Khi karaoke trở thành vấn nạn xã hội

Trong số các loại hình ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thì “ô nhiễm tiếng ồn” dường như đang chưa được nhận thức đầy đủ, so với ô nhiễm không khí hay nguồn nước vốn luôn là chủ đề nóng.

Khi karaoke trở thành vấn nạn xã hội

Hơn 70 ha, công viên Bình Dương khiến tôi liên tưởng đến những công viên thênh thang xanh mướt bóng cây ở các thành phố giàu có trên thế giới mình từng qua.

Tôi hay tin công viên Thành phố mới Bình Dương được xây dựng theo tiêu chuẩn Singapore đã lâu, nhưng gần đây mới có dịp cùng bạn bè đến điểm vui chơi nổi tiếng hấp dẫn và lãng mạn này. Với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp, trong lành và hạ tầng hiện đại, tinh tế, công viên Bình Dương thu hút lượng khách không hề nhỏ, nhất là vào cuối tuần hay các dịp lễ, tết.

Thế nhưng, khi vào bên trong, cứ 10 – 15 m, tôi và bạn bè mình lại bắt gặp một chiếc loa thùng phát hết công suất và những bạn trẻ thỏa sức thể hiện giọng hát đủ mọi cung bậc. Với “đặc sản” này, nơi đây có thể đổi tên thành “công viên karaoke” cũng phù hợp. Tôi cảm thấy thật khó để tìm một chốn nghỉ chân và tận hưởng ngày cuối tuần trọn vẹn bên bè bạn trong hoàn cảnh này.

Khi mới du nhập vào Việt Nam thập niên 1990, karaoke chỉ có thể tìm thấy tại các quán kinh doanh loại hình này. Người ta hẹn nhau vào quán karaoke trong những ngày vui, ngày lễ và xem đó là những dịp quý báu để họp mặt và hát cho nhau nghe.

Karaoke thuở ấy là một hoạt động giải trí được yêu thích, phổ biến ở mức độ vừa phải. Ngày nay, từ thành phố đến thôn quê, từ xa lộ thênh thang đến những con hẻm chật chội, đâu đâu ở Việt Nam người ta cũng có thế bắt gặp các nhóm karaoke. Chỉ cần một chiếc loa thùng dùng pin, một micro không dây, một vài người cũng có thể “sánh ngang” cả dàn nhạc sống. Mọi người ca hát bất chấp thời gian, địa điểm; hát ngay trước nhà, trong góc phố, trong công viên, nơi bờ kè, trong quán nhậu, hay ngay giữa lòng đường.

Một bức tranh méo mó về karaoke đang dần trở nên quen thuộc. Khi âm thanh quá cỡ của chiếc loa thùng được bật lên, những ca sĩ bất đắc dĩ đã để sở thích riêng làm phiền đến cộng đồng. Bên cạnh dàn âm thanh tại gia truyền thống, sự ra đời công nghệ loa bluetooth, hay loa thùng, loa “kẹo kéo” đã biến karaoke thành một quốc nạn lan khắp hang cùng, ngõ hẻm.

Tôi hiểu rằng sinh hoạt cộng đồng là một phần văn hóa Á Đông, và rất khó ngăn người Việt tụ tập ca hát vui chơi theo hình thức ấy. Nhưng khi cuộc sống thay đổi từng ngày, những sinh hoạt làng xã ngày càng hẹp lại, không gian riêng tư cần được tôn trọng hơn thì sự đòi hỏi về ý thức tôn trọng người khác sẽ được đặt ra.

Trong số các loại hình ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thì “ô nhiễm tiếng ồn” dường như đang chưa được nhận thức đầy đủ, so với ô nhiễm không khí hay nguồn nước vốn luôn là chủ đề nóng.

Người phương Tây có câu “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”. Nếu chúng ta ý thức được cái chưa tốt nhưng không tìm cách giải quyết thì chính là tiếp tay cho nó. Trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật là công cụ đầu tiên cần được sử dụng để duy trì một xã hội văn minh, trật tự. Tuy nhiên, pháp luật quy định về tiếng ồn ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập trong khi quốc nạn karaoke đang góp phần làm giảm chất lượng cuộc sống của người Việt.

Điều 7, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cấm những hành vi “gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Quy chuẩn này “cho phép ở 70 dBA từ 6h đến 21h và 55 dBA từ 21h đến 6h ở khu vực dân cư thông thường”. Theo đó, khi có sự việc ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng cộng đồng, cả người dân và chính quyền địa phương không thể xử lý mà chỉ có thể nhắc nhở vì làm gì có máy đo đạc  để biết độ ồn đang ở mức 70 dBA hay 55 dBA.

Vậy quy định pháp luật về tiếng ồn cần phải thay đổi như thế nào? Hãy tham khảo quy định về tiếng ồn của bang Victoria, Australia. Luật ở đây quy định rõ khung giờ cố định tuyệt đối cấm tiếng ồn. Ví dụ, tất cả tiếng ồn âm nhạc các ngày trong tuần bị tuyệt đối cấm từ 22h đến 7h. Ngoài khung giờ trên, tiếng ồn ở bất kỳ thời điểm nào khác trong ngày, nếu có thể nghe được bằng tai người và làm phiền đến người khác đều là vi phạm và cần phải xử lý.

Quy định trên cho thấy nếu tiếng ồn có thể nghe thấy được bằng tai người và làm người khác cảm thấy phiền thì đã có thể xử lý mà không cần đo lường thêm. Pháp luật chỉ cần đơn giản như vậy sẽ tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với việc thực thi.

Trong khi chờ đợi luật được sửa đổi, tôi chỉ dám trông chờ vào ý thức của những người sống quanh mình. Không ai được phép tước đi quyền được hát của bạn những bạn hãy hát cho chính bạn, trong phạm vi không gian bạn sở hữu. Bạn cũng không có quyền để tiếng hát của mình xâm phạm gia cư người khác và buộc người khác phải chịu ảnh hưởng trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư.

Theo NGUYỄN THỊ HỒNG / VNEXPRESS

Tags: ,