công ở Việt Nam.
Năm nay, với những gì theo dõi trên báo chí, hiện tượng chạy trường lại tiếp tục diễn ra. Hoàn toàn có thể khẳng định: Chạy trường, một hiện tượng bất thường và sai trái, ngày càng được coi là “bình thường”, “chuẩn mực xã hội” trong tâm thức của nhiều cha mẹ Việt.
Như nghiên cứu của UNDP Việt Nam và Thanh tra Chính phủ đã cho thấy: “Một khi phụ huynh tham gia vào hành vi này, họ rất muốn lôi kéo những người khác hành động tương tự”, có nghĩa là càng nhiều phụ huynh “tham gia, xu hướng càng phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó tạo áp lực lớn hơn cho phụ huynh không theo ‘luật chơi’ này”, dẫn tới một vòng tròn luẩn quẩn rất khó tháo gỡ”.
Một sự “bình thường” cực kỳ đáng quan ngại.
DUNG DƯỠNG CÁI XẤU NGAY TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
Theo lý thuyết thông thường, tham nhũng trong tuyển sinh làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và từ đó tước bỏ cơ hội được học hành của trẻ em nghèo.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra ở Bangladesh, nơi hiện tượng chạy trường cũng phổ biến, các hộ nghèo sẵn sàng chi tiền để con họ được vào trường như mong muốn hơn. Họ chấp nhận hy sinh những khoản chi khác để bảo đảm con mình không bị mất cơ hội học hành.
Có nhiều lý do để tôi tin rằng cha mẹ Việt sẽ chọn cách giải quyết như ở Bangladesh: Dù gia cảnh có khó khăn đến mấy, nếu bị đặt vào tình thế phải chi tiền để chạy trường cho con, họ vẫn chấp nhận chung chi và cắt giảm các khoản chi tiêu thiết yếu khác của gia đình.
Điều này làm bất bình đẳng xã hội ngày một nghiêm trọng khi người nghèo chịu thiệt thòi nhiều hơn: Vì chấp nhận dung dưỡng cho tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, họ sẽ càng khó thoát nghèo hơn.
Khi người dân càng chịu đựng tham nhũng, lòng tin của họ với hệ thống giáo dục sẽ giảm. Kết quả cụ thể từ những lần giáo dục Việt Nam cải cách hết lần này đến đợt khác vẫn chưa thấy đâu, lòng tin của người dân vào hệ thống đã suy giảm. Đây là điều không nhà quản lý hay làm chính sách giáo dục nào muốn thấy.
Thế hệ trẻ sẽ chịu những hệ lụy nặng nề nhất của hành vi tham nhũng trong giáo dục. Nhà nghiên cứu nổi tiếng David Chapman đã chỉ ra rằng khi con trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường mà chúng được chứng kiến và tin rằng nỗ lực, tài năng cá nhân không có nghĩa lý gì, thành công chỉ đến với những ai giỏi thao túng, luồn lách, đưa hối lộ, đó là lúc nền tảng xã hội sẽ bị lung lay dữ dội.
Một đứa trẻ biết ngôi trường hôm nay không đến từ thành tích học tập mà vì đồng tiền chạy chọt của cha mẹ, lớn lên sẽ dễ dàng đồng thuận, dung dưỡng và tham gia hành vi hối lộ như một phần tất yếu của cuộc sống.
Khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào thập niên 1990, tôi thường xuyên phàn nàn về thái độ lái xe bất cẩn của tài xế. Câu trả lời tôi thường nhận được là: “Việt Nam mà” như thể đó là một phần tất yếu. Nhưng rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp nghiêm minh hơn.
Hiện nay, khi nói đến văn hóa chung chi, thái độ của mọi người vẫn còn là “Việt Nam mà”. Sẽ rất trớ trêu nếu có thêm những công dân trẻ có thái độ sống như thế và sẽ càng trớ trêu hơn nếu môi trường giáo dục lại chính là nơi dung dưỡng cho nếp nghĩ ăn sâu đó.
BIỂU HIỆN CỦA MỘT HỆ THỐNG NHIỀU LỖ HỔNG
Tuy nhiên, sẽ rất thiếu công bằng nếu chỉ đổ trách nhiệm lên các bậc cha mẹ. Tham nhũng trong giáo dục, cho dù có là người chung chi hay nhận tiền, xét cho cùng cũng đều là biểu hiện của một hệ thống còn nhiều lỗ hổng.
Tham nhũng có thể hoành hành là do xuất phát từ người trong ngành giáo dục đã lợi dụng vị trí, quyền lực và tâm lý của các bậc cha mẹ để trục lợi. Khắc phục lỗ hổng này cần phải tăng cường công cụ luật pháp để giám sát tối đa vai trò, trách nhiệm của những “người gác cổng” như thế.
Cần phải đưa vào luật những định nghĩa cũng như biện pháp trừng phạt cụ thể, rõ ràng hơn đối với hành vi tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Năm 2014, để đối phó vấn nạn tương tự, Trung Quốc tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường giám sát hoạt động lãnh đạo các trường, cũng như trừng phạt mạnh tay hành vi tham nhũng.
Tuy chiến dịch này dẫn đến nhiều vụ bắt bớ, đến nay vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy hiện tượng chạy trường “hạ nhiệt” tại Trung Quốc. Chỉ ra điều đó, tôi hoàn toàn không nhằm mục đích hướng tới sự vô vọng trong việc khắc phục vấn nạn này. Trái lại, nó cho thấy cần một ý chí, quyết tâm rất lớn để có thể giải quyết triệt để. Và không phải chỉ trong ngày một ngày hai.
Công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam đang tạo được hiệu ứng rất tốt cả trong lẫn ngoài nước. Giải quyết tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục cần trở thành ưu tiên, vì sự ảnh hưởng sâu rộng của vấn nạn này.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là cần khôi phục lòng tin của người dân, trước khi quá muộn, về chất lượng của hệ thống giáo dục. Đồng ý là ngày càng có nhiều cha mẹ gửi con mình du học, nhưng đó không phải phương án cho đa số người Việt. Đừng để người dân cứ tiếp tục mệt mỏi và vô vọng vì quá nhiều hô hào cải cách giáo dục.
Thế nhưng, cũng không thể không nhắc đến thái độ chịu đựng và tham gia vào việc chạy trường của cha mẹ. Chúng cần phải được chấm dứt. Hơn ai hết, phụ huynh cần nhận thức rõ rằng: Những hành vi tưởng là làm tất cả cho con ngày hôm nay sẽ vô hình trung gây hại cho con mình và cả xã hội về sau.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN (2018)
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Giáo dục